1.3.1. Về mặt xã hội
Đối với nhà nước - xã hội việc quy định quyền của cha mẹ và con có những ý nghĩa xã hội to lớn. Bởi vì, gia đình là tế bào của xã hội, muốn cho xã hội ổn định và phát triển trước hết ta phải giữ vững sự ổn định của gia đình. Trong khi đó quan hệ giữa cha mẹ và con là một trong những quan hệ chủ yếu của quan hệ hôn nhân và gia đình. Việc luật hóa nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con tạo ra quy tắc ứng xử của cha mẹ đối với con. Không những thế, việc quy định nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con là biện pháp để bảo vệ đối tượng đặc biệt trong xã hội, đó là “trẻ em”. Không ai có thể phủ nhận vai trò của trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước; là đối tượng cần sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía gia đình, nhà trường và xã hội.
Đối với gia đình, cụ thể cha mẹ là nhân tố quyết định trực tiếp đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Hiện nay, khi quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con, Luật hôn nhân và gia đình ghi nhận nguyên tắc bảo vệ trẻ
em, bảo vệ quyền lợi của con. Do đó, quy định nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của cha mẹ bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của trẻ em cũng như mối quan hệ và nghĩa vụ của con cái trong phụng dưỡng cha, mẹ.
Đối với bản thân những quy định tiến bộ về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con trong Luật hôn nhân và gia đình hiện nay còn có ý nghĩa trong việc xóa đi những tư tưởng lạc hậu như: trọng nam khinh nữ, việc phân biệt đối xử giữa các con, cha mẹ có quyền quyết định mọi vấn đề đối với con đồng thời vẫn kế thừa được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đó là đạo hiếu của người làm con đối với cha mẹ...