Loại truyện có cốt truyện và cách tổ chức cốt truyện

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 120 - 123)

6. Cấu trúc của luận án

4.2.1. Loại truyện có cốt truyện và cách tổ chức cốt truyện

Cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [60; 99]. Trong truyện ngắn truyền thống, cốt truyện đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, trong truyện ngắn đương đại, vai trò của cốt truyện có những thay đổi theo sự phát triển của thể loại. Trong bối cảnh cách tân mạnh mẽ của văn học Việt Nam đương đại, truyện ngắn các nhà văn nữ về tình yêu - hôn nhân - gia đình đã có những thể nghiệm sáng tạo cốt truyện độc đáo. Có thể kể đến hai xu hướng cách tân cốt truyện tiêu biểu: xu hướng đổi mới trên cơ sở phương thức tổ chức cốt truyện truyền thống và xu hướng thể nghiệm truyện không có cốt truyện.

Cốt truyện luôn gắn liền với tình huống, sự kiện và chi tiết truyện kể. Trong truyện ngắn về tình yêu - hôn nhân - gia đình của các nhà văn nữ đương đại, kiểu cốt truyện sự kiện thực sự đóng vai trò quan trọng. Kiểu cốt truyện sự kiện là kiểu cốt truyện cơ bản của truyện ngắn truyền thống (trước 1975), lấy sự kiện làm yếu tố chủ đạo. Trong truyện ngắn truyền thống, cốt truyện được xây dựng theo cấu trúc chặt chẽ, thường được triển khai theo logic, trình tự, gồm: trình bày – thắt nút – phát triển – cao trào – mở nút, hoặc rút gọn thành: khởi đầu - biến cố - kết thúc. Ở Việt Nam, cốt truyện sự kiện được sử dụng phổ biến trong truyện ngắn đầu thế kỷ XX, đặc biệt là truyện ngắn của các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực phê phán. Truyền thống duy trì tính chuyện của cốt truyện sự kiện tiếp tục được các cây bút truyện ngắn trung thành sử dụng trong giai đoạn 1945-1975. Từ sau 1975, đặc biệt là từ sau 1986, trong sự tiếp xúc, giao lưu ngày càng mạnh mẽ với văn học hiện đại, đương đại thế giới, các cây bút truyện ngắn Việt Nam đã đổi mới quyết liệt cả về tư duy nghệ thuật và phương thức thể hiện, trong đó cốt truyện sự kiện vẫn hiện diện nhưng đã có những thay đổi, cách tân mạnh mẽ. Riêng đối với truyện ngắn nữ, nhất là truyện ngắn nữ về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, cốt truyện sự kiện đã có những đổi mới quan trọng theo hướng ngày càng mờ nhạt tính chuyện và được tổ

chức phức tạp hơn rất nhiều. Xu hướng chung là các tác giả đã kéo giãn cấu trúc chặt chẽ vốn có của các sự kiện bằng các phương thức kết cấu đa dạng, linh hoạt nhằm phá vỡ trật tự tuyến tính của truyện kể.

Có thể nói, kiểu cốt truyện truyền thống phần lớn đã được truyện ngắn các nhà văn nữ đương đại gia công làm mới bằng việc hạn chế cấu trúc tuyến tính của sự kiện truyện kể. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, câu chuyện bắt đầu từ thời điểm hiện tại với sự kiện Nương và Điền cứu Sương, người đàn bà hành nghề “buôn phấn bán hương” và để Sương sống cùng gia đình mình. Từ đây gia đình họ xuất hiện những xáo trộn. Và những xáo trộn ấy gợi nhớ trong ký ức của Nương những kỷ niệm về má, về quãng đời phiêu bạt của ba cha con từ khi má bỏ nhà đi theo người đàn ông bán vải, về những cuộc tình chớp nhoáng của cha để trả thù những người đàn bà. Câu chuyện sau đó lại vòng về thực tại với sự kiện dịch cúm gia cầm bùng phát, để cứu đàn vịt khỏi bị tiêu hủy, chị Sương đã bán mình rồi bỏ đi trước thái độ lạnh lung, khinh miệt của cha Nương. Sau khi chị Sương đi, Điền cũng bỏ đi tìm chị. Truyện kết thúc với việc Nương bị hãm hiếp và những suy nghĩ của nhân vật về việc nếu đứa con được sinh ra, cô sẽ nuôi dạy con ăn học cẩn thận để thoát ra khỏi cuộc sống hận thù, để được sống trong yêu thương, hạnh phúc. Như vậy, truyện ngắn vẫn duy trì vai trò quan trọng của sự kiện và người đọc vẫn có thể tóm tắt được cốt truyện. Tuy nhiên, thay vì bảo đảm tính chặt chẽ của trật tự tuyến tính đã bị phá vỡ, là sự đan xen liên tục của các mạch truyện ở hiện tại và quá khứ, giữa sự kiện với tâm lý của nhân vật.

Theo quan niệm của Aristotle, trong cấu trúc của cốt truyện, có thể phân chia thành hai kiểu/ loại: cốt truyện đơn giản và cốt truyện phức tạp. Theo đó, “Trừ những cốt truyện đơn giản với các hành động liên tục, thống nhất thì ở cốt truyện “đan vào nhau” (phức tạp) hành động của nhân vật luôn diễn ra qua đột biếnnhận thức. Đột biến tức là sự thay đổi sự kiện theo chiều ngược lại và sự chuyển biến từ chỗ không biết đến biết thông qua đột biến là sự nhận biết có ý nghĩa nhất. Tuy nhiên, đột biến hay nhận thức phải bắt nguồn từ chính bản thân thành phần cốt truyện” [92;46]. Sự đan cài giữa các mạch truyện khác nhau, đặc biệt là giữa sự kiện, biến cố với nhận thức, tâm lý của nhân vật là xu hướng cách tân đáng kể trên nền tảng của cốt truyện truyền thống được các nhà văn nữ đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình tích cực thể nghiệm. Trong truyện ngắn Bảy ngày trong đời, Nguyễn Thị Thu Huệ đã sử dụng 13 sự kiện, bao gồm: (1) Sánh bị

thương hồi chiến tranh; (2) Tình cảnh của Sánh trong chiến tranh; (3) Sánh rời quân ngũ trở về quê, mất nhà cửa; (4) Sánh gặp và yêu Lụa, hai người có sáu ngày ở bên nhau; (5) Sánh và Lụa hẹn hò trước khi Sánh ra đi một ngày; (6) Lụa có thai trong khi Sánh ra đi và chưa về theo lời hẹn; (7) Lụa nhớ đến dự định của cả hai về việc sinh con; (8) Lụa nhớ về chuyện Sánh hứa cưới Lụa làm vợ; (9) Bố mẹ Lụa tra hỏi Lụa; (10) Cái thai trong bụng Lụa lớn dần nhưng cô quyết không đi tìm Sánh mặc cho bố mẹ mắng chửi; (11) Lụa sinh con gái, đặt tên là Khánh; (12) Lụa tìm gặp bạn của Sánh; (13) Bạn của Sánh đưa mẹ con Lụa đi gặp Sánh. Mạch truyện được Nguyễn Thị Thu Huệ cấu trúc không theo tuần tự tuyến tính như trên mà đảo thành: (2) - (3) - (4) - (8) - (1) - (5) - (10) - (6) - (7) - (9) - (11) - (12) - (13). Những sự kiện đan xen chặt chẽ giữa hành động và dòng hồi ức, những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật và không ngừng chuyển hóa để đẩy mạch truyện phát triển. Đây là trường hợp tương đối điển hình cho cách tổ chức cốt truyện trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Chủ ý đi sâu khám phá thế giới nội tâm phong phú, phức tạp của con người trong cuộc sống thường nhật mang đậm tính chất cá nhân. Rõ ràng câu chuyện rất hấp dẫn, gây ra “độ căng” nhất định trong tiếp nhận của độc giả nhưng không phải được xây dựng trên cơ sở của những mâu thuẫn trực tiếp như trong truyện ngắn truyền thống.

Chuyển đổi liên tục giữa những “đột biến” và “nhận thức” nhằm hướng đến giảm thiểu tính chuyện của truyện kể là những nỗ lực đáng kể của các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình. Những thể nghiệm cách tân như thế có thể thấy ở các truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải, Dòng nhớ, Chiều vắng, Hiu hiu gió bấc,… của Nguyễn Ngọc Tư,

Người đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Người đàn bà có ma lực,… của Y Ban, Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Nhà có ba chị em,… của Võ Thị Xuân Hà, Cát đợi, Thành phố đi vắng,… của Nguyễn Thị Thu Huệ, Cơn mưa cuối mùa, Đồng đô la vĩ đại,… của Lê Minh Khuê, Tàu ngầm xuyên đại dương, Bức tranh cuối cùng, Dịu dàng như cỏ,… của Trần Thùy Mai,… Những thể nghiệm đổi mới phương thức tổ chức cốt truyện truyền thống như thế đã phát huy khả năng phản ánh và biểu hiện con người cá nhân trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. Đó thực sự là những mảnh đời của những con người bé nhỏ trước những vần vũ của cuộc đời, trước muôn nẻo nhân sinh đầy trắc trở. Thay vì phản ánh hiện thực, sự nghiền ngẫm ở chiều sâu thế giới tinh thần, ở những diễn biến tinh tế và cá biệt nhất của con người, đặc biệt là người

phụ nữ, đã phát huy triệt để thế mạnh của những ngòi bút nữ để khám phá muôn vàn cung bậc của tình yêu, của đời sống hôn nhân, gia đình đầy biến ảo trong cuộc sống hôm nay. Từ chối cái nhìn phân đôi thế giới vốn là đặc trưng của thể tài sử thi và thế sự, truyện ngắn nữ đã đi sâu vào những khía cạnh khuất lấp của thân phận con người khi đối mặt với những cái “dở dang”, “lỉnh kỉnh” của cuộc nhân sinh đầy bí ẩn. Ở đó, người đọc được trải nghiệm những cung bậc muôn màu của tình yêu thời hiện đại, của cuộc sống hôn nhân và gia đình tưởng rằng bình yên nhưng ẩn chứa đầy sóng gió, bắt gặp những trăn trở khôn nguôi để truy tìm hạnh phúc đích thực. Vượt lên trên cái nhìn thuần túy mang tính phản tư về cuộc thế đang xoay chuyển chóng mặt, đe dọa đến những nền móng văn hóa, đạo đức xã hội, các cây bút nữ đã dũng cảm mổ xẻ những rung động thẳm sâu đầy tinh thần nhân bản. Đây thực sự là những đóng góp lớn của những “người đàn bà viết” vào những đổi mới thể loại truyện ngắn nói riêng, văn học Việt Nam đương đại nói chung.

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 120 - 123)