FPI VÀO VIỆT NAM
2.4.1. Ưu thế
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài. Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế dài hạn, Việt Nam còn là quốc gia có nhiều lợi thế so sánh hấp dẫn nhà đầu tư như: nguồn lao động, thị trường tài nguyên và thị trường tài chính ngày càng hoàn thiện. Hơn nữa, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của mình trên bản đồ kinh tế thế giới. Sự quan tâm của thế giới tới Việt Nam, cộng với sự thành công của các nhà đầu tư hiện hữu tại đây sẽ mở ra cơ hội lớn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhìn chung, Việt Nam có những ưu thế rất lớn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp FPI so với các nước khác trên thế giới. Với các yếu tố thuận lợi đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng khai thác tiềm năng dòng chảy vốn FPI của thế giới nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển của mình.
Nhờ có sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững của nền kinh tế Việt Nam và sự cải thiện trong môi trường pháp luật, thương mại. Tuy nhiên, việc ban hành Luật Chứng khoán mới là lý do chính của sự gia tăng đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam.
Vị thế chính trị ngày càng cao của Việt Nam trên thị trường thế giới và quá trình cổ phần hóa mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước cũng là nguyên nhân thúc đẩy luồng vốn đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam, làm cho các nhà đầu tư yên tâm khi bỏ vốn vào thị trường này.
2.4.2. Trở ngại
Bên cạnh đó Việt Nam còn có những trở ngại sau:
Tiến trình cổ phần hóa tuy đã được đẩy mạnh từ năm 2002 song đến nay vẫn chưa có hiệu quả như mong muốn, tỷ lệ vốn hóa các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước còn quá thấp, không lôi cuốn mạnh mẽ và đông đảo các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào tiến trình cổ phần hóa. Các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, không hấp dẫn nhà đầu tư.
Quy mô của thị trường chứng khoán còn quá nhỏ bé, lại bất ổn định, lên xuống không theo xu thế chung của thế giới, gây tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư. Hệ thống tài chính mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn nhiều yếu kém, tỷ lệ dự trữ ngoại hối thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư.
Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư của ta còn nhiều hạn chế, hệ số ICOR quá cao, gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi Hàn Quốc và Đài Loan trong giai đoạn phát triển tương tự, tốn quá nhiều vốn cho tăng trưởng, điều này làm giảm ý muốn đầu tư lâu dài của các nhà đầu tư nước ngoài.
Do tính chất nguồn vốn FPI là đầu tư vào doanh nghiệp cổ phần, nên để thu hút được nguồn vốn này, ngoài việc cải thiện, thay đổi hệ thống pháp lý cho phù hợp với các quy tắc chung thì Việt Nam còn phải tăng cường cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển bằng việc đưa nhiều doanh nghiệp mạnh lên niêm yết, đặc biệt, cần quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển thị trường OTC.
Công tác tiếp thị và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thị trường bên ngoài chưa được đầu tư đúng mức. Mặc dù hoạt động đầu tư đã được tổ chức ở nhiều nước nhưng chủ yếu mới chỉ tập trung vào FDI, còn ít hoạt động xúc tiến thu hút FPI. Bên cạnh đó, việc quảng bá, tiếp thị của các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù quy định pháp lý, đường lối chính sách phát triển kinh tế, nội lực doanh nghiệp... vẫn còn những điểm hạn chế, bất cập, nhưng môi trường đầu tư ở Việt Nam đã và đang tỏ ra rất hấp dẫn đối với các tổ chức đầu tư, các định chế tài chính quốc tế. Điều quan trọng là Việt Nam phải quan tâm và triển khai tốt hơn việc quảng bá, tiếp thị hình ảnh của mình, giúp các nhà đầu tư trên thế giới hiểu nhiều hơn nữa về tình hình chính trị, kinh tế của Việt Nam.
Số lượng và chất lượng các thông tin tài chính còn thiếu và yếu. Đối tượng công ty đại chúng được mở rộng nhưng chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, chất lượng quản trị công ty đại chúng vẫn còn nhiều bất cập. Do vẫn có sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài còn e dè khi đọc các báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán trong nước thực hiện. Việc phát triển và mở rộng quy mô của thị trường trái phiếu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dịch vụ định mức tín nhiệm và thống kê dữ liệu ngành hầu như không có.
Đối với các nền kinh tế mới nổi - với đặc trưng quá trình phát triển kinh tế còn mới, thiếu bền vững, thiếu minh bạch, hệ thống pháp lý và các quy chuẩn, quy phạm còn chưa hoàn thiện, việc quản trị công ty còn yếu kém, thì vấn đề thông tin không đầy đủ được coi là một thách thức cực kỳ lớn.
Về quy mô và tốc độ phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Số lượng và chất lượng các thông tin tài chính còn thiếu và yếu. Mặc dù Luật Chứng khoán sắp có hiệu lực, đối tượng công ty đại chúng được mở rộng nhưng chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, chất lượng quản trị công ty đại chúng vẫn còn nhiều bất cập. Do vẫn có sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài còn e dè khi đọc các báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán trong nước thực hiện. Việc phát triển và mở rộng quy mô của thị trường trái phiếu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dịch vụ định mức tín nhiệm và thống kê dữ liệu ngành hầu như không có.
Sự thiếu và không đồng bộ về mặt luật pháp. Luật Chứng khoán tới đầu năm 2007 mới có hiệu lực. Mặc dù Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp mới được ban hành trong năm 2006 nhưng chưa thể đi vào vận hành vì thiếu hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn. Luật không quy định được vấn đề chi tiết nên phải chờ các văn bản hướng dẫn của các bộ, ban, ngành
Sự kết nối giữa nhà đầu tư và cơ hội đầu tư là yếu. Hiện nay số lượng công ty chứng khoán có khả năng cung cấp thông tin bằng các ngôn ngữ chính như Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn... không nhiều. Các rào cản về ngôn ngữ và thông tin đã hạn chế các dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán Việt Nam.