Hội nhập quốc tế và tác động của hội nhập quốc tế đến nâng cao

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 33 - 37)

năng lực cạnh tranh hàng dệt may

1.3.1. Hội nhập quốc tế

Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm. Hội nhập quốc tế theo đúng nghĩa đầy đủ là hội nhập trên tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Trong một thế giới hiện đại, sự phát triển của kinh tế thị trường đòi hỏi các quốc gia phải mở rộng thị trường, hình thành thị trường khu vực và quốc tế. Đây chính là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Về bản chất, hội nhập quốc tế chính là một hình thức phát triển cao của hợp tác quốc tế. Hội nhập quốc tế cũng như các hình thức hợp tác quốc tế khác đều vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Các quốc gia tham gia quá trình này cơ bản vì lợi ích cho đất nước, vi sự phồn vinh của dân tộc mình. Mặc khác, các quốc gia thực hiện hội nhập quốc tế cũng góp phần thúc đẩy thế giới tiến nhanh trên con đường văn minh, thịnh vượng.

Nhìn tổng thể thì hội nhập quốc tế có ba cấp độ chính là: Hội nhập toàn cầu, khu vực và song phương. Các phương thức hội nhập này được triển khai trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Cho đến nay, đối với Việt Nam, hội nhập quốc tế được triển khai trên 3 lĩnh vực chính gồm: Hội nhập trong lĩnh vực kinh tế (hội nhập kinh tế quốc tế), hội nhập trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; hội

nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế.

1.3.2. Tác động của hội nhập quốc tế đến nâng cao năng lực cạnh tranh hàng dệt may

1.3.2.1. Cơ hội

- Mở rộng thị trường xuất khẩu

Việc tham gia vào sân chơi quốc tế tạo cho dệt may Việt Nam một thị trường rộng mở. Hàng hóa của Việt Nam có cơ hội xuất hiện tại khắp nơi trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu hàng dệt may đi 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải dài trên tất cả các châu lục. Ngành dệt may vẫn đang tập trung vào các thị trường có sức tiêu thụ lớn như Mỹ, EU; song song với việc tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác.

- Tăng cường nguồn vốn đầu tư FDI cho ngành dệt may

Khi tham gia vào thị trường quốc tế rộng lớn, sự luôn chuyển nguồn vốn trên phạm vi toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Việt Nam là thị trường mới, còn rất nhiều tiềm năng khai thác, trong đó có ngành dệt may. Các doanh nghiệp nước ngoài liên tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong vòng 30 năm (kể từ năm 1989), số vốn đầu tư FDI được thu hút vào ngành dệt may đạt 19,285 tỷ USD trong đó, Hàn Quốc có lượng vốn đăng ký lên tới 4,798 tỷ USD cùng 464 dự án; Đài Loan (Trung Quốc) gần 3 tỷ USD, 132 dự án; Hong Kong 2,395 tỷ USD và 147 dự án; Trung Quốc 2,116 tỷ USD với 197 dự án và Bristish Virgin Islands 70 dự án, vốn đầu tư đạt 1,607 tỷ USD.

- Ưu đãi thuế quan khi tham gia vào các hiệp định thương mại

Các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP mang lại nhiều ưu đãi thuế quan. CPTPP dành riêng chương một cho ngành dệt may, cho thấy đây là ngành có tầm quan trọng rất lớn. Khi hiệp định có hiệu lực, doanh

nghiệp dệt may sẽ có nhiều ưu đãi thuế quan. Ví dụ đối với thị trường Canada, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm thêm 17-18% vào chi phí, đối với Mexico thì con số là 15-30%. Đây là lợi thế lớn của doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong công tác đàm phán giá, thu hút đơn hàng, khách hàng. Đối với các thị trường khác tham gia Hiệp định, mức giảm thuế cũng tương tự.

- Thúc đẩy sự phát triển khoa học, công nghệ

Ngành dệt may có đặc điểm là mẫu mã liên tục thay đổi cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và có tính chất mùa vụ. Sự đa dạng văn hóa tại các vùng đất khác nhau cũng tạo nên sự khác biệt trong phong cách ăn mặc. Để đáp ứng yêu cầu đó, các doanh nghiệp sẽ phải liên tục phát triển công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng từ khắp nơi trên thế giới và tạo lợi thế cạnh tranh cho mình.

- Bảo vệ môi trường sinh thái

Một trong các điều khoản của các Hiệp định thương mại là yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong ngành công nghiệp dệt may, khâu nhuộm là công đoạn phải sử dụng nhiều hóa chất và nước xả thải khi chưa qua xử lý sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Vì vậy, để phát triển bền vững, ngoài yêu cầu về xuất xứ, mẫu mã, yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái cũng là một trong các yêu cầu mà các doanh nghiệp cần tuân thủ khi sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may.

1.3.2.2. Thách thức

Thách thức đầu tiên là phải cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp, các sản phẩm hàng hóa dệt may của nước ngoài không chỉ ở thị trường nước ngoài mà ngay cả ở thị trường trong nước của Việt Nam; trong khi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phổ biến là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chưa cao, năng lực tài chính hạn chế, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, tiềm lực tài chính hùng

hậu, có những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, hiện nay, phần lớn là ở những công đoạn có trình độ công nghệ thấp, gia công.

Thách thức tiếp theo có thể kể đến là nút thắt cổ chai của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, cụ thể là khâu kéo sơi, dệt nhuộm vải. Đây là bài toán hóc búa đối với ngành dệt may Việt Nam do hơn 85% doanh nghiệp dệt may tập trung vào khâu cắt và may quần áo, doanh nghiệp kéo sợi và dệt vải tại Việt Nam chiếm chưa đến 15% tổng số doanh nghiệp dệt may, nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các doanh nghiệp may. Thực tế, 90% vải để sản xuất là nhập khẩu từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, 80% sợi để sản xuất là nhập khẩu từ Mỹ, Tây Phi, Ấn Độ. Các quốc gia này đều không tham gia Hiệp định CPTPP, vì vậy nếu kéo dài tình hình như hiện nay thì doanh nghiệp dệt may rất khó được hưởng lợi từ hiệp định. Tình trạng này là vấn đề nhức nhối của ngành dệt may trong nhiều năm nay do doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, về công nghệ cũng như nhân công kỹ thuật cao.

Thách thức thứ ba là, các yêu cầu đảm bảo tuân thủ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Tham gia các hiệp định thương mại nghĩa là doanh nghiệp dệt may có nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ, chứng từ nghiêm ngặt, cũng như khai báo, chứng minh xuất xứ. Các khách hàng có thể đi kiểm tra bất cứ lúc nào và doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đảm bảo cung cấp đầy đủ hồ sơ cần thiết để được hưởng lợi từ Hiệp định.

Thách thức thứ tư là, làn sóng FDI vào Việt Nam để hưởng lợi ích là rất lớn. Bên cạnh lợi ích cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi được học hỏi công nghệ, quy trình quản lý hiện đại từ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước sẽ chịu sức ép rất lớn từ sự cạnh tranh về quy mô sản xuất, giá thành, tuyển dụng lao động. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào

Việt Nam đều là doanh nghiệp lớn, có vốn, kinh nghiệm và mô hình sẵn có, việc áp dụng vào Việt Nam với quy mô lớn, chuyên nghiệp là rất dễ dàng. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI sẵn sàng trả lương cao hơn cho công nhân để thu hút lực lượng lao động có tay nghề tốt.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 33 - 37)