III. Cuộc phiêu lưu của Hy Vọng
5. Yêu thương bằng cách phục vụ
Ðối với đại đa số các trường hợp, chuyện "cho đi sự sống" mà Chúa Giêsu đòi hỏi không cần thiết phải đổ máu, nhưng xảy ra mỗi ngày trong biết bao nhiêu cử chỉ nhỏ nhặt, trong việc phục vụ tha nhân, kể cả những người, vì một lý do nào đó xem ra có thể "thua kém" chúng ta.
Khác với các Phúc Âm Nhất Lãm, trong trình thuật những giờ phút trang trọng của Bữa Tiệc Ly, thánh sử Gioan không đề cập tới việc lập Phép Thánh Thể, nhưng kể lại biến cố Ðức Giêsu rửa chân cho các môn đệ "để các con cũng làm như Thầy đã làm" (Ga 13,15).
Phục vụ có nghĩa là trở thành "Thánh Thể" cho người khác, tự đồng hóa với họ, chia sẻ niềm vui và khổ đau của họ (x. Rm 12,15), tập suy tư với đầu óc của họ, cảm nhận với con tim của họ, sống trong họ: "đi trong giầy của họ" như một câu châm ngôn Ấn Ðộ đã nói.
Yêu thương, cách loan báo Tin Mừng tốt nhất
Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá cho Chúa Kitô.
Trong thời gian bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau, luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: "Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay thế các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị "tiêm nhiễm bởi ông Giám Mục nguy hiểm này".
Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định: "Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông Giám Mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an của chúng ta".
Ban đầu công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời "có" hay là "không". Thật là buồn. Tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi. Ðêm nọ, một tư tưởng đến với tôi: "Phanxicô, con còn giầu lắm, con có tình yêu của Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con".
Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi Luật Tân... sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật.
Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh... Và như thế những người canh tù trở thành học trò của tôi!
Một lần khác, trong trại tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi. Tôi hỏi người canh tù:
- Tôi có thể xin anh một điều không? - Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh.
- Tôi muốn đẽo một hình Thánh Giá bằng gỗ.
- Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt không được phép có bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao?
- Tôi biết chứ, nhưng chúng ta là bạn với nhau, và tôi hứa là sẽ giữ kín. - Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta.
- Anh nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm ngay bây giờ và hết sức cẩn thận.
Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo miếng gỗ hình Thánh Giá và đã giấu trong một mảnh xà phòng cho tới ngày được trả tự do. Rồi với một lớp kim loại mỏng bọc bên ngoài, Thánh Giá đó đã trở thành Thánh Giá giám mục của tôi.
Trong một trại tù khác, tôi đã xin với một người bạn canh tù khác một sợi dây điện. Anh ta hoảng hồn nói với tôi:
- Tôi đã học ở Ðại Học An Ninh rằng, nếu một người xin dây điện có nghĩa là họ muốn tự tử. Tôi giải thích cho anh ta:
- Các linh mục Công giáo không được tự tử. - Nhưng anh làm gì với sợi dây điện đó?
- Tôi muốn làm một dây xích nhỏ để đeo Thánh Giá.
- Làm sao mà có thể làm một dây đeo với sợi dây điện được? Không thể làm được! - Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy.
- Nguy hiểm lắm!
- Nhưng mà mình là bạn với nhau mà!
Ba ngày sau anh ta nói với tôi: "Thật khó mà từ chối anh điều gì. Tối mai khi tới phiên tôi gác, tôi sẽ đem đến cho anh một sợi dây điện. Phai làm xong trong vòng ba giờ đồng hồ".
Chiều hôm sau từ 7 giờ cho tới 11 giờ, cẩn thận không để cho ai trông thấy, với hai cái kìm nhỏ chúng tôi đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn khoảng một que diêm và chúng tôi uốn cong chúng để kết lại với nhau. Và ba giờ sau, trước khi đổi phiên canh, sợi dây đeo đã thành hình.
Sợi dây và cây Thánh Giá này tôi luôn đeo mỗi ngày, không phải bởi vì chúng là kỷ niệm của thời gian ở tù, nhưng vì chúng giúp tôi thấy xác tín sâu xa lời luôn nhắn nhủ tôi: chỉ có tình yêu Kitô mới có thể thay đổi con tim, chớ không phải khí giới, các lời đe dọa và các phương tiện truyền thông.
Chính tình yêu chuẩn bị con đường cho việc loan báo Tin Mừng. Ominia vincit amor, tình yêu thắng được mọi sự!
Khi có tình yêu chân thật, lời đáp trả tình yêu sẽ được khơi dậy. Khi đó người ta yêu và được yêu. Khi đó người ta hiện thực được trên trái đất Ðiều Răn mới của Ðức Giêsu: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con" (Ga 15,12). Yêu thương nhau là chu toàn nghệ thuật yêu thương.
Mẹ của Tình yêu tốt đẹp
Chúng ta không thể kết thúc bài suy niệm này mà không hướng tâm trí chúng ta về Ðức Mẹ. Ðức Maria giống như vầng trăng phản chiếu tất cả vẻ mỹ miều của mặt trời là Chúa Giêsu, phản chiếu tất cả mọi tâm tình và đặc biệt tình yêu thương của Chúa. Ngoài Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ra, không có tình yêu nào sánh bằng tình yêu của Mẹ đối với Thiên Chúa và đối với toàn thể nhân loại. Chính vì thế Mẹ được những người tin Chúa cũng như rất nhiều người không biết Chúa yêu mến. Chúng ta chỉ có thể yêu thương một cách tốt đẹp hơn khi kết hiệp với tình yêu thương tuyệt mỹ và dịu hiền của Ðức Trinh Nữ Maria, là Ðấng chiếm hữu được nghệ thuật yêu thương tuyệt vời nhất.
Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Ðức Giêsu (bởi vì Người là tình yêu). Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Ðức Maria.
Nghệ thuật yêu thương đó là yêu thương như Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, người đã từng nói: "Trong lòng Giáo Hội, con muốn là tình yêu" (Thủ bản B 3 v, trong: Toàn tác phẩm Paris 1996, tr.226).
Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
- 09 -