CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.4. MỐI QUAN HỆ GIỮA LÒNG TRUNG THÀNH VÀ CÁC YẾU TỐ
1.4.7. Mối quan hệ giữa lòng trung thành với cơ hội thăng tiến
Các cơ hội thăng tiến không chỉ bao gồm các cơ hội trực tiếp giúp nhân viên nâng cao lương hay vị trí công việc mà còn gồm các chương trình đào tạo trong quá trình làm việc. Mức độ dễ dàng của việc có được các cơ hội thăng tiến trực tiếp phụ thuộc vào chính sách của từng công ty. Các công ty cung cấp cơ hội thăng tiến tốt thường hay giới thiệu rõ ràng những tiêu chuẩn và quy định để thăng tiến. Người lao động làm việc ở những công ty này sẽ thấy được cách thức để đi lên, khiến họ hăng say làm việc và gắn bó thêm với tổ chức. Mặt khác, các chương trình đào tạo gián tiếp cung cấp các cơ hội thăng tiến trong tương lai thông qua việc nâng cao khả năng làm việc của nhân viên. Các chương trình đào tạo cung cấp cho nhân viên các cơ hội mở rộng kiến thức và kỹ năng để làm việc nhóm hiệu quả hơn và giúp từng cá nhân phát triển (Jun, 2006). Khi nhân viên nhận được các chương trình đào tạo phát triển bản thân, mức độ thỏa mãn đối với công việc cao hơn so với
những người không được đào tạo (Chang, 2010). Một chương trình đào tạo hiệu quả có thể làm tăng sự gắn kết của nhân viên với tổ chức và tạo sự ổn định trong nguồn lực lao động (Brum, 2007).
Nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam ủng hộ mối quan hệ tích cực giữa cơ hội thăng tiến và lòng trung thành :
Mehta và các công sự (2010) khi nghiên cứu lòng trung thành của đội ngũ giáo viên ở các trường học tại thành phố Gwalior (Ấn Độ) đã chỉ ra cơ hội thăng tiến trong việc là yếu tố tác động tích cực nhất đến lòng trung thành.
Pandey & Khayre (2012) khi nghiên cứu lòng trung thành của các nhân viên đang làm việc tại các công ty ở thành phố Gwalior (Ấn Độ) cũng cho thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp là yếu tố tác động tích cực đến lòng trung thành.
Al-Ma’ani (2013) khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của nhân viên tại ngân hàng thương mại của Jordan cũng chỉ ra các chương trình đào tạo để phát triển nhân viên là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến lòng trung thành.
Tại Việt Nam, Đỗ Phú Trần Tình và cộng sự (2012) khi nghiên cứu sự gắn bó lâu dài của nhân viên trẻ tại đối với doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy cơ hội thăng tiến là yếu tố tác động tích cực nhất đến quyết định ở lại làm việc của nhân viên trẻ tại công ty.
Nguyễn Thanh Mỹ Duyên (2012) khi nghiên cứu về lòng trung thành của nhân viên ở Công ty Cổ phần Beton 6 cũng khẳng định cơ hội thăng tiến tác động tích cực đến lòng trung thành của nhân viên.
Từ các nghiên cứu trên, nhìn chung, có nhiều cơ hội thăng tiến tác động tích cực đến lòng trung thành của nhân viên. Điều này là hợp lý bởi phần lớn nhân viên đều muốn mở rộng kiến thức và phát triển kỹ năng của bản thân
trong công việc. Họ làm vậy hoặc để tạo cho bản thân cơ hội có được những vị trí công việc tốt hơn hoặc đơn giản xuất phát từ mong muốn hoàn thiện bản thân. Ở đề tài này, với đối tượng nghiên cứu là những nhân viên trẻ tại Hà Nội, là những người có ít kinh nghiệm nhưng có khả năng học hỏi nhanh, việc tìm những công việc có cơ hội thăng tiến tốt có thể chính là ưu tiên của họ. Những công việc có cơ hội thăng tiến tốt giúp nhân viên hoàn thiện bản thân, tự tin trong quá trình làm việc và cảm thấy muốn gắn bó với công việc.
Như vậy có thể giả định rằng có nhiều cơ hội thăng tiến làm nhân viên trung thành hơn với tổ chức.