Cấu trúc vốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến tỷ lệ chi trả cổ tức của các công ty niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán TP hồ chí minh (Trang 52 - 53)

3.2. Mô hình nghiên cứu

3.2.3.2.Cấu trúc vốn

Cấu trúc vốn liên quan đến quyết định tài trợ, đó là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng và luôn được các nhà quản trị tài chính công ty quan tâm, các nhà quản trị luôn cân nhắc tìm kiếm cách thức tài trợ, xây dựng cấu trúc vốn của công ty như thế nào để có thể tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn và từ đó tối đa hóa giá trị công ty. Cấu trúc vốn của công ty ám chỉ cách thức mà các tài sản của công ty được tài trợ như thế nào, tùy vào góc độ và mục tiêu tiếp cận cách thức tài trợ sẽ được phân loại theo tiêu thức khác nhau.

Công ty có thể áp dụng cấu trúc vốn có nợ và được hiểu như mức nợ tương ứng với mức vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán của công ty. Mặc dù cấu trúc vốn là một trong những chỉ số chính về sức khỏe tài chính của công ty, nhưng nó không phải là một yếu tố thường được sử dụng để kiểm tra mối quan hệ với tỷ lệ chi

trả cổ tức. Tuy nhiên, tác giả cho rằng cấu trúc vốn là một yếu tố quan trọng. Các công ty có nguồn vốn chủ yếu tài trợ bằng nợ thường phải chịu những áp lực về trả lãi vay và chi trả vốn gốc. Áp lực trả nợ lớn đã bóp nhỏ dòng tiền thực có thể sử dụng cho việc phân phối lợi nhuận, dẫn đến tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt của những công ty này thường không cao.

Lý thuyết chi phí giao dịch của Higgins (1972) và Fama (1974) và lý thuyết trật tự phân hạng (1961, 1984) cho rằng khi cấu trúc vốn có nợ cao hơn sẽ dẫn đến việc trả cổ tức thấp hơn. Ngoài ra, ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến tỷ lệ chi trả cổ tức cũng đã được kiểm định bởi các nghiên cứu thực nghiệm của Gill et.al (2006), Hedensted và Raaballe (2006), Twaijry (2007), Al-Kuwari (2009), Al-Shubiri (2011), Appannan và Sim (2011), Gustav Hellstrom và cộng sự (2012), Ritha và Koestiyanto (2013), Alzomaia và Al-Khadiri (2013), Rembulan Rahmadia FITRI và các cộng sự (2016), Đinh Bảo Ngọc và Nguyễn Chí Cường (2014), Trần Thị Mỹ Thanh (2014), Mai Thị Hoài Thương (2015), Trương Đông Lộc và Phạm Phát Tiến (2015), Nguyễn Thị Huyền (2015); tuy nhiên kết quả không giống nhau giữa các nghiên cứu thực nghiệm, cấu trúc vốn có thể không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến tỷ lệ chi trả cổ tức của công ty.

Như vậy, giả thuyết ảnh hưởng của cấu trúc vốn đến tỷ lệ chi trả cổ tức được thiết lập như sau:

H0: Cấu trúc vốn không ảnh hưởng đến quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức. H1: Cấu trúc vốn ảnh hưởng ngược chiều đến quyết định tỷ lệ chi trả cổ tức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến tỷ lệ chi trả cổ tức của các công ty niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán TP hồ chí minh (Trang 52 - 53)