6. Cấu trúc của luận án
1.1.2. Tình hình nghiên cứ uở nước ngoài
Truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975 nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng đã bước đầu thu hút được sự quan tâm nghiên cứu ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong phạm vi bao quát tư liệu của luận án, chúng tôi nhận thấy, số lượng các công trình tìm hiểu, nghiên cứu về truyện ngắn nữ Việt Nam của các tác giả nước ngoài còn rất hạn chế, chủ yếu là của các tác giả người Việt ở nước ngoài như Thụy Khuê, Đoàn
Cầm Thi, Nguyễn Hưng Quốc,… Qua các bài viết của những tác giả này, những gương mặt truyện ngắn nữ tiêu biểu đương đại của Việt Nam đã được nhận diện với các góc độ khác nhau. Một điều đáng lưu ý là việc phê bình các tác giả, tác phẩm truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chủ yếu được viết bằng tiếng Việt.
Trong số các tác giả kể trên, có lẽ Thụy Khuê là người theo dõi tương đối sát sao những chuyển động của các cây bút truyện ngắn nữ người Việt đang sống ở trong nước hay nước ngoài. Trong bài viết “Phạm Thị Hoài trên sinh lộ mới của văn học”, tác giả đã khẳng định con đường đổi mới văn chương của Phạm Thị Hoài từ sau Thiên sứ, Mê lộ, Từ Man nương đến AK và những tiểu luận. Đó là sự đột khởi phong cách nhấn vào hai nội dung quan trọng: 1) Cập nhật hóa tản văn với ngôn ngữ các ngành nghệ thuật đương đại như điện ảnh, hội họa, âm nhạc…; 2) Từ chối lối kể chuyện một chiều theo trật tự cổ điển, tác giả soi cái nhìn hai chiều vào một hiện tượng: đi từ ngoại cảnh đến nội tâm hoặc ngược lại. Lối nhìn mới ấy cho phép độc giả tiếp nhận một lúc cả hai khía cạnh: khía cạnh khách quan (nhìn từ bên ngoài của người viết) và khía cạnh chủ quan (nhìn từ bên trong của chính hiện tượng vừa được viết ra. Theo tác giả, “Ðó là lối viết flash (nói kiểu điện ảnh) hoặc lập thể (nói kiểu hội họa), cắt đứt mạch tư tưởng bằng những gros plan thoáng qua trong đầu. Ðiều này thường xảy ra trong trí óc chúng ta (đang nghĩ chuyện này nhảy sang chuyện khác): ý nọ nhằng ý kia (chữ của Nguyễn Tuân). Nhưng chính sự “nhằng nhịt” ấy mới là tư tưởng trong trạng thái tinh chất” [87]. Đối với Võ Thị Hảo, Thụy Khuê đã sớm nhận ra: “Võ Thị Hảo thuộc thế hệ chối bỏ cổ tích, không tin "thần thoại chiến trường". Chị viết với niềm tin của chị về một xã hội tan chiến nhưng chưa tàn chiến. Người đọc có thể tìm thấy trong văn phong Võ Thị Hảo cái tàn nhẫn, chất huyền thoại phảng phất […] nhưng ở Võ Thị Hảo còn có một hơi hướm khác: Khó thấy tác giả nào "cười" nhiều như thế, mô tả cái cười kỹ càng như thế” [88]. Đối với Nguyễn Ngọc Tư, Thụy Khuê đã nhận ra chất vùng miền của không gian sông nước miền Tây như một tín hiệu thẩm mỹ tạo ra giọng riêng của nữ nhà văn: “Nguyễn Ngọc Tư nổi tiếng về những truyện ngắn khá hay viết theo lối truyền thống. Chị thường kể lại những nỗi u hoài trầm lặng, sự nhẫn nại chịu đựng cam phận trong tâm hồn người dân quê miền Nam, mà đời sống gắn bó với con kinh, con rạch. Giọng văn và tinh thần sông nước của chị như một truyền thống nối dài từ Bình Nguyên Lộc, người đã gắn liền hai yếu tố đất và nước, thành ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ đất nước. Tư tưởng này, truyền qua Sơn Nam đến Nguyễn Ngọc
Tư là thế hệ thứ ba, tuy đã bớt đậm đặc đi, nhưng vẫn đem lại cho người đọc, nhất là người đọc khác miền, những cảm xúc mới” [88]. Khi nhận định về truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu trong tình thế của các cây bút nữ trẻ, Thụy Khuê tiến hành so sánh với những tác giả Trung Quốc và đi đến khẳng định: “Đỗ Hoàng Diệu viết hay hơn Vệ Tuệ, bởi Diệu không chỉ kể truyện như Vệ Tuệ, mà Diệu còn tạo được một thi pháp riêng tư độc đáo. Mỗi truyện ngắn của Diệu dựa trên một cái phông khác lạ. Bằng lối viết trữ tình đầy thi tính, Diệu lồng vào chữ nhiều ám ảnh, nhiều ẩn ý, tạo ra nhiều lối đọc khác nhau. Nói cách khác: truyện của Mạc Ngôn hay Vệ Tuệ là những truyện viết theo tuyến thẳng, đọc đâu hiểu đấy. Truyện của Đỗ Hoàng Diệu đằng sau ngôn ngữ còn ẩn cả một vùng bóng tối cần giải mã, mà mỗi lần đọc lại, độc giả tinh ý có thể tìm ra những ý nghĩa mới. Chính cái thế giới ngôn ngữ đầy những ký hiệu tiềm ẩn ấy, xác định giá trị của nhà văn hiện đại. Và trong những nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc được dịch và truyền bá rộng rãi hiện nay ở Việt Nam, không mấy người tạo được thế giới ngôn ngữ chôn sâu ấy, trừ Cao Hành Kiện” [90].
Đoàn Cầm Thi cũng là tác giả quan tâm đến văn xuôi nữ nói chung, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại nói riêng và có một số tiểu luận đáng chú ý. Trong cuốn sách Đọc “tôi” bên bến lạ, tác giả đã trình bày những quan sát về sự vận động của những cái “tôi” trong văn xuôi Việt Nam đương đại, trong đó có hai bài viết về Phạm Thị Hoài: “Viết tình yêu như thế nào? Đọc Man nương của Phạm Thị Hoài”; “Ngàn lẻ một phép ảo thuật của Hà Nội thời nay”. Đọc Tiệm may Sài Gòn và Thực đơn chủ nhật của Phạm Thị Hoài, tác giả khẳng định, Phạm Thị Hoài đã có những cách tân trong quan điểm sáng tác và tư duy nghệ thuật, theo đó, với Phạm Thị Hoài, văn học trước hết là nghệ thuật của ngôn từ: “hình thức và nội dung không còn là hai khái niệm khác biệt nhau, đối lập nhau. Ở đây, nội dung và hình thức là một. Chữ không chỉ dùng để tải ý, nó không chỉ có nghĩa, mà còn có âm thanh, nhạc điệu. Mỗi con chữ có một cuộc sống riêng, một bí mật riêng, một phiêu lưu riêng” [152; 42]. Những trăn trở về giới nữ trong văn học cũng được Đoàn Cầm Thi quan tâm. Ở bài viết “Khi đàn ông viết về đàn bà, đọc Gió dại của Bảo Ninh”, tác giả đi đến kết luận: “Ngược dòng không gian và thời gian đi tìm người đàn bà đã chết, trả lại cho phụ nữ vai trò hướng đạo trong nghệ thuật và tình yêu, trả lại cho phụ nữ bí mật của phụ nữ, đó là… khi đàn ông viết về đàn bà” [152; 72]. Đặc biệt, trong bài viết “Phụ nữ/ Văn học/ Toàn cầu hóa”, Đoàn Cầm Thi đã đặt vấn đề với hàng loạt câu hỏi: “liệu văn chương Việt, sau nhiều năm cô lập với thế giới bên ngoài, cắm rễ khá sâu
trong chủ nghĩa quốc gia cùng văn hóa nông nghiệp và đấu tranh giai cấp, có tìm được nguồn cảm hứng mới trên con đường gặp gỡ các nền văn hóa khác? Việc sử dụng Internet có dẫn đến những cách tân về văn học? Văn hóa mạng đã ảnh hưởng như thế nào đến thi pháp của các nhà văn Việt?”. Và chính văn học nữ, mà cụ thể văn xuôi nữ là câu trả lời của những vấn đề hệ trọng đó. Lý giải điều này, Đoàn Cầm Thi đã đề cập đến những vấn đề căn bản thuộc về bối cảnh lịch sử, văn hóa và sự phát triển của văn xuôi nữ Việt Nam đương đại. Theo tác giả: “Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ một phần vì ở một nước như Việt Nam, so với nam giới, phụ nữ thường bị trói buộc và “kìm” chân nhiều hơn, nên cũng gặt hái nhiều hơn nhờ toàn cầu hóa và Internet, phương tiện công bằng nhất, dân chủ nhất, mà con người có được hiện nay, trong quá trình phân phối tri thức và thông tin. Rõ ràng, các tác giả nữ đã tỏ ra vô cùng nhạy cảm với đề tài này. Một điều đáng ghi nhận nữa ở đây: nội dung mới này đã làm thăng hoa những cái “tôi” trước đây còn ngập ngừng e sợ” [152; 107-108].
Một công trình tương đối hệ thống và bài bản nghiên cứu về truyện ngắn nữ Việt Nam sau 1975 của tác giả người nước ngoài là Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Trên tư liệu truyện ngắn ba nhà văn nữ) của Hoàng Dĩ Đình – chuyên gia Việt Nam học người Trung Quốc. Đây là Luận án Tiến sĩ được bảo vệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2012. Mặc dù là luận án thuộc chuyên ngành Ngôn ngữ học nhưng những phân tích và đánh giá của tác giả là rất đáng quan tâm. Luận án đã khảo sát và chỉ ra đặc điểm ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn của ba nhà văn nữ: Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo và Phan Thị Vàng Anh trên các bình diện: các ký hiệu ngôn ngữ dùng để thể hiện điểm nhìn, thời gian; đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trần thuật; phong cách ngôn ngữ trần thuật; chiến lược trần thuật. Đồng thời, công trình đã nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn của ba nhà văn này trên các bình diện người trần thuật, điểm nhìn, thời gian, trong đó trọng tâm là phương thức kể chuyện của người trần thuật, cách lựa chọn và sử dụng từ nhân xưng – ngôi trong điểm nhìn, phương thức xếp thời gian trong văn bản. Ngoài ra, tác giả luận án cũng tập trung phân tích các phương thức, kỹ xảo trần thuật của truyện ngắn ba nhà văn nữ. Trên cơ sở đó, công trình đã khẳng định đặc tính ngôn ngữ cũng như phong cách nghệ thuật của họ. Dù là công trình thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học nhưng với việc sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, lại liên quan đến văn học, những kết luận
của tác giả về phong cách ngôn ngữ trong truyện ngắn của ba tác giả nữ là tương đối thuyết phục, trong đó Nguyễn Thị Thu Huệ gắn liền với các kiểu câu trần thuật rút gọn, Phan Thị Vàng Anh có phong cách trần thuật khách quan, trong khi Võ Thị Hảo dụng công với cái kỳ ảo,…
Như vậy, việc truyện ngắn nữ được quan tâm nghiên cứu của các tác giả ở nước ngoài, tuy số lượng chưa nhiều và chưa chuyên sâu nhưng cũng phần nào cho thấy vị thế và sức hấp dẫn của đối tượng này. Qua những công trình điểm đến ở trên, mặc dù đề tài tình yêu - hôn nhân - gia đình không được đề cập trực tiếp nhưng thông qua việc vận dụng các lý thuyết hiện đại, các tác giả đã cung cấp những góc nhìn mới mẻ về các tác giả, tác phẩm truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, thiết lập một số luận điểm có thể kế thừa và đối thoại trong luận án của chúng tôi.
Tóm lại, trên cơ sở bao quát những tư liệu tiêu biểu liên quan đến vấn đề nghiên cứu của đề tài, có thể khẳng định, truyện ngắn nữ Việt Nam từ sau 1975 là một đối tượng quan trọng. Với những thành tựu đã đạt được, các tác giả nữ đã khẳng định được vị thế vững chắc của mình, góp phần quan trọng tạo dựng diện mạo thể loại truyện ngắn Việt Nam sau 1975. Cùng với đó, việc nghiên cứu truyện ngắn nữ thời kỳ này đã có những bước phát triển đáng kể, từ những bài phê bình điểm sách đơn lẻ đến lồng ghép trong những nhận định về văn xuôi nói chung, thể loại truyện ngắn nói riêng thì gần đây, bắt đầu xuất hiện những công trình tương đối công phu, bài bản và chuyên biệt về truyện ngắn nữ. Thông qua những công trình này, những giá trị và đóng góp của truyện ngắn nữ đã được nhận diện và mô tả tương đối thuyết phục với nhận định chung là nữ giới đã san phẳng cách biệt và sự bất bình đẳng với nam giới trong địa hạt thể loại (truyện ngắn). Mặt khác, các nhà nghiên cứu đã dụng công phân tích đặc trưng tư duy nghệ thuật của các cây bút truyện ngắn nữ. Ở xu hướng nghiên cứu này, việc vận dụng những lý thuyết hiện đại trên thế giới, đặc biệt từ phương Tây như nữ quyền luận, phân tâm học,… đã góp phần xác định những đặc trưng của giới nữ, mang đến không ít những kết luận mới mẻ. Cùng với đó, những nghiên cứu về cách tân thi pháp thể loại truyện ngắn nữ trên các phương diện quan niệm nghệ thuật, hình tượng nhân vật, không gian – thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ trần thuật,… cũng được giới nghiên cứu chú ý.
Các công trình ở các góc nhìn và mức độ khác nhau cũng đề cập đến vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình trong truyện ngắn nữ Việt Nam sau 1975. Tuy nhiên, như chúng tôi đã khẳng định, chưa có một công trình chuyên biệt nghiên cứu về đề
tài này. Hàng loạt những khoảng trống cần bổ khuyết: vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình có vai trò như thế nào trong tư duy và những thể nghiệm nghệ thuật của các tác giả truyện ngắn nữ?; nếu đó là đề tài mang đặc trưng nữ giới thì các tác giả nữ đã khai thác, biểu hiện ra sao, thành công và những giới hạn?; viết về đề tài tình yêu - hôn nhân - gia đình, các tác giả truyện ngắn nữ đã có những cách tân lối viết như thế nào để đóng góp vào hành trình đổi mới thể loại?... Hàng loạt những câu hỏi đặt ra cần nghiên cứu và giải đáp. Trong luận án, chúng tôi lựa chọn phương pháp nghiên cứu liên ngành cùng với một số phương pháp khác để góp phần làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra trên đây.