Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 25 - 33)

1.2.1. Đặc điểm của ngành dệt may và chuỗi giá trị dệt may

Ngành công nghiệp dệt may là một ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản, vốn đầu tư ban đầu không quá lớn, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đối với các quốc gia đang phát triển, sản xuất dệt may thường phát huy được hiệu quả, đặc biệt là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ban đầu của nền kinh tế. hi nền công nghiệp bước sang giai đoạn cao hơn với việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ, chi phí lao động cao, đồng nghĩa với việc suy giảm năng lực cạnh tranh trong sản xuất dệt may. Những tác động bởi lợi thế cạnh tranh là nguyên nhân của việc chuyển dịch công nghiệp dệt may từ những nền kinh tế công nghiệp phát triển sang những nền kinh tế công nghiệp kém phát triển hơn. Về bản chất, ngành công nghiệp dệt may vẫn tồn tại ở các nước phát triển nhưng với những quy trình sản xuất và sản phẩm dệt may mang lại giá trị gia tăng cao.

Theo xu thế và quy luật dịch chuyển của ngành công nghiệp dệt may trên thế giới, sau khi chuyển dịch từ Anh sang các nước Châu Âu khác, rồi sang Nhật Bản, Trung Quốc (được coi như đại công xưởng dệt may của thế giới), các nước trong khối ASEAN đang là những địa điểm hấp dẫn đề đón nhận ngành công nghiệp này. Ngành dệt may Việt Nam cũng đã đạt những kết quả khả quan với mức kim ngạch xuất khẩu cao trong hơn thập kỷ qua.

Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu bao gồm 5 khâu cơ bản “Nguyên liệu đầu vào (bao gồm sợi tự nhiên và sợi nhân tạo); các yếu tố sản xuất (bao gồm vải từ sợi tự nhiên và vải từ sợi tổng hợp) được cung cấp bởi các công ty sợi; Hệ thống sản xuất bao gồm các công ty sản xuất hàng may mặc; Hệ thống xuất khẩu bao gồm các trung gian thương mại, các công ty may với thương hiệu riêng; Hệ thống Marketing bao gồm các nhà bán lẻ, cửa hàng phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng” [29].

Hình 1.2: Chuỗi giá trị dệt may toàn cầu Gereffi

Nguồn : [29]

Hình 1.3: Mô hình chuỗi giá trị đường cong nụ cười Stan Shih

Nguồn: [38]

Stan Shih - người sáng lập ra công ty máy tính Acer - đưa ra luận điểm mô hình chuỗi giá trị đường cong nụ cười “Chuỗi giá trị khác nhau ở từng tổ chức cụ thể và mỗi tổ chức là một chuỗi giá trị đặc thù. Ngành dệt may là một minh họa kinh điển của chuỗi giá trị do người mua quyết định, việc tạo ra sản phẩm cuối cùng phải qua nhiều công đoạn và hoạt động sản xuất thường được tiến hành ở nhiều nước. Trong đó các nhà sản xuất với

thương hiệu nổi tiếng, các nhà buôn, nhà bán lẻ lớn đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập mạng lưới sản xuất và định hình việc tiêu thụ hàng loạt thông qua các thương hiệu mạnh và sự phụ thuộc của chúng vào những chiến lược thuê gia công toàn cầu nhằm thỏa mãn nhu cầu này” [38].

1.2.2. Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của hàng dệt may

1.2.2.1. Thị phần

Các loại sản phẩm dệt may khác nhau sẽ có phân khúc thị trường khác nhau và từng thị trường có những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn, chất lượng, số lượng, mẫu mã của sản phẩm. Các doanh nghiệp cần chiếm lĩnh và mở rộng thị phần tại các thị trường thông qua việc tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, phát triển được những thương hiệu mạnh, đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm. Một sản phẩm có thị phần càng lớn trên thị trường thì đồng nghĩa với việc sản phẩm đó càng có sức cạnh tranh cao, năng lực cạnh tranh tốt và ngược lại.

Thị phần của sản phẩm Dệt May xuất khẩu trên thị trường được tính theo công thức sau:

Trong đó:

MS: Thị phần của sản phẩm

MB: Số lượng sản phẩm B được tiêu thụ trên thị trường

M: Tổng số lượng sản phẩm cùng loại được tiêu thụ trên thị trường. Để trở thành trung tâm sản xuất một loại hàng hóa nào đó của thế giới thì quốc gia sản xuất phải cung ứng ra thị trường tối thiểu 5-10% tổng cầu toàn thế giới [33]. Với thị trường hàng hóa dệt may thế giới quy mô tương đối ổn định trong 10 năm qua ở mức 700 - 720 tỷ USD, một quốc gia được coi là một trung tâm sản xuất dệt may của thế giới nếu có khả năng cung ứng và được lựa chọn làm nhà cung ứng với quy mô từ 40 - 70 tỷ

USD/năm [19].

1.2.2.2. Chất lượng nguồn nhân lực

Đối với lao động ngành dệt may, chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm dệt may. Đơn cử như với sản phẩm ngành dệt vải, không chỉ đòi hỏi về kĩ năng tay nghề, mà còn phải có ý thức, trách nhiệm với công việc; đối với các lao động đứng máy như độ đồng đều về kết cấu, màu sắc,... Mặc dù đứng trước những tác động của cuộc cách mạng 4.0, các lao động ngành may có nguy cơ bị đào thải bởi quá trình tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất dây chuyền, nhưng để tạo ra một sản phẩm hoàn thiện, cần thực hiện rất nhiều công đoạn, trong đó cũng có những quy trình cần sự tham gia của lao động thủ công.

1.2.2.3. Trình độ khoa học công nghệ

Vai trò của yếu tố khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất sản phẩm dệt may là rất quan trọng. Sự thay đổi của công nghệ mang lại những thời cơ và thách thức cho doanh nghiệp. Đổi mới công nghệ thiết bị hiện đại có thể giúp tạo ra các sản phẩm nhanh hơn, sản phẩm đa dạng hơn, đáp ứng được các yêu cầu quy mô lớn của khách hàng trong thời gian ngắn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư xoay quanh 3 trụ cột: Internet cho vạn vật (IoT), big data và trí tuệ nhân tạo được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp dệt may kết nối thông tin toàn cầu, thực hiện các giao dịch thương mại, đầu tư dệt may một cách một cách nhanh chóng, nhờ đó nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh sản phẩm dệt may.

1.2.2.4. Thương hiệu sản phẩm

Việc xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm dệt may có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay. Yếu tố thương hiệu bao hàm các đặc điểm của sản phẩm về chất lượng,

nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, lựa chọn. Qua đó, các doanh nghiệp kh ng định uy tín, giá trị doanh nghiệp, niềm tin đối với khách hàng. Đây là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá sức cạnh tranh và sự tồn tại của sản phẩm dệt may trên thị trường xuất khẩu và nội địa khi mà thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn đang diễn ra.

1.2.2.5. Thời gian sản xuất

Một trong những tiêu chí quan trọng tác động đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm dệt may được thể hiện rõ nhất qua thời gian sản xuất. Xu thế thời trang thế giới thay đổi chóng và liên tục, việc đáp ứng được các đơn hàng trong thời gian ngắn, đảm bảo tiến độ sẽ tạo một lợi thế cạnh tranh không nhỏ trong quá trình đầu tư, thương mại sản phẩm dệt may.

1.2.2.6. Chi phí lao động

Việt Nam đang là điểm hẹn hấp dẫn với các nhà đầu tư dệt may trong và ngoài nước bởi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, chi phí lao động ở mức thấp. Đối với sản phẩm may mặc, thì tiền lương chiếm một tỷ trọng cao trong giá thành sản xuất sản phẩm, giúp doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm với chi phí thấp. Tuy vậy, về dài hạn lợi thế này là không bền vững bởi các chính sách của nhà nước về tăng tiền lương tối thiểu có thể sẽ tác động mạnh mẽ đối với việc khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

1.2.2.7. Chính sách của nhà nước

Để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chính sách về dệt may của Nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Với việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với độ mở rất lớn, đặc biệt là trong bối cảnh các hiệp định song phương và đa phương đã và sắp có hiệu lực, rất cần các chính sách tạo

thuận lợi cho ngành dệt may cũng như tận dụng tối đa các cơ hội mang lại.

1.2.3. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam

1.2.3.1. Các nhân tố bên ngoài

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam ngày càng chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất trên toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh, trong đó có một số mặt hàng vươn lên hàng đầu thế giới, không ít ngành hàng có doanh thu xuất khẩu hàng chục tỷ USD và nhiều sản phẩm chất lượng cao nhờ đầu tư kỹ thuật - công nghệ tiên tiến. Ngày càng có nhiều mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thế giới, nhất là tại các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản như máy tính, sản phẩm điện tử, dệt may, da giày.

Chính sách tài chính tiền tệ một số quốc gia: Trong năm 2015, sự phá giá đồng tiền của các nước như Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, Ấn Độ phá giá đồng Rupee,… ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, dẫn đến mặt bằng giá sản phẩm dệt may đi xuống. Tỷ giá USD cũng biến động mạnh, nhất là những tháng cuối năm dẫn tới nhiều doanh nghiệp bị lỗ do tỷ giá. Các doanh nghiệp vay ngân hàng bằng USD cũng gánh chịu áp lực do biến động tỷ giá.

Tín hiệu tích cực nhờ những Hiệp định Thương mại tự do như Hiệp định CPTPP, EVFTA,... mở ra cho ngành dệt may Việt Nam những cơ hội lớn từ việc mở rộng thị trường với nhiều dòng thuế được miễn trừ.

Làn sóng dịch chuyển sản xuất, dịch chuyển đơn hàng ra khỏi cường quốc dệt may như Trung Quốc sẽ tiếp tục lan rộng, đặc biệt là sau thương chiến Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 đã cho thế giới thấy lỗ hổng thương mại toàn cầu - sự phụ thuộc của thương mại quốc tế vào Trung Quốc, đã và đang mở ra cho Việt Nam cơ hội mở rộng thị phần. Trong tương lai, hoạt

động dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh hơn bởi chi phí sản xuất tại Trung Quốc được đánh giá gần bằng so với Mỹ. Biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng này là ngày càng có nhiều công ty lớn chuẩn bị rời Trung Quốc sang một số nơi khác như các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

1.2.3.2. Các nhân tố trong nước

Trong điều kiện hội nhập, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng như của nước ngoài đều có ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng dệt may xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước có tác động lớn đến sức cạnh tranh của hàng dệt may quốc gia. Các chính sách đúng đắn, phù hợp thì sẽ tạo điều kiện cho sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may phát triển nhanh.

Định hướng về phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được nêu trong Nghị quyết Quốc hội số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 với định hướng phát triển có chọn lọc một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, trong đó có bao gồm ngành dệt may [17].

Các chính sách của Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp bằng nhiều chỉ đạo quyết liệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Để tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu thì các ngành cần có chính sách ưu tiên để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chú trọng đến các ngành sản xuất các tư liệu sản xuất và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất; phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên trên cơ sở lợi thế cạnh tranh trong đó có dệt may.

Chi phí đầu vào cho sản xuất tăng nhanh do chi phí điện nước, tiền lương, chi phí BHXH đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của

doanh nghiệp và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm Dệt May Việt Nam so với các đối thủ Bangladesh, Campuchia [15].

Việc hoàn thành xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật quan trọng về giao thông, thủy lợi, cầu cảng, hạ tầng điện nước và các hạ tầng kỹ thuật phục vụ khu, cụm công nghiệp là những nhân tố quan trọng tạo bước đột phá đến năng lực cạnh tranh công nghiệp.

1.2.4. Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự cần thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may

1.2.4.1. Nâng cao năng lực cạnh tranh hàng dệt may

Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may là việc mà các doanh nghiệp, quốc gia có các biện pháp, chính sách sao cho hàng dệt may của mình có lợi thế cạnh tranh hơn đối thủ trong việc thiết kế, sản xuất, phân phối và bán hàng. Các doanh nghiệp cần cải tiến thiết kế và quy trình bán hàng để mẫu mã hấp dẫn hơn, tiếp cận khách hàng nhanh và dễ dàng hơn. Các quốc gia cần có các chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập sâu vào thị trường thế giới.

1.2.4.2. Sự cần thiết nâng cao năng lực cạnh tranh hàng dệt may

Cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường. Bởi vậy, khi tham gia vào nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận cạnh tranh. Khi khoa học và công nghệ ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao thì nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm may mặc ngày càng đa dạng và phong phú. Cạnh tranh giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển, cải thiện vị thế quốc gia. Nếu doanh nghiệp và quốc gia không có lợi thế cạnh tranh, không nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thì sẽ sớm bị người tiêu dùng quay lưng, từ đó dẫn đến mất thị phần vào tay đối thủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình việc làm cũng như bản đồ hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may việt nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế (Trang 25 - 33)