CHƯƠNG 2 : TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.2. Phương pháp nghiên cứu bảng hỏi (anket)
2.4.2.1. Công cụ đánh giá đặc điểm nhân cách NEOPI-R 60
Công cụ đánh giá đặc điểm nhân cách của sinh viên ngành công nghệ thông tin theo thuyết 5 nhân tố lớn.
Nghiên cứu này sử dụng NEO-60VN làm công cụ đo đạc, trắc nghiệm này được thích nghi tại Việt Nam từ trắc nghiệm NEP-PI-R (Trần Văn Công và cộng sự 2016). Trắc nghiệm gồm 60 câu, với câu trả lời được thiết kế theo dạng Likert 5 điểm (0=Hoàn toàn sai, 1=Sai, 2=Không đúng cũng không sai, 3=Đúng, 4=Hoàn toàn đúng). Trắc nghiệm NEO-PI-R được xây dựng dựa trên nguyên lý mô hình 5 nhân tố lớn của Costa & Mc Crae (Costa và cộng sự năm 1985; 1998). Trắc nghiệm này gồm 5 mặt nhân cách là N (Neuroticism): nhiễu tâm, mặt E (Extraverson): hướng ngoại, mặt O (Openness): cởi mở, mặt A (Agreeableness): đồng thuận và mặt C (Conscienticousness): tính tận tâm. Mỗi mặt có một ý nghĩa riêng:
Nhiễu tâm (Neuroticism) đánh giá sự bất ổn định về cảm xúc, nhận ra những người dễ rơi vào stress tâm lý, những ý tưởng phi thực tế, những khao khát thái quá.
Với mặt này, những người có điểm cao thường trải nghiệm những cảm xúc u uất, giận dữ, lo sợ, tội lỗi, và ganh ghét cao hơn người thường. Họ phản ứng tiêu cực với strss và thường lý giải những tình huống bình thường dưới dạng nguy hiểm, đáng lo ngại và xu hướng “thổi phồng” các khó khăn. Những người này chú ý quá mức để vẻ bề ngoài hoặc hành vi của bản thân và gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát sự hối thúc.
Ngược lại, những người có điểm số thấp ở mặt này thường có cảm xúc vững chãi hơn, ít dao động và ít phản ứng với stress hơn. Họ thường có xu hướng bình tĩnh, không nóng nảy và ít khi bị căng thẳng[48].
Ví dụ: “ Tôi dễ hoảng sợ”; “Rất khó làm tôi tức giận”.
Hướng ngoại (Extraverson): mặt này đánh giá số lượng và cường độ các tương tác liên cá nhân, mức độ tích cực, nhu cầu khuyến khích và khả năng hưởng ứng.
Người có điểm hướng ngoại cao thường cảm thấy các bữa tiệc và các hoạt động là nguồn năng lượng của mình. Họ thích tìm kiếm và cần các nguồn kích thích từ môi trường xung quanh, cơ hội để gia nhập với người khác. Những người này cũng thường hang hái, nhiệt tình, thích nói chuyện và khẳng định mình. Trong mảng công việc, họ thường thích làm việc với người khác và thích các công việc có chiều rộng hơn chiều sâu.
Người có điểm hướng ngoại thấp thường ít hòa mình vào xã hội. Họ thường rất yên lặng, không nổi bật và không hòa nhập nhiều. Người hướng nội cần ít sự kích thích và cần nhiều thời gian ở một mình hơn.
Ví dụ: “Tôi thực sự thích trò chuyện với mọi người”; “Nhiều người cho rằng tối là người hơi lạnh lùng và khó gần”.
Cởi mở (Openness) là mặt mô tả việc lao vào thử nghiệm, đánh giá cao sự nắm giữ kinh nghiệm, khả năng tìm kiếm những cái mới lạ.
Những người có điểm cao ở mặt này thường thích sự lãng mạn và sự phong phú đa dạng. Những người này có hiểu biết tốt, biết thưởng thức vẻ đẹp trong nghệ thuật và vẻ đẹp trong thiên nhiên. Họ quan tâm đến những ý tưởng mới, những giá trị mới, không thích tuân theo những quy ước đã có mà thích có những cách nhìn riêng của mình.
Người có điểm thấp ở mặt này thường thực dụng, võ đoán và làm việc theo dữ liệu. Đôi lúc thường được mô tả như quyết đoán và cứng nhắc. Họ thường rất truyền thống trong hành vi, vẻ bề ngoài của mình, thích làm việc theo guồng quay nhất định và không thích trải nghiệm những thứ mới mẻ và có ít sở thích.
Ví dụ: “Một số thể loại nhạc có sức cuốn hút rất lớn đối với tôi”; “Theo tôi việc giữ đúng các nguyên tắc sống đã có quan trọng hơn là sẵn sàng tiếp thu cái mới”.
Đồng thuận (Agreeableness): Đánh giá chất lượng sự định hướng liên cá nhân của con người theo một mức độ liên tục từ sự đồng tình đến đối nghịch trong suy nghĩ, cảm giác và hành động [48].
Những người có điểm cao ở mặt này thường có xu hướng tin rằng đa phần mọi người rất trung thực, tốt bụng và đáng tin cậy. Họ thường có lòng vị tha và hay giúp đỡ người khác.
Ngược lại với tính thích giúp đỡ của người dễ chịu, những người có điểm thấp ở mặt này thường gây tổng thương đến những người khác. Những người này thường có tính cạnh tranh, thách thức cao, đôi khi họ bị coi là khiêu khích hoặc không đáng tin.
Ví dụ: “Tôi tin rằng hầu hết mọi người sẽ lợi dụng bạn nếu họ có dịp”; “Tôi hay nghi ngờ ý định của người khác”.
Tận tâm (Conscientiousness): mặt này đánh giá mức độ tổ chức, uy tín, động cơ trong hành vi hướng tới mục đích của cá nhân. Nó tương phản giữa những cá nhân phụ thuốc, khó tính với những người độc lập và mềm mỏng.
Người có điểm cao ở mặt này thường có mong muốn hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất và thường đặt ra mục tiêu để đạt được những thành tựu trong công việc. Do đó có đôi khi họ được miêu tả như những người cứng đầu. Những đặc điểm tính cách của họ bao gồm ngăn nắp, có hệ thống, cẩn thận và hoàn hảo, suy tính thiệt hơn.
Người có điểm thấp ở mặt tính cách này thường rất dễ dãi, không có mục tiêu nhất định, thường không đáng tin cậy.
Ví dụ: “Tôi thiết lập các mục tiêu một cách rõ ràng và từng bước thực hiện chúng”; “Khi đã cam kết thực hiện điều gì, mọi người có thể tin là tôi sẽ hoàn thành”.
Thang đo NEP-PI-R đang bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn trong đánh giá nghề nghiệp ở châu Á (cheung 2004). Thang đo này đã được dịch, thử nghiệm, thích nghi bằng tiếng việt và nghiên cứu, cho thấy độ tin cậy và độ hiệu lực cao (Trần Văn Công và cộng sự 2016).
2.4.2.2. Công cụ đánh giá các vấn đề cảm xúc hành vi: bảng hỏi YSR
Công cụ nghiên cứu về sức khỏe tâm thần/các vấn đề cảm xúc hành vi của sinh viên ngành công nghệ thông tin.
Bảng kiểm hành vi thanh thiếu niên tự thuật (The Youth Self Report – YSR) của Achenbach. YSR là các công cụ đánh giá dành cho thanh thiếu niên nhằm đánh giá hành vi và cảm xúc của các em, do các em tự điền. YSR do Tiến sĩ Thomas Achenbach phát triển, được sử dụng rộng rãi trong giới tâm lý học, tâm thần học. Bảng hỏi YSR yêu cầu trẻ em (nghiệm thể) cho điểm phù hợp cho 112 biểu hiện được liệt kê dựa trên mốc thời gian trong vòng từ 6 tháng qua đến hiện nay. 112 biểu hiện này là 112 item, mỗi item là một hành vi hoặc biểu hiện có vấn đề ở trẻ. Mỗi item được cho điểm từ 0 đến 2, tương ứng với mức độ tăng dần về tần suất xuất hiện của hành vi (0=không đúng; 1=một phần đúng; 2=rất đúng hoặc thường xuyên đúng). Điểm tổng của toàn bộ thang đo sẽ cho ra một biến số, được gọi là tổng điểm các vấn đề, cho biết mức độ có vấn đề chung về SKTT [47]. Dựa theo các phép phân tích nhân tố, Achenbach phân loại 112 item thành tám nhóm hội chứng, tương ứng với 8 tiểu thang đo: Lo âu/trầm cảm (12 item), thu mình/trầm cảm (8 item), phàn nàn cơ thể (11 item). Vấn đề xã hội (11 item), vấn đề tư duy (12 item), vấn đề chú ý (9 item), hành vi hung tính (18 item), phá bỏ quy tắc (15 item). Điểm tổng các item trong một nhóm hội chứng cho ra điểm của từng tiểu thang. Nghiên cứu sử dụng bản YSR được Việt hóa và thích nghi ở Việt Nam [53].
Bảng hỏi YSR được xử lý theo hai cách. Cách thứ nhất, tính điểm tổng của thang đo. Cách thứ hai, tính điểm theo 8 hội chứng của thang đo: Lo âu/trầm cảm, Thu mình/trầm cảm, Hành vi xâm kích, Vấn đề chú ý, Các vấn đề xã hội, Bệnh tâm thể, Phá bỏ quy tắc, Vấn đề tư duy.
2.4.3. Phương pháp thống kê: xử lý số liệu bằng phần mềm thống kê toán học
Để trình bày và phân tích số liệu, nghiên cứu sử dụng chương trình phần mềm thống kê SPSS (Statistical Package for the Social Science), đây là một chương trình được sử dụng rộng rãi để phân tích thống kê trong khoa học xã hội. Nó cũng được các nhà nghiên cứu thị trường, nghiên cứu y tế, công ty khảo sát, nhà nghiên cứu giáo dục, khai thác dữ liệu và nhiều ngành khác sử dụng.
Thống kê bao gồm trong phần mềm cơ sở:
+ Thống kê mô tả: lập bảng chéo, tần suất, mô tả, khám phá, thống kê tỷ lệ mô tả.
+ Thống kê đơn biến: phương tiện, t-test, ANOVA, tương quan (hai biến, một phần, khoảng cách), kiểm tra thông giới.
+ Dự đoán cho kết quả số: hồi quy tuyến tính
+ Dự đoán để xác định các nhóm: Phân tích các yếu tố, phân tích cụm, phân biệt. Các thông số và phép thống kê được sử dụng trong nghiên cứu này:
Phân tích sử dụng thống kê mô tả với các chỉ số:
Điểm trung bình cộng (mean): là chỉ số chỉ vị trí trung tâm hay điểm giữa của một tập hợp n số bằng một số duy nhất. Cách tính chỉ số trung bình cộng là lấy tổng của n số chia cho n.
Độ lệch chuẩn (standardizied devation) – là chỉ số mô tả mức độ tập trung hay mức độ phân tán hoặc tập trung của câu trả lời.
Tương quan nhị biến là tương quan giữa hai biến, không phân biệt biến độc lập hay biến phụ thuộc. Mục đích của phép phân tích tương quan là tìm hiểu mối liên quan giữa hai biến, mức độ liên kết mạnh hay yếu của mối liên quan giữa hai biến số được chỉ số hóa bởi hệ số tương quan r.
Hồi qua giúp xác định xem biến độc lập quy định các biến phụ thuộc như thế nào. Như vậy phương pháp nghiên cứu là rất quan trọng để kết quả nghiên cứu được chính xác và đảm bảo chất lượng đề tài nghiên cứu. Chúng tôi đã lựa chọn để ra được bộ công cụ vừa có độ hiệu lực, vừa có độ tin cậy cao để tiến hành nghiên cứu. Quy trình nghiên cứu này cũng được thực hiện một cách có tổ chức trên một mẫu chọn ngẫu nhiên mang tính đại diện cao. Dữ liệu thu được được xử lí theo phương pháp thống kê toán học với nhiều phép tính khác nhau để đưa ra được kết quả chính xác có độ tin cậy nhất.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 2
Nghiên cứu được tiến hành trên 325 sinh viên ngành công nghệ thông tin tại trường Đại học FPT. Các khách thể trong nghiên cứu hiện đang là sinh viên năm nhất, giới tính lựa chọn ngẫu nhiên. Trình độ học vấn của sinh viên đa dạng, từ học lực trung bình, khá, giỏi đến xuất sắc. Qui trình tổ chức nghiên cứu được tiến hành theo từng bước một cách hệ thống nhằm đảm bảo kết quả thu lại có độ tin cậy cao. Các phương pháp chính sử dụng trong nghiên cứu bao gồm nghiên cứu tài liệu, điều tra bảng hỏi và xử lý số liệu bằng phần mềm thống kê toán học. Độ hiệu lực bề mặt, độ tin cậy bên trong của bảng hỏi đều cho thấy những mức điểm khá cao và là cơ sở để để phân tích kết quả nghiên cứu một cách giá trị nhất.