Dự án Khu Bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun đã được Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạnh và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tài trợ với tổng vốn đầu tư gần 2,2 triệu USD Dự án chính thức đi vào hoạt động từ năm 2001.
Việc chọn lựa khu vực biển Hòn Mun, nơi cách Cảng Cầu Đá Nha Trang 45 phút tàu chạy làm khu bảo tồn vì nơi này khá đa dạng sinh vật biển, thềm san hô biển gần như còn nguyên vẹn với trên 300 loài san hô nhiều màu sắc: xanh, đỏ, vàng, trắng… ở độ sâu trung bình 10m. Tại khu vực bảo tồn có nhiều đảo, dưới chân các đảo chìm dưới biển là các hang động biển kỳ ảo, thuận lợi cho du lịch lặn và nghiên cứu biển.
Từ khi hoạt động đến khi dự án chấm dứt vào giữa năm 2005, Ban quản lý (BQL) KBTB Hòn Mun đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền vận động người dân sống trong vùng nâng cao ý thức bảo vệ biển thông qua các chương trình: Tạo phao neo trong vùng biển để tàu thuyền không thả neo trực tiếp làm hư hại thềm san hô; nghiêm cấm và tuần tra để tránh tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt tại vùng biển này. Bên cạnh đó, để tránh ô nhiễm môi trường biển, tạo điều kiện cho các loài sinh vật biển trở về sinh sống, phục hồi và phát triển thêm các rạn san hô, BQL đã hướng người dân vùng đảo đổi nghề như nuôi trồng thủy sản, đan lưới, trồng rong sụn, làm hàng thủ công… Cùng với việc trồng phục hồi rừng ngập mặn, bắt cầu gai, tổ chức các đợt làm sạch biển như dọn rác vẫn thường xuyên diễn ra, mới đây nhất là cuối tháng 9/2005, BQL KBTB đã phối hợp với các đơn vị du lịch lặn dọn rác dưới đáy biển khu lặn biển. Từ khi kết thúc chương trình thí điểm KBTB Hòn Mun, BQL KBTB vịnh Nha Trang được thành lập.
Bên cạnh đó, một quy chế mới là khách du lịch tham gia lặn biển trong khu vực biển Hòn Mun phải đóng một khoản phí 30.000 đồng/người, một phần số tiền thu được dùng để bảo vệ, khôi phục vùng biển. Sau khi kết thúc dự án Bảo tồn biển Hòn Mun, BQL cho biết khu vực này đã có nhiều loài sinh vật biển quý hiếm trở lại sinh sống, hiện tượng san hô tăng lên đã bắt đầu. Đó là tín hiệu lạc quan.
Tuy nhiên, khu vực Hòn Mun hiện nay đang trở thành một điểm du lịch lặn biển hấp dẫn. Bên cạnh chức năng bảo tồn, BQL KBTB vịnh Nha Trang cũng bắt đầu hợp tác với các đơn vị du lịch để làm du lịch như: bơi thuyền thúng bằng đáy kính, ngắm san hô bằng tàu đáy kính… Lĩnh vực du lịch lặn hiện nay có 9 đơn vị tham gia, trung bình mỗi ngày khu vực có 1.000 du khách, lúc cao điểm lên đến 2.000 du khách tham gia. Nhận định về tình trạng khách du lịch tham gia lặn biển, Tiến sĩ Chu Tiến Vĩnh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, Giám đốc dự án KBTB Hòn Mun, trong một bài trả lời trên báo Thanh Niên gần đây cho biết: “Một trong những điều đáng ngại nhất ở KBTB Hòn Mun hiện nay là tàu thuyền neo đậu phá hủy rạn san hô và chất thải. Hàng ngày trung bình có khoảng 1.000 du khách đến vùng biển này. Hầu như toàn bộ chất thải của con người và tàu thuyền đều xả trực tiếp xuống biển. Theo tôi, cần có một tàu chuyên dùng để thu chất thải từ tàu du lịch và thu lượm rác trên mặt biển, rồi đưa vào bờ xử lý. Chúng tôi cũng đã thiết lập hệ thống phao neo để hạn chế tình trạng thả neo bừa bãi, làm phá hủy rạn san hô. KBTB Hòn Mun cách Cảng Nha Trang không xa và tàu bè thường xuyên ra vào, hoạt động này cũng có những ảnh hưởng nhất định đến KBTB do dầu mỡ rơi vãi. Nhưng đáng lo nhất là, nếu xảy ra sự cố, như tai nạn tàu biển làm tràn dầu chẳng hạn, thì hậu quả đối với KBTB này thật khôn lường”. 6
Không chỉ có hoạt động du lịch mới gây ảnh hưởng mà cộng đồng dân cư sinh sống gần khu vực Hòn Mun cũng có tác động. Riêng đảo Hòn Mun nơi thực
hiện dự án có hơn 5.300 dân sinh sống chủ yếu dựa vào nghề đánh cá. Các cộng đồng quanh Hòn Mun gồm các hộ ngư dân nghèo, chỉ có các phương tiện nhỏ và khai thác quẩn quanh ven đảo. Gần 300 gia đình nghèo nhất chuyên làm nghề khai thác cá cảnh trong các rạn san hô. Các mối đe dọa với đa dạng sinh học ở Hòn Mun là phương pháp đánh bắt huỷ diệt như dùng thuốc nổ, chất độc xyanua. Trong quá trình lặn bắt ngao sò và tổ chức nuôi trồng thuỷ sản, ngư dân đã làm gãy san hô và đẩy toàn bộ chất thải ra biển. Nhiều người từ đất liền ra Hòn Mun ngang nhiên bẻ san hô về làm hàng hoá mỹ nghệ. Đó là chưa kể đến sự huỷ hoại do các thuyền du lịch neo đậu trực tiếp vào rạn san hô. Du lịch lặn biển đang ngày càng tăng lên cũng là một áp lực, nếu không được quản lý. Chính cư dân trên đảo thừa nhận rằng nguồn lợi cá gần bờ đã bị giảm sút nghiêm trọng trong vòng 10 năm qua. Thế mới thấy phát triển kinh tế du lịch biển đảo phải gắn liền với bảo tồn biển.
Và đây là bài báo nói về thực trạng phát triển dịch vụ lặn biển – một trong những dịch vụ khá phát triển và thu hút nhiều khách du lịch quốc tế cũng như trong nước đến với thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.
“Vịnh Nha Trang được phong tặng là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới. Những rạn san hô ở đây có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất ở Việt Nam.
Dù không rộng lớn, hùng vĩ như rạn Great Berier ở Australia, nhưng Hòn Mun – vịnh Nha Trang được xem là phong cảnh hữu tình, là “thiên đường” san hô với các loài sinh vật biển phát triển chiếm 45% số loài được tìm thấy trên thế giới. Chính hấp lực này đã tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, nhất là dịch vụ lặn thám hiểm vịnh biển...
Tuy nhiên, nơi đây đang phải đối diện với nhiều mối đe dọa hủy hoại môi trường do phát triển du lịch quá mức, nạn khai thác san hô, cá, thả neo lên rạn san hô, xả thải,... thường xuyên xảy ra. Trong khi, công tác bảo tồn vịnh biển (BTVB) chưa được chú trọng đúng mức! Ông Chric Ephgrave – Tổng quản lý CLB Rainbow Dive VN – cảnh báo: “Nếu ngay từ bây giờ chính quyền tỉnh
Khánh Hòa không quyết liệt thực hiện BTVB, thì 10 – 15 năm nữa chỉ còn lại “sa mạc cát” dưới lòng vịnh biển Nha Trang!”
Nở rộ các câu lạc bộ lặn biển
Vào giữa thập niên 90, sau nhiều lần du lịch biển Nha Trang, ông Jeremy Paul Stein (người Anh) có cấp bậc cao nhất của Hiệp hội Lặn biển quốc tế PADI – Pháp (Professional Accociation Diny Instructor), đã thành lập câu lạc bộ lặn Rainbow Divers đầu tiên ở Việt Nam. PGĐ Cty TNHH Cầu Vồng VN – ông Lê Hà Lộc – cho hay: Jeremy được xem như là một trong các nhà tiên phong đưa môn bơi lặn biển du nhập vào VN và ông đã mở ra các lớp học cho huấn luyện viên PADI tại trung tâm “5 sao” ở Nha Trang; đồng thời trực tiếp phục vụ những tour du khách có nhu cầu lặn thám hiểm. Những năm sau đó, CLB Rainbow Divers đã vươn ra mở rộng thêm các điểm dịch vụ lặn biển ở Hội An, Phú Quốc, Côn Đảo...
Mỗi năm, CLB này thu hút khoảng 10.000 lượt khách du lịch lặn biển, chủ yếu là người nước ngoài; trong đó đào tạo hơn 2.000 người bơi lặn có bằng cấp quốc tế PADI. Và khi môn thể thao lặn thám hiểm biển thật sự khởi sắc, thu hút nhiều du khách, nhiều đơn vị, cá nhân đã đầu tư thành lập khoảng 12 CLB lặn biển ở Nha Trang, như CLB Vietnam Explorer (thuộc Cty TNHH Trung Hải); CLB Scuba Zone, Turtle Dive, Vinadive (thuộc Cty du lịch Viettravel)... Có một thực tế là đa số các huấn luyện viên lặn biển ở các CLB “sinh sau đẻ muộn” này đều được đào tạo tại Rainbow Divers...
Giờ đây, dường như chỉ trừ những ngày đêm đông dông gió, đảo Hòn Mun với trên 350 loài san hô luôn thu hút đông đảo khách du lịch (bình quân gần 200.000 lượt người/năm) bơi lặn thám hiểm biển. Trong số đó có đến 95% là du khách quốc tế. Việc phát triển dịch vụ lặn biển đã tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp của vịnh biển Nha Trang – Khánh Hòa nói riêng và VN nói chung đến với bạn bè thế giới. Song hoạt động này đang nảy sinh nhiều bất cập, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách. Qua những ngày đi lặn biển ở Hòn Mun, chúng tôi phát hiện có một thực tế là, một số
CLB lặn biển cạnh tranh thiếu lành mạnh; để giảm chi phí nhằm tăng lợi nhuận, một vài CLB đã thuê hướng dẫn viên có trình độ chưa cao, đầu tư thiết bị các tour lặn biển không đầy đủ, giảm tiêu chuẩn ăn uống...
Môn thể thao lặn biển phát triển đã lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan T.Ư quy định cụ thể về hoạt động giải trí dưới nước, nên không có chế tài để xử lý sai phạm. Quy chế quản lý lặn biển của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành ngày 13.12.2001 đã trở nên lỗi thời. Gần như các CLB lặn biển Nha Trang tự hoạt động theo một số tiêu chí của Hiệp hội Du lịch lặn biển quốc tế...
Theo Ban quản lý khu bảo tồn biển (KBTB) vịnh Nha Trang, vào đầu quý III/2010, qua kiểm tra hoạt động của 1 đơn vị dịch vụ lặn biển và 9 cơ sở kinh doanh thể thao giải trí trên vịnh biển Nha Trang, Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh đã phát hiện hầu hết các đơn vị này đều sai phạm không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức đưa khách quốc tế đi tour lặn biển; hướng dẫn viên không có thẻ, không có nhân viên y tế chuyên nghiệp...
Đặc biệt, có đơn vị không mua bảo hiểm cho khách tham gia lặn biển. Thực tế này dễ xảy ra những tranh cãi về pháp lý khi xảy ra tai nạn biển. Cái chết của ông Daniil Repjev (người Nga) bị đuối nước khi đi tour lặn biển do Cty TNHH MTV Rùa lặn đại dương tổ chức vào ngày 31.5.2010 đã gióng lên hồi chuông báo động về việc quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ lặn ở vịnh biển Nha Trang!
Bảo tồn vịnh biển còn... nửa vời!
Ông Grant (43 tuổi, người Anh) là huấn luyện viên lặn giỏi “4 sao”, đã có thâm niên 10 năm huấn luyện du khách lặn biển ở Hòn Mun, bức xúc nói: “Thể thao lặn biển và các sản phẩm du lịch khác phát triển mạnh ở Hòn Mun, trong khi việc bảo tồn ở đây rất tệ hại! Các du khách quốc tế đến lặn biển đều luôn có ý thức bảo vệ hệ sinh vật biển, nhưng nhiều người dân VN chưa có ý thức bảo vệ vì chưa biết đến lợi ích đích thực mà hệ thống rạn san hô mang lại”.
Ông Trương Kỉnh - GĐ Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang thừa nhận: “Công tác bảo tồn Hòn Mun còn... nửa vời. Ngoài việc dân lén lút đánh bắt nguồn lợi quá mức, tàu thuyền du lịch neo đậu và nhiều người lặn cũng giẫm đạp phá hủy rạn san hô. Hầu như toàn bộ chất thải của con người (ngày cao điểm có đến khoảng 1.000 du khách đến đảo này – PV) và tàu thuyền đều xả trực tiếp xuống biển... Ông Kỉnh khẳng định: Từ năm 2001 – 2005, Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế tài trợ gần 2,2 triệu USD để thực hiện Dự án KBTB Hòn Mun. Đây là dự án hỗ trợ thành lập KBTB đầu tiên của VN. Sau đó, từ năm 2006 đến nay, Đan Mạch hỗ trợ kinh phí hợp phần mỗi năm từ 600-700 triệu đồng để bảo tồn Hòn Mun. Song kết quả đạt được của hợp phần không hoàn thiện và thiếu bền vững.
Theo ông Kỉnh, nguyên nhân ở đây có sự mâu thuẫn giữa công tác BTB và phát triển KT - XH như thủy sản, du lịch... Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh chưa nhiều, sự phối hợp giữa BQL và các ngành thiếu đồng bộ, sự hiểu biết của các cơ quan chuyên môn của tỉnh về KBTB chưa đầy đủ. Do vậy, cơ chế quản lý chậm được xác lập, khung pháp lý thiếu rõ ràng. Quy chế phối hợp quản lý vịnh Nha Trang đã được BQL KBTB soạn thảo và trình UBND tỉnh từ năm 2004, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt! Chưa có cơ quan, đơn vị nào quản lý và chịu trách nhiệm chính về BTB, trong khi theo QĐ715 của UBND tỉnh, thì BQL KBTB là đơn vị sự nghiệp công lập, không có chức năng quản lý nhà nước, không có thẩm quyền xử lý vi phạm trong KBTB! Thêm vào đó, công cụ, phương tiện cũ, hư hỏng không phát huy tác dụng.
Do thiếu kinh phí nên BQL cắt giảm thời gian hoạt động tuần tra, giảm phạm vi tuần tra. BQL thực hiện tuần tra bảo vệ xung quanh vùng lõi Hòn Mun chỉ 2 giờ/ngày đêm, thì làm sao ngăn chặn được “ngư tặc” khai thác hủy diệt môi trường! Và những người có năng lực không muốn gắn bó với KBTB vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống. Trong 3 năm 2007 - 2009, đã có 8 cán bộ nghỉ việc hoặc chuyển công tác khác!...
Hòn Mun – vịnh biển Nha Trang với hàng trăm rạn san hô và sinh vật biển được xem là “bảo tàng sống” dưới lòng đại dương xanh, thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thưởng lãm, lặn biển khám phá. Nhưng môi trường ở đây đang chịu sức ép những tác động có hại của con người gây ra. Do vậy, đã đến lúc cần một chiến lược đầu tư quy mô, lâu dài về bảo vệ và quản lý có hiệu quả đa dạng sinh học vịnh biển, tạo nên mô hình điểm cho quản lý các KBTB của Việt Nam!” 7
7
Theo Lưu phong, http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Dua-no-cac-cau-lac-bo-lan-bien-nhung/30425,Thứ Ba, 25.1.2011 | 08:55.
CHƯƠNG 3
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA