Thông tin bất đối xứng luôn tồn tại trong hệ thống NH từ cả phía khách hàng và NH. Thông tin càng ít bất đối xứng nếu các NH hiểu rõ hơn về khách hàng. Điều này chỉ trở thành hiện thực khi có các điều kiện tiên quyết như hệ thống pháp lý rõ ràng, hệ thống kế toán chặt chẽ và báo cáo tài chính minh bạch, đủ độ tin cậy và phản ánh đúng năng lực tài chính của khách hàng. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin phải đầy đủ, các tiêu chuẩn đánh giá và xếp loại doanh nghiệp cụ thể, dễ áp dụng cùng với hệ thống kiểm toán độc lập và hệ thống đăng ký tài sản quy củ. Ở Việt Nam, tuy hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động tín dụng đã khá đầy đủ nhưng hệ thống thông tin kế toán chưa được tổ chức hoàn chỉnh, các báo cáo tài chính thiếu minh bạch và phần lớn không được kiểm toán nên các NH khó có thể nắm bắt
chính xác năng lực thực sự của các doanh nghiệp để ra quyết định cho vay một cách đúng đắn.
Mặt khác, các báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – loại hình chiếm đại bộ phận doanh nghiệp ở Việt Nam thường được làm để đối phó với cơ quan thuế nên độ tin cậy thấp. Một hệ thống thông tin giúp đánh giá khách hàng một cách đầy đủ và chính xác phải bao gồm lịch sử hình thành, quá trình phát triển, năng lực tài chính, năng lực quản lý, uy tín tín dụng,…Ở Việt Nam, trung tâm thông tin tín dụng (CIC) trực thuộc NH nhà nước là đơn vị duy nhất thu thập thông tin về khách hàng của các NH. NH nhà nước yêu cầu các NH phải định kỳ báo cáo các thông tin liên quan đến khách hàng cho CIC và tất cả các NH được quyền khai thác thông tin này. Tuy nhiên, thông tin của CIC thường chậm cập nhật, các chỉ tiêu chưa cụ thể và không đầy đủ để đánh giá doanh nghiệp một cách toàn diện. Bên cạnh đó do chưa ý thức lắm về tầm quan trọng của việc phải hiểu rõ khách hàng nên nhiều NH ít quan tâm tới chất lượng các thông tin, dữ liệu báo cáo cho CIC. Khi thẩm định doanh nghiệp rất ít NH sử dụng thông tin từ CIC mà chủ yếu dựa vào nhận định của riêng mình.
Mặc dù đã được cải thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng việc phân loại nợ quá hạn vẫn còn dựa vào nhiều tiêu chí thời gian hơn là năng lực trả nợ của doanh nghiệp nên không khuyến khích các NH tìm hiểu cặn kẽ thực trạng của doanh nghiệp. Hiện chưa tổ chức nào ở Việt Nam xây dựng hệ thống phân loại và xếp hạng doanh nghiệp để cung cấp thông tin cho các NH như các nước trên thế giới đã làm. Các NH cũng chưa thực sự quan tâm tới việc lưu trữ và xử lý thông tin tín dụng mà mình có được thông qua các giao dịch với khách hàng một cách hệ thống để đánh giá rủi ro của khách hàng cho bài bản.
Tất cả những vấn đề trên dẫn đến hiện tượng thông tin bất đối xứng, buộc các NH trong những trường hợp nhất định phải hạn chế tín dụng để tránh rủi ro có thể gặp phải. Thống đốc NH Nhà nước (NHNN) cũng ký ban hành quyết định hạn chế các tổ chức tín dụng cho vay để kinh doanh chứng khoán. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ không được cho công ty chứng khoán trực thuộc vay vốn để kinh doanh
chứng khoán. Theo quyết định trường hợp cho các công ty không trực thuộc vay, bắt buộc phải có tài sản đảm bảo, thay vì cho vay tín chấp. Với những công ty chứng khoán mà NH góp vốn và nắm quyền kiểm soát, tổng mức cho vay và bảo lãnh không được vượt quá 10% vốn tự có; với các công ty chứng khoán khác mức cho vay và bảo lãnh không được vượt quá 20%. Các khoản cho vay để đầu tư vào chứng khoán bị liệt vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150%. Qui định hệ số rủi ro như vậy cũng đồng nghĩa với việc hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán vì các NH sẽ phải cân nhắc kỹ đối với những khoản vay thuộc diện này. Trên thực tế, nhiều công ty chứng khoán đang hưởng những đặc quyền từ NH mẹ, trong đó có việc được vay vốn với lãi suất thấp để kinh doanh chứng khoán. Theo quan điểm của NH Nhà nước, chứng khoán là một loại hàng hóa đặc biệt, lợi nhuận cao nhưng rủi ro nhiều. Quy định cụ thể về hạn mức cho vay, đồng thời yêu cầu các công ty chứng khoán vay tiền phải có tài sản thế chấp nhằm giúp NH tránh mất vốn như đã từng xảy ra khi bất động sản "sốt nóng". Ngoài chứng khoán, bất động sản cũng được NHNN xếp vào nhóm những lĩnh vực không khuyến khích cho vay.
Hạn chế tín dụng đã dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất cũng như khả năng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Kể từ cuối năm 2008, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, sau đó là vấn đề lạm phát cao và hiện nay là suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước, do đó môi trường kinh doanh và hoạt động NH gặp nhiều khó khăn làm cho chất lượng tín dụng suy giảm và nợ xấu tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Trong giai đoạn 2008-2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân 26,56% nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu bình quân 51%. Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng từ năm 2011 chậm lại đáng kể, đặc biệt là 5 tháng đầu năm 2012 dư nợ tín dụng không tăng nhưng nợ xấu tăng tới 45,5% do tình hình kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp suy giảm mạnh.
CHƯƠNG 3
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ VẤN ĐỀ THÔNG TIN BẤT ĐỐI XỨNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA
NHTM TẠI VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN SẮP TỚI