MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CẦN THIẾT TRONG THỜI GIAN TỚI

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài của việt nam (Trang 49 - 54)

Để khai thác, phát huy các tác động tích cực, phòng tránh và giảm thiểu các tác động tiêu cực của FPI, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp và cá nhân hữu quan có sự chủ động đổi mới và nâng cao nhận thức đầy đủ, kịp thời và đúng đắn hơn nữa về FPI, cũng như coi trọng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mang tính liên ngành, liên

cấp, xuyên quốc gia trong việc xây dựng và triển khai các phương án, giải pháp và chính sách cần thiết, trong đó tập trung vào các lựa chọn chính sách chủ yếu sau:

 Tăng tính linh hoạt của tỉ giá. Linh hoạt tỉ giá cho phép NHNN tự chủ hơn trong việc quản lí những biến động của các đại lượng tiền tệ do ảnh hưởng của luân chuyển vốn.

 Thắt chặt chính sách tiền tệ để cân bằng giữa các mục tiêu bên trong (tăng trưởng, việc làm, lạm phát) và bên ngoài (thăng bằng cán cân thanh toán). Khi dòng vốn vào làm bùng nổ cầu nội địa, và tăng giá tài sản trên các thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, gây sức ép lạm phát, NHTW phải ưu tiên điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) theo hướng thắt chặt.

 Thực hiện chính sách tài chính thận trọng. Một chính sách tài chính lành mạnh rất quan trọng trong trường hợp dòng vốn vào gia tăng. Chính phủ có thể sử dụng chính sách tài chính thắt chặt để giảm áp lực tăng lạm phát và làm giảm áp lực lên giá VND. Thắt chặt chính sách tài chính có xu hướng làm giảm áp lực lên lãi suất, đồng thời giảm khuyến khích dòng vốn vào. Việc điều hành chính sách tài chính thận trọng hiệu quả đặc biệt quan trọng khi dòng vốn vào tăng lên (theo hướng thắt chặt) hoặc giảm xuống khi dòng vốn đảo chiều (nới lỏng).

 Tự do hoá dòng vốn ra. Để triệt tiêu tác động dòng vốn vào, hầu hết các nước lớn ở Đông Á đã nới lỏng những hạn chế đối với dòng vốn ra nhằm khuyến khích đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Ngoài ra, để tìm kiếm cơ hội đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, nhiều nền kinh tế mới nổi lớn ở Đông Á như Trung Quốc, Malaysia... khuyến khích các nhà đầu tư nhỏ trong nước đầu tư gián tiếp gián tiếp ra nước ngoài. Tuy vậy, vẫn cần thận trọng trong việc dỡ bỏ những hạn chế đối với dòng vốn ra, bởi có thể làm trầm trọng thêm ảnh hưởng tiêu cực của việc dòng vốn đảo chiều.

 Tăng cường quản lí và giám sát thị trường tài chính nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường tính ổn định của khu vực tài chính – ngân hàng, nhờ vậy, có thể giảm hiện tượng bong bóng đầu cơ. Hiện Việt Nam đang ưu tiên chính sách kiềm chế lạm phát nên cần tăng cường giám sát chặt chẽ thị trường tài chính để phát hiện những dấu hiệu mất ổn định, mất cân đối, khả năng thanh khoản, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng. Cần tiếp tục giám sát chặt chẽ nghiệp vụ cho vay kinh doanh bất động sản, kinh doanh chứng khoán, tăng cường quản lí rủi ro trong cho vay bất động sản.

 Có cơ chế kiểm soát dòng vốn nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn gián tiếp. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam từ năm 2007 đã tăng đột biến. Từ 865 triệu USD (1,6% GDP) năm 2005 tăng lên 1313 triệu USD (2,1% GDP) năm 2006 và 6,5 tỉ USD (9,2% GDP). So với quy mô của nền kinh tế thì FPI của Việt Nam trong năm 2007 là khá cao. Trong khi đó, ở giai đoạn 1985 – 99, với 13 nước châu Á và châu Mỹ la tinh đã được nghiên cứu ở phần 1 thì chỉ có Philippines đạt mức FPI (% GDP) cao nhất là 6,42% vào năm 1996, đối với các nước còn lại, cao nhất cũng chỉ ở mức 3- 4%. Cụ thể, Indonesia có FPI cao nhất là 2,2% vào năm 96; Hàn Quốc, 3,02% vào năm 97; Thái Lan, 3% vào năm 1997; Chi Lê, 3,15% vào năm 97; Mexico, 4,3% vào năm 96... Vì vậy, mặc dù chưa đặt vấn đề hạn chế dòng vốn đầu tư gián tiếp tại thời điểm hiện nay, nhưng cần có biện pháp kiểm soát dòng vốn gián tiếp.

 Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến khuyến khích đầu tư nước ngoài và đầu tư nói chung, nhất là việc nới lỏng, tối đa hóa mức khống chế tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài trong các doanh nghiệp cổ phần Việt Nam hoạt động thuộc các ngành nghề, lĩnh vực cho phép đầu tư 100% FDI.

 Tiếp tục giảm thiểu danh mục các doanh nghiệp và lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài (cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp), trong đó có các lĩnh vực dịch vụ trình độ cao.

 Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn, và giảm thiểu tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước, cũng như của các nhà đầu tư sáng lập trong các doanh nghiệp này.

 Sớm rà soát điều chỉnh hoàn thiện các quy định liên quan về việc chuyển đổi thuận tiện, nhanh chóng giữa các loại hình, phương thức đầu tư, các quy định thủ tục mua - bán, sáp nhập doanh nghiệp và tài sản doanh nghiệp; chuyển nhượng dự án và chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư.

 Cần có chính sách ưu đãi đặc biệt (trước hết là chính sách thuế và giảm chi phí đầu vào, chi phí vận hành) để phát triển các công ty cổ phần đa sở hữu tổ chức theo quy mô tập đoàn kinh tế, công ty mẹ – con, hoạt động xuyên quốc gia và các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ đại chúng, các quỹ đầu tư có vốn nước ngoài… Đảm bảo ngày càng liên thông và hội nhập các định chế và quy tắc, tiêu chuẩn vận hành,

chất lượng hàng hóa thị trường chứng khoán Việt Nam với các yêu cầu, tiêu chuẩn và xu hướng hoạt động chung của thị trường vốn khu vực, quốc tế.

 Coi trọng việc xây dựng và vận hành tốt các cơ chế quản lý, giám sát bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và sự an toàn của thị trường tài chính. Phát triển hệ thống cảnh báo sớm và chủ động xây dựng phương án đối phó thích hợp nhằm giám sát và phòng ngừa hiệu quả các nguy cơ biến động thị trường tài chính tiêu cực do đầu cơ, tội phạm, độc quyền, lũng đoạn và sự mù quáng thị trường; phát triển hệ thống thông tin, các dịch vụ tư vấn, dịch vụ bổ trợ tư pháp trực tiếp hỗ trợ đầu tư gián tiếp. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thông tin và kinh doanh lành mạnh trên thị trường chứng khoán của bất kỳ tổ chức và cá nhân nào.

 Nhà nước cần xem xét điều chỉnh chế độ quản lý ngoại hối, nhất là thực hiện chế độ tỷ giá linh hoạt hơn và gia tăng tối đa dự trữ ngoại tệ quốc gia. Thực tiễn thế giới cho thấy, chế độ tỷ giá cố định cứng nhắc, kéo dài theo hướng định giá quá cao đồng tiền bản tệ là không phù hợp, không có lợi cho quốc gia chủ nhà trong bối cảnh có sự gia tăng dòng FPI mặc dù điều này không hoàn toàn đúng đối với dòng FDI.

 Bên cạnh việc tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên bang Nga..., Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến nghị các doanh nghiệp từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ Latinh, Đông Âu, Châu Phi...

KẾT LUẬN

Trong suốt hơn một thập kỷ qua, đầu tư nước ngoài luôn là điểm sáng trong toàn cảnh bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam với một khuôn khổ pháp lý ngày càng được thông thoáng dần. Nhìn chung, nguồn vốn FPI góp phần tích cực vào phát triển thị trường tài chính nói riêng và hoàn thiện các thể chế và cơ chế thị trường nói chung. Việc gia tăng và phát triển bộ phận thị trường FPI sẽ làm cho thị trường tài chính đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên đồng bộ, cân đối và sôi động hơn, khắc phục được sự thiếu hụt, trống vắng và trầm lắng, thậm chí đơn điệu, kém hấp dẫn kéo dài của thị trường này trong thời gian qua. Mặt khác, FPI cũng góp phần tăng cường cơ hội và đa dạng hóa phương thức đầu tư, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và thu nhập của đông đảo người dân. Việc phát triển thị trường vốn đầu tư gián tiếp cả về bề rộng và bề sâu sẽ mang lại những cơ hội mới và sự đa dạng hóa trong lựa chọn các phương thức đầu tư cho các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài và trong nước. Bên cạnh những tác động tích cực, việc gia tăng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam còn có những rủi ro đáng kể như làm tăng mức độ nhạy cảm và bất ổn về kinh tế có nhân tố nước ngoài, làm gia tăng nguy cơ bị mua lại, sáp nhập, khống chế và lũng đoạn tài chính đối với các doanh nghiệp và tổ chức phát hành chứng khoán ..v.v.. Trong bối cảnh phát triển của Việt Nam như hiện nay, nguồn vốn đầu tư nước ngoài nói chung và nguồn vốn FPI nói riêng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nền kinh tế. Nguồn vốn này không chỉ là nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế phát triển, mà quan trọng hơn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống tài chính Việt Nam, giúp thị trường tài chính phát triển cả quy mô lẫn chất lượng. Để khai thác, phát huy các tác động tích cực, phòng tránh và giảm thiểu các tác động tiêu cực của FPI, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức, đơn vị doanh nghiệp và cá nhân hữu quan có sự chủ động đổi mới và nâng cao nhận thức đầy đủ, kịp thời và đúng đắn hơn nữa về FPI, cũng như coi trọng sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả mang tính liên ngành, liên cấp, xuyên quốc gia trong việc xây dựng và triển khai các phương án, giải pháp và chính sách cần thiết và phù hợp nhằm đảm bảo tính về vững về dài hạn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài mà đặc biệt là nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài của nước ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huy động vốn đầu tư dài hạn cho phát triển kinh tế Thủ đô - NXB Chính trị quốc gia – Hà Nội 2004, TS.Nguyễn Minh Phong (chủ biên).

2. Phát triển các thành phần kinh tế ở Hà Nội thời kỳ đổi mới. NXB Tài chính – Hà Nội 2005, TS.Nguyễn Minh Phong (chủ biên).

3. Tài liệu kỷ yếu hội thảo khoa học của Bộ Tài chính về đầu tư gián tiếp nước ngoài, tổ chức tại Hà Nội tháng 7/2006.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài của việt nam (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w