7. Kết cấu của luận án
2.1.3. Lý thuyết các bên có liên quan (stakeholder theory)
Lý thuyết các bên có liên quan được xây dựng bởi Ian (1983) và về cơ bản là sự tiếp nối của lý thuyết ủy nhiệm. Hill và Jones (1992) đã định nghĩa các bên có liên quan là các cá nhân có ảnh hưởng đến công ty và có thể bị ảnh hưởng bởi chính công ty này. Các bên liên quan bao gồm: nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên, chủ nợ, cổ đông, tổ chức đoàn thể, cộng đồng xung quanh và chính phủ. Những người có liên quan có ảnh hưởng nhiều hơn đến công ty thì sẽ được coi là quan trọng hơn đối với nhà quản lý doanh nghiệp (Deegan và Unerman, 2011).
Hill và Jones (1992) đã chia các bên có liên quan thành nhóm bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Bên liên quan bên trong là nhà quản lý, nhà điều hành, nhân viên và cổ đông. Bên liên quan bên ngoài là cộng đồng địa phương, khách hàng, chủ nợ, nhà cung cấp và chính phủ. Mỗi bên có liên quan sẽ có nhu cầu thông tin về doanh nghiệp là khác nhau và nhà quản lý doanh nghiệp nên cung cấp thông tin đáp ứng được những nhu cầu này (Hill và Jones, 1992). Tuy nhiên, Deegan và Unerman (2011) lại cho rằng thực tế các nhà quản lý doanh nghiệp có xu hướng hành động theo cách đáp ứng kỳ vọng của các bên liên quan được đánh giá là quan trọng và có ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp thay vì đối xử một cách công bằng đối với lợi ích của tất cả các bên có liên quan.
Căn cứ vào lý thuyết các bên có liên quan, luận án phân chia đối tượng khảo sát là người sử dụng thông tin thành hai nhóm: khách hàng kiểm toán –bên liên quan bên trong và các đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ kết quả kiểm toán – bên liên quan bên ngoài đơn vị được kiểm toán.
Lý thuyết các bên có liên quan cũng được luận án sử dụng nhằm xác định các nhân tố có ảnh hưởng tới khoảng cách kỳ vọng. Theo đó, các nhân tố ảnh hưởng được xác định theo bên có liên quan tới khoảng cách kỳ vọng - những bên có ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi khoảng cách kỳ vọng- bao gồm: người sử dụng thông tin, kiểm toán viên, cơ quan ban hành chuẩn mực.