CHƯƠNG 4 : PHÂN TÍCH KẾT QUẢ THỐNG KÊ VÀ HỒI QUY
4.1. Thực trạng hoạt động đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân
4.1.3. Phương pháp đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng cá nhân tạ
VIB
Số lượng khách hàng cá nhân có quan hệ tín dụng tại chi nhánh lớn với các khoản vay nhỏ lẻ, do đó việc đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng chủ yếu dựa trên kết quả thẩm định khách hàng theo phương pháp định tính, chủ quan. Trọng tâm là xem xét người vay có thiện chí trả nợ và tình hình tài chính dựa trên các thông tin thu thập được tại thời điểm xét duyệt cấp tín dụng.
Để xác định khả năng trả nợ của khách hàng ngân hàng VIB đánh giá thông qua tiêu chí 5C bao gồm tiêu chí về tính cách khách hàng (C1 - Character), tiêu chí về năng lực (C2 - Capacity), tiêu chí tài chính (C3 - Capital), tiêu chí liên quan đến tài sản đảm bảo (C4 – Collateral), tiêu chí phê duyệt tín dụng (C5 – Conditions).
- Tiêu chí về tính cách (C1 - Character): cán bộ phải thẩm định quan hệ xã hội, lịch sử bản thân của khách hàng không có thông tin liên quan tranh chấp tài sản, vi phạm pháp luật hay liên quan tệ nạn xã hội. Thẩm định trình độ và kinh nghiệm công tác, uy tín trong quan hệ với ngân hàng cũng như với các đối tác khác trong kinh doanh. Khách hàng không có nợ nhóm 2 trở lên tại các tổ chức tín dụng tại thời điểm đề xuất cấp tín dụng. Đồng thời khách hàng phải có thái độ hợp tác tốt với VIB, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, không che dấu, lừa đảo ngân hàng nói chung và VIB nói riêng. Bên cạnh đó xếp hạng tính dụng nội bộ (theo xếp hạng Moody’s) phải đạt ít nhất từ loại A.
- Tiêu chí về năng lực (C2 - Capacity): Mục tiêu của bước thẩm định này là tìm hiểu xem các khía cạnh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, lĩnh vực đó có còn phù hợp với hiện tại và tương lai hay không, khả năng phát triển thị trường và đối thủ cạnh tranh tại địa bàn từ đó đánh giá khả năng tồn tại và phát triển của khách hàng để có quyết định cho việc cấp tín dụng một cách chính xác. Tùy theo nguồn thu và mục đích vay vốn, cán bộ tín dụng phải thẩm định các nguồn thu nhập để xác định khả năng trả nợ của khách hàng. Nguồn thu nhập này có thể từ lương, cho thuê xe, thuê nhà, từ kinh doanh… và các nguồn thu nhập này phải ổn định từ 12 tháng trở lên, có hợp đồng lao động, hợp đồng cho thuê xe/ nhà, có kinh nghiệm tối thiểu 2 năm và có phương án sản xuất kinh doanh có mục đích vay vốn…
- Tiêu chí về tài chính (C3 - Capital): Mục đích của việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh là nhằm đánh giá khách hàng có khả năng thực hiện được kế hoạch kinh doanh hay không, hiệu quả như thế nào, nguồn trả nợ thực tế ra sao, có ảnh hưởng quan trọng đến hành vi trả được nợ đúng hạn của khách hàng. Tùy theo sản phẩm cho vay, cán bộ tín dụng sẽ phải thẩm định vốn tự có tham gia vào phương án sử dụng vốn vay, tỉ lệ nợ vay tại VIB trên tổng tài sản thế chấp, tỉ lệ nợ vay trên tổng tài sản tích lũy, tỉ lệ thu nhập còn lại trên tổng thu nhập, hệ số khả năng sinh lời (đối với mục đích vay kinh doanh).
- Tiêu chí liên quan đến tài sản đảm bảo (C4 – Collateral): Cán bộ tín dụng phải xuống tận nơi xem xét, đánh giá, thẩm định giá trị của tài sản đảm bảo, giấy tờ hợp lệ và không có tranh chấp. Cán bộ xác định giá trị tài sản căn cứ trên giá theo dữ liệu chuẩn của hệ thống, giá thị trường, từ đó có cơ sở để xác định mức cho vay tối đa và tính toán khả năng thu hồi nợ vay trong trường hợp buộc phải xử lý TSBĐ. Sau đó, thực hiện thu thập hồ sơ và làm các thủ tục cần thiết về đăng ký giao dịch đảm bảo, để tài sản có thể bảo đảm cho khoản vay của khách hàng tại chi nhánh.
- Tiêu chí các điều kiện tuân thủ phê duyệt tín dụng (C5 - Conditions): cán bộ tín dụng phải thẩm định các điều kiện tuân thủ quy định/ chính sách của Nhà nước và chính sách của VIB.