V. Dân tộc của Hy Vọng
1. Khổ chế hằng ngày
Thân phụ tôi là người xây cất nên tôi đã học được điều này là để xây một căn nhà bằng bê tông cốt sắt, cần phải chùi sạch tất cả các yêu tố: sắt, cát, sỏi, xi măng. Sự vững chắc của căn nhà tùy thuộc công trình chùi sạch, loại bỏ mọi yếu tố ô nhiễm.
Sự hiệp thông giữa chúng ta cũng theo cách thức đó. Biết chống lại cái tôi của mình và khổ chế là điều không thể thiếu được. Có nhiều cách thực hành để đạt tới mục đích đó, ví dụ ăn chay và nhiều cách khác. Nhưng cách hợp với tinh thần Tin Mừng hơn cả và đồng thời vừa tầm tay hơn hết, có thể thi hành trong mọi lúc, đó là tương quan với tha nhân: đón nhận người khác, luôn sẵn sàng, biết lắng nghe, kiên nhẫn, trở nên mọi sự cho mọi người, đặt quyền lợi của tha nhân lên trên tư lợi của mình, đó là một sự liên tục từ bỏ cái tôi và đặt chúng ta trong Chúa.
Tôi đã viết khi còn ở tù:
"Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút. Tình thương đưa đến sự thông hiệp với nhau.
Trong hiệp thông con người cùng nhịp bước với anh em. Vì hiệp thông không phải hạnh phúc thụ động.
Hiệp thông mở cửa tình huynh đệ cho mọi người. Tự bản chất nó, tình thương tỏa lan ra.
Tình thương hay lan sang người khác, đưa mọi người đến hiệp thông. Con phải tạc dạ rằng: Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút. Sơ hở trong chốc lát có thể làm tan vỡ hiệp thông:
Vì một tư tưởng thiếu bác ái, bảo thủ ý kiến,
Vì con bám víu vào một tình cảm, một khuynh hướng bất chính, tham vọng, một vụ lợi. Vì con hành động vì con, không phải vì Chúa.
Xin Chúa cho con năng xét mình: "Ai là trung tâm của đời tôi?" "Tôi hay Chúa?"
Nếu Chúa là trung tâm,
Nếu thấy thiên hạ quanh con dần dần rút lui tản mác, Ấy là dấu con đang tự đặt mình làm trung tâm".
(Preghiere di speranza. Tredici anni in carcera, Cinisello Balsamô 1997, pp.44-45).