Xúc tiến thu hút FDI bắt đầu bằng công tác tuyên truyền, vận động các nhà đầu tư nước ngoài. Cần thành lập bộ phận chuyên trách của thành phố về vấn đề này để nâng cao tính chuyên nghiệp. Những người được tuyển chọn phải là người nắm vẵng tình hình kinh tế, xã hội, cũng như những điều kiện thuận lợi và khó khăn về vị trí địa lý, về lịch sử, văn hoá, con người... của Hà Nội và phải có kinh nghiệm trong giao tiếp, tuyên truyền vận động cũng như khả năng nhất định về ngoại ngữ. Bộ phận này không những có nhiệm vụ giới thiệu hình ảnh thủ đô, luật đầu tư và các chính sách liên quan ra với nước ngoài mà còn sẵn sàng trả lời, giải thích các câu hỏi, thắc mắc mà các nhà đầu tư quan tâm. Các hình thức tuyên truyền phải đa dạng và mở rộng không chỉ trong khu vực mà trên phạm vi toàn thế giới. Đồng thời, xây dựng các tổ chức tư vấn đầu tư chuyên ngành (để giúp các nhà đầu tư nắm vững thuận lợi khó khăn khi họ muốn đầu tư vào một lĩnh vực nào đó), các cơ sở dịch vụ hỗ trợ xin giấy phép, cấp giấy phép đầu tư và triển khai dự án (dịch vụ đất đai quản lý xây dựng, cung cấp lao động), tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Vấn đề này hiện đã có trung tâm xúc tiến đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp FDI nhưng thế vẫn chưa đủ vì dung lượng vốn và số lượng dự án đầu tư vào thành phố nhiều và trong tương lai sẽ còn lớn hơn.
Tăng cường nghiên cứu, cập nhật thông tin xu thế phát triển của các thị trường vốn đầu tư trên thế giới, chính sách đầu tư của TNCs, để xác định đối
tác thích hợp, cần vận động cho những lĩnh vực mà thành phố ưu tiên phát triển. Để nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, cần phải đề ra chiến lược dài hạn cho công tác tuyên truyền, vận động và liên tục thực hiện nó bằng mọi phương tiện, trong mọi hoàn cảnh và khả năng cho phép.
Các Sở, ngành của Hà Nội phải tổ chức phối hợp nghiên cứu tình hình kinh tế, thị trường đầu tư, chính sách của các nước, các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn và các công ty quốc tế trong từng giai đoạn để có phương sách thu hút đầu tư phù hợp. Nghiên cứu luật pháp, cơ chế, chính sách, biện pháp thu hút FDI của các nước trong khu vực để một mặt học tập kinh nghiệm của họ, mặt khác tìm đối sách phù hợp, tạo ưu thế cạnh tranh cho Hà Nội ở lĩnh vực này.
Công tác vận động đầu tư nước ngoài thời gian qua tuy đã được xúc tiến, song hiệu quả mà nó mang lại còn nhiều hạn chế. Đó là vì chúng ta còn thiếu kinh nghiệm và chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến lĩnh vực này, thời gian tới cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Giao trách nhiệm về cho UBND các cấp và các sở, ngành phải giới thiệu cho nhà đầu tư nước ngoài về những lĩnh vực mà Hà Nội cần đầu tư. Hướng dẫn các nhà đầu tư thủ tục xin cấp giấy phép, khẩn trương xét duyệt để có thể cấp giấy phép sớm hơn thời hạn quy định, giúp đỡ họ giải quyết khó khăn trong quá trình triển khai dự án.
- Gửi đến các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức Việt kiều danh mục các dự án cần thu hút đầu tư, để họ tuyên truyền giới thiệu với các công ty, tập đoàn kinh tế cũng như cộng đồng người Việt ở nước đó.
- Tổ chức thường kỳ hội nghị với các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà tài trợ, tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, họp báo để giới thiệu cơ hội đầu tư.
- Đơn giản hoá thủ tục mở văn phòng đại diện, các chi nhánh của công ty nước ngoài tại Hà Nội. Thường xuyên tổ chức gặp mặt các văn phòng đại
diện nước ngoài để nắm bắt thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp có vốn FDI để từ đó tìm ra hướng giải quyết.
- Mở các văn phòng đại diện của Hà Nội tại một số quốc gia tập trung nhiều tập đoàn kinh tế lớn để đặt mối quan hệ và lấy đó làm cơ sở giao dịch chính. - Tăng cường in ấn tài liệu giới thiệu cập nhật các chính sách, các ưu đãi, điều kiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, giá thuê đất, giá diện nước ở Hà Nội, phát miễn phí các tài liệu này cho các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài để họ nghiên cứu so sánh trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
- Xúc tiến môi giới thành lập doanh nghiệp liên doanh thông qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức tư vấn pháp luật, các hãng chuyên môn kỹ thuật,... cung cấp thông tin, tạo ra tiền đề ban đầu cho các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong trường hợp xảy ra rủi ro, các công ty này phải chịu trách nhiệm đối với các phần việc của mình.