Đánh giá chung về năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 58 - 68)

Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế

2.3.1. Những thế mạnh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh hàng dệt may Việt Nam

Thứ nhất, vị trí địa lý trung tâm thuận lợi là cơ hội để Việt Nam

tiếp tục thu hút đầu tư quốc tế với làn sóng chuyển dịch dệt may từ Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông. Việt Nam là quốc gia biển với hệ thống cảng biển phong phú từ Bắc vào Nam, đảm bảo các khu vực sản xuất ra đến các cảng biển trong vòng 200km là điều kiện tự nhiên không nhiều quốc gia có được là cơ sở quan trọng để các chuỗi cung ứng toàn cầu lựa chọn Việt nam là quốc gia sản xuất.

Thứ hai, lực lượng lao động tương đối dồi dào, dễ đào tạo, kỹ năng

và tay nghề may tốt. Hiện nay, dệt may Việt nam có quy mô xuất khẩu lên tới 31 tỷ USD. Với các tác động tích cực của CPTPP và FTA-EU, dự báo đến năm 2020 dệt may Việt nam có thể đạt quy mô xuất khẩu 50 tỷ USD [42]. Hiện tại, ngành dệt may đang sử dụng trên 2,5 triệu lao động, như vậy cần thêm khoảng 2,5 triệu lao động mới tạo thêm nữa. Với cơ cấu lao động hiện nay của cả nước với 70% lao động trong khu vực nông nghiệp, ước tính lên tới 30 triệu người thì việc thu hút thêm 3 triệu lao động cho ngành dệt may trong thời gian tới là hoàn toàn khả thi, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đưa lao động trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 40% như dự thảo nghị quyết Đại hội 12 của Đảng.

Thứ ba, chi phí lao động tương đối cạnh tranh. Chi phí lương tối

thiểu cho lao động dệt may tại Việt Nam thấp thứ 5 trong số 20 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi thời gian sản xuất sản phẩm may trung bình tại Việt Nam từ 60 - 90 ngày là tương đương với các quốc gia tại ASEAN như tại Indonesia và Malaysia.

Thứ tư, tăng trưởng vốn đầu tư ổn định cho ngành dệt may. Theo

số liệu thống kê, đầu tư FDI vào ngành dệt may tính đến hết 2019 là gần 2000 dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 15,3 tỷ USD. Có 52 quốc

gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó một số quốc gia có số vốn đăng ký lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, British VirginIslands,…[8]. Các doanh nghiệp FDI Dệt may luôn chiếm một tỷ trọng xuất khẩu lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may, mở rộng năng lực sản xuất các sản phẩm may mặc trong thời gian tới.

Thứ năm, sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc. Với chiến lược “Made in China 2025” Trung Quốc xác định những ngành công nghiệp có xu thế sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, da giày không còn là thế mạnh và được khuyến khích đầu tư ra bên ngoài [22]. Thay vào đó, định hướng chiến lược của Ngành công nghiệp dệt may Trung Quốc trong giai đoạn tới là tham gia vào công đoạn sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn như phân phối bán hàng, thiết kế và phát triển sản phẩm. Các quốc gia lân cận như Campuchia, Bangladesh, Việt Nam với lợi thế về chi phí sản xuất và lực lượng lao động trẻ là những điểm đến hứa hẹn của dệt may Trung Quốc.

Thứ sáu, lợi ích do các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc

độ hội nhập nhanh nhất thế giới. Các Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên minh Thuế quan (Nga, Belarus, azakhstan),… đã tạo ra thị trường mới rộng lớn cho các ngành kinh tế Việt Nam. Trong đó, ngành dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất, do hầu hết các dòng thuế của sản phẩm dệt may (EU (9%), Liên minh Thuế quan (11%),…) đang áp trên các sản phẩm dệt may nhập khẩu từ Việt Nam có thể được giảm xuống còn 0%.

Thứ bảy, định hướng phát triển của Chính phủ và các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dệt may tiếp tục tăng trưởng: Tín

hiệu tích cực từ thành công APEC tại Việt Nam năm 2017 và sự quan tâm tạo điều kiện nhiều hơn của Chính phủ với khối doanh nghiệp tư nhân đã khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng kỳ vọng cắt giảm tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của Chính phủ,… mang lại những đột phá về đầu tư, kinh doanh, mở rộng thị trường trong đó có dệt may. Việt Nam được đánh giá là điểm đến ổn định và an toàn, hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu và đầu tư nước ngoài. Đề án 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được kỳ vọng sẽ tạo nên lực hút đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới. Đặc khu kinh tế là một chính sách hữu ích để thu hút đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy khả năng cạnh tranh các ngành công nghiệp trong đó có Dệt May.

2.3.2. Những hạn chế ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam.

Một là, sản xuất dệt may theo phương thức gia công mang lại giá trị thấp

Hiện nay các sản phẩm May xuất khẩu chủ yếu theo phương thức gia công CMT chiếm tỷ lệ cao (65%), phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm FOB (35%), Sản xuất theo thiết kế riêng ODM (5%). Thông thường lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp CMT chỉ đạt 1 - 3% đơn giá gia công, với đơn hàng FOB là khoảng 3 - 5%, đơn hàng ODM từ 5 - 7% trở lên.

Hai là, liên kết chuỗi giá trị hoàn tất sản phẩm Dệt May còn hạn chế

Ngành dệt may Việt Nam mang đặc điểm vừa thừa vừa thiếu ở từng mắt xích. Dệt nhuộm đang là điểm đứt gãy của cả chuỗi giá trị sản phẩm dệt may Việt Nam. Ngành sợi phải xuất khẩu đi 2/3 sản lượng đầu ra trong

khi ngành sản xuất hàng may mặc phải nhập khẩu 70% nguyên vật liệu đầu vào. Như vậy, khâu dệt nhuộm đã chưa hoàn thành vai trò tốt trong chuỗi giá trị toàn ngành khi chưa khai thác triệt để được nguyên liệu đầu vào (sợi) trong nước sản xuất dư thừa và gây thiếu hụt nghiêm trọng đầu ra (vải). Khi các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực, đặc biệt là EVFTA và CPTPP với quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” và “từ sợi trở đi”, điểm yếu về chuỗi giá trị ngành dệt may Việt Nam sẽ là cản trở để các doanh nghiệp mở rộng đơn hàng sản phẩm dệt may và hưởng ưu đãi thuế quan 0% tại các thị trường này.

Ba là, thiếu hụt nguồn nhân lực dệt may chất lượng cao

Toàn ngành có khoảng 2,5 triệu lao động nhưng chủ yếu là lao động giản đơn, nguồn nhân lực có kinh nghiệm về quản lý sản xuất, kỹ thuật, marketing, thiết kế sản phẩm,… còn hạn chế. Ngoài ra, sức thu hút hấp dẫn nhân lực cho ngành dệt may ngày càng yếu đi so với các ngành công nghiệp khác như điện tử, năng lượng,... về chế độ đãi ngộ, điều kiện môi trường làm việc, sản xuất kinh doanh. Điều này tác động năng suất lao động, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam.

Bốn là, sự chậm đổi mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất dệt may

Qua các phân tích ở trên cho thấy hiện nay các công nghệ thiết bị ngành Dệt vải đa phần là những thiết bị cũ. Yếu tố công nghệ lạc hậu có thể là một trong vài nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém của ngành dệt trong mối liên kết với ngành may. Để nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng sản phẩm dệt may Việt Nam cần đổi mới chất lượng thiết bị công nghệ sản xuất, đặc biệt cho ngành Dệt nhuộm.

Năm là, phát triển thương hiệu sản phẩm dệt may chưa tương xứng với tiềm năng

Việc xây dựng và phát triển giá trị thương hiệu với các sản phẩm dệt may tại Việt Nam còn rất hạn chế. Sản phẩm dệt may Việt Nam chưa có thương hiệu nào vươn tầm quốc tế mặc dù là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam. Vấn đề vi phạm tác quyền, sản phẩm dệt may giả, kém chất lượng vẫn diễn ra phức tạp.

Sáu là, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm dệt may thiếu tính linh hoạt

Chính phủ đã có định hướng phát triển ngành dệt may, trong đó có chú trọng đến các sản phẩm dệt may là một trong những sản phẩm công nghiệp được ưu tiên hỗ trợ trong quá trình CNH, HĐH. Tuy nhiên, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể, mang tính đồng bộ về đầu tư, tài chính, nhân lực, chuyển giao công nghệ,… để nâng cao năng lực sản xuất và giúp hàng dệt may có thể cạnh tranh tốt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2.3.3. Nguyên nhân của hạn chế

Đầu tiên, may là khâu mà các nước mới gia nhập ngành thường chọn để thâm nhập đầu tiên vì nó không đòi hỏi đầu tư cao về công nghệ và rất thâm dụng lao động. Những nước đang tham gia ở khâu này thường thực hiện việc gia công lại cho các nước gia nhập trước, đây chính là đặc điểm chung của khâu sản xuất trong ngành dệt may thế giới. Tại Việt Nam, tổng số lượng doanh nghiệp May chiếm đến 70% tổng số các doanh nghiệp dệt may toàn quốc, trong khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực Dệt chỉ khoảng 17%, Sợi là 6%, Nhuộm khoảng 4%. Các doanh nghiệp sản xuất nguyên, phụ liệu ít nên khó chủ động được nguồn cung ứng cho các doanh nghiệp dệt may làm FOB. Bên cạnh đó, quy mô doanh nghiệp May trung bình khoảng 500 lao động, khó để đảm nhận các đơn hàng lớn. Do vậy, tỷ

trọng sản phẩm dệt may sản xuất theo hình thức CMT lớn nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm không cao.

Tiếp theo là nguyên nhân sản phẩm ngành dệt nhuộm trong nước còn kém so với các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ,… có thể xuất phát từ việc thiếu các khu, cụm công nghiệp dệt may dẫn đến việc liên kết các khâu trong chuỗi giá trị từ Sợi - Dệt - Nhuộm - May rời rạc. Như phân tích ở trên, trong khi các doanh nghiệp Sợi phải xuất ra nước ngoài thì các doanh nghiệp dệt nhuộm lại phải nhập vải từ ngoài nước về để sản xuất. Cả phía Bắc mới có 01 khu công nghiệp dệt may hạ tầng Phố Nối tại Hưng Yên, với quy mô cũng chỉ khoảng 120 ha. Bên cạnh đó, vấn đề chung mà các doanh nghiệp dệt và nhuộm đều phải đối mặt là phải xây dựng các hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn bởi đặc thù sử dụng nhiều hóa phẩm trong quá trình sản xuất. Trong khi các địa phương cũng không có thiện chí với việc kêu gọi các dự án đầu tư lĩnh vực dệt nhuộm bởi quan ngại về vấn đề môi trường có thể phát sinh. Thống kê cũng cho thấy toàn quốc cũng chỉ có khoảng 20% tổng số doanh nghiệp dệt may trong lĩnh vực dệt nhuộm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang tích cực chuyển bị cho việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng hấp thụ được thành quả của cuộc CMCN 4.0. Tuy vậy, thời gian qua nhân lực cho chuyên ngành thiết kế thời trang, thiết kế mẫu sản phẩm, quản lý sản xuất,… những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm Dệt may chưa thật được chú trọng. Đơn cử như thiết kế là khâu có tỷ suất lợi nhuận cao trong chuỗi giá trị và rất thâm dụng tri thức, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 5% nhu cầu đào tạo, tuyển sinh của các trường đào tạo về dệt may. Các nước đi trước trong ngành công nghiệp dệt may, sau khi đã dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các nước đi sau thường chỉ tập trung vào khâu nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm tạo ra những thương

hiệu để đạt được tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Nguồn nhân lực lĩnh vực dệt nhuộm quá thiếu so với yêu cầu của ngành do tính chất môi trường làm việc có nguy cơ độc hại trong khi các chế độ đãi ngộ, phúc lợi xã hội chưa tương xứng.

Ngoài ra, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn đầu tư thiết bị vào dệt, nhuộm là tương đối khó khăn bởi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có quy mô vốn không lớn. Theo đánh giá của ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cho biết “Nếu đầu tư một vị trí làm của công nhân may thì doanh nghiệp chỉ cần 3.000 USD (con người và công nghệ), nhưng nếu đầu tư vị trí công nhân sợi hoặc dệt thì phải mất 200.000 USD. Theo đó, đầu tư ngành dệt, nhuộm, Việt Nam cần 15 tỷ USD, trung bình mỗi dự án đầu tư dệt nhuộm cần đầu tư vốn tương đối lớn (khoảng 2 - 5 triệu USD) do đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn rất tốn kém và thời gian thu hồi vốn lâu’’ [11]. Do đó, cần cân nhắc cơ hội đầu tư trên cơ sở đánh giá lại tình hình thị trường và và tìm kiếm công nghệ mới phù hợp với xu thế. Đổi mới trong quản lý và tự động hóa từng bước, từng công đoạn sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.

Kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Như Quỳnh - Bộ khoa học và công nghệ năm 2017 được thực hiện trên 40 doanh nghiệp dệt may Việt Nam về vấn đề xây dựng thương hiệu cho thấy “3 đơn vị Tổng CTCP May Việt Tiến, Tổng CTCP May Nhà Bè, CTCP May 10 có hình thành chiến lược xây dựng thương hiệu dài hạn, còn lại đa số các doanh nghiệp chỉ có những họat động quảng bá trước mắt. Đơn vị sử dụng nguồn lực xây dựng thương hiệu cao nhất chiếm tỉ trọng 4% trên doanh thu, còn lại hầu hết chỉ dành nguồn lực từ 0,1 đến 1% trên doanh thu hàng năm” [18]. Đối với các hãng thời trang danh tiếng trên thế giới như Zara, HM,… thì chi phí để

quảng bá thương hiệu và phát triển sản phẩm phải chiếm ít nhất 10% doanh thu [20]. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm dệt may Việt Nam chưa có những thương hiệu thời trang ở tầm châu lục và thế giới. Ngay tại thị trường trong nước, thị phần của hàng dệt may Việt Nam bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hàng giả, hàng không rõ xuất xứ. Thực trạng này có phần buông lỏng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chủ động đưa ra các giải pháp ngăn chặn, cũng như có các công cụ pháp lý và các chế tài xử lý đủ mạnh cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng các sản phẩm dệt may nội địa.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cơ chế chính sách của Chính phủ, các Bộ ngành liên quan cần linh hoạt hơn để hỗ trợ nhiều cho DN Dệt may nói chung và các sản phẩm may mặc nói riêng. Một số nước gần đây tập trung hỗ trợ cho dệt may nước mình như Bangladesh giảm thuế thu nhập DN từ 35% xuống còn 20%, thuế nhập khẩu hóa chất, thuốc nhuộm từ 25% xuống 15%. Pakistan áp dụng cơ chế miễn thuế cho nguyên liệu và năng lượng cho hàng dệt may XK, miến thuế NK thiết bị máy móc. Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu cho một số loại xơ, sợi từ 5% xuống 2,5%. Ngoài ra, việc định hướng chủ động về sản xuất bông nhưng chưa có các quy hoạch cụ thể từng khu vực sản xuất bông, hoặc chưa có các trợ cấp cho người nông dân trồng bông. Để nâng cao tỷ trọng sản xuất FOB và nâng cao năng suất lao động, các doanh nghiệp trong nước cần vốn để chủ động về nguyên vật liệu đầu vào và nhập khẩu máy móc thiết bị hiện đại.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 58 - 68)