CHƯƠNG 5 KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
5.2. Một số khuyến nghị
5.2.1. Về tỷ suất sinh lợi trên VCSH (ROE)
Theo kết quả kiểm định, lợi nhuận là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng trả nợ doanh nghiệp thông qua chỉ số ROE. Vấn đề đặt ra là làm thế nào ngân hàng kiểm tra tính chính xác lợi nhuận doanh nghiệp, đảm bảo các khoản lãi lỗ được phản ánh đúng trong BCTC của doanh nghiệp. Lợi nhuận tăng là tốt nhưng nếu doanh nghiệp cố tình ghi tăng doanh thu hoặc giảm chi phí thì rủi ro hoàn toàn thuộc về ngân hàng. Để kiểm tra chỉ tiêu lợi nhuận, khuyến nghị BIDV Ninh Thuận mà cụ thể là CB QLKH cần tập trung các vấn đề sau:
Một là nhận diện một số khoản mục bất thường trong báo cáo lợi nhuận của doanh nghiệp như tốc độ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp vượt xa tốc độ tăng doanh thu trong thời gian dài, xuất hiện các khoản chi phí, thu nhập hoạt động phát sinh một lần duy nhất hoặc khoản chi phí, thu nhập hoạt động chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu, có sự thay đổi nguyên tắc kế toán trong định giá hàng tồn kho
trong kỳ, ẩn dấu những chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ vào giá trị các tài khoản hàng tồn kho (hạch toán vào chi phí kinh doanh dở dang hoặc thành phẩm) để làm giảm chi phí thực hạch toán trong giá vốn hàng bán, dấu những khoản tổn thất trong kinh doanh chưa hạch toán vào chi phí trong tài khoản tài sản thiếu chờ xử lý, …
Hai là các chỉ tiêu lợi nhuận phải được thường xuyên phân tích và so sánh với số của năm trước và số bình quân của ngành để đánh giá xu hướng biến động của lợi nhuận. Bên cạnh đó, khi xem xét ROE cần phải xác định nguyên nhân làm các chỉ số này tăng hay giảm để từ đó có kết luận phù hợp tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp. ROE tăng không phải lúc nào tăng cũng tốt cho doanh nghiệp, trong trường hợp ROE tăng là do doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thu hẹp HĐKD nên VCSH giảm thì lúc này ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vay của doanh nghiệp.