Thực trạng của lựa chọn nghịch

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thông tin bất đối xứng trong hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 48 - 52)

2.1. Tổng quan về hoạt động của NHTM Việt Nam

2.2.1. Thực trạng của lựa chọn nghịch

Lựa chọn nghịch xảy ra trong quá trình phân tích, thẩm định khách hàng và phương án vay của NH dựa trên hồ sơ vay. Thông thường hồ sơ vay vốn bao gồm:

-Giấy chứng nhận về tư cách pháp nhân. -Giấy đề nghị vay vốn.

-Phương án sản xuất kinh doanh và kế hoạch trả nợ

-Hợp đồng thế chấp, cầm cố bảo lãnh và các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp cầm cố đó.

-Các báo cáo tài chính trong thời gian gần đây.

Trong số những giấy tờ trên có rất nhiều giấy tờ có khả năng bị làm giả. Trong số đó hợp đồng thế chấp, cầm cố bảo lãnh và các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản thế chấp cầm cố đó có nguy cơ bị làm giả nhiều nhất. Điều này đã được minh chứng qua các vụ việc xảy ra trong thực tiễn.

Điển hình là vụ việc ông Nguyễn Phương Giang, nguyên Trưởng Phòng giao dịch An Nghiệp thuộc NH Việt Á chi nhánh Cần Thơ, đã vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Theo cơ quan điều tra, quá trình làm Trưởng Phòng giao dịch An Nghiệp, ông Giang đã cho vay vượt mức phán quyết tín dụng, giải ngân chưa đủ điều kiện, không đúng quy trình, sai quy chế, sai đối tượng. Đa số các hồ sơ không thẩm định tài sản thế chấp trước khi giải ngân, định giá đất theo giá thị trường cao hơn thực tế, đặc biệt là cho mượn tài sản đã thế chấp và giao cho khách hàng tự đi sang tên. Từ kẽ hở đó, sau khi vay được trên 80 tỷ đồng,

người đi vay mượn lại tài sản thế chấp đưa đi chuyển nhượng, cầm cố… Khi vụ án bị phát hiện, phía NH đã thất thoát 39 hồ sơ vay với dư nợ trên 27,3 tỷ đồng và 30 lượng vàng SJC.

Việc Công ty An Khang vay 5 NH trên địa bàn thành phố Cần Thơ số tiền khoảng 305 tỷ đồng và không có khả năng chi trả cũng đang gây xôn xao dư luận. Sự việc bắt đầu từ ngày 4/8/2010, Công ty An Khang vay 30 tỷ đồng tại chi nhánh SeaBank Cần Thơ nhằm bổ sung vốn lưu động. Tài sản một phần được thế chấp bằng bất động sản, một phần là hàng hóa tồn kho luân chuyển cá tra fillet, chả cá sumiri đông lạnh, tổng cộng hơn 1.000 tấn. Số tài sản thế chấp được bên thứ ba là Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản SeaBank quản lý tại kho hàng đông lạnh của An Khang từ tháng 8/2010. Đến ngày 3/5/2012, An Khang nợ quá hạn và mất khả năng thanh toán. Trước ngày 4/6/2012, việc quản lý tài sản thế chấp tại kho của công ty này vẫn diễn ra bình thường và chưa có sự tham gia của NH nào, ngoài SeaBank. Nhưng sau thời điểm này bắt đầu có tranh chấp kho hàng với một số NH khác. Trong đó, NH phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ thông báo các hàng hóa chả cá, cá tra đông lạnh đang lưu trữ tại kho của Công ty An Khang là tài sản thế chấp cho chi nhánh NH này. Đồng thời, ông Nguyễn Hồng Quân (Giám đốc An Khang) cũng ký biên bản với nội dung không hay biết về việc đã thế chấp kho hàng hóa cho SeaBank nên không công nhận nợ và khẳng định kho hàng hóa là tiền của chi nhánh NH phát triển khu vực Cần Thơ - Hậu Giang. Nếu như sự việc trên là đúng thì công ty An Khang đã có dấu hiệu lừa đảo. Bởi lẽ tổng dư nợ gốc tới ngày 18/7/2012 mà An Khang nợ SeaBank là 26,992 tỷ đồng (trong đó một phần nợ gốc đã bị quá hạn là 24,155 tỷ đồng và tiền lãi chưa thanh toán hơn 1,8 tỷ đồng). Tất cả đều có chứng từ vay hợp pháp. Sai phạm của cán bộ NH trong trường hợp này là để Công ty An Khang dùng những hồ sơ, chứng từ không có giá trị nhưng vẫn được vay những khoản tiền lớn từ NH.

Vụ việc gần đây là việc 20 triệu cổ phần của Công ty thép Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát - HPG) của ông Nguyễn Đức Kiên đang thế chấp tại NH thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đồng thời được bán cho HPG với giá 264 tỉ đồng khiến

dư luận sửng sốt. HPG đang chờ cơ quan có thẩm quyền làm rõ sự việc để bảo vệ quyền lợi cổ đông trong khi ACB khẳng định họ đang nắm giữ số cổ phần này.

Theo nguyên tắc, khi nhận cầm cố, thế chấp bằng cổ phần, NH và người cầm cố phải mang sổ cổ đông đến công ty để phong tỏa số cổ phần này. Chủ tịch HĐQT và kế toán của công ty sẽ ký xác nhận và khi đó, số cổ phần này không được quyền chuyển nhượng. Việc này cũng như khi thế chấp bằng bất động sản, hai bên phải làm thủ tục công chứng để bảo đảm bất động sản đó không được tiếp tục sang nhượng hay mang đi thế chấp ở nơi khác. Đây là khâu không thể thiếu trong quản trị rủi ro ở các NH. Vì không thực hiện các thủ tục này, chủ sở hữu hoàn toàn có thể làm đơn cớ mất để xin cấp lại giấy tờ. Khi đó, NH sẽ mất trắng. Nếu làm đúng nguyên tắc nói trên, cổ phần của ông Nguyễn Đức Kiên đã thế chấp ở ACB không thể tiếp tục sang nhượng cho HPG. Nhưng nếu ACB đã thực hiện phong tỏa số cổ phần này thì HPG càng không thể bỏ ra 264 tỉ đồng để mua số cổ phần này khi họ sở hữu tới 85% cổ phần Công ty thép Hòa Phát, đơn vị ký xác nhận phong tỏa số v. Như vậy, xảy ra 2 khả năng, hoặc là số cổ phần này đã không được phong tỏa, HPG thắng thế vì cổ phần vẫn ở trong tay họ. Cũng có nghĩa là cổ phần cầm cố ở ACB thực tế chỉ còn là tờ giấy, ACB bị mất vốn. Ngược lại, nếu NH đúng thì HPG mất vốn.

Sự việc này cũng tương tự như vụ dùng 25 triệu cổ phiếu của Công ty Bianfishco, trị giá 250 tỉ đồng, đi thế chấp 2 NH rồi tiếp tục bán cho bên Công ty Hồ Mây của bà Diệu Hiền, Tổng giám đốc Bianfishco lúc đó. Nếu NH đúng thì Công ty Hồ Mây sai. Vậy không lẽ khi bỏ ra số tiền hàng trăm tỉ đồng để mua cổ phiếu của bà Diệu Hiền, Công ty Hồ Mây không làm thủ tục chuyển giao sở hữu (sang tên)? Nếu thiếu bước quan trọng này, người bán hoàn toàn có thể đi bán cho người khác nữa.

Hai trường hợp trên cho thấy rủi ro của những hợp đồng mua bán, cầm cố, thế chấp để vay vốn NH bằng cổ phiếu là hết sức lớn. Nguy hiểm hơn là tình trạng có những cá nhân là cổ đông lớn của chính cổ phiếu mà họ mang đi giao dịch với NH để vay vốn. Họ hoàn toàn có thể tự ký xác nhận phong tỏa cho một nơi rồi tiếp tục

ký hợp đồng bán cho một nơi khác cho cùng một lô cổ phiếu. Trường hợp bà Diệu Hiền là minh chứng rõ nhất. Một tay ký xác nhận phong tỏa lô 25 triệu cổ phiếu của Công ty Bianfisco khi mang cầm cố NH, còn tay kia bà vẫn ký bán chính lô cổ phiếu này cho Công ty Hồ Mây. Trong "kho" của nhiều NH hiện nay, tài sản thế chấp, đảm bảo bằng cổ phiếu, chứng thư bảo lãnh cho các hợp đồng vay vốn nhưng rất nhiều cổ phiếu, chứng thư có nguy cơ chỉ là tờ giấy không có giá trị. Đầu tiên là trường hợp cổ phiếu đã được sang nhượng nhưng vẫn được NH chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Trường hợp thứ 2 là cổ phiếu cầm cố của những công ty không có vốn, hoặc vốn quá nhỏ, không đáng kể. Chúng ta đều biết, ngoài những ngành có điều kiện, bắt buộc phải thực góp vốn pháp định, còn rất nhiều công ty vốn chỉ là đăng ký mà không thực góp. Nên cổ phiếu, cổ phần của các công ty này không có giá trị bao nhiêu. Các loại cổ phiếu này được chấp nhận là tài sản đảm bảo thì nguy cơ mất vốn của NH là cực lớn. Trường hợp thứ 3 là tài sản bảo đảm bằng chứng thư bảo lãnh không giá trị. Thực tế đã chứng minh không ít chứng thư được ký bởi những người không có thẩm quyền ký hoặc có thẩm quyền nhưng đã hết hạn mức. Vụ Giám đốc chi nhánh Agribank Hồng Hà bị bắt và khởi tố về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” do ký chứng thư bảo lãnh thanh toán là minh chứng điển hình.

Một hồ sơ dễ dàng làm giả nữa là báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp còn duy trì ba hệ thống sổ sách kế toán. Một dùng để báo cáo thuế, một dùng để vay vốn NH và một dùng cho nội bộ (không công bố ra ngoài) với số liệu thực. Tùy từng mục đích sử dụng, doanh nghiệp sẽ “chế biến” số liệu trên các báo cáo dùng cho cơ quan khác nhau. Chẳng hạn, để NH tin tưởng cấp vốn, báo cáo của doanh nghiệp lúc nào cũng phải “đẹp” như có lãi, khả năng thanh toán tốt, không có nợ đọng...Để NH cho vay nhiều vốn, doanh nghiệp sẽ khai tăng sản lượng hàng cần mua thêm 30-50%. Nếu NH cho vay hạn mức chỉ 50-70% giá trị hàng thế chấp, thì doanh nghiệp vẫn có đủ tiền mua hàng. Một “chiêu” thông thường của các doanh nghiệp là giấu sản lượng hàng trên hóa đơn đầu vào và đầu ra. Trên sổ sách báo cáo thuế, doanh nghiệp sẽ rút bớt sản lượng. Ví dụ, mua 10 tấn

nguyên liệu, chỉ lấy hóa đơn 6 tấn, phần còn lại sẽ trả tiền ngoài. Trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp sẽ “vẽ” thêm nhiều chi phí như tiếp khách, đi công tác, sửa chữa phương tiện, phí đào tạo, phí quản lý của nước ngoài… Để hợp thức hóa chứng từ, họ sẽ lấy hóa đơn có chi phí cao hơn thực tế, thậm chí là mua thêm hóa đơn. Bằng cách này, báo cáo tài chính của doanh nghiệp luôn cho thấy chi phí rất lớn, dẫn tới lãi ít hoặc lỗ để giảm tiền nộp thuế.

Tình trạng “hai sổ sách” đã tồn tại trong doanh nghiệp từ lâu, gây thất thu lớn cho ngân sách và dẫn đến lựa chọn nghịch trong hoạt động tín dụng NH. Mà sổ sách, hóa đơn chứng từ đã được hợp thức hóa ngay trong quá trình kinh doanh, nên khó phát hiện. Mặt khác, vì NH là cơ quan dân sự, thuế là cơ quan giám sát nhưng lại không quan hệ trực tiếp với nhau. Bản thân cơ quan thuế cũng hạn chế chia sẻ thông tin doanh nghiệp ra bên ngoài. Do đó, hai đơn vị này khó mà phát hiện doanh nghiệp khai gian.

Mặc dù biết rõ việc tồn tại nhiều hệ thống báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp nhưng các NH không thể làm gì vì rất khó xác minh. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp là khách hàng của các NH không thể thu thập đủ thông tin thị trường cần thiết, đặc biệt khi nền kinh tế có biến động lớn như trong thời gian vừa qua, vì thường chỉ dựa vào mối quan hệ cá nhân với bạn bè, người thân,…hơn là thông qua các tổ chức hỗ trợ thông tin chuyên nghiệp hay các công cụ hiện đại như Internet. Do đó, các NH không có đủ thông tin về giá cả đầu vào, đầu ra, xu hướng biến động của thị trường, khả năng tiêu thụ,…khi thẩm định dự án đầu tư hay phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, hiện tượng mua bán hàng hóa không có hợp đồng và hóa đơn để trốn thuế làm cho thông tin càng mù mờ nên các NH càng mất lòng tin vào doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thông tin bất đối xứng trong hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 48 - 52)