III. Cuộc phiêu lưu của Hy Vọng
Mối Dây Trọn Lành Nghệ thuật yêu thương
Nghệ thuật yêu thương
Trong khi soạn bài suy niệm này, tôi đã nghe vang vọng lên trong tôi lời của Thánh Phaolô: "Nếu tôi không có đức mến, tôi không là gì cả" (x. 1Cr 13,2). Những lời này trước hết kêu mời tôi hoán cải và nhắc nhở cho tôi biết "cái trước hết mọi sự" (x. 1Pr 4,8), trước cả khi giảng dạy, cầu nguyện, trước mọi công tác phục vụ Tông Ðồ, tôi phải có đức mến, nhưng còn hơn thế nữa tôi phải chính là sự yêu mến.
Không có tình yêu, tôi không có Chúa và không thể đem Chúa đến cho người khác, tôi cũng không biết cả Chúa nữa (x. 1Ga 4,8). Cả khi tôi viết các bài suy niệm, cả khi tôi giảng tĩnh tâm cho những nhân vật quan trọng, cả khi "tôi có hiến thân cho lửa thiêu" (1 Cr 13,3), hay bị ở tù lâu năm..., nếu tôi không có tình yêu là Thiên Chúa tất cả chỉ là phung phí năng lực, như Thánh Augustinô đã nói (x. Defensor Grammaticus, Liber Scintillarum, SC77, tr.58).
Thế giới thuộc về ai yêu thương nó
Nhiều khi chúng ta than phiền rằng trong xã hội ngày nay, Kitô giáo ngày càng hiện diện ở bên lề, việc thông truyền đức tin cho người trẻ trở thành khó khăn và ơn gọi giảm sút. Chúng ta có thể tiếp tục kể ra các lý do âu lo khác...
Thật thế, trong thế giới ngày nay chúng ta thường cảm thấy mình thua thiệt. Nhưng cuộc mạo hiểm của niềm Hy Vọng dẫn chúng ta đi xa hơn. Một hôm tôi đã đọc được trên một tờ lịch câu sau đây: "Thế giới thuộc về người yêu nó và biết minh chứng rõ hơn rằng mình yêu nó". Các lời này thật đúng biết bao! Trong con tim của từng người đều có khát vọng yêu thương vô biên và với tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào trong tim (x. Rm 5,5) chúng ta có thể thỏa mãn khát vọng đó.
Nhưng để được như thế, tình yêu của chúng ta phải là một nghệ thuật, một nghệ thuật cao vượt khả năng yêu thương thuần tuý nhân loại. Rất nhiều, nếu không nói là tất cả đều tùy thuộc điều này.
Chẳng hạn tôi đã trông thấy nghệ thuật này nơi Mẹ Têrêxa Calcutta. Ai trông thấy Mẹ cũng yêu Mẹ; hay nơi Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII, sắp được phong Chân Phước. Bao nhiêu năm sau khi Ngài qua đời, kỷ niệm về Ngài vẫn rất sống động nơi dân chúng.
Khi bước vào một tu viện hay một trung tâm giáo phận hoặc các văn phòng làm việc của chúng ta, chúng ta không luôn luôn tìm thấy nghệ thuật này, một nghệ thuật từng khiến cho Kitô giáo trở thành xinh đẹp và lôi cuốn. Trái lại, người ta thường gặp thấy các gương mặt buồn sầu và ủ rũ vì công việc nhàm chán thường ngày. Tình trạng thiếu ơn gọi lại không tùy thuộc nơi sự kiện này hay sao? Nó chẳng bắt nguồn từ chứng tá ít bén nhọn của chúng ta hay sao? Không có một tình yêu mạnh mẽ, chúng ta không thể trở thành Chứng Nhân của niềm Hy Vọng!
Cho dù có là người chuyên môn về tôn giáo, cũng luôn luôn có nguy cơ chỉ biết lý thuyết về tình yêu, mà không chiếm hữu được nghệ thuật yêu thương. Cũng giống như một bác sĩ, hiểu biết y khoa, nhưng không có nghệ thuật giao tiếp dễ thương và nồng nhiệt với người bệnh. Người ta tới khám bệnh, bởi vì cần tới ông, nhưng khi khỏi bệnh, họ không trở lại nữa.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu là thầy của nghệ thuật yêu thương. Giống như người di cư trên miền đất lạ, để thích ứng với tình trạng mới, Ngài luôn đem theo mình, ít nhất là trong con tim, các luật lệ và thói quen của dân tộc mình. Như thế khi đến trần gian này như là người lữ hành của Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài mang theo cung cách sống của quê hương trên trời, bằng cách "diễn tả ra một cách nhân loại các thái độ sống của Thiên Chúa Ba Ngôi" (Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 470).
Ðặc điểm của tình yêu Kitô giáo
Giờ đây, chúng ta hãy chiêm ngắm các yếu tố đặc thù của nghệ thuật yêu thương mà Ðức Giêsu dạy chúng ta, và đó là suối nguồn của ánh quang và hấp lực cho cuộc sống Kitô hữu.