Tác động của dòng vốn đầu tư gián tiếp tới các nước đang phát triển

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài của việt nam (Trang 39 - 40)

2.3. KHUYNH HƯỚNG VẬN ĐỘNG CỦA DÒNG VỐN ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP TỚ

2.3.2. Tác động của dòng vốn đầu tư gián tiếp tới các nước đang phát triển

Nguồn vốn đầu tư gián tiếp ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của các nước đang phát triển. Nó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp. Có một thực tế là để thu hút được nguồn vốn đầu tư gián tiếp thì các nước cần phải có sự đổi mới trong bản thân nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế chính sách kinh tế cho phù hợp với những yêu cầu của nhà đầu tư. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp có ảnh hưởng thúc đẩy sự đổi mới thể chế kinh tế, thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường cổ phiếu phát triển. Các doanh nghiệp cũng cần phải cải tiến công nghệ, áp dụng các công nghệ hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng.

Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, luồng vốn tư nhân và công cộng đạt khoảng 60 tỷ USD. Hơn một thập kỷ sau đó, luồng vốn tư nhân đã tăng lên 5 lần đạt 300 tỷ USD trong khi luồng vốn công chỉ tăng 2 lần. Điều này thể hiện mức độ tự do hóa của các nền kinh tế trong việc huy động vốn phát triển kinh tế. Sâu xa hơn là các nền kinh tế mới tự do hóa có sự liên kết với các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Kết quả là làm tăng sự cạnh tranh trong việc huy động các dòng vốn gián tiếp.

Những tác động tích cực của nguồn vốn đầu tư gián tiếp có thể thấy rõ thông qua sự phục hồi nhanh chóng của Hàn Quốc trong giai đoạn 1998-2001, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á (1997-1998). Xây dựng nền kinh tế dân chủ, coi trọng sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phá bỏ quyền lực của các tài phiệt trong nền kinh tế, chống câu kết chính trị - kinh doanh là những cam kết mà Hàn Quốc phải thực hiện để tiếp nhận nguồn vốn từ IMF. Ngày nay, nền kinh tế Hàn Quốc đã được cải tổ một cách sâu rộng, các quan hệ kinh tế đã trở nên lành mạnh hơn và Hàn Quốc đã tiếp tục là một nước có nền kinh tế phát triển ổn định trong khu vực châu Á.

Trong giai đoạn 2002-2003, những cải cách trên thị trường vốn đã đưa Ấn Độ trở thành nước có lượng dự trữ ngoại hối đứng thứ 6 trong các nền kinh tế mới nổi. Việc miễn thuế đối với cổ tức mà cổ đông trong các công ty Ấn Độ được hưởng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Ấn Độ, qua đó thu hút hơn nữa các luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Ngoài ra, Ấn Độ đã tiến

hành tự do hóa đầu tư nước ngoài trong hầu hết các ngành như viễn thông, ngân hàng và bảo hiểm - những ngành trước đây không khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Các dòng vốn đầu tư tư nhân vào các nền kinh tế mới nổi, mặc dù có sự suy giảm từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nhưng lại có xu hướng tăng lên ở Ấn Độ. Điều này cho thấy, đầu tư gián tiếp nước ngoài đã có những tác động tích cực đối với nền kinh tế Ấn Độ.

Xét một cách tổng thể, vốn đầu tư nước ngoài mà cụ thể là luồng vốn đầu tư gián tiếp đã có những tác động tích cực đối với hầu hết các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế đang phát triển trong những năm vừa qua và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong những năm tới.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài của việt nam (Trang 39 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w