Nhân vật nữ và nghệ thuật xây dựng của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 131 - 135)

6. Cấu trúc của luận án

4.3.2. Nhân vật nữ và nghệ thuật xây dựng của truyện ngắn các nhà văn nữ Việt

Việt Nam đương đại

Trong thế giới nhân vật phong phú, đa dạng của truyện ngắn nữ khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình, hệ thống các nhân vật nữ được đặc biệt quan tâm và là phần tạo nên sự đặc sắc khác biệt của các cây bút nữ so với các đồng nghiệp nam. Vị trí trung tâm của các nhân vật nữ được thể hiện ngay trong tiêu đề của các tác phẩm, tên tập, tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn. Ở những truyện ngắn thành công nhất của các cây bút nữ đương đại, nhân vật chính hầu hết là những người đàn bà. Họ hoặc xinh đẹp, quyến rũ, hoặc chịu những thiệt thòi, khiếm khuyết về hình thể,... điểm chung dễ nhận thấy chính là thế giới nội tâm rất phong phú, sinh động.

Để khắc họa thế giới nhân vật nữ đặc sắc trong mối quan hệ với tình yêu, đời sống hôn nhân, gia đình, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại có những đổi mới đáng kể trong nghệ thuật miêu tả ngoại hình, hành động và tính cách nhân vật. So với truyện ngắn giai đoạn 1945 - 1975, vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật nữ đã không còn mang dáng dấp của những nhân vật nguyên phiến, sản phẩm của cái nhìn sử thi mà mang hơi thở của đời sống thế sự, đời tư. Thay vì miêu tả những mái tóc dài, ánh mắt biết nói đầy thánh thiện, nhân vật nữ giờ đây hiện diện với vẻ đẹp gắn liền với thiên tính nữ, đầy gợi cảm giới với những miêu tả gắn với con người tự nhiên, bản năng. Đó là sự khẳng định nhân vị giới độc đáo trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, vấn đề căn cốt tạo nên sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật nữ của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chính là sự dụng công khơi sâu vào thế giới tâm hồn phong phú và đầy bí ẩn của họ. Điểm khởi đầu và trung tâm của nghệ thuật khắc họa thế giới nội tâm ấy chính là hình tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất với cái nhìn nội quan độc đáo.

Khi sử dụng nhân vật người kể chuyện ngôi thứ nhất, các cây bút truyện ngắn nữ đã thể nghiệm cái tôi tự thuật giới tính độc đáo. Xây dựng hình tượng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất mang tính tự thuật là tương đối phổ biến trong truyện ngắn Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, chính đặc trưng giới nữ đã tạo nên sự độc đáo và giá trị thẩm mỹ cho kiểu loại người kể chuyện ngôi thứ nhất trong truyện ngắn nữ. Quan điểm của các nhà phê bình nữ quyền đã xác quyết điều này. Trịnh Thanh Thủy có lý khi cho rằng: “Ở phụ nữ, nguyên do chính là sự lạc lõng và cô đơn. Họ cần sự chia sẻ và cảm thông. Có người gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình hay gặp trắc trở trong những giao tế ngoài xã hội. Người phụ nữ phải phấn đấu để vươn

lên, vượt thoát những ràng buộc thành kiến xã hội. Tất cả những hoang mang, lầm lẫn, xáo trộn tinh thần, tích lũy ngày càng nhiều, tạo sự uất ức không còn đè nén được và nó bùng nổ qua ngòi viết. Viết đã biến thành một thứ vũ khí của sự sống còn” [163]. Xuất phát từ những thế mạnh, từ nhu cầu biểu lộ cá nhân mãnh liệt như thế, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu hôn nhân, gia đình đã tự ý thức rõ ràng về thiên hướng lựa chọn xây dựng người kể chuyện ở ngôi thứ nhất và xem đây là trọng tâm trong sáng tạo của mình. Nói như nhà văn Y Ban: “Tôi hay kể chuyện ở ngôi thứ nhất, để tự đặt mình vào vị trí của những nhân vật người đàn bà trong truyện. Tôi cảm thấy, điều đó cho phép tôi khai thác nội tâm nhân vật một cách triệt để và biểu hiện nó một cách sâu sắc hơn. Với những truyện ngắn có cốt truyện nặng về tâm lý, tôi thường kể ở ngôi thứ nhất” [90].

Lựa chọn nhân vật người kể chuyện từ ngôi thứ nhất, xưng “tôi”, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại chủ yếu hóa thân vào các nhân vật nữ để “tự thuật” về những nếm trải cuộc đời mình. Từ cái nhìn nếm trải như thế, các nhà văn nữ đã phô bày thế giới đặc biệt sống động với những cảm xúc với vô vàn cung bậc khác nhau của người phụ nữ trong tình yêu, trong hôn nhân và gia đình. Ở đó có niềm vui thoáng chốc, sự rung động tinh tế, sự nhớ nhung, hồi hộp, lo sợ, khổ đau, ân hận… Men theo cái nhìn mang tính nội cảm giới đặc sắc như thế, truyện ngắn nữ đã bộc lộ những trạng huống, những góc nhìn đa dạng khiến cho câu chuyện về khát vọng kiếm tìm hạnh phúc, về sự thành công, thất bại và cả những giới hạn thân phận trở nên đầy ám ảnh. Những lời thủ thỉ của người kể chuyện là nữ xưng tôi, kể từ ngôi thứ nhất trong truyện ngắn Trần Thùy Mai với những Gó thiên đường, Hoa sứ trắng, Bài hát đêm cuối năm, Trăng nơi đáy giếng, Nước vĩnh cửu,… đã kéo người đọc hòa vào từng cung bậc cảm xúc tinh tế để cảm thông và chia sẻ với những người phụ nữ đi qua bất hạnh, đi qua những giọt nước mắt nhưng chưa bao giờ để ngọn lửa tình yêu lụi tàn. Trong các truyện ngắn Dòng nhớ, Cánh đồng bất tận,Vết chim trời, Một dòng xuôi mải miết,… của Nguyễn Ngọc Tư, chị đã chứng minh, dù không theo đuổi những đột phá về kỹ thuật nhưng chỉ cần chạm sâu vào dòng chảy tâm trạng tinh tế, sâu sắc đã có thể kiến tạo những giá trị thẩm mỹ, nhân văn sâu sắc. Còn đối với trường hợp của Nguyễn Thị Thu Huệ, nhân vật nữ đóng vai trò người kể chuyện xưng tôi đã thực sự góp phần tạo nên dấu ấn riêng biệt trong các sáng tác về tình yêu - hôn nhân - gia đình của chị. Trong Biển ấm, Còn lại một vầng trăng, Hậu thiên đường, Người xưa, Đêm dịu dàng, Đôi giày đỏ, Huyền thoại, Người đi

tìm giấc mơ,… chính người kể chuyện mang tính chất tự thuật như thế đã giúp tác giả khơi sâu vào thế giới tâm trạng phong phú của nhân vật, để nhân vật có thể giãi bày tận cùng những cung bậc cảm xúc phức tạp khi đối diện với những vấn đề trong tình yêu và đời sống hôn nhân, gia đình. Thể nghiệm người kể chuyện từ ngôi thứ nhất là nhân vật nữ với sự can dự trực tiếp vào câu chuyện được kể, các nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã đào xới tận cùng bản ngã của những người phụ nữ. Với ưu thế về mặt kỹ thuật văn chương, người kể chuyện này vừa đảm bảo trần thuật diễn ra công khai, vừa mang tính chủ quan, vừa mang tính khách quan, giúp đi sâu khám phá chiều sâu nội tâm của nhân vật trong vai trò người kể chuyện. Các nhà phê bình nữ quyền đã khẳng định, tự thuật nếm trải chính là một trong những đặc trưng căn bản tạo nên sự đặc sắc của lối viết nữ. Từ hình tượng người kể chuyện ngôi thứ nhất là nữ giới, các cây bút truyện ngắn nữ đã thể nghiệm sự nếm trải giới tính với những cảm xúc, suy tư độc đáo trong tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Bên cạnh việc lựa chọn người kể chuyện từ ngôi thứ nhất xưng “tôi” mang tính tự thuật, các tác giả truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại cũng nỗ lực làm mới dạng thức kể chuyện khách quan từ ngôi thứ ba. Sử dụng kiểu người kể chuyện này vừa hướng đến khách quan hóa trần thuật, vừa khắc họa những diễn biến nội tâm phong phú của nhân vật. Ở đây, vai trò của lời văn nửa trực tiếp và sự di chuyển điểm nhìn trần thuật đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn người kể chuyện nói về hành động và diễn biến tâm lý của nhân vật “thị” trong I am đàn bà của Y Ban: “Con Sáng, con Láng con ơi – Thị bỗng nức nở hờ con. Phận đàn bà sao khổ quá con ơi. Mẹ những mong đi làm nơi đất khách quê người để có tiền cho các con mẹ ít nhiều. Ai ngờ mẹ lại mắc tội tày đình thế này. Ới các con ơi. Mẹ đã đập đầu mà chết nhưng thương các con đứt ruột nên không đành chết con ơi. Các con hiểu cho mẹ, mà tha tội cho mẹ nhé. Mẹ đập đầu xin các con tha tội” [191; 124]. Kết hợp giữa lời của người kể chuyện và lời của nhân vật như thế đã giúp cho việc bộc lộ thấm thía nỗi đau tận cùng của người mẹ nơi đất khách quê người, giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về diễn biến tâm lý của người phụ nữ này. Có thể nói, chính việc cách tân, nới rộng hình thức người kể chuyện truyền thống đã giúp các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại có thêm một phương thức biểu hiện hiệu quả khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Đối với dạng thức điểm nhìn nội quan, người kể chuyện ngôi thứ nhất trực tiếp giãi bày tâm trạng, vừa đóng vai trò kể chuyện, tạo thành sự đan xen chặt chẽ giữa

sự kiện truyện kể và nội tâm nhân vật. Sự thể nghiệm tiêu điểm cố định như thế, chẳng hạn được thể hiện qua một đoạn văn tiêu biểu trong tác phẩm Biển ấm của Nguyễn Thị Thu Huệ: “Phà rùng mình và đỗ xịch lại. Tôi chui vào ô tô. Chiếc xe đời mới trị giá tiền tỉ. Tám năm trôi qua nhanh như chớp mắt nhưng cũng chậm sên. Khi hạnh phúc. Thời gian qua mau. Khi đau khổ. Thời gian dừng lại. Tôi bây giờ là một thiếu phụ. Dù mới bằng tuổi anh ngày ấy. Đẫy đà uy nghi, tôi béo và mỡ màng chứ không nhí nhảnh như năm nào đến đây. Tôi bây giờ đi đâu cũng có kẻ đưa người rước. Tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, nhưng giờ tôi không làm cố định ở đâu cả. Có cơ quan ở đó vài năm. Nơi hai tháng. Tôi chuyển đi phiên dịch hay làm văn phòng đại diện cho các cơ quan nước ngoài ở Việt Nam. Chồng tôi là một nhà doanh nghiệp. Con gái tôi bốn tuổi” [207; 10]. Đây là đoạn văn ở trường đoạn người phụ nữ đi trên chuyến phà trở lại nơi cô đã dành tình yêu cho người đàn ông ngày ấy. Ở đây, nhân vật tôi vừa là người bộc lộ suy nghĩ, vừa là người kể những sự kiện liên quan đến câu chuyện. Chính sự linh hoạt của điểm nhìn nội quan như thế đã giúp cho các nhà văn nữ đi sâu khám phá những chiều kích mới mẻ của tâm lý nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. Điểm nhìn này giới hạn bởi sự bao quát nhưng lại thể hiện thế mạnh đặc biệt trong việc đào sâu vào những tổn thương tâm lý, vào những rung động tâm trạng tinh tế và cả những trạng huống vô thức độc đáo trong truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Đây là một đoạn văn khác trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư mà chính điểm nhìn nội quan đã khắc họa những nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai của người con gái khi đứng trước khối mâu thuẫn đầy bi kịch của cha mình: “Sẽ còn bao nhiêu người nữa được cha tôi cho nếm thử niềm đau kia, tôi tự hỏi mình khi nhìn vào người đàn ông vào tuổi bốn mươi, quyến rũ từ cái cười, từ câu nói, ánh nhìn thăm thẳm, ngọt ngào. Trời ơi, trừ chị em tôi, không ai thấy được đằng sau khuôn mặt chữ điền ngời ngợi đó là hố sâu đen thăm thẳm, bến bờ mờ mịt, chơi vơi, dễ hụt chân” [231; 190].

Điểm nhìn nội quan với tiêu điểm cố định trong trường hợp người kể chuyện ngôi thứ ba cũng mang đến những hiệu ứng nghệ thuật độc đáo cho các truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình. Ở trường hợp này, dù người kể chuyện khách quan nhưng thường dựa điểm nhìn của mình vào điểm nhìn nhân vật để kể chuyện. Trong số các nhà văn nữ đương đại thể nghiệm dạng thức điểm nhìn này, Y Ban sử dụng tương đối thường xuyên. Đây là một đoạn văn được

viết với điểm nhìn nội quan gắn với người kể chuyện ngôi thứ ba trong Người đàn bà và những giấc mơ của Y Ban: “Đêm ấy chồng nàng lại về muộn. Hai con nàng ngủ say êm đềm. Nàng thao thức và nàng nhớ lại người khách ngoại quốc buổi sáng. Nàng rất thích xem phim nước ngoài. Những ngôi nhà đẹp, sạch sẽ với đầy đủ tiêng nghi. Những bãi biển đẹp và cái nắng cũng như đẹp hơn ở nước nhà. Những miền đất lạ lẫm. Và như trong một bộ phim nàng và người khách kia là nhân vật chính. Một bộ phim tình cảm. Trong mơ, lần đầu tiên nàng mơ thấy ngủ với một người đàn ông khác và đạt tới cảm giác mạnh. Nàng tỉnh giấc khoan khoái vẫn giữ nguyên tâm trạng như trong bộ phim” [190; 164]. Ở đây, điểm nhìn của người kể chuyện khách quan gần như trùng khít với điểm nhìn của nhân vật chính, để lần giở những phức cảm tâm lý của chính mình.

Có thể nói, chính sự ưu trội của cái nhìn nội quan gắn với những cách tân trong nghệ thuật truyện kể, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đã mở ra cánh cửa thăm dò thế giới nội tâm đặc biệt phong phú của con người cá nhân trong tình yêu - hôn nhân - gia đình. Tiêu điểm nội quan đã giúp cá biệt hóa chiều sâu truyện kể, để biến mỗi truyện ngắn trở thành một lời tâm sự, một sự giãi bày đầy khắc khoải. Sự toàn diện ở góc nhìn cá nhân như thế đã giúp các cây bút truyện ngắn nữ cất lên tiếng nói của những hoàn cảnh đặc biệt, thậm chí dị biệt trong quan niệm cuộc sống đương đại. Hành động, suy nghĩ của những cô gái điếm, những người phụ nữ ngoại tình, những người phải bỏ đi giọt máu của chính mình, những người sa chân vào mối tình loạn luân,… đã mang đến những góc nhìn khác, đa âm phức hợp. Trên phương diện tiếp nhận, tiêu điểm nội quan đã dần xác lập một cách đọc khác. Thay vì kiếm tìm những bài học luân lý, những “đại tự sự” về nhân tình thế thái,… thì với truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại, đọc giờ đây như là quá trình đồng cảm, đồng vọng và sẻ chia với những tiếng lòng đầy ám ảnh.

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 131 - 135)