Các thành viên của thị trường giao dịch dịch vụ tài chính phái sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển dịch vụ tài chính phái sinh của Ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Kinh tế quốc tế  Trường hợp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (Trang 37 - 39)

1.2. Thị trường giao dịch dịch vụ tài chính phái sinh

1.2.2. Các thành viên của thị trường giao dịch dịch vụ tài chính phái sinh

Xuất phát từ yêu cầu của thị trường và những nhu cầu mà thị trường phục vụ, các thành viên của thị trường tài chính phái sinh bao gồm: Nhà bảo hiểm; Nhà đầu cơ; Nhà kinh doanh chênh lệch giá, Cơ quan quản lý thị trường.

Nhà bảo hiểm (Hedgers):

Nhà bảo hiểm được coi là người sử dụng cuối cùng (End users) trong thị trường giao dịch tài chính phái sinh. Họ tham gia thị trường với mục đích bảo hiểm cho các tài sản tài chính hoặc phi tài chính của họ. Một nhà sản xuất kinh doanh hàng hóa vật chất sẽ phải chịu rủi ro khi giá cả hàng hóa biến động thất thường, một nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro khi lãi suất biến đổi và một doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải chịu rủi ro khi tỷ giá không ổn định. Tất cả những điều này có thể được loại trừ khi tham gia vào thị trường tài chính phái sinh, nơi có thể cố định các yếu tố biến đổi trong tương lai. Trong giai đoạn trước, chủ yếu là các nhà sản xuất hàng hóa sử dụng công cụ phái sinh là hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng tương lai để bảo hiểm rủi ro về giá. Ngày nay, gần như toàn bộ thành phần của nền kinh tế từ: Doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính phi ngân hàng và cả chính phủ đều sử dụng các dịch vụ phái sinh để bảo hiểm.

Nhà đầu cơ (Speculators):

Nhà đầu cơ cũng được coi là người sử dụng cuối cùng (End users) trong thị trường giao dịch tài chính phái sinh, khi tham gia thị trường không phải làm trung gian hưởng chênh lệch mà đánh cược với rủi ro để thu về mức lợi nhuận lớn hơn. Trong thị trường tài chính phái sinh, khi nhà bảo hiểm tham gia để phòng ngừa rủi ro thì phải có người sẵn sàng chấp nhận, chia sẻ rủi ro đấy với nhà bảo hiểm, và đó chính là nhà đầu cơ. Họ sẵn sàng tạo ra các trạng thái đầu cơ đối nghịch với nhà bảo hiểm với dự đoán và hi vọng rằng thị

trường sẽ biến động theo hướng có lợi cho họ. Các nhà đầu cơ trên thị trường thông thường có thể là cá nhân và cả tổ chức, với những nghiên cứu, tính toán và dự đoán của mình, họ ước lượng các biến động tương lai trên thị trường để từ đó tham gia vào giao dịch. Điều cần thiết và quan trọng nhất với các nhà đầu cơ ngoài khả năng phân tích thị trường chính là việc tuân thủ chặt chẽ các hạn mức cắt lỗ và lợi nhuận dự kiến.

Nhà kinh doanh chênh lệch giá (Arbitrageurs):

Nhà kinh doanh chênh lệch giá hay còn gọi là nhà trung gian, nhà môi giới trên thị trường giao dịch tài chính phái sinh. Đây cũng có thể gọi là nhà tạo lập thị trường (Market makers) khi hoạt động của họ giúp cho nhu cầu của người mua và người bán gặp nhau, khiến cho thị trường thông suốt và việc mua đi bán lại các hợp đồng tài chính phái sinh làm tăng tính thanh khoản của thị trường. Với việc khai thác chênh lệch giá giữa các thị trường, để bán ra với giá cao hơn mua vào, các nhà kinh doanh chênh lệch giá có thể tạo ra lợi nhuận mà không có rủi ro, tuy nhiên mức lợi nhuận này là thấp hơn rất nhiều so với việc chấp nhận rủi ro của nhà đầu cơ. Để khắc phục điều đó, các nhà kinh doanh chênh lệch giá phải mở rộng quy mô, làm sao để người mua, người bán giao dịch nhiều hơn, và như vậy, một lần nữa lại thúc đẩy thị trường ngày càng phát triển.

Cơ quan quản lý thị trường:

Cơ quan quản lý thị trường là các tổ chức do Chính phủ thành lập để giám sát và điều hành thị trường với mục tiêu đảm bảo sự công bằng, khắc phục các lỗi, hoàn thiện thị trường để thị trường phát triển ổn định. Ví dụ như CFTC (Ủy ban Kinh doanh hàng hóa giao sau) do Quốc hội Mỹ thành lập năm 1974 - là một đơn vị độc lập để điều hành thị trường tương lai, kỳ hạn và quyền chọn của Mỹ.

Ở Việt Nam, hiện chưa có cơ quan quản lý thị trường riêng biệt cho dịch vụ tài chính phái sinh. Khi thực hiện dịch vụ tài chính phái sinh, các ngân hàng thương mại phải xin phép ngân hàng nhà nước (State Bank of Viet

Nam). Tuy nhiên đối với các công cụ tài chính khác như cổ phiếu, trái phiếu thì đang được điều hành, quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính (Ministry Of Finance).

Bên cạnh các cơ quan quản lý do Chính phủ thành lập, các thành viên của thị trường cũng tự thiết lập nên các tổ chức hỗ trợ và điều tiết riêng của mình nhằm giảm thiểu rủi ro, đưa thị trường vào hoạt động quy củ. VD như ISDA (International Swaps and Derivatives Association) - Hiệp hội Hoán đổi và Phái sinh Quốc tế; NFA - Hiệp hội Thị trường Giao sau Quốc gia Mỹ.

(Nguồn: Reuters - Derivatives Workbook, Ban KDV&TT BIDV tổng hợp).

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phát triển dịch vụ tài chính phái sinh của Ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập Kinh tế quốc tế  Trường hợp Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (Trang 37 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)