VI. Canh tân niềm Hy Vọng trong chúng ta
Ðây Là Mẹ Con Gương mẫu của Hội Thánh
Gương mẫu của Hội Thánh
"Niềm vui Năm Thánh sẽ không trọn vẹn nếu không hướng mắt nhìn tới Ðấng đã sinh ra Con Thiên Chúa nhập thể cho chúng ta, trong sự hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha" (Tự sắc Ðại Năm Thánh, Mầu Nhiệm Nhập Thể, 24).
Tôi đã viếng Mẹ ban trưa
Trong những ngày này tôi đã được diễm phúc chiêm ngắm Ðức Mẹ trong thinh lặng, được diễn tả thật cao đẹp trong nhà nguyện "Mẹ Ðấng Cứu Thế". Và từ tâm hồn tôi trào lên lời cầu đẹp đẽ này của thi sĩ Paul Claudel (+1955):
"Trời đúng ngọ. Tôi trông thấy giáo đường rộng mở. Phải bước vào mới được. Lạy Mẹ Chúa Giêsu Kitô, con không vào để cầu nguyện.
Vì con không có gì để dâng cho Mẹ và cũng chẳng xin Mẹ điều gì. Con chỉ đến để ngắm nhìn Mẹ thôi, ôi lạy Mẹ,
Ngắm nhìn Mẹ và khóc lên vì hạnh phúc (...)
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ ngắm nhìn dung nhan Mẹ, để tim con hát vang lên trong ngôn ngữ riêng của nó.
Con không nói gì cả, nhưng con chỉ hát thôi, bởi vì trái tim con tràn ngập tâm tình" (Tác phẩm thơ, Gallimard 1967, tr.539tt.)
Hội Thánh là Người Nữ, là Hiền Mẫu
Có một vài lời của Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger đã gợi hứng cho tôi trong bài suy niệm này: "Hội Thánh không phải là một guồng máy, không đơn thuần là một cơ cấu tổ chức, cũng không chỉ là một trong số những giá trị tập quán xã hội. Nhưng Hội Thánh là một Con Người. Một Người Nữ. Một Người Mẹ. Ðang sống thật. Sự hiểu biết về Mẹ Maria của Hội Thánh đối kháng cách mạnh mẽ quyết liệt với ý niệm cho rằng Hội Thánh chỉ như là cơ cấu tổ chức hay bàn giấy. Chúng ta không thể làm ra Hội Thánh, chúng ta phải chính là Hội Thánh. Chỉ trong chiều kích đức tin mà chúng ta nhận ra bản chất đích thực của mình: chúng ta là Hội Thánh và Hội Thánh ở trong chúng ta. Và chỉ trong Con Người Mẹ Maria mà chúng ta trở thành Hội Thánh. Ngay cả chính nguồn gốc, Hội Thánh không phải được làm ra, nhưng là sinh ra. Hội Thánh sinh ra khi Ðức Mẹ đáp "xin vâng". Ðây là ước mong sâu thẳm nhất của Công Ðồng Chung Vatican II: Hội Thánh thức tỉnh trong tâm hồn chúng ta. Ðức Maria chỉ đường cho chúng ta" (J. Ratzinger, Giáo Hội học theo Công Ðồng Chung Vatican II, trong: IKZt 15 91986) 41-45, được trích dẫn bởi B. Leahy, Nguyên lý Thánh Mẫu học trong Giáo Hội, Rôma 1999, tr.216).
Trong bài suy niệm này, chúng ta muốn hướng nhìn lên Ðức Maria như mẫu gương của Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh đang sống trên một trái đất đầy đau thương, bi thảm và tuyệt diệu, trong một thời đại có các đường nét của "một đêm đen tối tập thể" (Giáo huấn của Ðức Gioan Phaolô II, V/3 (1982), tr.1141-1142).
Trong các sắc thái của đêm đen này chúng ta nhận ra sự thống trị của chủ thuyết duy lý đã nhào nặn ra một nền văn hóa dùng các khoa học khác nhau để lèo lái các thực tại tự nhiên, các tình trạng, kể cả tinh thần và sự sống của con người nữa. Vì thế nhân loại có nguy cơ trở thành nạn nhân của chủ thuyết thuần túy duy thực nghiệm chỉ chú trọng "làm được gì" và "có những gì".
Câu trả lời của Giáo Hội cho đêm đen này là Yêu Thương, bởi vì - như tựa đề một cuốn sách nhỏ của thần học gia H.U. von Balthasar khẳng định - "chỉ có tình yêu mới đáng tin cậy". Không yêu thương cho tới hiệp nhất thì không đáng tin cậy!
Chính vì thế mà Ðức Maria "chỉ đường lối cho chúng ta". Ðức Maria là: - Tình yêu được đón nhận
- Tình yêu được đáp trả tương xứng - Tình yêu được chia sẻ.
Mẹ Maria là Tình Yêu được đón nhận
Trong toàn cuộc sống của mình Ðức Maria đón nhận tất cả từ Thiên Chúa. Ðó chính là sự cao cả của sứ mệnh được kéo dài một cách nhiệm mầu trong Hội Thánh: mọi sự bắt nguồn từ Chúa và đến từ trời cao. Và Ðức Trinh Nữ đón nhận.
Cùng với toàn thể Hội Thánh chúng ta hãy soi lại chính mình trong bốn lời của Kinh Thánh: