Các ngành hỗ trợ và liên quan

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của ngành dệt - may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 27 - 28)

1.3 Những nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh (Dựa trên mô hình lý thuyết của

1.3.3 Các ngành hỗ trợ và liên quan

Tính cạnh tranh của một ngành phụ thuộc vào sức mạnh của các nhà cung cấp và các dịch vụ hỗ trợ. Các nhà cung cấp có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu có thể mang lại cho doanh nghiệp – khách hàng của họ lợi thế về chi phí và chất lượng. Ý tưởng ở đây là thông thường không phải chỉ một ngành có tính cạnh tranh mà trên thực tế là một nhóm ngành liên quan cùng có tính cạnh tranh cao hỗ trợ cho nhau. Các ngành có quan hệ ngang cũng mang lại lợi thế cạnh tranh thông qua sự lan truyền công nghệ. Sự hiện diện cụm công nghiệp tạo ra cho doanh nghiệp lợi thế kinh tế theo quy mô. Ví dụ như ngành sản xuất máy tính của Hoa Kỳ là ngành đầu đàn vì các công ty có nhiều sáng kiến trong ngành công nghiệp bán dẫn, vi xử lý, hệ thống điều hành và dịch vụ máy tính. Một ngành công nghiệp nếu thiếu sự hỗ trợ, đóng góp của một số ngành khác với vai trò là nhà cung cấp, nhà phân phối… sẽ gây khó khăn hoặc làm phát triển chi phí cho ngành công nghiệp chính. Từ đó, làm giảm năng lực cạnh tranh của các công ty trong ngành.

Mặc dù xu thế toàn cầu hoá đã trở nên phổ biến và được hỗ trợ bởi các cuộc cách mạng về viễn thông và công nghệ thông tin làm mờ đi biên giới giữa các quốc gia nhưng tầm quan trọng của các nhà cung ứng nội địa, đặc biệt những yếu tố như: nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế… và các ngành công nghiệp có liên quan trong nước vẫn không hề bị giảm sút. Họ sẽ cung ứng đầu vào một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất, sớm nhất và đôi khi là ưu đãi nhất. Một cơ sở sản xuất được đặt gần các nhà cung ứng sẽ đảm bảo ổn định và có thể trao đổi thường xuyên để cải tiến sản phẩm hơn nữa. Nghĩa là một ngành có sự hỗ trợ tốt từ các ngành khác sẽ có thể tạo ra được một “chuỗi giá trị” mang lại sức cạnh tranh tổng hợp.

Ngành công nghiệp và các ngành hỗ trợ của nó có quan hệ qua lại, mật thiết với nhau. Chẳng hạn, các nhà sản xuất giày phải quan hệ thường xuyên với các nhà sản xuất da để nắm bắt được các kiểu da mới, kết cấu cũng như màu của da ngay khi còn trong phân xưởng sản xuất. Ngược lại, các nhà sản xuất da lại thông qua các sản phẩm giày dép để nắm bắt được xu hướng tiêu dùng, trên cơ sở đó có kế hoạch cho sản phẩm mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của ngành dệt - may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 27 - 28)