Mối quan hệ giữa lòng trung thành với chính sách khen thưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến sự trung thành của nhân viên trẻ tại các doanh nghiệp việt nam (Trang 49 - 51)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.4. MỐI QUAN HỆ GIỮA LÒNG TRUNG THÀNH VÀ CÁC YẾU TỐ

1.4.8. Mối quan hệ giữa lòng trung thành với chính sách khen thưởng

Tất cả những người lao động đều muốn được khen thưởng cho những cống hiến hoặc đóng góp của họ theo những cách thức nhất định. Mức khen thưởng có thể không cần lớn nhưng cần khen thưởng mỗi khi nhân viên hoàn thành vượt mức kỳ vọng bởi điều này thể hiện sự công nhận của công ty với cá nhân đó. Từ đó tăng cường sự tin tưởng, gắn kết của nhân viên với tổ chức. Thêm vào đó, chính sách khen thưởng phải đảm bảo tính công bằng. Công bằng đối với cá nhân nhân viên ( so sánh giữa nỗ lực bỏ ra và phần thưởng nhận được ) và công bằng xã hội ( so sánh nỗ lực và phần thường của cá nhân với những người có cùng điều kiện). Có như vậy nhân viên mới cảm thấy quyền lợi của họ được đảm bảo, tăng sự kỳ vọng vào công việc, từ đó tăng cường sự gắn bó với tổ chức.

Phần lớn, các nghiên cứu trên Việt Nam và thế giới cho rằng chính sách khen thưởng có tác động tích cực đến lòng trung thành nhưng mức độ tác động ít :

 Linz và cộng sự (2011) khi nghiên cứu lòng trung thành của các nhân viên tại công ty thuộc Đông Âu đã chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa khoản tiền thưởng được mong đợi và lòng trung thành của nhân viên.

 Omar và cộng sự (2010) khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của nhân viên tại Malaysia cũng cho thấy chính sách khen thưởng tác động tích cực đáng kể đến lòng trung thành.

 Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn Khánh Trang (2013) khi nghiên cứu lòng trung thành của giảng viên ở Lâm Đồng cũng cho thấy mối quan hệ tích cực giữa sự khen thưởng công bằng và lòng trung thành.

 Đỗ Phú Trần Tình và cộng sự (2012) khi nghiên cứu sự gắn bó lâu dài của nhân viên trẻ tại đối với doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra chính sách khen thưởng tốt tác động tích cực đến lòng trung thành.

 Phan Quốc Dũng (2009) khi nghiên cứu lòng trung thành của nhân viên tại các công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ ra khen thưởng công bằng tác động tích cực đến lòng trung thành của nhân viên.

Từ các nghiên cứu trên, nhìn chung chính sách khen thưởng tốt có tác động tích cực đến lòng trung thành. Ở đề tài này, với đối tượng là các nhân viên trẻ ở Hà Nội, chính sách khen thưởng nhiều khả năng chỉ ảnh hưởng tích cực yếu đến lòng trung thành. Nguyên nhân là do nhân viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng chưa hoàn hảo khiến chất lượng công việc thường không được đánh giá cao. Từ đó, nhân viên trẻ ít quan tâm đến chính sách khen thưởng mà tập trung nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân. Tuy vậy, một chính sách khen thưởng công bằng và kịp thời nhằm động viên, khuyến khích nhân viên mỗi khi công việc được thực hiện tốt là yếu tố cần thiết để nhân trẻ cảm thấy được tôn trọng, yêu thích và gắn bó hơn với công việc.

Như vậy có thể giả định rằng chính sách khen thưởng tốt sẽ làm nhân viên trung thành hơn với tổ chức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các nhân tố ảnh hưởng đến sự trung thành của nhân viên trẻ tại các doanh nghiệp việt nam (Trang 49 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)