Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.3. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
1.3.1. Những công trình đã nghiên cứu có liên quan
Nông thôn mới là chương trình mới triển khai từ năm 2011, nhưng được đánh giá là chương trình có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân nông thôn. Chính vì tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của xây dựng nông thôn mới, do vậy đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, những đề tài nghiên cứu này được nghiên cứu trên phạm vi, quy mô, đối tượng, thời gian, không gian, địa bàn khác nhau như: Luận án tiến sĩ kinh tế nông nghiệp “Nghiên cứu xây dựng nông thôn mới các huyện phía Tây thành phố Hà Nội” của học viên Nguyễn Mậu Thái, năm 2015; Luận án Tiến sĩ kinh tế “Xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế- xã hội ở tỉnh Bắc Ninh” của học viên Nguyễn Văn Hùng, năm 2015; Luận văn thạc sĩ “Xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang hiện nay” của học viên Vương Đình Thắng, năm 2015; Luân văn thạc sĩ “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh” của học viên Phạm Thị Tiến, năm 2013; Luận văn thạc sĩ “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn” của học viên Lý Quang Ngọc, năm 2014. Các công trình nghiên cứu khoa học này đã có những đóng góp nhất định trong việc cung cấp cơ sở lý luận cũng như thực tiễn về vấn đề xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương. Ở các công trình khoa học trên, việc nghiên cứu giải pháp về xây dựng nông thôn mới cấp huyện đã được nhiều học viên đề cập, tuy nhiên mỗi công trình có cách tiếp cận và nội dung nghiên cứu khác nhau. Do mục đích và yêu cầu khác nhau mà các nghiên cứu trên chỉ phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp cho từng địa phương cụ thể, không thể áp dụng giải pháp đó cho địa phương khác. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn huyện Bắc Sơn chưa có một công trình, đề tài khoa học nào nghiên cứu về giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài là cần thiết để đưa ra được những giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo, để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bắc Sơn cho xứng tầm với tiềm năng lợi thế và phù hợp với thực tiễn của địa phương.
1.3.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng nông thôn mới
1.3.2.1. Các yếu tố chủ quan
Điều kiện kinh tế: Là yếu tố thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã. Nơi nào có điều kiện kinh tế khá, thu nhập của người dân cao, các lĩnh vực phát triển kinh tế từ công nghiệp, thương mại dịch vụ đến nông nghiệp phát triển sẽ thuận lợi hơn trong việc huy động nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Điều kiện tự nhiên và hạ tầng cơ sở: Là yếu tố tác động đến tiến độ, phương thức triển khai xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với nhóm các tiêu chí về hạ tầng mà cụ thể là các công trình hạ tầng nông thôn. Đối với các tỉnh miền núi điều kiện địa hình chia cắt, đồi núi nhiều, độ dốc cao, khí hậu khắc nghiệt sẽ là yếu tố bất lợi cho xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng cơ sở ở khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển, để đạt chuẩn nông thôn mới về kết cấu hạ tầng thì hầu hết phải đầu tư mới và nâng cấp, xuất đầu tư các công trình hạ tầng ở khu vực miền núi thường cao hơn các tỉnh miền xuôi, nhu cầu kinh phí rất lớn để thực hiện nội dung này.
Văn hóa xã hội: Thể hiện phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của từng vùng miền, dân tộc cụ thể. Yếu tố này ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là nhóm các tiêu chí về văn hóa xã hội, môi trường và các nhóm tiêu chí trách nhiệm thực hiện chính từ người dân. Đồng thời nó ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, truyền thông trong xây dựng nông thôn mới.
Nguồn nhân lực và trình độ sản xuất: Hiện nay khu vực nông thôn lao động chiếm đa số, tuy nhiên trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn còn thấp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc chưa cao. Điều này ảnh hưởng đến việc tổ chức sản xuất và phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn cũng như chuyển dịch cơ cấu lao động trong xây dựng nông thôn mới hay nó tác động kìm hãm nhóm các tiêu chí kinh tế, tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Chính quyền địa phương: Đây chính là đơn vị quản lý, tổ chức, triển khai thực hiện chương trình, để chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống và được các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc thì nhất thiết chính quyền các cấp phải nỗ lực quyết tâm, kiên trì, bền bỉ, sáng tạo, quyết tâm cao trong chỉ đạo điều hành thì xây dựng nông thôn mới mới thành hiện thực và bền
vững. Mỗi địa phương có một điều kiện từ kinh tế, văn hóa, xã hội, đến đội ngũ cán bộ khác nhau, do vậy trong xây dựng nông thôn mới các địa phương có những cơ chế chính sách riêng, phù hợp cũng là yếu tố tác động không nhỏ đến kết quả và tốc độ xây dựng nông thôn mới.
Sự tham gia của người dân: Trong xây dựng nông thôn mới người dân chính là người hưởng thụ chương trình, Đảng và Nhà nước xác định người dân phải là chủ thể của chương trình, đồng thời phải phát huy nội lực của người dân từ trí lực đến tiềm lực, do vậy việc tham gia của người dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới là yếu tố quyết định sự thành công và bền vững của chương trình xây dựng nông thôn mới.
1.3.2.2. Các yếu tố khách quan
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: Đây là nhóm yếu tố tác động trực tiếp thúc đẩy, hỗ trợ nguồn lực để các địa phương triển khai thực hiện chương trình. Mỗi một cơ chế, chính sách sẽ có tác động thúc đẩy đến một địa phương hoặc vùng lãnh thổ, hoặc tác động đến một tiêu chí hoặc một nhóm tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Ngân sách nhà nước: Đối với các địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội thì nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách các cấp là động lực hết sức quan trọng thúc đẩy tiến độ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt đối với nhóm các tiêu chí xây dựng hạ tầng nông thôn.
Các văn bản hướng dẫn thực hiện: Đây là nhóm yếu tố tác động trực tiếp đến cách thức tổ chức thực hiện, kế hoạch, lộ trình, phạm vi, đối tượng thực hiện chương trình, giúp các cơ quan chuyên môn, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tổ chức triển khai, quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình.
1.4. Đánh giá chung
Khu vực nông thôn nước ta có vai trò vị trí hết sức quan trọng, quyết định sự thịnh vượng của cả quốc gia và dân tộc. Hiện nay Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên địa bàn các xã của cả nước là một chủ trương, chính sách lớn, hết sức đúng đắn dành cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 7 năm triển khai thực hiện chương trình trên phạm vi cả nước, đến hết năm 2017, cả nước có 3.289
xã (đạt 36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 50 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước còn 121 xã dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 14,25 tiêu chí/xã. Tuy nhiên còn có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới ở các vùng, miền (số xã đạt chuẩn NTM ở Đông Nam Bộ là 53,19%, ở Đồng bằng Sông Hồng 52,8% thì ở Miền núi phía Bắc đạt 12,19%, Tây Nguyên là 18,83%).
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến hết năm 2018 có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 23,2% tổng số xã), bình quân đạt 10,5 tiêu chí/xã. Kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới tại huyện Bắc Sơn đến năm 2018 có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 31,58% tổng số xã). Do vậy việc phân tích, nghiên cứu tìm các giải pháp khoa học và thực tiễn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới là một yêu cầu cấp bách, đặc biệt đối với huyện miền núi còn nhiều khó khăn như huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Luận văn được học viên kế thừa các nội dung lý luận về xây dựng nông thôn mới nói chung và xây dựng nông thôn mới ở cấp huyện nói riêng đã được các học viên khác hệ thống hóa. Trên cơ sở đó, phát triển các nội dung cụ thể khác trong xây dựng nông thôn mới cấp huyện cũng như những nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả xây dựng nông thôn mới.