Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ và công nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của ngành dệt - may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 117 - 121)

3.2 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt-may Việt Nam

3.2.2.3 Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ và công nhân

Bên cạnh yếu tố về thiết bị máy móc, công nghệ, yếu tố con người đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm dệt may. Do vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo nâng cao trình độ cho công nhân cũng như cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ Marketing,..Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung vào các hướng sau đây: - Đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên ở khâu tiếp thị và bán hàng: Tiếp thị không được hiểu đơn thuần là việc đem các sản phẩm sẵn có ra chào mời khách hàng mà nó còn phải bắt đầu từ khâu trước đó là thiết kế ra các mẫu mốt mới (làm cho khách hàng tự nguyện đến với sản phẩm của mình, cập nhật ý tưởng của khách hàng vào trong sản phẩm). Đây hiện tại vẫn là khâu yếu của ngành dệt may Việt Nam, do đội ngũ làm công tác này mới chỉ được đào tạo trong những năm gần đây và còn ít kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn. Để hoạt động trong lĩnh vực này nhanh chóng bắt kịp với trình độ quốc tế, giảm bớt sự thua thiệt trong kinh doanh xuất khẩu, cần tập trung đầu tư mạnh cho đào tạo đội ngũ thiết kế thời trang cả về trình độ kiến thức và cơ sở vật chất cho thực hành, đồng thời xúc tiến các hoạt động giao lưu cả trong và ngoài nước để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

- Đối với cán bộ quản lý các cấp, cả về kinh tế và kỹ thuật: Cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ. Có các tiêu chuẩn về chức danh quản lý và nghiệp vụ rõ ràng. Những người không đảm bảo yêu cầu cần phải được đưa ra khỏi các vị trí quản lý. Các doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức tham quan, học hỏi các doanh nghiệp điển hình trong Ngành, các mô hình quản lý tốt của các liên doanh, kể cả các mô hình quản lý tốt ở ngoài nước.

- Đối với đội ngũ nghiên cứu khoa học: Cần tạo môi trường cho họ có được điều kiện nghiên cứu và áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Muốn vậy cần trang bị các loại máy móc và các phương tiện thí nghiệm hiện đại, đủ khả năng thiết kế các sản phẩm mới và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ cho ngành.

- Đối với công nhân: Lực lượng lao động trực tiếp tạo ra giá trị thặng dư của sản xuất, cần được quan tâm để không ngừng nâng cao tay nghề, đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường cả trong và ngoài nước. Các điển hình về thợ giỏi, bàn tay vàng của ngành cần được nhân rộng. Thông qua các cuộc thi thợ giỏi, tay nghề của công nhân sẽ có điều kiện để tập dượt, nâng cao. Điều kiện làm việc của người lao động cũng phải được cải thiện để cùng với kỹ năng, có điều kiện tăng năng suất lao động, rút ngắn dần khoảng cách và tiến tới theo kịp với năng suất lao động của các nước trong khu vực.

Lao động dệt may là loại lao động nặng nhọc, môi trường lao động bị ô nhiễm do bụi, nóng, ồn,.. nhiều loại bệnh nghề nghiệp xuất hiện, mà đa phần là lao động nữ, trong khi đó thu nhập vẫn chưa cao, chưa tương xứng với sức lao động bị hao phí. Do đó, cần bổ sung các chế độ đãi ngộ thích hợp với lao động của ngành, đặc biệt là lao động nữ như: Các chế độ tiền lương, bồi dưỡng độc hại, ca 3, thai sản, hưu trí.

Trong thời gian tới cần có sự quan tâm thích đáng đối với công tác đào tạo công nhân. Việc đào tạo công nhân cho ngành may không đòi hỏi thời gian dài, phức tạp và chi phí đào tạo cũng không quá lớn, nên cần có cơ chế đào tạo linh hoạt. Cụ thể, những doanh nghiệp nào có quy mô sản xuất lớn (khoảng 1000 công nhân trở lên) có thể thành lập cơ sở đào tạo để tạo nguồn lao động bổ sung cho doanh nghiệp mình và cho các doanh nghiệp khác. Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo trực tiếp cho các doanh nghiệp này.

Cùng với công tác đào tạo công nhân, cần có kế hoạch xây dựng các trung tâm đào tạo người sáng tác mẫu mốt thời gian phù hợp với nhu cầu từng thị trường phục vụ cho ngành dệt may, nghiên cứu nhu cầu, xu thế và dự báo tình hình thế giới về mẫu mẫ chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi đúng hướng đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.

3.2.2.4 Thu hút vốn đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong các doanh nghiệp dệt may, kết hợp với việc nâng cấp và đổi mới công nghệ

Để có chiến lược đầu tư đúng đắn, hiệu quả các doanh nghiệp thuộc ngành công nghệp dệt may Việt Nam cần theo hai hướng:

Một là theo hướng đầu tư thêm thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh.

Hai là tăng cường đầu tư chiều sâu, chỉ giữ lại những sản phẩm truyền thống có khả năng hoà nhập là những hướng đầu tư cần quan tâm trong điều kiện vốn đầu tư hạn hẹp.

Các giải pháp để doanh nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư và tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bao gồm:

- Tăng cường vai trò của Tổng công ty dệt may và Hiệp hội dệt may bởi họ là đầu mối cho các doanh nghiệp nhỏ và giải quyết các vấn đề mà từng doanh nghiệp riêng lẻ không giải quyết được như giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước, giao dịch mua bán chuyển giao công nghệ, mẫu mốt sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, cung cấp thông tin thị trường,…

- Các doanh nghiệp Nhà nước cần chủ động đề xuất phương án cổ phần hoá. Đây là giải pháp cơ bản nhằm thu hút vốn đầu tư trong nước.

- Về quy mô đầu tư: Phát triển ngành may dưới hình thức các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chỉ các doanh nghiệp kéo sợi, dệt, nhuộm hoàn tất là nên tổ chức sản xuất theo qui mô lớn. Các nhà máy dệt có qui mô lớn, trang bị đồng bộ mới đủ khả năng cung cấp nguyên liệu cho những lô hàng lớn đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cho may xuất khẩu.

Bên cạnh việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp dệt may cần kết hợp với việc nâng cấp và đổi mới công nghệ. Để sản xuất phát triển các công ty cần phải bổ sung thêm máy móc, thiết bị hiện đại được chế tạo ở các nước có nền công nghiệp may mặc phát triển như Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông,.. để tạo nên năng suất lao động tốt hơn, đảm bảo tiến độ và thời gian. Hơn nữa, để sản phẩm có thể cạnh tranh và thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật,.. buộc các doanh nghiệp phải áp dụng khoa học

kỹ thuật tiên tiến, nhưng để đạt hiệu quả cần phải có sự lựa chọn và định hướng phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp và trình độ công nhân. Vì thế việc áp dụng một mô hình sản xuất chuyên môn hoá cao như các nước phát triển là điều không dễ dàng mà cần lựa chọn máy móc, công nghệ phù hợp với công nhân là điều quan trọng nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Năng lực cạnh tranh của ngành dệt - may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 117 - 121)