3.1.1. Bối cảnh quốc tế
- Thương mại điện tử đang làm thay đổi bộ mặt của thương mại truyền thống
Kết quả từ hãng kiểm toán PwC về công tác điều tra tình hình mua sắm thương mại trên thế giới trong năm 2019 cho thấy khách hàng và người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm thông qua các phương tiện, kênh trực tuyến thay vì các phương pháp truyền thống tại cửa hàng như hiện nay. Ngay tại các thị trường lớn như Châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc thì có khoảng 30% - 40% khách hàng khi được hỏi có xu hướng ít đến các cửa hàng bán lẻ trong khi các kênh trực tuyến của Ebay, Walmart, Amazon, Alibaba,… lại có mức tăng trưởng doanh thu tốt trong thời gian qua.
- Sự khác biệt hóa sản phẩm giúp thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng
Một trong những trào lưu và xu thế tiêu dùng sản phẩm ngày nay đó là xu thế cá nhân hóa sản phẩm với tôn chỉ “ hách hàng là thượng đế”. Với những mong muốn cho các khách hàng những trải nghiệm thật nhất, phù hợp nhất, các hãng dày dép như Nike, Adiddas, Puma đã áp dụng phương thức để khách hàng tự lựa chọn thiết kế, mẫu mã, chất liệu, màu sắc và đặt sản phẩm trực tiếp từ các nhãn hiệu. Rõ ràng đây là một trải nghiệm mà người tiêu dùng hết sức lý thú mặc dù họ có thể phải trả thêm phần chi phí theo yêu cầu đặt hàng riêng. Hãng thời trang danh tiếng như Burberry,
Longchamp cũng đang theo dần xu thế phong cách hóa cá nhân của khách hàng. Phương thức sản xuất truyền thống theo dây chuyền quy mô lớn dường như cần linh hoạt hơn về quy mô và đa dạng hóa về sản phẩm để đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu ngày càng khắt khe của nhiều đối tượng khách hàng.
- Chọn sản xuất tinh gọn hay sản xuất linh hoạt
Sự thay đổi xu thế tiêu dùng trong ngành công nghiệp thời trang là rất nhanh chóng bởi tính chất mùa vụ. Một trong những nhãn hiệu thời trang hiện nay được rất nhiều khách hàng sử dụng và ưa chuộng là Zara. Bí quyết thành công của hãng thương hiệu này là luôn cập nhật và thay đổi những mẫu mã sản phẩm một cách nhanh chóng, cho nhiều đối tượng khách hàng. Trung bình mỗi năm Zara cho ra đời hơn 11.000 sản phẩm, mỗi tuần là 3 sản phẩm tại hàng nghìn cửa hàng trên thế giới trong đó có Việt Nam [27]. Yếu tố thời gian sản xuất đóng một vai trò quan trọng để hiện thực hóa từ khi lên ý tưởng thiết kế cho đến khi kết thúc quy trình sản phẩm. Hiện nay Zara chỉ mất trung bình khoảng 15 ngày thay vì 30 ngày như trước kia cho mỗi đơn hàng. Xu thế tinh gọn thời gian sản xuất dường như đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho các doanh nghiệp dệt may.
- Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cơ hội và thách thức của ngành dệt may
Ngành dệt may là ngành thâm dụng nhiều lao động trong khi tổng chi phí sản xuất có xu thế tăng nên về lâu dài có thể giảm khả năng cạnh tranh của trên thị trường thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ có ảnh hưởng trực tiếp lên các nhà sản xuất và lực lượng lao động tại các doanh nghiệp dệt may. Việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại có thể giúp nâng cao năng suất lao động nhưng chỉ cần số lao động ít hơn, do vậy sẽ
tiết giảm được chi phí sản xuất. Nhờ vậy mà khoảng cách chi phí cho một sản phẩm giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển sẽ được rút ngắn lại.
Tổ chức Lao động Thế giới đã đưa ra số liệu dự báo, máy móc công nghệ có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonesia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia trong một thập niên tới [31]. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất dệt may ban đầu chỉ diễn ra ở những công đoạn sản xuất chuyên biệt, có tính đơn giản và chu kỳ. Nói cách khác mới dừng lại ở những sản phẩm dệt may phổ thông, dễ bị cạnh tranh. Các sản phẩm cao cấp thì vẫn cần nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ tay nghề, đặc biệt là khâu thiết kế sản phẩm.
- “Xanh hóa” chuỗi dệt may đang được xem là một bước ngoặt đối với ngành dệt may
Trong xu thế người tiêu dùng luôn lựa chọn những sản phẩm chất lượng, sạch, và xanh thì đối với ngành công nghiệp thời trang, Chương trình Zero Discharge of Hazardous Chemicals về việc không sử dụng hóa chất độc hại trong sản phẩm may mặc đã và đang được các nhãn hàng thời trang hết sức quan tâm và đồng thuận cao như Hugo Boss, Gap, H&M, Burberry,… Điều này cũng phù hợp với các thông lệ quốc tế đặc biệt trong bối cảnh khí thải độc hại từ các sản phẩm dệt nhuộm ra môi trường có thể gây ra các hiệu ứng nhà kính và tác động không tốt lên hệ sinh thái và môi trường sinh sống trên thế giới. Lựa chọn phương pháp, quy trình sản xuất xanh đang là xu hướng mà nhiều ngành công nghiệp trên thế giới xác lập cho chiến lược kinh doanh, phát triển bền vững, trong đó có công nghiệp dệt may.
3.1.2. Bối cảnh trong nước
Bắt đầu từ giai đoạn đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động sản xuất trong nước phục vụ mục tiêu xuất khẩu, khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết với các đối tác nước ngoài hoặc cho phép các công ty nước ngoài mở chi nhánh 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Việt Nam. Chỉ thị 26/CT-TTg năm 2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn đã xác định tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập trên các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế.
- Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên
Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định: ết hợp hài hoà giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp [2]. Tận dụng tối đa lợi thế của nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, lợi thế thương mại để phát triển nhanh, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng
cao; một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày.
- Ðẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước
Chính sách đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp được triển khai hiệu quả thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Theo đó, Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh [1]. Đồng thời, Chính phủ có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Việc đẩy nhanh tốc độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đã được Tập đoàn Dệt may xác định và đang trong quá trình thực hiện. Quá trình cổ phần hoá, bán cổ phiếu ra thị trường sẽ huy động được nguồn vốn đáng kể, mang lại rất nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dệt may chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư thiết bị, chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
- Phát triển công nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng
Để hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp theo chuỗi cung ứng bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/01/2016 về việc Phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng đã được xác lập là “Hình thành, phát triển các mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng một số sản phẩm nông sản thực phẩm, đồ uống, dệt may và da
giày”. Quyết định cũng nêu rõ tính cấp thiết của việc đề xuất các cơ chế, chính sách liên kết chặt chẽ giữa các khâu “Nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - Người tiêu dùng” trong quá trình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm Việt Nam, trong đó có hàng dệt may [7].
- Gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp
Một trong những khó khăn để phát triển các dự án dệt nhuộm hiện nay là chi phí vốn đầu tư ban đầu là khá lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn là chậm. Chính phủ đã có những giải pháp, cơ chế hỗ trợ và tháo gỡ các khó khăn trong doanh nghiệp trong vấn đề tiếp cận tín dụng ưu đãi. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết từ ngày 1/1/2017 “Mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các dự án thuộc các lĩnh vực xử lý nước thải tập trung khu/cụm công nghiệp đã hạ từ 3,6%/năm xuống còn 2,6%/năm” [6]. Một mặt các chủ đầu tư sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường hơn với mức mức vay ưu đãi lãi suất thấp, trong khi lại thúc đẩy được các doanh nghiệp tích cực đầu tư vào thiết bị, cơ sở hạ tầng lĩnh vực dệt và nhuộm, vốn đang là điểm nghẽn trong việc phát triển chuỗi giá trị hoàn thiện sản phẩm dệt may. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái 1929 - 1933 thì việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi là một trong những phao cứu sinh của doanh nghiệp.
- Phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường
Việt Nam có điều kiện tự nhiên phong phú, các nguồn nguyên liệu như tre, bột gỗ, tơ tằm dâu,… có thể tạo ra các sản phẩm dệt may thân thiện môi trường. Có thể kể đến như dòng sản phẩm khăn Mollis của Tổng công ty Cổ phần Phong Phú, được tạo ra từ sợi tự nhiên sản xuất từ cây tre, không những đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã mà đặc biệt không có hoá
chất, không gây độc hại, do vậy rất mềm mại và không gây các phản ứng kích ứng da. Các sản phẩm khăn của Phong Phú không chỉ được đông đảo người tiêu dùng, khách sạn trong nước đón nhận mà thậm chí đã xuất khẩu được sang các thị trường hết sức khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc,… Hơn thế nữa, nguyên liệu như tre, gỗ sồi do doanh nghiệp trồng và khai thác sử dụng trong quá trình sản xuất không xả chất thải độc hại ra môi trường. Đây có lẽ là một trong những hướng đi phát triển sản phẩm một cách bền vững, dưới góc độ bảo vệ môi trường và trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp dệt may.
3.1.3. Dự báo thị trường
3.1.3.1. Thị trường nội địa
Thị trường xuất khẩu chiến lược và truyền thống được xem là thế mạnh của ngành dệt may Việt Nam trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, thị trường nội địa cũng được xem là nhiều tiềm năng và triển vọng lớn, với hơn 96 triệu dân và mức sống người dân ngày càng tăng, và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, trong đó có các nhu cầu về may mặc. Với quy mô thị trường dệt may nội địa có thể đạt 4 - 5 tỷ USD, cho thấy chiếm lĩnh được thị trường này thì hàng dệt may Việt Nam sẽ phát triển mạnh, bền vững. Wazir Advisors dự báo dân số Việt Nam khoảng 103 triệu vào năm 2030 cùng với dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn. Với GDP trên một người vào năm 2030 đạt 5.400 USD và mức chi phí cho các mặt hàng tiêu dùng năm 2030 là ước khoảng 1.890 USD/năm; trong đó chi phí cho hàng dệt may trung bình từ (8 - 9%) cho thấy dung lượng của thị trường nội địa Việt Nam có thể đạt 10,1 - 11,4 tỷ USD vào năm 2030 [41].
Tuy vậy, thị trường sản phẩm dệt may nội địa còn phải đương đầu với nhiều thách thức trong đó có sự cạnh tranh trực tiếp của các doanh nghiệp dệt may FDI như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc có tiềm lực về vốn,
công nghệ, quản trị,… Rõ ràng cần có một lộ trình và bước đi phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam, tránh bị thua ngay tại sân nhà.
3.1.3.2. Thị trường xuất khẩu
- Thị trường Mỹ: là thị trường tiêu thụ sản phẩm may khá lớn, chiếm
khoảng 28% trên toàn thế giới và là thị trường số một của các sản phẩm dệt may của Việt Nam. Với “quy chế đãi ngộ tối huệ quốc” (MFN) được xem là cơ hội lớn để các sản phẩm dệt may của các quốc gia phát triển và một số nước đang phát triển đều là thành viên WTO vào thị trường Mỹ, thông qua việc giảm và miễn thuế nhập khẩu hàng hóa nhưng trong đó Việt Nam chưa được áp dụng [42]. Trong thời gian tới, mặc dù CPTPP không có Hoa Kỳ nhưng Việt Nam vẫn sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Đặc điểm đáng chú ý tại thị trường khó tính như Mỹ là các nhà nhập khẩu chỉ ưa chuộng các sản phẩm dệt may trọn gói FOB thay vì hình thức may mặc kiểu gia công CMT. Các doanh nghiệp dệt may cần lưu ý tìm hiểu rõ thói quen tiêu dùng, thị yếu khách hàng Mỹ để có cánh tiếp cận sản phẩm phù hợp nhất. Bên cạnh đó, với khoảng 50 bang, pháp luật của từng bang và liên bang Mỹ về thương mại hàng hóa cũng là vấn đề xem xét cân nhắc để tránh bị các rào cản liên quan như Luật chống phá giá, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ,...
- Thị trường EU: là một thị trường rộng lớn, đa dạng và có nhiều
tiềm năng đối với sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam, với 28 quốc gia thành viên, hơn 500 triệu người, chiếm 43% tổng nhập khẩu sản phẩm dệt may toàn cầu [25]. Hiện nay, EU đang có xu hướng, chiến lược tăng cường mở rộng quan hệ với các nước châu Á. Theo chiều hướng này, Việt Nam ngày càng có vị thế quan trọng trong chiến lược mới của Châu Âu.
Tuy vậy, các vấn đề về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, nhãn hiệu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp dệt may,… là những yêu cầu khắt khe tại thị trường hết sức tiềm năng như EU. Với thói quen và thị yếu cấp cao, các sản phẩm dệt may cao cấp có vẻ như được ưa chuộng và tiêu dùng tốt