V. Dân tộc của Hy Vọng
Như Cha Ở Trong Con Và Co nỞ Trong Cha Sống Hiệp Thông
Sống Hiệp Thông
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với một nhóm giám mục đông đảo hồi năm 1995, trong đó tôi cũng có mặt: "Chúa Giêsu không kêu gọi các môn đệ theo Ngài một cách riêng rẽ, nhưng theo thể thức vừa cá nhân vừa cộng đồng. Nếu điều đó đúng với tất cả các tín hữu, thì càng đặc biệt đúng (...) với các Tông Ðồ và những người kế nhiệm các vị" (Insegnamenti di Gioavanni Paolo II, XVIII/1 (1995), Città del Vaticano 1997, p.382).
Tôi xác tín rằng Ngàn Năm mới này đang đòi hỏi một cuộc sống cộng đồng, cuộc sống thực sự có tính chất Hội Thánh, và điều này có liên hệ đặc biệt tới những người có trách nhiệm trong Giáo Hội.
Ðời tu vào thời sơ khai
Tôi muốn mời gọi anh em trở lại Ngàn Năm Thứ 1 trong giây lát.
"Hãy trốn tránh con người và con sẽ được cứu thoát", đó là lời của ẩn sĩ Apadêniô hồi thế kỷ thứ V trong sa mạc Ai Cập. Ngài nói tiếp: "Tôi không thể đồng thời ở với Chúa và với loài người" (PG 31, 931.934). Ðứng trước một thế giới phù vân và xa hoa, sự rút lui vào nơi cô tịch để sống với Chúa có lẽ là con đường duy nhất để theo Chúa Giêsu trọn vẹn. Ðó là xác tín đã ghi đậm nét trong lịch sử dài của đời sống Kitô hữu. Sách Gương Chúa Giêsu quả quyết: "Các vị đại
Thánh hết sức tránh sống chung với con người, và họ ưa thích phụng sự Chúa trong cô tịch. Một hiền triết đã nói: "Mỗi lần bạn ra đi gặp gỡ con người, khi trở về, con người bạn bị giảm sút (...). Ai thực sự xa tránh bạn hữu và những người quen biết, thì Thiên Chúa cùng với các Thiên Thần của Ngài sẽ đến gần người ấy" (Lib. I,c.20,1-6).
Quả thực, không gì có thể sánh bằng những lúc tâm hồn bỏ qua mọi sự, nói chuyện thân tình diện đối diện với Chúa.
Nhưng chính các đan sĩ xưa kia cũng đã nhận thấy rằng Kitô giáo không thể sống trọn vẹn nếu không đồng hành với nhau. Ví dụ Thánh Basiliô Cả đã viết: "Ðấng Sáng Tạo chúng ta đã muốn chúng ta gần nhau để sống hiệp nhất với nhau (...). Thực vậy, nếu bạn sống một mình, thì bạn có thể rửa chân cho ai? Bạn có thể săn sóc cho ai? Làm sao bạn có thể ngồi ở chỗ cuối cùng được? (...). Vì vậy, đời sống chung là một thao trường để chúng ta tập luyện như những vận động viên, là một nơi tập dợt làm cho chúng ta tiến bộ, là một cuộc thực tập liên tục về sự trọn lành trong các giới răn của Chúa" (Regola fusius fractatae, Interrogazione 7,3,1-2: PG 31,928-929).
Từ xác tín trên đây, các viện tu đã được lập nên để cùng nhau sống Tin Mừng và liên tục hưởng kiến sự hiện diện của Chúa Kitô.
Một Lễ Hiện Xuống mới
Ngày nay, theo thiển ý của tôi, chúng ta sống một sự tiến hóa tương tự và tuyệt diệu. Chúng ta biết trong những thế kỷ qua, do ảnh hưởng của sự quan tâm đối với cá nhân, theo trào lưu thời đại, người ta nhấn mạnh nhiều tới chiều kích cá nhân của đời sống Kitô hữu. Nhưng từ vài thập niên gần đây, trong cộng đồng Dân Chúa nổi bật chiều kích cộng đồng mạnh mẽ. Ðó chính là Giáo Hội "bừng tỉnh trong các tâm hồn", như Rômano Guardini đã nói. Do hơi thở của Chúa Thánh Thần, một con đường mới đang mở ra trước mắt chúng ta mà cốt yếu ở tại koinonia: sự hiệp thông!
Cách đây nhiều năm, thần học gia Karl Rahner viết: "Người già chúng ta là những người cá nhân chủ nghĩa một cách thiêng liêng xét về nguồn gốc và cách thức được giáo dục của chúng ta". Và nhà thần học nhấn mạnh rằng trong tương lai, nền linh đạo sống chung sẽ nắm giữ một vai trò quyết định. Kinh nghiệm về lễ Hiện Xuống đầu tiên chứng tỏ điều đó: "Ta có thể giả thiết rằng đó là một biến cố không tùy thuộc vào cuộc hội họp tình cờ của một số nhà thần bí theo Cá nhân chủ nghĩa, nhưng ở chỗ chính kinh nghiệm thật sự của cộng đoàn về Chúa Thánh Thần" (K. Rahner, Elementi di spiritualità nella chiesa del futuro, in T. Goffo - B. Secondin (a cura di), Problemi e prostettive di spiritualità, Brescia 1983, pp.440-441).
Thật cần thiết phải vui mừng trở lại với lối sống Kitô hữu có nhiều đặc sủng nhất: Lễ Hiện Xuống. Một cách dịu dàng nhưng đầy quyết liệt, Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta sống tinh thần hiệp thông không những như một hồng ân, nhưng còn như một lời đáp trả và gắn bó của chúng ta; không những như một sự tham gia thiêng liêng vào mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, nhưng ngay chính trong đời sống cụ thể với nhau nhờ đó thực hiện được một Lễ Hiện Xuống mới của Giáo Hội, như các vị Giáo Hoàng gần đây vẫn đề cao.
Hiệp nhất - một dấu hiệu của thời đại
Chúng ta hãy nhìn chung quanh, để thấu hiểu hơn chiều kích này của đời sống hiệp thông thực sự.
Thế giới muốn tiến về hiệp nhất. Ðiều này được nhận ra qua nhiều dấu chỉ. Các tổ chức quốc tế phát sinh sau Thế Chiến thứ II như một toan tính tập hợp thế giới. Khoa học và kỹ thuật, các trao đổi văn hóa và mậu dịch, sự du hành dễ dàng, những biến cố thể thao, các phương tiện truyền thông xã hội, cho đến sự lan tràn mau lẹ của Internet... tất cả yếu tố này giúp các dân tộc xích lại gần nhau và gia tăng các cuộc gặp gỡ giữa cá nhân và các nền văn hóa. Thực vậy, thế giới ngày nay, trong các cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội của nó, dường như lệ thuộc lẫn nhau một cách mật thiết và có hệ thống.
Ðang tiếc là bao nhiêu lần, sự hướng về hiệp nhất như thế - ngày nay nó được mặc dưới lớp áo toàn cầu - lại do những tính toán lợi lộc khổng lồ hướng dẫn. Và trong khi một đàng người ta đề ra những dự án chung rất đẹp đẽ, thì đàng khác, hàng triệu hàng tỷ người lại bị gạt ra ngoài lề.
Vì thế, chính con người và ngay cả các Giáo Hội ngày nay đều yêu cầu một cách mạnh mẽ như một tiếng kêu gào đòi hỏi một cách thế toàn cầu hóa khác, không do lợi lộc hướng dẫn, nhưng do luật yêu thương. Chắc chắn là Chúa Thánh Thần đã đặt trong tâm hồn của con người ngày nay khát vọng hiệp nhất như thế, và cũng chính Ngài thúc đẩy Giáo Hội sống tình hiệp thông, để có thể đáp ứng khát vọng đó của nhân loại.
Như tôi đã trưng dẫn trên đây, Ðức Giáo Hoàng nói với các giám mục: "Thời đại chúng ta đang đòi hỏi một công cuộc truyền giáo mới". Và Ngài giải thích rằng: Chỉ có thể rao giảng Tin Mừng một cách mới mẻ, chặt chẽ và hữu hiệu, nếu có kèm theo một linh đạo vững chắc về hiệp thông..." (Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XVIII/i, (1995), Città del Vaticano 1997, p.382).
Làm sao sống hiệp thông trong thời đại ngày nay?
Chúng ta hãy tìm hiểu xem sự mới mẻ của "một linh đạo hiệp thông vững chắc" hệ tại ở điều gì?
Tôi nghĩ nó hệ tại ở việc ý thức rằng hiệp thông huynh đệ, khi dựa trên Tin Mừng, chính là nơi đặc biệt để gặp gỡ Thiên Chúa. Ðó là một trong những đề tài căn bản của các bút ký Thánh Gioan: "Chưa hề có ai thấy Thiên Chúa; nếu chúng ta yêu thương nhau, Thiên Chúa ở trong chúng ta và tình yêu của Ngài hoàn hảo trong chúng ta" (1Ga 4,12).
Tôi xác tín rằng trong thời đại chúng ta, Chúa Thánh Thần đã gieo vãi những đoàn sủng thiêng liêng mới có tính chất cộng đoàn, thích hợp để thực hiện một cuộc canh tân đời sống Kitô hữu theo chiều hướng đó.
Cách đây vài năm, tôi đọc được một đoạn văn đã gây ấn tượng thật mạnh trong tôi. Ðoạn văn ấy diễn tả cái nhìn mới được gợi hứng theo sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi:
"Thiên Chúa ở trong tôi, Ngài dựng nên tâm hồn tôi. (Cùng với các Thánh và các Thiên Thần) Chúa Ba Ngôi an nghỉ trong tôi. Chúa cũng ở trong tâm hồn những người anh em khác. Do đó, không có lý do gì để tôi chỉ yêu mến Chúa trong tôi mà không mến Chúa nơi người khác.
"Vì thế, căn phòng của tôi (như các linh hồn sống thân mật với Chúa) là chúng tôi: Thiên Ðàng của tôi ở trong tôi vậy (...)
Cần phải luôn luôn hồi niệm, cả khi ở trước mặt người anh em, nhưng không trốn chạy thụ tạo - trái lại, đón nhận thụ tạo trong Thiên Ðàng của mình hoặc hồi niệm bản thân trong Thiên Ðàng của người anh em" (J.M Povilus, "Chúa Giêsu ở giữa" trong tư tưởng của Chiara Lubich, Rôma 1981, p.73).
Ðó chính là sự mới mẻ: người anh em không còn là chướng ngại cản trở sự nên thánh, nhưng là con đường nên thánh. Thay vì trốn chạy để sống thân mật với Chúa, cần làm sao để cùng với người anh em kiến tạo một "khoảng không gian thần linh trong đó chúng ta có thể cảm nghiệm sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Phục Sinh" (GIoavanni Paolo II, Tông Huấn Vita
consecrata, n.42).
Những chiều kích cụ thể
Qua ba ví dụ sau đây, chúng ta tìm cách trình bày việc ý thức như thế bao hàm những gì đối với cuộc sống của chúng ta.