Giáo Hội là hiệp thông huynh đệ các của cải thiêng liêng và vật chất.

Một phần của tài liệu Chứng Nhân Hy Vọng doc (Trang 75 - 78)

V. Dân tộc của Hy Vọng

3. Giáo Hội là hiệp thông huynh đệ các của cải thiêng liêng và vật chất.

Theo chứng từ của sách Tông Ðồ Công Vụ, sự hiệp thông của các Kitô hữu - như tôi đã nói trong bài suy niệm về phép Thánh Thể - phải đi tới việc sẵn sàng chia sẻ cả những của cải vật chất ở mức độ nào đó. Và điều ấy không phải chỉ trong nội bộ của một cộng đoàn mà thôi, nhưng còn giữa các Giáo Hội với nhau nữa. Sách Tông Ðồ Công Vụ nói tới nhiều cộng đoàn: cộng đoàn Giêrusalem, ở Giuđêa; các cộng đoàn ở Galilêa, Samaria (Cv 9,31), Ðamas (9,2-8.19-25), Antiôkia (11,19-21)... Ngay từ đầu, tình hiệp thông giữa các Giáo Hội có hình thức những cuộc "lạc quyên" để giúp đỡ các cộng đoàn nghèo nhất, như cộng đoàn Giêrusalem (11,29-30; 2Cr 8,1-9,15). Và tình hiệp thông ấy cũng được biểu lộ dưới hình thức hiếu khách, đón tiếp (Cv 10,6 và 48). Trong những biểu lộ cụ thể ấy, Thánh Luca nhìn thấy ý muốn chia sẻ được soi dẫn bởi những liên hệ tinh thần sâu xa nhằm nối kết các phần tử của cộng đoàn sơ khai.

Tôi muốn gợi lại đây một kinh nghiệm tôi đã trải qua cách đây nhiều năm. Năm 1954, Ðức Ông Hans Daneels ở thành phố Cologne được Hội Ðồng Giám Mục Ðức gởi qua giúp những người di cư Việt Nam. Năm 1957, khi đến gặp ngài tại Cologne, tôi thấy vẫn còn những đổ nát vì chiến tranh tại thành phố đó. Tôi hỏi ngài: "Tại sao anh em giúp chúng tôi, trong khi đất nước của anh em vẫn còn ở trong giai đoạn tái thiết như thế?" Ðức ông ấy đáp: "Ðó là sự giúp đỡ của người nghèo dành cho người nghèo hơn". Tôi hiểu được thế nào là tình hiệp thông đích thực.

Hiệp thông và truyền giáo

Giáo Hội của Chúa Ba Ngôi, xét về nội bộ, chính là một mầu nhiệm hiệp thông được cụ thể hóa trong không gian và thời gian. Nhưng chính nhờ đó, Giáo Hội ấy trở thành dự án của Thiên Chúa đối với toàn thể mọi loài thụ tạo (cf Lg 1). "Hiệp thông phát sinh ra hiệp thông và mang hình thức cốt yếu là truyền giáo", như Tông Huấn Người Tín Hữu Giáo Dân đã nói. Và Tông Huấn giải thích rằng: "Hiệp thông và truyền giáo có liên hệ sâu xa với nhau, thấm nhập vào nhau đến độ hiệp thông là nguồn mạch và đồng thời cũng là hoa quả của truyền giáo, hiệp thông là truyền giáo và truyền giáo là vì hiệp thông" (số 32).

Từ đó phát sinh những hệ luận cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói với hàng giáo sĩ Rôma: "Chúng ta phải liên kết mật thiết với Thiên Chúa để thi hành sứ mạng hiệp thông của Ngài, sứ mạng của Thiên Chúa, của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta phải hiệp thông với nhau ngày càng sâu đậm, đoàn kết với nhau vì đây chính là hậu quả việc Chúa tạo dựng ta nên giống hình ảnh Ngài và cũng là hậu quả ơn gọi Kitô của chúng ta. Ðó cũng là một điều thúc bách chúng ta trong việc rao giảng Tin Mừng, truyền giáo và mục vụ" (Insegnamenti di Giovanni Paolô II, XIII, 1, Libreria Editrice Vaticana 1992, p.566).

Phục vụ sự hiệp nhất của Giáo Hội

Nhưng chúng ta hãy nhìn vào mình, nhìn vào Giáo Hội vừa là hiệp thông và truyền giáo. Là con cái Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những người phục vụ Hội Thánh. Chúng ta sống bởi Giáo Hội và sống vì Giáo Hội, sẵn sàng hiến mạng sống vì Giáo Hội, như Thánh Phaolô thành Tarsô, Inhaxiô thành Antiôkia, Augustinô thành Hippôna, và tất cả các Giáo Phụ. Là con cái Hội Thánh, chúng ta được mời gọi, giống như các Giáo Phụ, trở thành tông đồ, tử đạo, hiển tu và tiến sĩ theo thể thức nào? Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu nói: "Trong tâm hồn của Giáo Hội là Mẹ tôi, tôi sẽ là tình yêu" (Thủ Bản tự thuật B, 1v), bởi vì - Thánh nữ

nói - Chúa Giêsu "chẳng cần gì những công việc của chúng ta, nhưng chỉ cần tình yêu của chúng ta" (ibid, 3v).

Trong Giáo Hội hiệp thông ấy, cách thức đặc biệt trở thành tình yêu đó được diễn tả trong sứ vụ của Giáo Triều Rôma. Ðây là một công tác phục vụ thực sự, theo gương chính Chúa Kitô, là Ðấng "không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống để cứu chuộc nhiều người" (Mc 10,45). Vì thế, Tông Hiến Pastor Bonus giải thích, "cần hiểu và thi hành quyền bính trong Giáo Hội theo tinh thần phục vụ", để "tình hiệp thông ngày càng thể hiện được sức mạnh và tiếp tục sản xuất những hoa trái tốt đẹp" (số 1).

Một môi trường rất cụ thể trong đó chúng ta có thể thực hiện thừa tác vụ hiệp thông đặc biệt chắc chắn là sự tiếp đón các giám mục về Rôma viếng mộ các Thánh Tông Ðồ. Như Tông Hiến Pastor Bonus đã quả quyết các cuộc viếng mộ các Thánh Tông Ðồ phải là "một thời điểm đặc biệt diễn tả tình hiệp thông thuộc về bản chất của Giáo Hội" (số 5).

Ở đây chúng ta cũng nên dừng lại và ghi nhận rằng việc phục vụ của chúng ta trước hết đòi hỏi chúng ta phải hiệp thông với nhau. Cả chúng ta nữa, với tư cách là cá nhân, cũng như trong tư cách là các cha sở, các bộ, chúng ta phải noi gương hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Toàn thể Giáo Hội, và nhất là chúng ta phải sống với nhau, cho nhau và trong nhau. Như thế, các giám mục từ các đại lục khác, khi về đây, sẽ thấy được một "cộng đoàn", "một Nhà Tiệc Ly vĩnh cửu".

Con ngươi trong mắt

Trong cuốn "Hồng ân và Mầu nhiệm", Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II kể lại, khi còn là một linh mục trẻ, Ngài được khuyên nên đến kinh thành Rôma không những để học hành, "nhưng còn để học về chính thành Rôma" nữa (Dono e mistero. Nel 50. del mio sacerdozio, Libreria Editrice Vaticana 1996, p.60). Ở tâm điểm của thành Rôma này có Giáo Triều Rôma.

Trong những năm gần đây, tôi đã tiếp tại Hội Ðồng của tôi không những các nhà ngoại giao, nhưng cả các nhóm linh mục, chủng sinh, giáo dân, người lớn và người trẻ, từ xa tới và muốn biết về công việc của Giáo Triều. Nhưng tôi lại không có dịp gặp các sinh viên giáo sĩ đang được thụ huấn tại giáo đô. Họ là "con ngươi trong mắt" của Thánh Phêrô và các Ðấng kế vị các Tông Ðồ. Thông thường họ chỉ biết Giáo Triều qua báo chí. Vậy làm sao họ có thể yêu mến và cộng tác với Giáo Triều Rôma trong tương lai, nếu ngay bây giờ họ không hay biết gì về Giáo Triều ấy?

Về việc đào tạo các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân tại trung tâm của Giáo Hội hoàn vũ, tôi thiết nghĩ có một điều rất quan trọng và thiết yếu là cần tìm ra cách thức để mọi người có cơ hội tiếp xúc sâu xa với Giáo Triều Rôma ít là một lần trong thời gian họ ở Rôma. Họ cũng có thể đậu bằng cấp ở nơi khác, nhưng không có "kinh nghiệm Rôma".

Làm thế nào một con cá nhỏ có thể mang lại hy vọng?

Tôi muốn kết luận bài suy niệm sáng nay với câu chuyện về một kinh nghiệm rất đơn sơ cũng trong thời gian tôi bị cầm tù.

Thật khó tưởng tượng nổi sự kiện: trong những năm bị thử thách cam go (từ sau năm 1958 trở đi), các tín hữu chúng tôi lo âu dường nào, vẫn tìm mọi cách nghe lén Ðài Vatican để cảm nghe nhịp đập trái tim của Giáo Hội hoàn vũ và liên kết với Ðấng kế vị Thánh Phêrô. Họ làm như thế, bất chấp nguy cơ có thể bị phạt hoặc bị tù, vì như thế là nghe "sự tuyên truyền của ngoại quốc, phản động".

Về sau, chính tôi cũng cảm thấy cùng một kinh nghiệm như vậy. Trong khi tôi bị cô lập ở Hà Nội, thì một ngày kia, một nữ công an mang lại cho tôi một con cá nhỏ để tôi nấu ăn. Vừa khi tôi thấy tờ giấy bọc con cá, tôi cảm thấy rất vui mừng, nhưng tôi cố nén lòng không biểu lộ ra bên ngoài. Tôi vui mừng không phải vì con cá, nhưng là vì tờ giấy báo bọc con cá: đó là hai trang báo "Quan Sát Viên Rôma". Trong những năm ấy, báo này mỗi khi được gửi tới bưu điện Hà Nội, thì thường bị tịch thu và đem đi cân bán ở quầy mua giấy cũ ở chợ. Hai trang báo ấy được dùng để gói con cá nhỏ. Tôi bình tĩnh, không để cho ai thấy, và rửa sạch những trang báo đó để tẩy hết mùi tanh, rồi phơi khô và giữ nó như một thánh tích.

Ðối với tôi, trong khi bị biệt giam, những trang báo ấy là một dấu chỉ tình hiệp thông với Rôma, với Thánh Phêrô, với Hội Thánh, và đó là một vòng tay ôm từ Rôma. Giả sử không ý thức mình là thành phần của Hội Thánh, có lẽ tôi đã không sống sót nổi.

Ngày nay, chúng ta sống trong một thế giới đang tìm cách loại bỏ những giá trị của văn minh sự sống, tình thương, và sự thật. Hy Vọng của chúng ta chính là Giáo Hội vốn là Hình Ảnh Chúa Ba Ngôi.

Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000

Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

- 17 -

Một phần của tài liệu Chứng Nhân Hy Vọng doc (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(112 trang)
w