2.1. TỔNG QUAN VỀ RỦI RO TÍN DỤNG NGÂN HÀNG
2.1.5.1. Đối với hoạt động ngân hàng
Khi rủi ro xảy ra, trước hết lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Theo quy định của Nhà nước, tất cả các khoản nợ xấu ngân hàng đều phải trích lập dự phòng, tỷ lệ dự phòng tùy theo mức độ nợ xấu và tài sản đảm bảo. Điều đó đồng nghĩa với những khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo có độ rủi ro càng cao sẽ dẫn đến số tiền trích lập dự phòng càng lớn, chi phí vốn của ngân hàng càng lớn và lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm.
Nếu tình trạng nợ xấu diễn ra thường xuyên, liên tục và không được xử lý dứt điểm sẽ khiến các ngân hàng thương mại bị mất uy tín trong hoạt động kinh doanh tín dụng của mình, dẫn đến giảm khả năng huy động vốn của ngân hàng. Đồng thời, rủi ro tín dụng còn làm giảm khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại. Vì để có nguồn vốn đủ cung cấp tín dụng cho khách hàng thì ngân hàng phải huy động từ các tổ chức và dân cư, nếu rủi ro tín dụng xảy ra do không thu hồi được nợ thì ngân hàng sẽ bị hạn chế nguồn để thanh toán tiền gửi cho khách hàng.
Nếu rủi ro xảy ra ở mức độ nhỏ thì ngân hàng có thể bù đắp bằng khoản dự phòng rủi ro và lợi nhuận thu được trong kỳ. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lời và mở rộng kinh doanh của ngân hàng. Khi rủi ro tín dụng xảy ra ở mức độ lớn, dự phòng không đủ bù đắp, vốn khả dụng bị thiếu, trong khi uy tín và khả năng thanh khoản, lợi nhuận bị ảnh hưởng thì phá sản ngân hàng sẽ là tất yếu.