Chương 1 CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn về xây dựng nông thôn mới
1.2.1. Kinh nghiệm phát triển nông thôn ở một số nước trên Thế giới
1.2.1.1. Hàn Quốc
Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến khu vực kinh tế nông thôn khi thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ I (1962-1966) và thứ II (1966-1971) với chủ trương công nghiệp hóa hướng đến xuất khẩu, tháng 4 năm 1970, Chính phủ Hàn Quốc phát động phong trào Saemaul Undong. Mục tiêu của phong trào này là "nhằm biến đổi cộng đồng nông thôn cũ thành cộng đồng nông thôn mới, mọi người làm việc và hợp tác với nhau xây dựng cộng đồng ngày một đẹp hơn và giàu hơn. Cuối cùng là để
Theo đó, Chính phủ vừa tăng đầu tư vào nông thôn vừa đặt mục tiêu thay đổi suy nghĩ ỷ lại, thụ động vốn tồn tại trong đại bộ phận dân cư nông thôn. Điều đáng chú ý của phong trào nông thôn mới ở Hàn Quốc là Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nguyên vật liệu còn nông dân mới chính là đối tượng ra quyết định và thực thi mọi việc. Saemaul Undong cũng rất chú trọng đến phát huy dân chủ trong xây dựng NTM với việc dân bầu ra một nam và một nữ lãnh đạo phong trào. Ngoài ra, Tổng thống còn định kỳ mời 2 lãnh đạo phong trào ở cấp làng xã tham dự cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để trực tiếp lắng nghe ý kiến từ các đại diện này. Nhằm tăng thu nhập cho nông dân, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng chính sách miễn thuế xăng dầu, máy móc nông nghiệp, giá điện rẻ cho chế biến nông sản. Ngân hàng nông nghiệp cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư về nông thôn với lãi suất giảm 2% so với đầu tư vào ngành nghề khác. Năm 2005, Nhà nước ban hành đạo luật quy định mọi hoạt động của các bộ, ngành, chính quyền phải hướng về nông dân. Nhờ hiệu quả của phong trào Saemaul Undong mà Hàn Quốc từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu trở thành một Quốc gia giàu có, hiện đại bậc nhất châu Á hiện nay.
1.2.1.2. Nhật Bản
Nhật Bản là nước có diện tích đất đai canh tác nông nghiệp hạn chế, dân số đông, đơn vị sản xuất nông nghiệp chính tại Nhật Bản vẫn là các hộ gia đình. Với đặc điểm tự nhiên kinh tế, xã hội đó, Nhật Bản đã đề ra một chiến lược hiệu quả là tăng năng suất nông nghiệp quy mô nhỏ bằng cách thâm canh tăng năng suất trên đơn vị diện tích và trên đơn vị lao động. Vì vậy nông nghiệp Nhật Bản đã cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm cho nhu cầu của nhân dân; tạo khả năng tích lũy và phát huy nội lực; thâm canh tăng năng suất; xuất khẩu nông, lâm sản, nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ công nghiệp hóa, đưa sản xuất công nghiệp về nông thôn, gắn nông thôn với công nghiệp, gắn nông thôn với thành thị. Những bước đi thích hợp là những điều kiện quan trọng đã đưa nông nghiệp, nông thôn Nhật Bản theo hướng hiện đại hóa.
Để tạo cơ sở thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng và phát huy tác dụng máy móc, thiết bị và hóa chất trong quá trình cơ giới hóa và hóa học hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, Nhật Bản đã chú trọng phát triển, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hệ thống năng lượng và thông tin liên lạc hoàn chỉnh, phân bổ các ngành công nghiệp chế biến dùng nguyên liệu nông nghiệp như tơ tằm, dệt may,... các ngành cơ khí,
hóa chất trên địa bàn nông thôn toàn quốc đã tạo việc làm cho lao động nông thôn, ngăn chặn làn sóng lao động rời bỏ nông thôn ra thành thị. Chính phủ Nhật Bản thường xuyên có chính sách trợ giá nông sản cho các vùng nông nghiệp mũi nhọn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững và hiện đại hóa, Nhật Bản thực hiện chính sách lấy nông nghiệp làm nền tảng ổn định xã hội và tích lũy cho công nghiệp, thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghiệp hướng vào xuất khẩu... làm tăng nhanh tiềm lực kinh tế đất nước. Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững của Nhật Bản đây là bài học kinh nghiệm để chúng ta tham khảo và học tập.
Từ năm 1979, Tỉnh trưởng Oita-Tiến sĩ Morihiko Hiramatsu đã khởi xướng và phát triển phong trào "Mỗi làng, một sản phẩm" (One Village, one Product-OVOP) với mục tiêu phát triển vùng nông thôn của khu vực này một cách tương xứng với sự phát triển chung của cả Nhật Bản. Phong trào "mỗi làng, một sản phẩm" dựa trên 3 nguyên tắc chính là: Địa phương hóa rồi hướng tới toàn cầu; tự chủ, tự lập, nỗ lực sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm được xác định là thế mạnh. Sau 20 năm áp dụng OVOP, Nhật Bản đã có 329 sản phẩm đặc sản địa phương có giá trị thương mại cao như: Nấm hương Shitake, rượu Shochu lúa mạch, cam Kabosu... đã từng bước nâng cao thu nhập của nông dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
1.2.1.3. Trung Quốc
Tháng 3 năm 2006 Trung ương Đảng cộng sản và Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc công bố Bản “Tài liệu số 01” với mục tiêu quyết tâm giải quyết vấn đề nông thôn; chủ trương xây dựng “Nông thôn mới xã hội chủ nghĩa” là nhiệm vụ chính của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Tài liệu này đề cập những chiến lược cơ bản trong đó chú trọng đến “Điều chỉnh mối quan hệ trong phân phối thu nhập, quy phạm, trật tự phân phối: thu nhập, tăng thu nhập cho tầng lớp người có mức sống trung bình và thấp. Kiên trì “Cho nhiều, lấy ít, nuôi sống” đặc biệt là áp dụng nhiều biện pháp trong việc “cho nhiều” đối với nông dân; đồng thời đưa ra các giải pháp nhiều mặt về xây dựng nông thôn, vấn đề xã hội và dân chủ, khác với tài liệu các năm trước nói đến các vấn đề riêng biệt như sản xuất lương thực, thu nhập nông dân và khả năng sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc đã đi vào một thời kỳ mới.