Chương 2 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.3. Phương pháp nghiên cứu
2.3.1. Chọn điểm nghiên cứu
Huyện Bắc Sơn, có 01 thị trấn và 19 xã, các xã có điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội khác nhau. Vì vậy để đánh giá tình hình nông thôn so với Bộ tiêu chí quốc gia NTM. Đề tài tiến hành điều tra tất cả các xã trên địa bàn huyện, từ đó đánh giá thực
trạng nông thôn so với 19 tiêu chí NTM. Tuy nhiên, do Đề tài quá rộng nên khi phân tích để đưa ra các giải pháp cho từng vùng đề tài đã chọn 3 xã: Hữu Vĩnh, Chiến Thắng và Nhất Tiến đại diện cho 3 vùng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của huyện làm điểm nghiên cứu, phân tích. Trong đó có 01 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tỉnh lựa chọn chỉ đạo điểm về đích đến năm 2020 (Nhất Tiến). Đề tài tập trung vào 2 nhóm đối tượng để khảo sát đó là: Nhóm cán bộ địa phương có tham gia chỉ đạo chương trình xây dựng NTM và nhóm các hộ nông dân.
* Nhóm cán bộ địa phương tham gia chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới
Tiến hành điều tra phỏng vấn 30 phiếu (10 phiếu/xã), nội dung điều tra lấy ý kiến đánh giá của cán bộ thuộc Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM cấp xã và Ban phát triển thôn về kết quả huy động nguồn lực và sử dụng nguồn lực cho xây dựng NTM tại địa phương thời gian qua. Đánh giá của cán bộ về từng kết quả của sự huy động, đánh giá về phương pháp huy động và hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực sau khi đã được huy động.
* Nhóm các hộ nông dân
Tiến hành điều tra phỏng vấn 90 phiếu (30 phiếu/xã), nội dung điều tra lấy ý kiến đánh giá của người dân về sự hiểu biết, những đóng góp của họ trong thời gian qua cho Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.
2.3.2. Phương pháp thu thập thông tin
2.3.2.1. Thu thập thông tin từ các tài liệu đã công bố
Những số liệu được thu thập từ tài liệu đã công bố chính thức của cơ quan Nhà nước: Trung ương, tỉnh, huyện về xây dựng nông thôn mới ở cấp độ vĩ mô và ở địa bàn nghiên cứu. Thu thập thông tin từ những báo cáo khoa học đã được công bố, các tài liệu thống kê do các cơ quan của tỉnh, huyện và các xã thuộc huyện Bắc Sơn cung cấp; những số liệu này thu thập chủ yếu ở các cơ quan như: Chi cục Thống kê, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện, Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội - Dân tộc… cổng thông tin điện tử của Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên, thư viện Trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên…
2.3.2.2. Thu thập thông tin qua điều tra, khảo sát
Điều tra trực tiếp thông qua phỏng vấn, sử dụng phiếu điều tra để phỏng vấn 2 nhóm đối tượng đó là: Nhóm cán bộ địa phương có tham gia chỉ đạo chương trình xây dựng NTM và nhóm các hộ nông dân.
* Nhóm cán bộ địa phương:
Phỏng vấn đại diện 5 đoàn thể chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên), Trưởng ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM ở 03 xã, mỗi xã phỏng vấn 3 trưởng thôn. Tổng cộng có 30 cán bộ xã, thôn được phỏng vấn.
- Chọn 3 xã đại diện cho 3 vùng về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của huyện làm điểm nghiên cứu, điều tra.
- Tên các xã, thôn tiến hành điều tra:
+ Xã Hữu Vĩnh gồm các thôn: Nà Hó, Hữu Vĩnh 2, Hợp Thành Pác Lũng. + Xã Chiến Thắng gồm các thôn: Hồng Phong 1, Hồng Phong 3, Hồng Phong 4. + Xã Nhất Tiến gồm các thôn: Làng Chu, Pá Lét, Đồng Tiến.
* Nhóm hộ nông dân:
Tiến hành phỏng vấn mỗi xã 3 thôn, mỗi thôn chọn mẫu 10 hộ nông dân để điều tra phỏng vấn. Chọn mẫu theo phương pháp chọn ngẫu nhiên hệ thống dựa trên danh sách các hộ gia đình trong thôn. Số hộ điều tra phỏng vấn tại mỗi xã là 30 hộ. Tổng số hộ dân điều tra phỏng vấn ở 3 xã nghiên cứu là 90 hộ.
2.3.3. Phương pháp phân tích đánh giá
Sau khi thu thập được các thông tin, tiến hành xử lý và phân tích thông tin tại phần mềm excel.
- Phương pháp phân tổ thống kê: Những thông tin sau khi thu thập được sẽ được phân tổ theo các nhóm tiêu chí. Phương pháp phân tổ sẽ giúp ta nhìn nhận rõ ràng các sự kiện để có được những đánh giá chính xác nhất đối với tình hình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở huyện Bắc Sơn.
- Phương pháp phân tích so sánh: Sử dụng phương pháp dãy số thời gian và so sánh các chỉ tiêu tính toán giữa các ngành, các vùng, các nhóm lao động… từ đó có những giải pháp cụ thể.
- Phương pháp thống kê mô tả: Dựa vào các số liệu thống kê, mô tả được biến động và xu hướng phát triển của một hiện tượng kinh tế - xã hội, từ đó rút ra những kết luận cần thiết phục vụ cho công tác nghiên cứu và ứng dụng.
- Phương pháp SWOT: Phương pháp này được áp dụng trong đề tài để đánh giá những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bắc Sơn, từ đó đưa ra những giải pháp phát triển phù hợp với những tiềm năng và lợi thế của huyện.
- Phương pháp chuyên gia: Thông qua trao đổi với các cán bộ có kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển nông thôn của huyện, xã ở địa bàn nghiên cứu; trao đổi, thảo luận với cán bộ Ban quản lý xây dựng NTM của xã, các chủ hộ tham gia Chương trình xây dựng NTM. Từ đó góp phần hoàn thiện nội dung nghiên cứu cũng như kiểm chứng kết quả điều tra, nghiên cứu.