toả của nguồn vốn FDI
Công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là yếu tố quan trọng góp phần đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, công nghiệp phụ trợ Hà Nội vẫn còn ở trình độ thấp, chỉ mới tham gia vào làm các chi tiết đơn giản nhất cho các doanh nghiệp FDI. Từ năm 2000 đến nay, khối công nghiệp FDI đã tăng 2,6 lần về số lượng doanh nghiệp, 6 lần về số lao động, 2,7 lần về giá trị xuất khẩu, 6,3 lần về doanh thu. Từ năm 2006 đến nay, vượt qua khối doanh nghiệp nhà nước và dân doanh vượt lên dẫn đầu về giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp Hà Nội. Tuy các doanh nghiệp FDI có doanh thu cao, nhưng thực tế hiện nay, tỉ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp này đang còn ở mức thấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội còn đang có một khoảng cách lớn về trình độ khi so sánh với khu vực, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở phục vụ cho phát triển công
nghiệp nội địa là chính. Nếu so sánh với Nhật Bản là nước có trình độ công nghiệp hàng đầu thế giới, rõ ràng công nghiệp phụ trợ của Hà Nội đang ở trình độ sơ khai. Bởi vậy, các doanh nghiệp này chưa thể tham gia nhiều, và nếu có cũng mới làm được các linh phụ kiện đơn giản nhất cho các doanh nghiệp lắp ráp FDI Nhật Bản tại Hà Nội. Đơn cử, Canon là doanh nghiệp lắp ráp máy in đạt kim ngạch xuất khẩu tới 1 tỉ USD mới chỉ đặt doanh nghiệp phụ trợ nội địa làm công việc in ấn các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy. Tương tự với Toyota, đó chỉ là các bộ đồ dụng cụ sửa chữa xe. Nếu tình hình diễn ra tiếp tục như vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ phải nhường sân chơi trở thành nhà cung cấp đối với các doanh nghiệp FDI cho các doanh nghiệp phụ trợ đến từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc.
Đến thời điểm này, công nghiệp phụ trợ Hà Nội đã thu hút gần 1000 doanh nghiệp tham gia vào 20 ngành hàng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ khác nhau, tạo doanh thu 60.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 122.000 lao động, đóng góp ngân sách 3,6 tỉ USD [55]. Đây là những con số chưa tương xứng với tiềm năng của công nghiệp phụ trợ Hà Nội.
Công nghiệp phụ trợ phải được xác định là khâu đột phá chủ yếu của Hà Nội để phát triển công nghiệp, tạo hàng hoá thay thế nhập khẩu, tận dụng tối đa tác động lan toả của các doanh nghiệp FDI. Bởi lẽ, khi ngành công nghiệp phụ trợ lớn mạnh, đủ khả năng cung cấp các nguyên liệu chủ yếu cho các doanh nghiệp FDI, một mặt vừa giảm chi phí cho các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu từ nước ngoài, mặt khác lại tạo việc làm, tăng thu nhập vừa làm đòn bẩy để thu hút FDI và hấp thụ hết nguồn vốn và tác động tích cực mà FDI mang lại thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để phát triển công nghiệp phụ trợ của Hà Nội nhằm thực hiện mục tiêu nói trên cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Giảm hoặc bãi bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện nhập khẩu để giảm giá thành sản phẩm lắp ráp để các sản phẩm này xuất khẩu được. Mở rộng thị trường ra các nước khác để tăng quy mô sản xuất thành phải cuối cùng mới kích thích được các công ty nước ngoài đến đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Trong thời đại tự do thương mại, không thể áp dụng chính sách nội địa hoá như các nước xung quanh đã làm trong quá khứ được.
- Cho rà soát lại các cơ sở sản xuất các ngành phụ trợ tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội, từ đó ưu tiên cấp vốn và tạo các điều kiện khác để đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tại những cơ sở đã có quy mô tương đối lớn. Lập chế độ tư vấn kỹ thuật và quản lý để mời các chuyên gia nước ngoài vào giúp thay đổi công nghệ và cơ chế quản lý tại từng doanh nghiệp nhà nước vừa nói trên. Hiện nay, Nhật Bản và một số nước khác đang có chế độ gửi những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn sức khoẻ và ý chí muốn đem kinh nghiệm của mình đến giúp các nước đang phát triển. Họ được gọi là những tình nguyện viên cao cấp (senior volunteers). Hà Nội có thể tận dụng nguồn lực quốc tế này để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp hỗ trợ.
- Khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ, với sự trợ giúp về vốn, ưu đãi đặc biệt về thuế (miễn thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ, thuế doanh thu). Các chính sách ưu đãi đặc biệt chỉ nên áp dụng có thời hạn 2 - 3 năm.
- Không chỉ xây dựng khu công nghiệp phụ trợ tập trung tại Phú Xuyên như hiện nay mà còn đưa ra chỉ tiêu cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Hà Nội phải có 20 - 30% số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ để tạo ra chuỗi cung ứng liên hoàn trong từng khu công nghiệp.
- Để bắt kịp với làn sóng nội địa hoá, Hà Nội cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp phụ trợ có hiệu quả, một doanh nghiệp nên có đủ thông tin về chính sách, các khả năng đặc biệt, kinh nghiệm của công ty, trang thiết bị sản xuất, chứng chỉ chất lượng, các khách hàng có uy tín, doanh số
hàng năm, tổng số vốn và lao động sử dụng. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI khi muốn thiết lập quan hệ, tìm kiếm đối tác cung cấp nhanh chóng, dễ dàng hơn.