2.2. Thực trạng quản lý và sử dụng ODA ở Việt Nam trong các dự án cấp
2.2.4 Giám sát sử dụng nguồn vốn ODA
Công tác giám sát sử dụng nguồn vốn ODA được đặc biệt chú ý trong thời gian qua. Xét về khía cạnh đầu tư, nguồn vốn này có yếu tố cho không, nhưng vẫn tồn tại phần vốn đi vay của Chính phủ, đòi hỏi phải có hoàn trả. Xét về khía cạnh xã hội, tính chất của nguồn vốn này là nhân đạo, tạo điều kiện cải thiện đời sống của người dân, đối tượng thụ hưởng cuối cùng là người dân. Vì vậy, việc giám sát sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực cấp thoát nước luôn được chú trọng. Bộ Xây dựng thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra để thực hiện công việc giám sát dự án từ khâu lập Tổng mức đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật – dự toán, tới các khâu mua sắm vật tư, thiết bị và thi công trên công trường. Do việc giám sát luôn đi đôi với việc thực hiện dự án, nên việc thất thoát nguồn vốn, các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng công trình đã được hạn chế tới mức thấp nhất. Đồng thời, Chính phủ và Ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh, thành phố tới huyện, xã nơi có dự án cũng rất quan tâm tới việc thực hiện dự án, nên việc giám sát thực hiện được tiến hành ở cả 4 cấp.
Việc giám sát và đánh giá dự án ODA đầu tư vào lĩnh vực cấp thoát nước thường tập trung vào kết quả thực hiện các mục tiêu Chương trình, số lượng, chất lượng công trình, chất lượng nước bao gồm cả giám sát quá trình thực hiện từ khảo sát lập dự án, xây dựng, quản lý vận hành. Sự tham gia của cộng đồng cũng ngày càng được tăng cường để đảm bảo minh bạch, công
khai trong quá trình thực hiện. Kết quả là các dự án có vốn ODA trong cấp thoát nước luôn đạt được mục tiêu đề ra, đem lại hiệu quả về kinh tế - xã hội một cách thực sự, cải thiện toàn diện tình trạng cấp thoát nước tại hầu hết các tỉnh trong cả nước.