hoàn thiện mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay và giải pháp cho những khó khăn, thách thức đặt ra
Qua nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động PCTN của một số nước trên thế giới có thể thấy mỗi mô hình đều có những ưu và nhược điểm nhất định và không có một mô hình nào được cho là tốt nhất đối với mọi quốc gia. Một số quốc gia đã lựa chọn việc thành lập 01 ủy ban hoặc cơ quan chuyên trách về PCTN. Tuy nhiên, việc thành lập 01 cơ quan như vậy không phải là một liệu pháp kỳ diệu có thể chấm dứt tham nhũng. Hoạt động của các cơ quan này cũng không tách rời hoàn toàn và không làm thay đổi chức năng, nhiệm vụ, hoạt động phòng, chống tội phạm của các cơ quan điều tra, công tố, xét xử. Thực tế có rất ít những ví dụ thành công về các cơ quan/ủy ban độc lập chống tham nhũng. Những câu chuyện thành công được trích dẫn nhiều nhất là về ICAC (Hồng Kông), CPIB (Singapore) và ICAC (New South Wales) nhưng như đã đề cập, những mô hình này không dễ nhân rộng bởi bối cảnh hoạt động và các biến số tác động đến các mô hình này ở những nơi khác nhau sẽ rất khác nhau. Vì vậy, việc thành lập cơ quan PCTN ở mỗi quốc gia phải được xem xét từ khía cạnh phù hợp và hài hòa với hệ thống chính trị và các nền tảng pháp lý, văn hóa, trình độ kinh tế - xã hội, nhận thức ... của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, vẫn có một số đáp án chung trong việc thực hiện các nguyên tắc để xây dựng các cơ quan PCTN có hiệu quả.
Theo Heilbrunn, những yếu tố bảo đảm cho tính hiệu quả và cũng là cơ sở cho thành công của cơ quan chống tham nhũng là: thứ nhất, một khung pháp lý khẳng định chức năng, quyền hạn của cơ quan này; thứ hai, tính độc lập cần thiết là thuộc tính không thể thiếu của cơ quan chống tham nhũng; thứ ba là một trình tự báo cáo và kiểm tra tính chính xác của báo cáo; thứ tư là sự có mặt của các ủy ban giám sát vừa giúp ngăn ngừa sự can thiệp không chính đáng vào hoạt động của cơ quan vừa bảo đảm cơ quan chống tham nhũng không lạm quyền; yếu tố cuối cùng là mức độ quyết tâm cao của các cam kết chính trị từ cả hai phía giới chức lãnh đạo và cử tri của họ [66, 75].
Theo TS. Đào Lệ Thu, TS. Trần Văn Dũng, muốn có 01 cơ quan hoặc hệ thống cơ quan PCTN hoạt động hiệu quả cần phải xây dựng một khung pháp lý vững chắc và toàn diện cho hoạt động của cơ quan này. Hệ thống cơ quan chống tham nhũng phải được bảo đảm tính độc lập, trách nhiệm giải trình, tính chuyên môn hóa và tính phối hợp chia sẻ trách nhiệm, tinh thần hợp tác [54].
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy một số gợi mở có thể thành công cho việc hoàn thiện các cơ quan PCTN ở Việt Nam như sau:
- Một là, cần phải tránh những nguyên nhân thất bại cho mô hình các cơ
quan PCTN đã được chỉ ra, đó là: thiếu một cam kết chính trị và thiếu niềm tin của công chúng để tạo ra lực đẩy cho hoạt động chống tham nhũng; thiếu các nguồn lực cần thiết cả về tài chính và nhân sự; hệ thống pháp lý chưa trao quyền đủ mạnh cho các cơ quan này, chưa thực sự là một công cụ pháp lý để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố tội phạm tham nhũng của các cơ quan chống tham nhũng.
- Hai là, sự độc lập của cơ quan chống tham nhũng được nhiều mô hình cơ
quan chống tham nhũng xác định là yêu cầu căn bản để bảo đảm tính hiệu quả và cho phép cơ quan này tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ các cá nhân hay các yếu tố có quyền lực trong hoạt động của mình [68, 75]. Sự độc lập ở đây chủ yếu là độc lập với bộ phận điều tra của lực lượng cảnh sát hoặc độc lập với cơ quan truy tố, sự độc lập với chính phủ thể hiện ở mức độ thấp hơn. Sự độc lập đó, không ngoại trừ còn cần được thực hiện bởi các chính sách về bổ nhiệm người đứng đầu
và ngân sách hoạt động, trong đó, việc thoát ly khỏi sức ảnh hưởng, quyền lực của nhánh hành pháp là một khẳng định mạnh mẽ để bảo đảm được sự độc lập thực sự, thể hiện ở việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng không phụ thuộc vào nhánh hành pháp (Ví dụ: Giám đốc Cơ quan CPIB của Singapore được bổ nhiệm bởi Tổng thống chứ không phải Thủ tướng hay Nội các) và nguồn ngân sách đủ mạnh và không phụ thuộc vào cơ quan hành pháp (Nguồn ngân sách cho hoạt động của KPK của Indonesia lên đến 50 triệu đô mỗi năm và trực tiếp được cung cấp từ Nghị viện). Tuy nhiên, để tránh việc lạm quyền của cơ quan chống tham nhũng, cần xây dựng tốt cơ chế kiểm soát và cân bằng, tức là cơ chế có các cơ quan kiểm soát hoạt động của các cơ quan này, ví dụ như ICAC của Hồng Kông phải chịu sự giám sát của 04 Ủy ban tư vấn độc lập, trong đó có cả đại diện từ các tổ chức xã hội hoặc KPK của Indonesia phải báo cáo hoạt động trực tiếp lên Tổng thống, Nghị viện và Kiểm toán nhà nước.
- Ba là, các thực tiễn tốt đã chứng minh uy tín của các cơ quan này đối với
công chúng cũng là một điều kiện quan trọng bảo đảm sự thành công của họ (ICAC Hồng Kông, ACRC của Hàn Quốc hay KPK của Indonesia). Uy tín và niềm tin chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở công chúng cảm nhận về tính liêm chính, về năng lực của cán bộ, công chức làm việc tại đây cũng như về khả năng các cơ quan đó đại diện được cho nhiều lợi ích trong xã hội. Muốn xây dựng uy tín cho cơ quan chống tham nhũng thì trước hết cần phải để người dân biết đến sự tồn tại của cơ quan đó và vai trò của nó (bằng tuyên truyền, giới thiệu thông tin, đặc biệt qua kênh truyền thông và tổ chức cơ sở). Quan trọng hơn là cơ quan chống tham nhũng phải khẳng định được vai trò của mình qua các hoạt động cụ thể (thực hiện các chiến dịch truyền thông, giáo dục về ý thức PCTN và đặc biệt là có các thành tích cụ thể trong xử lý tham nhũng).
Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức về chống tham nhũng có vai trò trọng yếu trong mỗi chiến lược chống tham nhũng. Thực tiễn của ICAC Hồng Kông hay ACRC của Hàn Quốc hoặc KPK của Indonesia đều cho thấy họ đã thực sự chú trọng công tác này, nhờ vậy vừa giảm bớt nguy cơ tham nhũng, vừa tranh thủ được
sự ủng hộ của công chúng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, truyền thông, các cơ quan này đã tiến hành hiệu quả công tác nghiên cứu để xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu đầy đủ và 01 chuỗi công cụ truyền thông khác nhau tới mọi đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội.
- Bốn là, ở các quốc gia có nhiều cơ quan tham gia vào công tác chống tham
nhũng, trong đó có những đơn vị chuyên biệt về điều tra tội phạm tham nhũng thuộc cơ quan thực thi pháp luật, hợp tác và điều phối luôn là vấn đề trọng tâm, đòi hỏi những giải pháp thể chế đặc biệt. Tại Philipines, trao đổi thông tin đã được thể chế giữa các cơ quan thực thi pháp luật liên quan nhằm tăng cường sự hợp tác, cùng với đó là sự thành lập của các cơ quan tư vấn liên ngành cũng như các nhóm công tác đặc biệt. Hàn Quốc cũng có 01 Ủy ban điều phối chính sách chống tham nhũng có thành phần là 10 cơ quan khác nhau của các bộ và các cơ quan giám sát [63]. Bulgary có Ủy ban Điều phối chống tham nhũng là 01 Ủy ban liên bộ gồm các đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và Kiểm toán với chức năng chính là điều phối, kiểm soát việc thực hiện chiến lược chống tham nhũng quốc gia và phân tích hiệu quả của những nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, Ủy ban không có thẩm quyền trực tiếp điều tra và không được phép can thiệp vào từng vụ việc tham nhũng. Chính vì vậy mà dường như Ủy ban này không đóng góp được gì cho việc xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng, khác với trường hợp của KPK Indonesia khi mà cơ quan này có quyền điều phối các hoạt động liên quan đến điều tra và truy tố tham nhũng khi hoạt động này được thực hiện bởi nhiều cơ quan. Trong khi đó, Thái Lan đang gặp nhiều khó khăn với vấn đề điều phối khi có sự gia tăng số lượng các cơ quan tham gia vào hoạt động chống tham nhũng [75].
Tóm lại, việc lựa chọn mô hình cơ quan chống tham nhũng nào cho phù hợp,
hiệu quả còn phụ thuộc nhiều vào thể chế chính trị và đặc điểm, tình hình của mỗi nước, phụ thuộc vào trình độ quản lý, mức độ phát triển kinh tế - xã hội, dư luận xã hội và sự ảnh hưởng của hành vi tham nhũng lên xã hội đó. Đồng thời, phụ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo quốc gia đó và sự đồng thuận của toàn xã hội luôn là những nhân tố quan trọng quyết định mạnh mẽ đến hiệu quả công tác chống tham
nhũng. Từ đó, mô hình cơ quan chống tham nhũng sẽ được thiết lập để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ.
Trong hệ thống cơ quan PCTN ở Việt Nam hiện nay thì mô hình các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng nằm trong 03 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ PCTN (TTCP, VKSNDTC, BCA) thời gian qua đã cho thấy tính hiệu quả không cao, kết quả hoạt động còn nhiều hạn chế. Đây là điểm nghẽn then chốt, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác PCTN. Do đó, cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện các đơn vị này. Đồng thời, đặt ra yêu cầu bức thiết phải tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách về phòng ngừa tham nhũng, chống tham nhũng theo hướng chuyên trách, chuyên sâu, có quy mô từ trung ương đến địa phương, có thẩm quyền đủ mạnh, hoạt động độc lập với các cơ quan hành chính, tư pháp và các cơ quan khác.
Mô hình cơ quan chuyên trách này có thể là 01 hoặc nhiều cơ quan, không nhất thiết phải là 01 cơ quan mới, cũng không nhất thiết phải xóa bỏ các cơ quan, đơn vị PCTN hiện nay mà mô hình này nên có sự kế thừa, hợp nhất một số cơ quan, đơn vị có tính chất tương đồng về chức năng, nhiệm vụ để thiết lập 01 hoặc một số cơ quan phòng ngừa tham nhũng, chống tham nhũng độc lập, hoạt động chuyên trách từ trung ương đến địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp thành lập và giám sát.
Từ những phân tích, đánh giá ở trên và bài học kinh nghiệm rút ra qua tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, học viên cho rằng, trong thời gian tới chúng ta nên tập trung nguồn lực, xây dựng 01 hệ thống cơ quan chuyên trách về phòng ngừa, chống tham nhũng từ trung ương xuống địa phương (đến cấp huyện). Cơ quan này ở Trung ương do Quốc hội thành lập, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐTW về PCTN, tiêu cực, chịu sự quản lý, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động với tính chất là một thiết chế độc lập trong bộ máy nhà nước, cũng giống như mô hình Kiểm toán nhà nước, cơ quan này sẽ hoạt động độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và chỉ chuyên sâu về công tác PCTN (với tên gọi là Ủy ban PCTN quốc gia). Bên cạnh việc kế thừa, thực hiện
các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát, tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác, tố cáo tham nhũng, xử lý kỷ luật hành chính, xử lý trách nhiệm dân sự đối với các đối tượng có hành vi tham nhũng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan này còn có nhiệm vụ xây dựng các bộ tiêu chí liêm chính quốc gia và tổ chức giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức hàng năm; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCTN cho cán bộ, công chức trong ngành; xây dựng các bộ quy tắc, quy chuẩn đạo đức công vụ. Ở địa phương, cơ quan này do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh ủy, thành ủy; sự chỉ đạo nghiệp vụ của cơ quan PCTN cấp trên và sự quản lý, giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Về nguồn lực và tổ chức bộ máy, cơ quan này có trụ sở riêng, con dấu riêng, được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại nhất phục vụ công tác PCTN; tổ chức bộ máy được kế thừa, tiếp nhận từ một số đơn vị chuyên trách về PCTN thuộc TTCP, cơ quan giám sát về PCTN thuộc Quốc hội, cơ quan khác có tính chất tương đồng và từ nguồn tuyển chọn, tiếp nhận chặt chẽ, khắt khe khác.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan này với Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; 02 bên sẽ cùng tiến hành thanh tra hành chính, kiểm tra Đảng đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; được sử dụng chung kết quả thanh tra, kiểm tra của mỗi bên; đồng thời được phép trưng dụng cán bộ của nhau để thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác PCTN.Theo học viên, mô hình này là phù hợp nhất trong hệ thống đa cơ quan PCTN hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thận trọng, khả thi của phương án này, thì trong giai đoạn trước mắt cần tiến hành thí điểm trước tại một số địa phương (có thể lựa chọn 5-7 địa phương) theo hướng: Hợp nhất một số đơn vị thuộc cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh với bộ phận giám sát tham nhũng thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (nếu có), đồng thời tuyển chọn, tiếp nhận những cán bộ có kinh nghiệm, bản lĩnh, trình độ, đạo đức từ một số cơ quan khác (như: Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ủy ban kiểm tra ...) thành lập 01 cơ quan chuyên trách, độc lập về phòng ngừa tham nhũng, chống tham nhũng ở địa phương với tên gọi “Ủy ban PCTN tỉnh X”. Sau
một thời gian hoạt động, sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả cụ thể, từ đó đề xuất mô hình như đã nêu trên.
Trong lĩnh vực tố tụng tư pháp, cũng nên thành lập một cơ quan có thẩm quyền điều tra độc lập về tố tụng với các vụ án tham nhũng, cơ quan này có quy mô cấp Tổng cục ở Trung ương, Cục ở cấp tỉnh, Chi cục ở cấp huyện, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCĐTW về PCTN, tiêu cực và sự quản lý về mặt nhà nước của BCA hoặc VKSNDTC, tùy theo cơ quan này được xác định đặt ở đâu.
Tiểu kết Chƣơng 3
Chương 3 đã phân tích thực trạng mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, tập trung làm rõ những bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng như: Cục PCTN thuộc TTCP, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế thuộc BCA và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ thuộc VKSNDTC. Đồng thời, Luận văn cũng đi sâu phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc áp dụng kinh nghiệm của một số quốc gia khác để giải quyết những hạn chế, bất cập của mô hình của Việt Nam hiện nay, từ đó đối chiếu để chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế phù hợp, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng tại Việt