thẩm dân sự
- Xem xét đơn khởi kiện và thụ lý tranh chấp đất đai
Về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, thời hạn tòa án xem xét đơn khởi kiện và thụ lý tranh chấp đất đai được thực hiện giống như việc xem xét, thụ lý các tranh chấp dân sự nói chung. Bên cạnh đó, xuất phát từ đặc thù của tranh chấp đất đai mà tòa án cần xem xét đến các điều kiện cụ thể khác.
Trước hết, khi người khởi kiện tranh chấp đất đai trực tiếp nộp đơn tại toà án hoặc gửi đơn đến toà án qua dịch vụ bưu chính thì tòa án thông qua bộ phận nhận đơn phải tiếp nhận đơn khởi kiện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp tòa án nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi thư trực tuyến thì tòa án phải in ra bản giấy và ghi vào sổ nhận đơn. Đối với đơn nộp trực tiếp thì tòa án có trách nhiệm cấp ngày giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp gửi đơn qua dịch vụ bưu chính thì tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp đơn khởi kiện bằng phương thức gửi thư trực tuyến thì tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện biết thông qua cổng thông tin điện tử của tòa án (nếu có).
Trong thời hạn do pháp luật quy định, Chánh án tòa án phải phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Sau khi xem xét hình thức và nội dung đơn khởi kiện, tùy từng trường hợp, thẩm phán xem xét đơn khởi kiện sẽ quyết định giải quyết vụ án theo một trong các cách sau: (1) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp đơn khởi kiện không đúng, không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; (2) Chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền trong trường hợp vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác (vụ án khởi kiện đúng thẩm quyền theo loại việc nhưng sai thẩm quyền theo cấp hoặc lãnh thổ); (3) Trả lại đơn khởi kiện cho ngưởi khởi kiện nếu thuộc các trường hợp
như người khởi kiện không có quyền khởi kiện, người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng dân sự và các trường hợp trả lại đơn khởi kiện khác theo quy định của pháp luật; (4) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án nếu đáp ứng đúng và đủ các điều kiện về nội dung, hình thức đơn khởi kiện.
Kèm theo đơn khởi kiện, người khởi kiện phải nộp cho tòa án các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho quyền khởi kiện của mình. Trước hết người khởi kiện cần nộp cho tòa án các tài liệu chứng cứ để chứng minh tên, địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, các tài liệu chứng cứ chứng minh giấy tờ pháp lý của diện tích đất tranh chấp. Bên cạnh đó, tùy từng loại tranh chấp đất đai cụ thể mà người khởi kiện sẽ phải nộp cho tòa án những tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Chẳng hạn, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì người khởi kiện cần cung cấp cho tòa án bản sao giấy chứng nhận quyền sử đất, đối với tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất thì người khởi kiện cần cung cấp cho tòa án giấy chứng tử của người để lại di sản là quyền sử đất, đối với tranh chấp về hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất thì người khởi kiện cần cung cấp cho tòa án hợp đồng về quyền sử dụng đất hoặc các tài liệu chứng minh về quan hệ hợp đồng…
Sau khi xác định, đủ điều kiện thụ lý, thẩm phán sẽ thông báo cho người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Đa số các tranh chấp đất đai đều là các vụ án dân sự có giá ngạch nên người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí theo loại vụ án dân sự có giá ngạch. Riêng đối với yêu cầu kiện đòi quyền sử dụng đất cho mượn, cho ở nhờ thì áp dụng mức án phí, tạm ứng án phí của vụ án dân sự không có giá ngạch.
- Thông báo về việc thụ lý vụ án tranh chấp đất đai
Để bảo đảm quyền tham gia tố tụng của bị đơn, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, sau khi thụ lý vụ án tòa án sẽ thông báo việc thụ lý vụ án cho bị đơn và người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong thời hạn do pháp luật quy
định, bị đơn và người có quyền và nghĩa vụ liên quan sẽ gửi cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về việc khởi kiện của nguyên đơn. Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì họ sẽ gửi đơn đến tòa án. Tòa án sẽ xem xét để giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập cùng với việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nếu các yêu cầu này có liên quan với nhau hoặc việc giải quyết các yêu cầu đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh và chính xác hơn.
- Thu thập và tiếp cận công khai chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thẩm phán được phân công phụ trách giải quyết vụ án tranh chấp đất đai sẽ tiến hành các công việc như : Lập hồ sơ vụ án; Yêu cầu đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa án; Tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ.
Để xây dựng hồ sơ vụ án dân sự, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ ban đầu bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ ban đầu của nguyên đơn. Trên cơ sở thông báo thụ lý vụ án của tòa án, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ có liên quan có thể gửi cho tòa án văn bản ghi ý kiến của mình về việc khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn có thể gửi cho tòa án đơn phản tố, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có thể gửi cho tòa án đơn yêu cầu độc lập và các tài liệu chứng cứ kèm theo. Bên cạnh đó, trong suốt giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, các đương sự có thể gửi cho tòa án các văn bản tự khai, văn bản trình bày về một nội dung cụ thể liên quan đến việc giải quyết vụ án như đơn trình bày về tài sản, các văn bản yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ… Qua nghiên cứu hồ sơ, nếu xét thấy tài liệu chứng cứ do đương sự cung cấp chưa đầy đủ, chưa rõ ràng thì tòa án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung, tài liệu chứng cứ.
Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì tòa án yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng
cứ. Tuy nhiên, không phải khi nào đương sự cũng có khả năng cung cấp tài liệu, chứng cứ cho tòa án nên tòa án cần hỗ trợ đương sự trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ. Mức độ hỗ trợ của tòa án đối với hoạt động chứng minh của các đương sự phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hiểu biết pháp luật của đương sự, mức độ tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ chế tố tụng và các điều kiện kinh tế xã hội khác. Vì vậy, tùy theo truyền thống tố tụng, điều kiện kinh tế xã hội, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân mà pháp luật của mỗi nước quy định mức độ hỗ trợ của tòa án đối với việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự là khác nhau.
Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp, sẽ áp dụng các biện pháp khác nhau để thu thập chứng cứ như: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; trưng cầu giám định, yêu cầu giám định; định giá, thẩm định quyền sử dụng đất; xem xét, thẩm định tại chỗ. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ là một biện pháp quan trọng đối với các vụ án tranh chấp đất đai. Việc xem xét thẩm định tại chỗ thường phức tạp bởi về tâm lý đương sự đang trực tiếp quản lý tài sản là nhà đất tranh chấp không hợp tác với tòa án, gây khó khăn, cản trở hoặc không cho đo vẽ nhà đất bằng việc đóng cổng, đóng cửa, bỏ đi khỏi nhà đất tranh chấp. Do đó, pháp luật của các nước đều cần xây dựng cơ chế để xử lý đối với các hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, tòa án có thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ án tranh chấp đất đai có thể ủy thác thu thập chứng cứ để yêu cầu tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền để lấy lời khai của đương sự, của nhân chứng, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc các biện pháp tư pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh tình tiết của các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, tòa án còn có thể thu thập chứng cứ bằng cách yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ phải cung cấp tài liệu chứng cứ cho tòa án. Ngoài ra, tòa
án cũng có thẩm quyền xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú đối với trường hợp người bị kiện và người có quyền và nghĩa vụ liên quan đi khỏi địa phương hoặc cố tình che giấu địa chỉ nơi cư trú dưới hình thức liên tục thay đổi địa chỉ cư trú nhằm trốn tránh nghĩa vụ dẫn đến vụ án không thể giải quyết được.
Để đảm bảo quyền tranh tụng, quyền được tiếp cận yêu cầu của đương sự phía đối lập, quyền trình bày ý kiến về những vấn đề mà người khác có yêu cầu đối với mình, pháp luật của nhiều nước trên thế giới đã quy định việc trước khi mở phiên tòa sơ thẩm dân sự các đương sự phải thực hiện việc đưa ra yêu cầu và chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Chẳng hạn, theo các Điều 132, Điều 134, Điều 135 BLTTDS Cộng hòa Pháp thì bên đương sự đưa ra giấy tờ, tài liệu, có nghĩa vụ phải trao đổi giấy tờ, tài liệu đó cho các bên khác trong cùng vụ kiện. Việc trao đổi giấy tờ, tài liệu phải được tiến hành ngay. Thẩm phán quyền ấn định thời hạn và nếu cần thì ấn định cả thể thức trao đổi giấy tờ, tài liệu; trường hợp vi phạm có thể bị phạt tiền để cưỡng chế. Thẩm phán có thể không xem xét những giấy tờ, tài liệu không được trao đổi trong thời gian thích hợp. Như vậy, trong giai đoạn thẩm cứu vụ việc, các bên phải trao đổi với nhau quan điểm của mình trong các kết luận đánh giá và phải tóm tắt quan điểm đó trong kết luận tổng hợp. Thẩm phán không xem xét những kết luận không được tổng hợp [25, tr.16-23]. Theo Điều 783 BLTTDS Cộng hòa Pháp, sau khi đã có quyết định kết thúc việc thẩm cứu, không một bản kết luận nào, không một tài liệu nào có thể được chấp nhận, nếu không sẽ đương nhiên bị coi là vô hiệu, trừ các trường hợp ngoại lệ. Các kết luận đánh giá và kết luận tổng hợp là những biện pháp nhằm làm giảm nhẹ một phần nội dung bản án sau này liên quan đến việc tổng hợp lập luận của các bên. Giấy tống đạt gọi bị đơn ra toà và kết luận của các bên là căn cứ để các bên tranh luận tại phiên tòa [25, tr.16-23]. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng có trường hợp chấp nhận các kết luận và chứng cứ sau khi kết thúc việc thẩm cứu. Theo đó, thẩm phán có thể xem xét cả những kết luận mà
nhằm phát triển những căn cứ được viện dẫn trong các kết luận được coi là hợp thức trước đó. Dưới góc nhìn phải tôn trọng triệt để quyền bảo vệ của đương sự thì thực tiễn này đã gây nhiều tranh cãi [74, tr.78].
Theo Điều 161 BLTTDS Nhật Bản, trong giai đoạn chuẩn bị tranh tụng các bên đương sự phải gửi cho nhau bản tóm tắt vụ kiện, bao gồm các tình tiết, chứng cứ, căn cứ pháp lý, lý lẽ làm cơ sở cho yêu cầu, phản đối yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra, trong giai đoạn này, tòa án còn thực hiện "thủ tục thu xếp công việc", bao gồm các thủ tục tranh tụng trù bị, chuẩn bị cho tranh tụng và thủ tục tố tụng chuẩn bị bằng văn bản. Mục đích của các thủ tục này là làm rõ các tình tiết phải chứng minh và xem xét chứng cứ có hiệu quả [20, tr.436-440]. Do đó, tại phiên tòa , "về nguyên tắc các bên không được đưa ra những bằng chứng mới hoặc lời khẳng định mới mà họ đã không đưa ra trong giai đoạn chuẩn bị" [20, tr.79].
Đối với mô hình tố tụng theo truyền thống tranh tụng, trước khi phiên tòa sơ thẩm dân sự được diễn ra các bên đương sự phải thống nhất với nhau những vấn đề còn mâu thuẫn và chứng cứ của vụ việc, những người cần được triệu tập đến tòa án [7, tr.98]. Hệ thống pháp luật của Mỹ quy định thủ tục tiết lộ các tài liệu trước phiên tòa, có nghĩa "mỗi bên đều có quyền được biết các thông tin sở hữu của bên kia" [29, tr.161].
Như vậy, để đảm bảo thực hiện nguyên tắc tranh tụng, pháp luật của nhiều nước quy định việc trước phiên tòa sơ thẩm dân sự nói chung và vụ án tranh chấp đất đai nói riêng có thể có nhiều phiên họp diễn ra tại tòa án và tại những phiên họp đó các bên đương sự sẽ trao đổi với nhau về chứng cứ, tài liệu và thống nhất với nhau những vấn đề còn mâu thuẫn. Phiên họp tiếp theo, các bên đương sự tiếp tục xuất trình những chứng cứ để chứng minh cho vấn đề còn tranh cãi ở phiên họp trước. Việc giải quyết vụ án dân sự có thể diễn ra nhiều phiên họp như vậy, cho đến khi các bên đương sự thống nhất được với nhau về những vấn đề còn mâu thuẫn và các chứng cứ gây tranh cãi thì ngày mở phiên tòa sơ thẩm dân sự
sẽ được ấn định. Tiếp thu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, BLTTDS năm 2015 của Việt Nam đã bổ sung 04 điều luậttừ Điều 208 đến Điều 211 về
"Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ”. Theo đó, BLTTDS năm 2015 đã quy định về thông báo, thành phần, trình tự và biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Song, khác với pháp luật của các nước trên thế giới, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo BLTTDS năm 2015 được tiến hành cùng với phiên hòa giải. Theo đó, qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì tòa án lập biên bản hòa giải thành và trên cơ sở đó tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
- Nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh chấp đất đai
Căn cứ vào hồ sơ vụ án tranh chấp đất đai, các chủ thể tiến hành tố tụng và các bên đương sự phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để đánh giá, sử dụng chứng cứ, tìm ra phương án giải quyết vụ án, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc mở phiên tòa sơ thẩm dân sự. Nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự được tiến hành trong