Một số bài học kinh nghiệm từ xử lý thông tin bất đối xứng trong

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thông tin bất đối xứng trong hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 26 - 31)

1.4.1. Mỹ

Rủi ro vỡ nợ do việc bảo hiểm tiền gửi gây ra và ý muốn ngăn ngừa các vụ vợ nợ NH đã khiến cho những người điểu hành NH ở vào một tình thế khó xử. Bởi vì một vụ vỡ nợ của một NH lớn khiến dễ có thể là một sự đổ vỡ tài chính quan trọng sẽ xuất hiện, những người điểu hành NH đương nhiên là không muốn cho phép một NH lớn được vỡ nợ để gây tổn thất cho những người gửi tiền ở đó. Khi Continental Hlinois, một trong số 10 NH lớm nhất nước Mỹ khi lâm vào tình trạng không thể trả được nợ vào tháng 5/1984 FDIC đã không những đảm bảo cho những người gửi tiền tới giới hạn được bảo hiểm 100.000 USD mà còn cho cả những món tiền trên 100.000 USD và thậm chí ngăn ngừa tổn thất cho cả những người giữ các trái khoán Continental Hlinois. Sau đó FDIC đã xếp 11 NH lớn nhất vào loại “quá lớn không thể vỡ nợ”, tức là FDIC sẽ bảo lãnh cho các NH này một số vốn tiếp sức lớn.

Một vấn đề với chính sách “quá lớn không thể vỡ nợ” là ở chỗ nó sẽ làm tăng ý muốn của các NH lớn với rủi ro đạo đức. Nếu FDIC sẵn lòng đóng cửa một NH bằng cách dùng phương pháp thanh toán hết tức là chỉ thanh toán cho những người gửi tới giới hạn 100.000 USD, còn những người gửi trên 100.000 USD sẽ phải chịu tổn thất nếu NH vỡ nợ. Nếu như vậy, người gửi tiền lớn sẽ để phần giám sát NH này và họ sẽ rút tiền ra ngay khi thấy có quá nhiều rủi ro. Điều này lại làm cho NH có thể giảm bớt ý muốn những hoạt động rủi ro hơn. Nhưng nếu một khi những người gửi tiền cỡ lớn biết rằng NH này thuộc loại “quá lớn không thể vỡ nợ” thì họ lại không còn ý muốn giám sát NH nữa, và họ cũng không rút tiền ra khi biết NH này đang gặp nhiều rủi ro. Họ không quan tâm NH đó đang làm gì vì những người gửi tiền cỡ lớn thấy mình không phải chịu tổn thất nào. Kết quả của chính sách “quá lớn không thể vỡ nợ” là ở chỗ dù các NH lớn có gặp rủi ro cũng không bị phá sản.

1.4.2. Mehico.

Các NH Mehico đã được quốc hữu hóa năm 1982 và hướng tới một lượng lớn cổ phần là vay của Chính phủ (chiếm tới 50%). Khi các NH được tư nhân hóa vào

những năm 1990, chúng không có bộ phận tín dụng chính thức để kiểm soát các khoản cho vay đối với các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ để đảm bảo rằng người đi vay là không nắm rủi ro quá mức. Lúc đó tín dụng NH đối với các doanh nghiệp phi tài chính đã tăng lên nhanh chóng, từ 10% của GDP vào năm 1988 lên tới 40% của GDP vào năm 1994. Sự bùng nổ cho vay này đã vượt quá khả năng kiểm soát và bảo vệ của các NH, đã xảy ra như là kết quả của các dòng tiết kiệm gia tăng vào lĩnh vực NH và sự gia tăng cổ phần cho vay của các NH cho các công ty tư nhân.

Không chỉ các nhà điều tiết sơ cấp của NH ở Mehico mà cả ủy ban NH quốc gia đều không thể kiểm soát được các hạng mục cho vay và hoạt động quản lý để ngăn ngừa việc nắm giữ các rủi ro bất thường, do các khoản vay chứa đựng nhiều rủi ro mang lại.

1.4.3. Các nước Đông Nam Á.

Khu vực Đông Nam Á sau nhiều năm kinh tế phát triển với tốc độ cao và ổn định, bình quân tốc độ phát triển là 8%/năm điều này được các nhà kinh tế thế giới đánh giá là sự thần kỳ của Châu Á thì đến năm 1997 khu vực này đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ sâu sắc nhất từ trước tới nay. Sự mất giá của đồng tiền các quốc gia, nợ nước ngoài và lạm phát tăng, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán suy sụp, phá sản và thất nghiệp tràn lan, sản xuất đình trệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút. Xuất phát điểm là Thái Lan sau đó lan sang các nước trong khu vực là Philipin, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, ngay cả nền kinh tế mạnh thứ hai toàn quốc là Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng. Hầu hết các cuộc khủng hoảng tiền tệ ở khu vực này đều có đặc điểm chung là nợ nước ngoài của các quốc gia rất cao. Ví dụ như ở Thái Lan năm 1996 nợ nước ngoài là 70 tỷ USD trong đó nợ ngắn hạn lại chiếm phần lớn. Các nhà đầu tư vay tiền NH đầu tư vào bất động sản nhưng do sự giảm giá của bất động sản dẫn tới sự phá sản của các nhà đầu tư. Đến lượt mình các NH không có khả năng trả nợ dẫn đến sự phá sản hàng loạt của các NH. Hơn thế nữa là sự giảm giá của đồng tiền trong nước so với đồng ngoại tệ mạnh là USD làm cho gánh nặng nợ đã lớn lại còn

lớn hơn. Tại thời điểm cuối năm 1997, đồng Ringgit của Malaysia giảm 53%, còn đồng Rupiah của Indonesia vào thời điểm cuối năm 1997 đã giảm giá 140.4%.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở khu vực Đông Nam Á. Một trong những nguyên nhân chính là tâm lý ỷ lại và đầu tư bong bóng. Từ đầu thập niên 1990, tự do hóa tài chính được tiến hành với nhịp độ từ từ ở hầu hết các nền kinh tế Đông và Đông Nam Á. Mặc dù vậy, việc chính phủ can thiệp trong phân bổ tín dụng vẫn tồn tại ở nhiều nước như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan. Khi tín dụng được chỉ định thì cơ chế giám sát và các quy định về hoạt động thận trọng thường được coi nhẹ. Hơn thế nữa khi các NH cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ thì luôn tồn tại một giả định ngầm rằng Chính phủ sẽ bảo lãnh và cứu giúp nếu khoản vay đó không đòi được. Thậm chí ngay cả ở một nền kinh tế như Thái Lan, nơi chính phủ ít có can thiệp sâu hơn vào phân bổ tín dụng thì những người cấp vốn cho các công ty tài chính vẫn tin rằng mình sẽ được bảo đảm khi tính tới những mối quan hệ chính trị mà chủ sở hữu của các tổ chức tài chính này có được.

Chính vì vậy, mặc dù không có sự bảo lãnh chính thức của Chính phủ, nhưng các tổ chức tài chính ở Đông Nam Á, đặc biệt là các NH nhà nước hay NH lớn luôn coi mình là “quá lớn không thể vỡ nợ”. Krugman (1998) đưa ra quan điểm cho rằng cuộc khủng hoảng Đông Á bắt nguồn từ chính tâm lý ỷ lại trong hệ thống tài chính: các tổ chức tài chính được bảo lãnh ngầm có động cơ không chỉ thực hiện các hoạt động đầu tư rủi ro mà còn theo đuổi tất cả các dự án có suất sinh lợi kỳ vọng thấp nếu các dự án này được lợi lớn trong trường hợp thành công.

Một hệ quả của tâm lý ỷ lại và đầu tư rủi ro là tăng giá trị tài sản. Tâm lý ỷ lại khuyến khích các tổ chức tài chính gia tăng đầu tư cho dù các dự án có suất sinh lợi kỳ vọng thấp. Nếu đầu tư được tập trung vào các tài sản có mức cung cố định (ví dụ như bất động sản mà hầu hết các công ty tài chính ở Thái Lan đầu tư vào) thì giá tài sản sẽ gia tăng. Một sự kỳ vọng theo kiể xoay vòng phát sinh. Mọi người đầu tư vào bất động sản vì kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng lên. Khi lượng đầu tư tăng làm tăng cầu thì giá bất động sản đúng là tăng lên theo kỳ vọng. Bong bóng giá cả hình

thành. Các tổ chức tài chính khi cho vay để đầu tư vào bất động sản cũng sẵn sàng tiếp tục cho vay vì thấy quá an toàn. Bong bóng giá cả ngày càng lớn thì sẽ đến lúc bị vỡ, tức là đến khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy có lẽ tình hình thực tế xảy ra không như kỳ vọng. Một quá trình ngược lại với quá trình trên diễn ra. Mọi người bán tài sản vì dự đoán giá tài sản sẽ giảm. Tài sản được bán ồ ạt nên giá tài sản đúng là giảm xuống. Các NH nhận thấy giá trị tài sản thế chấp giảm xuống nên không cho vay nữa và đòi những khoản vay cũ về. Các nhà đầu tư do phải hoàn trả nợ vay nên càng phải đẩy mạnh việc bán tài sản. Giá tài sản vì vậy sụp đổ và thường giảm xuống dưới mức cân bằng đầu tiên. Tỷ lệ nợ khó đòi trong hệ thống NH tăng lên do các khoản cho vay không thể hoàn trả do giá tài sản giảm sút. Hàng loạt tổ chức tài chính sụp đổ do các khoản cho vay dựa vào quan hệ cá nhân và cho vay theo chỉ đạo của chính phủ trở thành nợ xấu.

1.4.4. Một số bài học kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam.

Thứ nhất, NH nhà nước cần nâng cao hiệu quả của trung tâm thông tin tín dụng, kịp thời cập nhật những thông tin về tình hình tài chính, quan hệ tín dụng, hoạt động kinh doanh của các cá nhân và tổ chức. NH nhà nước cũng nên hỗ trợ các NHTM xây dựng quy trình xếp hạng tín dụng nội bộ để thêm cơ sở quyết định cho vay và ngăn ngừa rủi ro. Cán bộ tín dụng của các NHTM cũng phải có được những thông tin đầy đủ nhất có thể về tình hình hoạt động kinh doanh, nguồn thu để trả nợ, nguồn gốc và tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm… để tránh những rủi ro có thể xảy ra xuất phát từ sai sót nghiệp vụ mà vẫn đảm bảo sự phục vụ tốt nhất đối với khach hàng.

Thứ hai, NH nhà nước cần tăng cường công tác giám sát, thanh kiểm tra hoạt động tín dụng toàn hệ thống để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, đặc biệt là cho vay bất động sản, các vi phạm về các tỉ lệ an toàn trong hoạt động. Mặc dù chưa có qui định về giới hạn cho vay bất động sản, song đối với từng NH cụ thể, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra cần có những khuyến cáo đối với những NH có tỉ lệ cho vay bất động sản quá cao có thể dẫn đến những rủi ro làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Để chủ động ngăn ngừa rủi ro đạo đức, các NHTM cũng cần có qui định và thực hiện nghiêm túc việc đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm, ít nhất phải 3

tháng/lần, trường hợp giá trị tài sản biến động bất thường có thể làm ảnh hưởng đến việc đảm bảo của khoản vay thì phải đánh giá liên tục, yêu cầu khách hàng bổ sung tài sản bảo đảm hoặc trả nợ trước hạn tương ứng với giá trị tài sản bị giảm sút sau khi đánh giá lại và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ.

Thứ ba là bài học về xây dựng và củng cố niềm tin của công chúng. Bởi nhiều khi sự đỗ vỡ của NH bắt nguồn từ tâm lý hoảng loạn thái quá của dân chúng. Bài học này liên quan đến việc sử dụng tốt một công cụ kiểm soát là bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Tổ chức BHTG cần phát huy tốt vai trò của mình để tạo được niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính NH và tham gia ngăn chặn, xử lý những rủi ro nhằm hạn chế sự đổ vỡ mang tính dây truyền.

Công chúng tin tưởng hơn vào hệ thống tài chính, NH nếu họ nhận thức được rằng có một tổ chức tài chính thay mặt Chính phủ giám sát thường xuyên tổ chức tín dụng mà họ gửi tiền chứ không chỉ thực hiện việc chi trả tiền gửi cho họ khi tổ chức đó bị đổ vỡ. Điều quan trọng hơn, niềm tin đó góp phần ổn định về chính trị, xã hội thậm chí kể cả trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Thực tế, trong thời gian vừa qua khi khủng hoảng tài chính diễn ra trên thế giới, để bảo vệ người dân, đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội, hàng loạt các Chính phủ đã điều chỉnh chính sách BHTG kịp thời như cam kết đảm bảo và nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tại Mỹ và một số nước Châu Âu khác. Với sự phản ứng nhanh nhạy đó, mặc dù thị trường tài chính các nước này biến động mạnh song, công chúng gửi tiền không hoảng loạn vì tiền gửi của họ đã được đảm bảo phần lớn hoặc toàn bộ bởi tổ chức BHTG.

Chính sách BHTG hiệu quả được đo lường bằng vai trò đối với việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính NH. Yếu tố cốt lõi quyết định hiệu quả của chính sách bảo hiểm tiền gửi là xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, trong đó, bao gồm những quy định liên quan đến đối tượng được bảo hiểm, hạn mức chi trả tiền gửi, phí bảo hiểm tiền gửi, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong hệ thống giám sát. Tính chuyên nghiệp và năng lực cao trong phân tích đánh giá rủi ro hệ thống cũng là những nhân tố không thể thiếu đối với tổ chức BHTG Việt Nam.

CHƯƠNG 2

THÔNG TIN BẤT ĐỐI XỨNG TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NHTM TẠI VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 1997 ĐẾN NAY

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thông tin bất đối xứng trong hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 26 - 31)