6. Cấu trúc của luận án
4.3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật
4.3.1. Nhìn chung về thế giới nhân vật trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại
Nhân vật văn học được hiểu là “con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” (Từ điển thuật ngữ văn học)[58; 235]. Đây là quan niệm khái quát, chứa đựng những vấn đề phức tạp về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật văn học, bởi đây là “một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống” [60; 235]. Mặt khác, sự biến đổi từ thực tiễn sáng tạo trong lịch sử đã đặt ra những vấn đề đặc biệt phong phú về vấn đề này. Từ cái nhìn có tính khái quát, có thể khẳng định, nhân vật gắn bó chặt chẽ với quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của tác giả, đồng thời luôn song hành với chủ đề và tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Bên cạnh đó, nhân vật không tách rời các yếu tố phức tạp khác của chỉnh thể tác phẩm nghệ thuật. Nhân vật văn học “được miêu tả qua các biến cố, xung đột, mâu thuẫn và mọi chi tiết các loại. Đó là mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu thuẫn giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa tuyến nhân vật này với tuyến nhân vật khác. Cho nên nhân vật luôn gắn liền với cốt truyện. Nhờ được miêu tả qua xung đột, mâu thuẫn nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật văn học là một chỉnh thể vận động, có tính cách được bộc lộ dần trong không gian, thời gian, mang tính quá trình” [60; 236]. Vì tính chất linh hoạt, phức tạp của vấn đề, việc phân chia nhân vật cũng đa dạng, tùy thuộc vào quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Về cơ bản, nếu căn cứ vào vị trí của nhân vật trong tương quan với những bình diện cơ bản của truyện kể có thể phân chia thành nhân vật chính và nhân vật phụ; căn cứ vào đặc điểm tính cách có thể phân chia thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện; căn cứ vào thể loại có thể phân
chia thành nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch; dựa vào cấu trúc hình tượng có thể phân chia thành nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng. Đặc biệt, từ thực tiễn sáng tạo vô cùng phong phú của văn học hiện đại nói chung, thể loại truyện ngắn nói riêng, những tư duy lý luận về vấn đề nhân vật văn học đã bộc lộ không ít sự hạn hẹp, đòi hỏi sự linh hoạt trong cách thức tiếp cận vấn đề. Hiểu như vậy, có thể thấy, nhân vật trong truyện ngắn nữ viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình là một thế giới phong phú, đa dạng, độc đáo, trực tiếp góp phần tạo nên những nhận thức mới về vấn đề này của các cây bút truyện ngắn nữ, đồng thời gắn bó chặt chẽ với những vấn đề căn cốt khác của nghệ thuật truyện ngắn như cốt truyện, tình huống, xung đột truyện kể, ngôn ngữ, giọng điệu nghệ thuật,…
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình đặc biệt sinh động, phong phú và đa dạng. Mỗi nhà văn với thế mạnh và phong cách khác nhau đã hướng sự quan tâm đến những con người ở những hoàn cảnh khác nhau. Đó là thế giới con người thành thị với những chông chênh đổ vỡ trước cơn bão thời cuộc xoay vần trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban; đó là những con người mất phương hướng trước áp lực hiện sinh tới cùng cực trong truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Đỗ Hoàng Diệu; những con người ở những miền quê đặc quánh những áp đặt định kiến trong truyện ngắn Nguyễn Thị Ngọc Tư, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai;… Mỗi nhà văn nữ đều để lại dấu ấn sáng tạo trên phương diện cá thể hóa nhân vật trong tác phẩm của mình nhưng điểm chung dễ nhận thấy trong truyện ngắn của họ là sự chuyển dịch nhân vật theo xu hướng thế sự, đời tư. Như chúng tôi đã khẳng định, sự khước từ loại hình nhân vật chức năng, nhân vật loại hình của nguyên tắc bổ đôi thế giới trong truyện ngắn giai đoạn 1945 - 1975, truyện ngắn nữ đương đại chú trọng xây dựng nhân vật tính cách với chiều sâu tâm lý để biểu lộ tư tưởng nghệ thuật. Dù viết về nhân vật chính là những người đàn ông, phụ nữ hay trẻ em trong mối quan hệ tình yêu, hôn nhân hay gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ đã khắc họa những con người đa diện, không thuần nhất với những trạng huống sinh động, đơn nhất mang cảm hứng đời tư sâu sắc. Hầu hết các nhân vật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình đều là sản phẩm của cái nhìn đa diện, phức hợp như thế. Ở trường hợp những nhân vật đóng vai trò phản diện, nhất là những người đàn ông bất toàn, những người phụ nữ tha hóa, chủ yếu đều được đưa vào trường nhìn của nhân
vật chính, trở thành một trở lực, một đối trọng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật chính hơn là mục tiêu xây dựng một nhân vật phản diện điển hình. Chẳng hạn, người đàn ông trong Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ, Dòng sông hủi của Đỗ Hoàng Diệu, người chồng trong Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai, người đàn ông trong Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê,… là những nhân vật như thế. Trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân - gia đình, dù ở nông thôn, thành thị hay miền núi; dù là đàn ông, đàn bà hay những đứa trẻ thơ; dù xinh đẹp, thành đạt, hạnh phúc hay bất hạnh;… thì nổi bật trong truyện ngắn của các cây bút nữ Việt Nam đương đại chính là hành trình đầy nhọc nhằn, cay đắng để tìm thấy ý nghĩa đích thực của hai từ hạnh phúc, để khẳng định mình trong cõi thế bất toàn. Bởi thế cho nên, nhìn một cách tổng thể, thế giới nhân vật truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình nổi lên một số kiểu nhân vật tiêu biểu: nhân vật kiếm tìm, nhân vật cô đơn và nhân vật bi kịch. Chính những nhân vật như thế đã giúp nhà văn biểu đạt những nhận thức mới về vấn đề này.
Trước hết có thể khẳng định, trong truyện ngắn nữ đượng đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, rất nhiều nhân vật đóng vai trò kiếm tìm ở những dạng thức và cấp độ khác nhau. Đó có thể là cuộc kiếm tìm tự do trước sự áp chế của tư tưởng nam quyền trong các truyện ngắn Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi,… của Đỗ Hoàng Diệu; tìm kiếm ký ức và sự hiện hữu của quá khứ trong Cải ơi, Dòng nhớ, Hiu hiu gió bấc,… của Nguyễn Ngọc Tư; kiếm tìm hạnh phúc và mục đích, giá trị sống thực sự sau những ảo vọng trong Người đàn bà ám khói, Hậu thiên đường, Cát đợi, Biển ấm,… của Nguyễn Thị Thu Huệ; kiếm tìm bản thể cá nhân trong ý nghĩa đích thực của nó trong Người đàn bà đứng trước gương, Người đàn bà sinh ra từ bóng đêm, Người đàn bà có ma lực,… của Y Ban;… Những nhân vật trong truyện ngắn của các nhà văn nữ có hoàn cảnh khác nhau, phải đối diện với những vấn đề khác nhau nhưng chính khát khao cháy bỏng hướng đến tình yêu và hạnh phúc đã khiến họ sẵn sàng chấp nhận những lựa chọn dấn thân một cách dứt khoát, mạnh mẽ. Chính những nhân vật sẵn sàng sống tận cùng với những khao khát, đam mê, không ngừng suy tư, lắng nghe tiếng lòng của mình chính là điểm nhấn quan trọng trong truyện ngắn nữ khi viết về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình. Những lựa chọn, dấn thân của họ có thể thất bại, cũng có thể họ không thể vượt qua những cơn “say nắng” ngoài vợ, ngoài chồng nhưng như chúng tôi đã khẳng định, thật khó để đánh giá thuần túy những con người như thế từ góc nhìn đạo đức, luân lý.
Sống hết mình, sẵn sàng dấn thân vào hành trình kiếm tìm hạnh phúc, nhưng các nhân vật thường không thuận buồm xuôi gió, bởi vậy kiểu loại nhân vật cô đơn, nhân vật bi kịch chiếm vị trí trọng tâm trong thế giới nhân vật của các nhà văn nữ đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Với nỗ lực xây dựng các nhân vật có thế giới nội tâm phong phú, các nhân vật trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại luôn có xu hướng đắm chìm trong những thế giới suy tư thầm kín, trở thành thế giới cô đơn đầy ám ảnh. Người đọc dễ dàng bắt gặp những nhân vật mang nỗi cô đơn chẳng thể giãi bày, chia sẻ cùng ai trong Mong manh như tia nắng, Cơn mưa cuối mùa, Một buổi chiều thật muộn, Nhà cổ, Giữa chiều lạnh,… của Lê Minh Khuê; Cái nhìn khắc khoải, Mối tình năm cũ, Chiều vắng, Một mối tình, Bởi yêu thương, Bến đò xóm Miễu… của Nguyễn Ngọc Tư; Sơ-ri đắng, Biển ấm, Cát đợi, Hậu thiên đường, Giai nhân,… của Nguyễn Thị Thu Huệ; Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, I am đàn bà, Người đàn bà có ma lực, Gà ấp bóng, Người đàn bà đứng trước gương,… của Y Ban;… Mỗi nhân vật đều có xu hướng chìm sâu vào miền ký ức của mình, tự tạo lập những ranh giới chẳng thể bước qua. Thế giới bi kịch, cô đơn thăm thẳm như thế trong trường hợp tiêu biểu ở truyện ngắn Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ đã để lại những suy tư sâu sắc trong tiếp nhận của bạn đọc. Bà mẹ cô đơn, cô con gái cô đơn trong những thế giới riêng của mình để rồi bi kịch ấp đến như một lẽ tất nhiên. Câu nói “I am đàn bà” của người đàn bà cô đơn nơi đất khách quê người sẽ chẳng thể cứu giúp cô trước tòa án công lý nhưng sẽ là lời khẳng định đầy nhân tính của nhà văn. Bích Thu rất đúng khi cho rằng: “Cô đơn trở thành chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều cây bút văn xuôi, bởi bản chất của tâm trạng cô đơn là khao khát cái đẹp, cái thiên lương của con người. Cô đơn là vấn đề của bản thể, cá nhân nhưng nó không hẳn là vấn đề riêng tư, nhỏ bé. Có thể nói từng cuộc đời riêng của mỗi cá nhân gộp lại thành vấn đề của cộng đồng, của xã hội, một khía cạnh của chủ nghĩa nhân đạo hôm nay. Trong không khí dân chủ hóa của nền văn học, các nhà văn đã có dịp đi sâu khám phá các phương diện và sắc thái khác nhau về trạng thái cô đơn của con người” [154]. Trên nền chung của bối cảnh đổi mới văn xuôi, với thế mạnh mang đặc trưng giới của mình, các cây bút truyện ngắn nữ tỏ ra nhạy cảm và có những đóng góp đáng kể khi xây dựng thế giới nhân vật cô đơn, bị kịch đặc sắc.
4.3.2. Nhân vật nữ và nghệ thuật xây dựng của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại Việt Nam đương đại
Trong thế giới nhân vật phong phú, đa dạng của truyện ngắn nữ khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, hệ thống các nhân vật nữ được đặc biệt quan tâm và là phần tạo nên sự đặc sắc khác biệt của các cây bút nữ so với các đồng nghiệp nam. Vị trí trung tâm của các nhân vật nữ được thể hiện ngay trong tiêu đề của các tác phẩm, tên tập, tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn. Ở những truyện ngắn thành công nhất của các cây bút nữ đương đại, nhân vật chính hầu hết là những người đàn bà. Họ hoặc xinh đẹp, quyến rũ, hoặc chịu những thiệt thòi, khiếm khuyết về hình thể,... điểm chung dễ nhận thấy chính là thế giới nội tâm rất phong phú, sinh động.
Để khắc họa thế giới nhân vật nữ đặc sắc trong mối quan hệ với tình yêu, đời sống hôn nhân, gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại có những đổi mới đáng kể trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động và tính cách nhân vật. So với truyện ngắn giai đoạn 1945 - 1975, vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật nữ đã không còn mang dáng dấp của những nhân vật nguyên phiến, sản phẩm của cái nhìn sử thi mà mang hơi thở của đời sống thế sự, đời tư. Thay vì miêu tả những mái tóc dài, ánh mắt biết nói đầy thánh thiện, nhân vật nữ giờ đây hiện diện với vẻ đẹp gắn liền với thiên tính nữ, đầy gợi cảm giới với những miêu tả gắn với con người tự nhiên, bản năng. Đó là sự khẳng định nhân vị giới độc đáo trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, vấn đề căn cốt tạo nên sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chính là sự dụng công khơi sâu vào thế giới tâm hồn phong phú và đầy bí ẩn của họ. Điểm khởi đầu và trung tâm của nghệ thuật khắc họa thế giới nội tâm ấy chính là hình tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất với cái nhìn nội quan độc đáo.
Khi sử dụng nhân vật người kể chuyện ngôi thứ nhất, các cây bút truyện ngắn nữ đã thể nghiệm cái tôi tự thuật giới tính độc đáo. Xây dựng hình tượng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất mang tính tự thuật là tương đối phổ biến trong truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, chính đặc trưng giới nữ đã tạo nên sự độc đáo và giá trị thẩm mỹ cho kiểu loại người kể chuyện ngôi thứ nhất trong truyện ngắn nữ. Quan điểm của các nhà phê bình nữ quyền đã xác quyết điều này. Trịnh Thanh Thủy có lý khi cho rằng: “Ở phụ nữ, nguyên do chính là sự lạc lõng và cô đơn. Họ cần sự chia sẻ và cảm thông. Có người gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình hay gặp trắc trở trong những giao tế ngoài xã hội. Người phụ nữ phải phấn đấu để vươn
lên, vượt thoát những ràng buộc thành kiến xã hội. Tất cả những hoang mang, lầm lẫn, xáo trộn tinh thần, tích lũy ngày càng nhiều, tạo sự uất ức không còn đè nén được và nó bùng nổ qua ngòi viết. Viết đã biến thành một thứ vũ khí của sự sống còn” [163]. Xuất phát từ những thế mạnh, từ nhu cầu biểu lộ cá nhân mãnh liệt như thế, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu hôn nhân, gia đình đã tự ý thức rõ ràng về thiên hướng lựa chọn xây dựng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và xem đây là trọng tâm trong sáng tạo của mình. Nói như nhà văn Y Ban: “Tôi hay kể chuyện ở ngôi thứ nhất, để tự đặt mình vào vị trí của những nhân vật người đàn bà trong truyện. Tôi cảm thấy, điều đó cho phép tôi khai thác nội tâm nhân vật một cách triệt để và biểu hiện nó một cách sâu sắc hơn. Với những truyện ngắn có cốt truyện nặng về tâm lý, tôi thường kể ở ngôi thứ nhất” [90].
Lựa chọn nhân vật người kể chuyện từ ngôi thứ nhất, xưng “tôi”, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chủ yếu hóa thân vào các nhân vật nữ để “tự thuật” về những nếm trải cuộc đời mình. Từ cái nhìn nếm trải như thế, các nhà văn nữ đã phô bày thế giới đặc biệt sống động với những cảm xúc với vô vàn cung bậc khác nhau của người phụ nữ trong tình yêu, trong hôn nhân và gia đình. Ở đó có niềm vui thoáng chốc, sự rung động tinh tế, sự nhớ nhung, hồi hộp, lo sợ, khổ đau, ân hận… Men theo cái nhìn mang tính nội cảm giới đặc sắc như thế, truyện ngắn nữ đã bộc lộ những trạng huống, những góc nhìn đa dạng khiến cho câu chuyện về khát vọng kiếm tìm hạnh phúc, về sự thành công, thất bại và cả những giới hạn thân phận trở nên đầy ám ảnh. Những lời thủ thỉ của người kể chuyện là nữ xưng tôi, kể từ