Đặc điểm phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè bền vững trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 28 - 32)

Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Cơ sở lý luận về phát triển

1.1.3. Đặc điểm phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững

1.1.3.1. Là cây công nghiệp dài ngày

Cây chè là loài cây mà lá và chồi của chúng được sử dụng để sản xuất chè. Chè là loại cây xanh lâu năm được mọc thành bụi hoặc các cây nhỏ, thông thường được xén tỉa thấp hơn 2m khi được trồng để lấy lá. Lá chè có chiều dài từ 4 - 15cm, lá non có màu xanh lục nhạt, lá già có màu lục sẫm. Các độ tuổi khác nhau của lá chè tạo ra các sản phẩm chè khác nhau về chất lượng do thành phần hóa học trong các lá này là khác nhau. Thông thường, chỉ có lá chồi và 2 đến 3 lá mọc gần thời gian đó được thu hoạch để chế biến. Việc thu hoạch thủ công bằng tay diễn ra đều đặn sau khoảng 1 đến 2 tuần.

Chè là cây công nghiệp lâu năm, có đời sống kinh tế lâu dài, cho hiệu quả kinh tế cao. Cây chè có thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB) và chu kỳ kinh doanh dài. Từ khi trồng cho đến khi có sản phẩm thu hoạch thời gian mất 3 năm, do đó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đầu tư của nông dân nhất là vấn đề về vốn và thu hồi vốn. Sản xuất chè mang tính thời vụ cao và chi phí phát sinh liên tục, dẫn tới khó khăn cho việc chế biến và bảo quản sản phẩm. Trong chu kỳ kinh tế của cây chè thông qua hai thời kỳ: Thời kỳ kiến thiết cơ bản (KTCB) khoảng 2 - 3 năm và thời kỳ sản xuất kinh doanh khoảng 30 - 40 năm (Lê Tất Khương và Đỗ Ngọc Quỹ, 2000).

- Thời vụ thu hoạch một năm thu khoảng 4 - 5 lần vào khoảng từ tháng 4 - 12, khoảng 30 - 45 ngày cho thu một lứa. Lao động sử dụng cho việc trồng chăm sóc, thu hoạch rải đều quanh năm nên có thể sử dụng lao động gia đình (Nguyễn Văn Đoàn, 2009).

- Sản phẩm chè cần có kho, công cụ, thiết bị dùng cho bảo quản và các thiết bị, phương tiện vận chuyển… cũng hết sức quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm chè búp tươi. Từ chè búp tươi, tuỳ theo công nghệ và cách chế biến sẽ tạo ra các loại sản phẩm chè khác nhau: Chè xanh, chè đen, chè vàng, chè túi lọc v.v.

- Việc phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững ngoài yếu tố về thời tiết, khí hậu, đất đai thì phát triển sản xuất chè nguyên liệu muốn bền vững hay không thì cần phải đặc biệt chú ý đến chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây chè.

1.1.3.2. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, thu mua và chế biến

Các hoạt động tạo ra sản phẩm chè nguyên liệu bao gồm cung cấp đầu vào, sản xuất, thu mua, chế biến (tiêu thụ). Chè là một ngành có tính thương mại hóa cao nên phát triển sản xuất bền vững phụ thuộc lớn vào khả năng tham gia chuỗi giá trị của các tác nhân tham gia trong các khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ. Thực hiện sản xuất tốt nhưng các khâu chế biến và tiêu thụ thiếu gắn kết và yếu kém sẽ làm giảm chất lượng và giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế thấp, làm giảm tính bền vững trong quá trình phát triển sản xuất. Do đó, để phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững, cần phải gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thu mua và chế biến (Đoàn Hùng Tiến, 2005).

Việc phát triển chè nguyên liệu bền vững phụ thuộc vào khả năng tham gia chuỗi giá trị của các tác nhân tham gia trong các khâu sản xuất, chế biến cho đến tiêu thụ.

Khâu đột phá để ngành chè phát triển bền vững nằm ở khâu tổ chức sản xuất, mọi người có được động lực, ai làm tốt thì được thưởng, ai làm không tốt thì bị phạt và hình phạt cao nhất là bị loại khỏi chuỗi giá trị. Ngành chè phải theo hướng thị trường, phát triển sản xuất chè nguyên liệu dựa trên lợi thế từng vùng và có cơ chế hỗ trợ tài chính với người trồng chè và xuất khẩu chè.

Thực tế hiện nay, cái khó khăn nhất của ngành chè là diện tích nhỏ lẻ, manh mún đang là cản trở lớn nhất, hơn nữa do quan hệ sản xuất chưa phù hợp, vì vậy cần tổ chức nông dân theo hình thức hợp tác hoặc hội sản xuất và gắn két nông dân với doanh nghiệp để xây dựng một chuỗi ngành hàng chuyên nghiệp. Vì vậy, việc nhanh chóng thúc đẩy thành lập Ban điều phối ngành hàng chè được kỳ vọng là “chìa khóa” thay đổi quan hệ sản xuất, nâng

vị thế của người nông dân. Theo đó, Ban điều phối sẽ có sự tham gia của nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức nước ngoài và các cơ quan quản lý nhà nước theo tỷ lệ công - tư: 50-50 (Quỳnh Nga và cs.. 2015).

Để đảm bảo tính ổn định, chắc chắn trên thị trường thì việc xác định được chính xác nhu cầu của thị trường và biến động của giá cả. Tuy nhiên tình trạng biến động về sản xuất, cũng như tình hình tiêu thụ trên thị trường là một đặc điểm chưa được khắc phục không chỉ ngành chè nói riêng mà nhiều ngành khác nói chung. Người sản xuất chỉ biết sản xuất mà không hề biết được thông tin về khả năng tiêu thụ, người kinh doanh chỉ biết đến mùa vụ là việc thu mua chứ không hề biết đến xu hướng diễn biến của giá cả, trong khi đó phần lớn chè nguyên liệu được hộ nông dân sản xuất ra bán cho doanh nghiệp để chế biến sau đó bán ra thị trường trong nước, xuất khẩu. Do đó phát triển sản xuất chè nguyên liệu trong hộ nông dân cần được gắn với đặc điểm của sản phẩm cũng như tính cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường hiện nay.

1.1.3.3. Tạo ra sản phẩm đồ uống

Hiện tại ngành chè Việt Nam đang tồn tại quá nhiều vấn đề: từ giống, tuổi vườn chè, vệ sinh an toàn thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, cơ giới, thu hoạch. Đó cũng chính là yếu tố trì hoãn kéo toàn bộ chuỗi giá trị cho chè Việt Nam xuống thấp nhất. Cụ thể: hiện có khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu của nước ta vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến nên giá trị tăng thấp. Bên cạnh đó, chất lượng của sản phẩm chè xuất khẩu chưa cao, do đó giá trị xuất khẩu thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới có thể giúp cho việc xuất khẩu trở nên dễ dàng hơn do các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, nhưng đồng thời lại bị hạn chế bởi việc xuất hiện thêm nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản.

Cây chè là một loại cây trồng có vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế và văn hoá con người, sản xuất chè tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu giải khát của đông đảo người dân ở nhiều quốc gia.

Chè có nhiều Vitamin giúp thanh lọc cơ thể, giải khát, có tác dụng giảm thiểu một số bệnh thường gặp về máu, do đó chè đã trở thành đồ uống phổ thông trên thế giới. Tại một số nước thói quen uống nước chè đã tạo thành một nền văn hóa truyền thống, một tập quán. Hiện nay khoa học tiến bộ đã đi sâu vào nghiên cứu tìm ra được một số hoạt chất quý có trong cây chè như: Cafein, Vitamin A, B1... Đặc biệt trong cây chè còn chứa Vitamin C là loại Vitamin dùng để điều chế thuốc tân dược vì thế chè không những là loại cây giải khát mà chè còn có tên trong danh sách cây y dược (Đặng Hạnh Khôi, 1993).

Ngày nay con người đã sản xuất nhiều loại chè có tác dụng giải nhiệt, an thần, chè lợi mật, chè chữa thận… Khoa học hiện đại đã đi sâu nghiên cứu bản chất cây chè và đã phát hiện ra hàng trăm hoạt chất quý trong chè. Thành phần hoá học chủ yếu của lá chè là Tanin chiếm 20 - 35%, cafein chiếm 2,5%. Trong lá chè còn chứa nhiều loại vitamin A, B, K, PP, đặc biệt có rất nhiều vitamin C (Nguyễn Văn Mấn, 2012).

Chính vì vậy chè có tác dụng tốt trong phòng và chữa bệnh đường ruột, chống nhiễm khuẩn (nhờ Tanin), có tác dụng lợi tiểu (do Teofilin, Teobromin), kích thích tiêu hoá mỡ, chống béo phì, chống sâu răng, hôi miệng. Chất Catechin trong chè còn có chức năng phòng ngừa phóng xạ, ung thư, phòng bệnh huyết áp.

1.1.3.4. Gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với bảo vệ môi trường, bảo đảm công bằng xã hội

Phát triển sản xuất chè nguyên liệu bền vững phải xem xét bối cảnh kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể của địa phương đó để đặt ra các mục tiêu và kế hoạch hành động phát triển chè nguyên liệu bền vững cho phù hợp. Tùy theo bối cảnh phát triển cụ thể có thể áp dụng các biện pháp ưu tiên khác nhau.

Đặc điểm nổi bật trong sản xuất chè nguyên liệu là để có năng suất cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cần áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về phân bón, trồng cây che bóng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ, 2015).

Mặt khác, sản xuất chè nguyên liệu bền vững không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về chính trị, xã hội, sự sụt giảm trong sản xuất chè nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng chè, tăng tỷ lệ nghèo, bất bình đẳng, ảnh hưởng đến môi trường do người dân có thể phá bỏ diện tích chè đã trồng thay thế bằng cây trồng khác do giá chè xuống thấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất chè bền vững trên địa bàn huyện thanh sơn, tỉnh phú thọ (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)