tại các bệnh viện công lập
1.2.8.1. Các yếu tố chủ quan
Phương hướng chiến lược phát triển bệnh viện quyết định trực tiếp tới hoạt động tài chính cũng như quản lý tài chính của bệnh viện. Do đó, bệnh viện phải xác định được chính xác, đúng đắn phương hướng chiến lược phát triển của mình để từ đó xây dựng các mục tiêu và giải pháp quản lý tài chính phù hợp. Mục tiêu chung mà quản lý tài chính bệnh viện công phải hướng đến là tính hiệu quả và tính công bằng. Tính hiệu quả nghĩa là đảm bảo thực hiện được các mục tiêu của bệnh viện với kết quả cao nhất và chi phí thấp nhất. Do đó nó đòi hỏi phải xem xét thận trọng các quyết định đầu tư, mua sắm và sử dụng trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ, phương pháp phân bổ và sử dụng các nguồn lực, hệ thống kiểm soát chi tiêu và chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho nhân dân. (Nguyễn Thị Lan Anh, Hoàng Thị Hải Yến, 2017, tr.35)
- Đội ngũ nhân lực chuyên môn
Nói cho cùng thì con người là nhân tố trung tâm và quyết định sự thành công của bệnh viện. Đặc biệt do đặc thù của bệnh viện là cung cấp các dịch vụ phục vụ cho chăm sóc sức khoẻ con người nên yếu tố nhân lực của bệnh viện lại càng quan trọng. Nó đòi hỏi đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện phải vừa có y đức vừa có tay nghề chuyên môn tốt. Trong đội ngũ nhân lực của bệnh viện thì ban lãnh đạo, các cán bộ quản lý bệnh viện mà trực tiếp là bộ phận quản lý tài chính là những người đưa ra các quyết định tài chính, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động và sự phát triển của bệnh viện nói chung. Với đội ngũ cán bộ quản lý tài chính có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết và kinh nghiệm, năng động và trung thực, là điều kiện tiền đề để công tác quản lý tài chính của bệnh viện đi vào nền nếp và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài chính bệnh viện. Ngoài ra đội ngũ cán bộ nhân viên làm việc ở tất cả các bộ phận khác nhau của bệnh viện, thông qua việc thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của mình, đều có ảnh hưởng đến quá trình quản lý tài chính bệnh viện.
- Quy mô phát triển và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện
Ngày nay do kinh tế xã hội phát triển đòi hỏi quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện cũng phải tăng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân cũng như để cạnh tranh với các hình thức cung cấp dịch vụ y tế khác. Khi quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tăng lên lại
đòi hỏi các bệnh viện phải đầu tư mua sắm thiết bị, phương tiện hiện đại, kỹ thuật mới, thuốc mới cũng như phải đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân lực. Điều này đặt hoạt động quản lý tài chính bệnh viện trước những thách thức mới trong bối cảnh quy mô và chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện công hiện nay còn hạn chế. Tuy nhiên nếu xác định quy mô bệnh viện phù hợp và nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh sẽ tạo cơ sở để tăng thu nhập và cân đối thu chi tài chính cho bệnh viện.
- Văn hoá bệnh viện, đặc biệt là mối quan hệ giữa bệnh viện với khách hàng Trong cơ chế mới, mối quan hệ giữa bệnh viện và bệnh nhân là mối quan hệ giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng sử dụng các dịch vụ đó. Mối quan hệ đó trước hết phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Khi cán bộ nhân viên bệnh viện có quan hệ tốt với khách hàng của mình, sẽ tạo được uy tín của bệnh viện trước xã hội, tạo khả năng và xu hướng phát triển bệnh viện trong tương lai. Với uy tín trong hoạt động khám chữa bệnh của mình, bệnh viện còn tranh thủ được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại; hoặc liên doanh, liên kết, mở rộng hợp tác đầu tư trong và ngoài nước. Để xây dựng văn hoá bệnh viện theo hướng phục vụ khách hàng, bệnh viện cần có những quy định cụ thể về thái độ và hành vi ứng xử, về y đức và về chuyên môn cho đội ngũ các y bác sĩ và nhân viên của bệnh viện, quan tâm đến công tác giáo dục và có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh đối với những người vi phạm những quy định đó. (Nguyễn Thị Lan Anh, Hoàng Thị Hải Yến, 2017, tr.36)
1.2.8.2. Các yếu tố khách quan
-Chính sách, pháp luật của Nhà nước: Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường nhiều thành phần và hội nhập quốc tế, Nhà nước đã có nhiều thay đổi trong hệ thống chính sách trong đó có chính sách tài chính y tế. Những thay đổi này tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh viện thực hiện hợp tác quốc tế, thu hút nguồn viện trợ nước ngoài cũng như tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong môi trường hội nhập, bệnh viện có nhiều cơ hội trong việc hợp tác với các tổ chức y tế trong và ngoài nước, chuyển giao công nghệ và nhận các khoản viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế. Với chính sách xã hội hoá y tế, các thành phần kinh tế và các hình
thức sở hữu trong y tế trở nên đa dạng, tạo điều kiện tăng các nguồn lực xã hội để phát triển y tế. Chính sách này cho phép các bệnh viện đa dạng hoá việc khai thác các nguồn tài chính phục vụ cho công tác khám chữa bệnh của mình: xây dựng khoa khám và điều trị tự nguyện; phát triển thành bệnh viện bán công. Chính sách xã hội hoá làm thúc đẩy cạnh tranh giữa các bệnh viện công lập và dân lập, cũng như giữa các bệnh viện công với nhau, đòi hỏi bệnh viện phải nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh và hoàn thiện quản lý tài chính theo hướng công bằng và hiệu quả hơn. Hệ thống các chính sách y tế nói chung đều hướng tới việc củng cố và phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế đồng thời đảm bảo công bằng và hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là các chính sách tài chính áp dụng cho quản lý bệnh viện đã tạo hành lang pháp lý bệnh viện tổ chức thực hiện tốt quản lý tài chính. Chính sách viện phí và bảo hiểm y tế là hai chính sách tài chính y tế có tác động rõ rệt nhất đến quản lý tài chính bệnh viện công, được khám chữa bệnh miễn phí. Bước sang thời kỳ đổi mới, nguồn NSNN không thể đảm bảo cho công tác chăm sóc sức khoẻ nên vấn đề tài chính cho các bệnh viện càng trở nên bức xúc. Để có thêm nguồn kinh phí cho hoạt động khám chữa bệnh, từ năm 1989 Nhà nước đã ban hành chính sách thu một phần viện phí. Chính sách này đã tăng nguồn tài chính cho hoạt động của các bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. (Nguyễn Thị Lan Anh, Hoàng Thị Hải Yến, 2017, tr.37)
- Trình độ phát triển kinh tế-xã hội: Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây tương đối cao và ổn định; cơ sở hạ tầng phát triển mạnh mẽ; lạm phát được kiềm chế; Đầu tư cho y tế nói chung, đặc biệt là cho các bệnh viện tăng nhiều; Chi từ NSNN cho y tế hàng năm chiếm khoảng trên 1% GDP; tình trạng đói nghèo được cải thiện. Tất cả những yếu tố nói trên tạo cơ hội tăng nguồn kinh phí cho hoạt động của bệnh viện công, có tác động tích cực đến quản lý tài chính bệnh viện. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trình độ dân trí và mức sống của đại đa số nhân dân được nâng lên so với trước thời kỳ đổi mới. Nhu cầu khám chữa bệnh,chăm sóc sức khoẻ tăng nhanh về số lượng và đòi hỏi cao hơn về chất lượng. Như vậy nguồn thu viện phí và các khoản chi của bệnh viện cũng phải tăng theo. Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế thị trường là sự phân hóa giàu nghèo trong tầng lớp dân cư. Mặt
khác, mặc dù nền kinh tế tăng trưởng tương đối mạnh xong do xuất phát điểm thấp, lại chưa thực sự vững chắc, các lĩnh vực xã hội khác như vấn đề giáo dục, việc làm, an sinh xã hội, môi trường cũng đòi hỏi cấp bách phải chi rất nhiều, dẫn đến đầu tư cho ngành y tế còn chưa tương xứng mặc dù đầu tư phục vụ khám chữa bệnh cho các bệnh viện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư cho y tế. Do mức sống người dân nói chung còn thấp nên khả năng thu phí để tái đầu tư mở rộng bệnh viện công còn rất hạn chế. Việc xác định các đối tượng nghèo không có khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh để thực hiện các chế độ ưu đãi còn rất khó khăn.
-Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực y học: Ngày nay những tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ cao và hiện đại trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chẩn đoán và điều trị đã mở ra cơ hội hiện đại hóa, phát triển bệnh viện cả về số lượng và chất lượng. Bệnh viện nào không chú ý hoặc không có khả năng áp dụng khoa học công nghệ thì chắc chắn sẽ trở nên lạc hậu, khó thu hút khách hàng. Xét lâu dài thì đây cũng là một yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của bệnh viện trong cơ chế thị trường. Đối với quản lý tài chính bệnh viện công thì sự phát triển khoa học công nghệ nói chung, công nghệ trong y học nói riêng vừa tạo cơ hội để phát triển bệnh viện, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong bối cảnh thu - chi sẽ ngày càng cao hơn, phức tạp hơn. Rõ ràng là, việc áp dụng các tiến bộ trong lĩnh vực y học và hiện đại hoá bệnh viện đòi hỏi bệnh viện phải có nguồn tài chính đầu tư cho cả công nghệ “cứng” (mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại) và công nghệ “mềm” (đào tạo bác sỹ, nhân viên kỹ thuật để sử dụng công nghệ hiện đại đó). Vì vậy bệnh viện cần tranh thủ xã hội hoá, đa dạng hóa các nguồn thu trong khuôn khổ luật pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư ngày càng cao, tạo điều kiện nâng cao năng lực của bệnh viện công.