V. Dân tộc của Hy Vọng
3. Không phải chỉ im lặng, nhưng cả lời nói và chia sẻ nữa
Nhưng còn có một biểu hiện khác rất quan trọng của đời sống thiêng liêng trong sự hiệp thông, đó là lời nói. Khi được huấn luyện, chúng ta đã học về giá trị của thinh lặng để nghe rõ Tiếng Chúa trong tâm hồn. Giờ đây, chúng ta phải học cách quí chuộng lời nói như một phương tiện hiệp thông: trao ban cho người khác một cách đơn sơ kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Thật lạ lùng khi thấy nhiều lần trong chính môi trường Giáo Hội, chúng ta cũng nói rất ít về kinh nghiệm bản thân của chúng ta về Thiên Chúa.
Theo Thánh Inhaxiô Lôyôla, thiếu hiệp thông như thế là một khí giới của ma quỉ. Ma quỉ "khi thấy đầy tớ Chúa tốt lành và khiêm nhường đến độ người ấy, tuy tuân hành thánh Ý Chúa, nhưng vẫn nghĩ mình thật là vô dụng [...], nên hắn xúi người ấy nghĩ rằng, nếu mình nói về ơn thánh được Chúa ban cho mình, nói về những công việc, dự tính và mong ước, thì sẽ phạm tội háo danh, vì đó là nói về vinh dự của mình. Vì vậy ma quỉ làm sao để người ấy không nói về những ơn lành đã được Chúa ban, và thế là ngăn cản không cho những ơn lành ấy sinh ích nơi người khác và nơi bản thân người ấy, bởi lẽ việc nhớ lại những ơn lành đã lãnh nhận luôn giúp thực hiện những việc cao cả hơn nữa". (Lettera del 18.6.1537, in: Gli scritti di Ignazio di Loyola. Epistolario, Torino 1977, pp.725-726).
Thánh Lôrensô Giustiniani viết rằng: "Không gì trên thế giới có thể chúc tụng Thiên Chúa và cho thấy Ngài đáng ngợi khen cho bằng sự khiêm tốn trao đổi trong tình huynh đệ những hồng ân thiêng liêng: vì chính các hồng ân ấy củng cố đức bác ái, vì nhân đức này không thể tươi nở trong cô quạnh. (...) Và (...) Chúa truyền phải luôn luôn thi hành nhân đức ấy, bằng lời nói và việc làm, đối với các anh em chúng ta. Vì thế, nếu không muốn vi phạm luật Chúa và bị xét xử như những linh hồn coi rẻ, không quan tâm đến phần rỗi của người anh em, thì những ai đã nhận được ơn thiêng từ trời, phải hết sức cố gắng truyền thông cho người khác những hồng ân Chúa
đã ban cho mình, nhất là những ơn có thể giúp đỡ họ trong đời sống trọn lành" (Disciplina e perfezione della vita monastica, Rôma 1967, p.4).
Xây dựng Hội Thánh
Chúng ta hãy đọc Kinh Thánh.
Chúa Giêsu đã chẳng tạo nên dân mới của Thiên Chúa, thông ban cho các môn đệ tất cả những Lời của Cha Ngài sao?
Và Mẹ Maria đã chẳng kể lại kinh nghiệm thầm kín nhất của Mẹ khi hát bài ca Magnificat đó sao?
Và Thánh Phaolô đã chẳng xây dựng các cộng đoàn bằng cách kể lại cho họ điều Ngài đã sống đó sao? Ngài nói mọi sự về mình: sự hoán cải, con đường tông đồ, thậm chí cả những kinh nghiệm sâu xa nhất, như được đưa lên tầng trời thứ ba, quan hệ thần bí với Chúa Kitô, nhưng cả những lo âu vây bủa Ngài khi nghĩ đến dân tộc của mình không đón nhận mạc khải của Chúa Kitô, hoặc những yếu đuối của Ngài, những thử thách và cái "dằm" trong thân xác Ngài. Chúng ta có thể nói rằng Thánh nhân đã thông ban cho tha nhân tâm hồn, cuộc sống của Ngài, và qua đó, Ngài xây dựng Hội Thánh.
Tại đất nước tôi, vì các hội đoàn Công giáo bị giới hạn, dân Chúa hoàn toàn tập trung vào việc sống Lời Chúa. Vì không có sách thiêng liêng được ấn hành, họ thông truyền cho nhau những thành quả của việc sống Lời Chúa. Họ chỉ có sách Tin Mừng và sự truyền thông cho nhau những gì họ sống. Và với sự thu hẹp vào những điều nòng cốt như thế, đời sống Kitô được triển nở.
Trái lại, khi một Hội Ðồng Giám Mục bị chia rẽ, ở đâu cũng có chia rẽ, uy tín đối với người dân sẽ không còn. Một số giám mục Ðông Âu đã nói với tôi về điều đó trong thập niên 1970. Các giám mục chỉ sống cạnh nhau, nhưng không có sự hiệp thông vốn liên kết Chúa Giêsu với Chúa Cha.
"Lâu đài bên ngoài"
Thánh nữ Têrêxa Avila, tiến sĩ Hội Thánh, nói về "lâu đài nội tâm" rạng ngời: đó là thực tại của tâm hồn được Chúa Ba Ngôi chí thánh ngự trị. Ðó là một thực tại cần được khám phá trong chúng ta, giúp soi sáng hoàn toàn cuộc sống và đưa tới sự kết hiệp trọn vẹn với Chúa và phục vụ tha nhân.
Trong thời đại toàn cầu hóa này, trong thời điểm của Giáo Hội Hiệp thông, phải chăng đã đến lúc cần khám phá, soi sáng và xây dựng, không những "lâu đài nội tâm", nhưng cả "lâu đài bên ngoài" nữa sao? Nghĩa là sự hiện diện của Thiên Chúa không những trong chúng ta, nhưng còn ở giữa chúng ta nữa. Ðó là lâu dài của hai hoặc nhiều người hiệp nhất với nhau nhân danh Chúa, một lâu đài không bao giờ có thể phá hủy được, nhưng cần phải liên tục xây dựng và bảo vệ trong mọi tương quan, cho đến khi được hiệp nhất hoàn toàn.
Thánh Augustinô đã viết: "Chúng ta cũng họp nhau thành nhà của Chúa, nhưng chỉ chúng ta liên kết với nhau trong tình yêu mà thôi" (Discorso 336, 1,1: PL 37, 1736); "Chúng ta là đền thờ của Chúa, một cách tập thể cũng như cá nhân. Ngài muốn ở trong sự kết hiệp của tất cả và từng người". (La Città di Dio, 10,3,2: PL 41,280).
Tôi mơ ước Giáo Hội của Ngàn Năm Thứ Ba như Căn Nhà bảo tồn sự hiện diện của Thiên Chúa hằng sống, như một Thành Thánh từ trên cao xuống; không như một toàn thể các viên đá rải rác, nhưng như một tòa nhà được cấu trúc hài hòa, vững chãi, nhờ tình hiệp thông đích thực. Tôi mơ ước Thành Thánh ấy bảo tồn nơi trung tâm của mình Chiên Con như nguồn ánh sáng cho toàn thể nhân loại.
Tuần Tĩnh Tâm đầu Mùa Chay Năm Thánh 2000
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận