Khuôn khổ pháp lý hoạt động đánh giá khả năng trả nợ khách hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế việt nam cụm tây nguyên (Trang 45 - 47)

CHƯƠNG 4 : PHÂN TÍCH KẾT QUẢ THỐNG KÊ VÀ HỒI QUY

4.1. Thực trạng hoạt động đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân

4.1.1. Khuôn khổ pháp lý hoạt động đánh giá khả năng trả nợ khách hàng

cá nhân tại VIB cụm Tây Nguyên.

Hoạt động quản lý rủi ro tín dụng đối với tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng nói riêng là hoạt động vô cùng quan trọng. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra một khuôn khổ để quản lý các TCTD trong việc phân nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro tín dụng, cụ thể là đã ban hành nhiều dự thảo và quyết định quan trọng về việc định hướng tín dụng, hướng dẫn các TCTD xây dựng quy trình quản lý và phương pháp tính toán dự phòng cũng như tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn của TCTD.

Trong đó, NHNN đã ban hành quyết định 493/2005/QĐNHNN (sau đây gọi tắt là QĐ 493) và thông tư 02/2013/TT-NHNN (sau đây gọi tắt là Thông tư 02) có ý nghĩa quan trọng việc phân loại nhóm nợ của khách hàng, là cơ sở pháp lý xác định khả năng trả nợ của khách hàng, cụ thể như sau: QĐ 493 của Thống đốc NHNN Việt Nam ngày 22/04/2005 ban hành quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam ngày 25/04/2007 về việc sửa đổi một số điều của Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN. Theo QĐ 493 đưa ra 02 cách phân loại nợ hướng dẫn các ngân hàng thực hiện, thứ nhất là phương pháp phân loại nợ “định lượng” dựa trên tình trạng thanh toán nợ và thứ hai là phương pháp phân loại nợ “định tính” dựa trên hệ thống XHTD nội bộ và chính

sách dự phòng rủi ro tín dụng được NHNN phê duyệt. Cả hai phương pháp này đều phân chia nợ thành 05 nhóm nợ với mức độ rủi ro khác nhau. Sau khi đã lựa chọn phương pháp phân loại nợ và phân loại các khoản cho vay thành 05 nhóm nợ khác nhau, các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng chung và trích lập dự phòng cụ thể đối với rủi ro tín dụng.

Tuy nhiên, ngày 21/01/2013, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2013/TT- NHNN về việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng thay thế cho QĐ 493. Việc ban hành thông tư 02 nhằm đáp ứng chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục cải tiến cơ chế chính sách ngày càng phù hợp hơn với chuẩn quốc tế, tăng thêm yêu cầu đối với các TCTD trong phòng ngừa rủi ro kinh doanh vốn, thực hiện minh bạch hóa và nâng cao chất lượng tín dụng.

So với QĐ 493 thì thông tư 02 có một số thay đổi như sau: Một là, bổ sung vai trò của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) trong việc thu thập số liệu, thông tin khách hàng, xây dựng hệ thống xếp hạng nội bộ và các quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay và chính sách dự phòng rủi ro. Theo đó, TCTD ít nhất mỗi quý 1 lần phải gửi cho CIC kết quả tự phân loại nợ để CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất, sau đó TCTD sẽ sử dụng kết quả phân loại nhóm nợ khách hàng do CIC cung cấp để điều chỉnh kết quả tự phân loại của mình và trích lập đủ số dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro theo quy định. Quy định này sẽ dẫn tới sự thống nhất trong việc phân loại nhóm nợ đối với một khách hàng cụ thể và do đó tránh tình trạng khách hàng có nợ xấu tại NHTM này có thể tiếp tục vay tại NHTM khác làm gia tăng rủi ro hệ thống. Thứ hai, điều kiện để nợ được phân loại vào nhóm nợ có rủi ro thấp hơn được quy định với thời gian ngắn hơn so với QĐ 493. Theo Thông tư 02, khách hàng đã trả đầy đủ phần nợ gốc và lãi bị quá hạn kể cả lãi áp dụng đối với nợ gốc quá hạn và nợ gốc và lãi của các kỳ hạn trả nợ tiếp theo trong thời gian tối thiểu 03 tháng đối với nợ trung và dài hạn (so với QĐ 493 là 1 năm), đối với nợ ngắn hạn là 1 tháng (còn theo QĐ 493 là 3 tháng), kể từ ngày bắt đầu trả đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn. Thứ ba, về phương pháp và nguyên tắc phân loại nợ: Về cơ bản nguyên tắc phân loại được áp dụng không thay đổi, toàn bộ số dư nợ và giá trị cam kết ngoại bảng của một khách hàng tại một TCTD phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ có mức độ rủi ro

cao nhất. Thông tư 02 có một số tiêu chí chặt chẽ trong việc phân loại nợ:

- Các khoản nợ bị gia hạn nợ lần đầu sẽ được đưa vào nợ nhóm 3 thuộc nhóm nợ xấu, thay vì nếu gia hạn nợ trong thời hạn vẫn được xếp vào nhóm 2 theo Quyết định 493.

- Nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng cũng được đưa vào nhóm nợ xấu.

- Ngoài các tiêu chí để phân loại nợ từ đặc tính khả năng trả nợ của khách hàng, điểm mới được đánh giá khá khắc nghiệt là xem xét hoạt động cấp tín dụng cho những đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng có điều kiện theo Luật Các TCTD sửa đổi 2010. Chẳng hạn, nếu như trước đây trong hoạt động cấp tín dụng của các NHTM, việc cấp tín dụng cho các tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng bị hạn chế tín dụng diễn ra rất thường xuyên thì nay được đưa vào nhóm 3, “nợ dưới tiêu chuẩn” trong nhóm chỉ tiêu nợ xấu.

Như vậy, Thông tư 02/2013/TT-NHNN cho thấy NHNN đang từng bước chuẩn hóa nợ xấu trên toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, đưa ra một bức tranh chân thực về sức khỏe của từng ngân hàng nói riêng và toàn bộ hệ thống nói chung, cũng như hướng tới việc tuân thủ các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro. Trên cơ sở đó giúp hệ thống ngân hàng có thể tăng trưởng an toàn và bền vững hơn. Đây cũng chính là cơ sở để các ngân hàng có thể xây dựng mô hình ước lượng tính toán khả năng trả nợ của khách hàng, hỗ trợ đưa ra các quyết định cấp tín dụng, cũng như hoạch định chính sách, có biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.

Bên cạnh các quy định về phân loại nợ, vừa qua ngày 30 tháng 12 năm 2016, NHNN cũng đã ban hành thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, chính thức có hiệu lực vào ngày 15/03/2017, thay thế quy chế cho vay 1627/2001/QĐ-NHNN với khá nhiều thay đổi quan trọng, cho thấy sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tại ngân hàng thương mại cổ phần quốc tế việt nam cụm tây nguyên (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)