Loại truyện có cốt truyện mờ hoặc bị phân rã và cách cấu trúc

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 123 - 127)

6. Cấu trúc của luận án

4.2.2. Loại truyện có cốt truyện mờ hoặc bị phân rã và cách cấu trúc

Gắn với xu thế giảm thiểu tính chuyện của truyện kể, khi viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã mạnh dạn thể nghiệm những cách tân mới mẻ ở xu hướng truyện không có cốt truyện. Ở đây, thay vì đặt trọng tâm truyện kể ở những sự kiện và diễn biến tâm lý của nhân vật, các tác giả đã đẩy sự mờ hóa các đường viền tự sự lên cao độ. Trong xu hướng này, thay vì sáng tạo nên câu chuyện, các tác giả truyện ngắn nữ lại thể nghiệm và khắc sâu những ấn tượng để kích hoạt mạnh mẽ hoạt động đồng sáng tạo của độc giả. Trong xu hướng này, người đọc khó mà tóm tắt được một cốt truyện hoàn chỉnh, hoặc chỉ nắm bắt được những khung khổ rất sơ lược về truyện kể. Phần quan trọng nhất của câu chuyện chính là những trạng thái tâm lý nhiều khi hết sức mơ hồ hoặc những mảnh ghép hỗn độn của cuộc sống. Nổi bật nhất trong xu hướng tổ chức cốt truyện này là sự thể nghiệm dòng ý thức và ghép mảnh truyện kể.

Dòng ý thức trong văn học là thuật ngữ dùng để chỉ một xu hướng văn học quan trọng của thế kỷ XX. Bắt nguồn từ những thành tựu tâm lí học của William James, Phân tâm học của Sigmund Freud, Tâm lí học phân tích của Carl Gustav Jung, Triết học trực giác của Henri Bergson,… dòng ý thức trong văn học là những cố gắng đạt đến sự chân thực của tâm lí cá nhân. Sự phá bỏ những trật tự logic của thế giới khách quan vốn là sản phẩm của tư duy duy lý, dòng ý thức trong văn học chủ trương khám phá những bí ẩn thực sự của con người và thế giới, nơi mà lí trí

của con người khó bề đạt đến. Những cách tân hình thức của văn học dòng ý thức là những cố gắng đạt đến sự chân thực của ý thức cá nhân, của dòng chảy không ngừng, bất định với đầy rẫy những hình ảnh, ảo giác. Văn học dòng ý thức viết về tâm lí và ý thức nhân vật, để nhân vật tự bộc lộ thông qua độc thoại nội tâm, tự do liên tưởng. Văn học dòng ý thức phá vỡ kết cấu trần thuật trật tự và tuyến tính, lấy dòng ý thức và hoạt động tâm lí của nhân vật làm sợi dây kết cấu xuyên suốt tác phẩm, đảo lộn trật tự không gian, thời gian tự nhiên, quá khứ, hiện tại, tương lai hoặc là đồng hiện, hoặc giao nhau, hoặc đảo nhau, có khi lấy dòng ý thức và hoạt động tâm lí nhân vật là một sợi dây từ một điểm tỏa đi nhiều hướng để tổ chức truyện kể. Những điều này đều làm cho tính hoàn chỉnh của câu chuyện bị chia tách, tính liên tục của tình tiết bị thủ tiêu, tâm lí nhân vật không phù hợp logic, chỉnh thể trần thuật nhảy vọt, xáo trộn. Trong sáng tác của các cây bút truyện ngắn nữ về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình, tuy không có những tác phẩm đúng nghĩa là văn học dòng ý thức nhưng những phương thức tổ chức tác phẩm của dòng văn học này đã được vận dụng phổ biến.

Ở những truyện ngắn thể nghiệm theo xu hướng này, các tác giả thường tập trung khai thác một hoặc một vài trạng huống tâm lý nhất định, từ đó kết nối với những trạng huống khác, tạo thành dòng chảy của truyện kể. Không còn xung đột, mâu thuẫn, giờ đây tác phẩm trở thành dòng chảy được tạo nhịp bằng những phương thức nghệ thuật khác. Ví dụ, trong truyện ngắn Coi như không biết của Nguyễn Thị Thu Huệ, thời gian của câu chuyện rất ngắn, từ tối hôm trước đến tối hôm sau, xoay quanh cú điện thoại của nhân vật tên Văn với một cô gái điếm. Người đọc được biết Văn chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ, đã có gia đình và có tình yêu với một cô gái điếm. Trong buổi chiều hôm trước, cô gái đó đã hẹn với Văn khi xong việc sẽ gọi cho anh nhưng mãi đến gần sáng cô mới gọi và đó là lúc cô đã bị thương nặng vì đánh nhau với kẻ nhắn tin cho Văn để đòi nợ cô. Cô gái đã thu xếp để Văn nhắn tin cho người bạn để đưa cô đến bệnh viện và kiên quyết không cho anh đi theo để anh bảo vệ luận án tiến sĩ vào sáng hôm sau. Nhưng sau khi bảo vệ thành công luận án, Văn đã thành người tâm thần. Chỉ một ít chi tiết có tính chất sự kiện như vậy nhưng trong toàn bộ truyện ngắn này, nó bị làm mờ đi bởi những dụng công tạo lập dòng chảy tâm trạng của nhân vật, bằng sự giữ nhịp kể như thể một bài thơ. Dòng cảm xúc được gắn kết với nhau bằng các cụm từ: “Tất cả chết hết rồi”; “Xongem gọi anh ngay”; “Cuối cùng em cũng gọi” lặp đi lặp lại hàng chục lần tạo

nên sự chập chờn, mơ hồ đầy ám ảnh về tình yêu, về cái lẽ được mất ở đời [200; 30- 35]. Tương tự như thế, ở trường hợp truyện ngắn Cầu thang, cách đếm nhịp lên xuống cầu thang ở nơi làm việc và nơi Trân đến với người đàn ông vì đam mê thể xác đã trở thành tiết tấu của truyện, để giúp nhà văn thăm dò và biểu hiện cái chống chếnh, chênh vênh của người đàn bà trong kiếp hiện sinh. Thể nghiệm chảy trôi dòng ý thức, Cát đợi của Nguyễn Thị Thu Huệ đã triệt tiêu hoàn toàn cốt truyện, chỉ còn lại những bí ẩn không cùng của tâm trạng cô gái bên bờ cát, bên bờ những cuộc tình không thôi khao khát của mình. Những thể nghiệm độc đáo như thế cũng có thể thấy trong Giai nhân, Biển ấm, Phù thủy, Với tay là đến,… của Nguyễn Thị Thu Huệ, Ván thế, Dưới cơn gió thoảng,… của Võ Thị Xuân Hà, Một trái tim khô, Một mối tình, Một chuyện hẹn hò, Giao thừa, Trò chơi quên nhớ,… của Nguyễn Ngọc Tư, Cuộc tình silicon, Ai chọn giùm tôi,… của Y Ban, Man nương của Phạm Thị Hoài,… Khắc sâu vào những bất định tâm lý, đưa tiết tấu trở thành yếu tố ưu trội trong tổ chức truyện kể, các cây bút nữ đương đại đã thực sự bắt nhịp với dòng chảy cách tân truyện ngắn hiện đại. Những cách tân này đã góp phần quan trọng để biểu hiện và khám phá những vấn đề mới mẻ của con người trong tình yêu, trong đời sống hôn nhân, gia đình, đặc biệt từ phía những người phụ nữ. Tổ chức cốt truyện theo dòng tâm tư, dòng ý thức là tiếng nói mang đậm tính cá biệt và sinh động về hành trình đi tìm bản thể, đi tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời, tuy gian nan, thậm chí bất định nhưng đầy cuốn hút của hiện sinh nhân thế.

Bên cạnh xu hướng vận dụng dòng ý thức làm mờ hóa các đường viền truyện kể, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại cũng thường xuyên thể nghiệm thủ pháp ghép mảnh để tổ chức truyện kể. Ghép mảnh là một phương thức tổ chức truyện kể tiêu biểu, đóng vai trò quan trọng trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Khái niệm này được sử dụng ở đây dựa trên cơ sở hai thuật ngữ căn bản của tự sự hiện đại: phân mảnhlắp ghép. Ghép mảnh như thế được hiểu là sự lắp ghép rời rạc, cố ý loại bỏ tính trật tự giữa các mảnh truyện tồn tại độc lập tương đối bên cạnh nhau. Không có xung đột thúc đẩy mạch truyện, tất yếu dẫn đến vai trò của cấu trúc. Ở những truyện ngắn này, thay vì dựa vào trình tự sự kiện thiết yếu mang tính đơn nghĩa, các mảnh truyện đã được tháo rời, xáo trộn, tạo ra vô số khả năng, những tình huống đa trị với những ráp nối linh hoạt. Truyện kể bị tháo rời thành những mảnh vụn, rời rạc, chứa đựng vô số những đứt gẫy, quanh co, phức tạp. Sự thể nghiệm ghép mảnh trong tổ chức truyện kể như thế

xác lập một cơ chế tổ chức nghĩa khác biệt nhằm đi sâu vào những tầng vỉa vô cùng phong phú của cá nhân con người trong tình yêu, trong hôn nhân và cuộc sống gia đình. Ghép mảnh phá vỡ tính chất rõ ràng, lớp lang, trật tự của dòng sự kiện vốn có khả năng tự vận động sinh nghĩa trong tự sự truyền thống. Giờ đây, nghĩa được tạo sinh từ sự tái lắp ghép và diễn giải các mảnh vỡ truyện kể trong sự đối âm phức tạp. Thể nghiệm những mảnh vỡ truyện kể, các tác giả truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại tiến hành lồng ghép, đan cài các mạch truyện khác nhau nhằm phá vỡ logic và trật tự truyện kể. Trong truyện ngắn Mẹ không thể xin lỗi con của Y Ban, tác giả sử dụng ba mảnh ghép tương đối độc lập, đồng thời cũng là ba mạch truyện: Mảnh ghép 1: Thời gian năm 2006: “Con gái tôi và tôi”; Mảnh ghép 2: Thời gian năm 1982: “Tôi và mẹ tôi”; Mảnh ghép 3: Thời gian năm 1964: “Mẹ tôi và bà ngoại tôi” [191; 511-524]. Những mảnh ghép như thế tồn tại tương đối độc lập, vừa có ý nghĩa tự thân, vừa gắn bó chặt chẽ với nhau tạo ra những suy tưởng thẩm mỹ tự do trong quá trình tiếp nhận. Cách tổ chức cốt truyện như thế cũng có thể thấy trong

Hậu thiên đường, Không thể kết thúc, X-men có mùi trường đua, Cú mèo và rượu hoa,... của Nguyễn Thị Thu Huệ, Biển đời mênh mông, Cái nhìn khắc khoải,... của Nguyễn Ngọc Tư, Chín bỏ làm mười của Phạm Thị Hoài,... Bên cạnh những thể nghiệm lắp ghép mạch truyện, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình cũng dụng công tạo dựng mảnh vỡ tạo độ trễ cực hạn của cốt truyện thông qua việc thể nghiệm đa dạng các hình thức kết truyện. Đó có thể là kết thúc mở đầy ám ảnh trong Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ khi người mẹ chết vì tai nạn xe trong khi người con gái đang trong vòng tay của người đàn ông đã có vợ, trượt dài trong chính vết xe đổ của người mẹ khi xưa. Đó có thể là cái hoang hoải mơ hồ đầy khắc khoải khi kết thúc truyện trong Hiu hiu gió bấc, Cảm giác trên dây của Nguyễn Ngọc Tư. Đó có thể là hình thức đa kết để người đọc tự chọn lựa trong Cô gái đúc thánh của Võ Thị Xuân Hà,... Cùng với đó, các cây bút nữ đương đại cũng mạnh dạn thể nghiệm lai ghép các hình thức thể loại trong sáng tạo truyện ngắn về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Đó là hình thức lai ghép thơ trong

Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Người đàn bà có ma lực của Y Ban, Mười ngày của Phan Thị Vàng Anh; lai ghép nhật ký trong Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ; lai ghép âm nhạc trong Rap Việt của Lê Minh Khuê, Nàng thơ của Y Ban;... Những nỗ lực sáng tạo để ngỏ kết thúc truyện làm tăng thêm tính chất mơ hồ, vụn vỡ của cốt truyện, nhấn sâu vào những dang dở trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc không

ngừng nghỉ. Đúng như Barry Lewis đã nói: “Hoặc là cốt truyện bị nghiền nát thành từng viên nhỏ của biến cố và hoàn cảnh, nhân vật bị phân tán thành một bó của những khát vọng nhức nhối, cảnh trí thì chỉ hơn những phông màn dựng tạm một chút mà thôi, hoặc đề tài trở thành mơ hồ đến nỗi nếu như cho rằng những tác phẩm đó nói “về” điều này hay điều nọ thì thật là sai lầm một cách buồn cười” [124; 245]. Viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình với những cách tân trong tổ chức cốt truyện như thế, các cây bút truyện ngắn nữ không chỉ đạt được mục tiêu sáng tạo của mình mà còn trực tiếp góp phần đổi mới tư duy và lối viết của thể loại truyện ngắn trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại.

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 123 - 127)