Vị thế tác giả và truyện ngắn của các nhà văn nữ

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 52 - 61)

6. Cấu trúc của luận án

2.1.2. Vị thế tác giả và truyện ngắn của các nhà văn nữ

2.1.2.1. Vị thế tác giả của các nhà văn nữ

Trong không gian văn hóa phương Đông, ở địa hạt văn học viết, suốt chiều dài trung đại, các tác giả nữ hoàn toàn lép vế trước nam giới. Không chỉ biểu hiện ở tương quan giữa lực lượng sáng tác vốn ghi nhận sự áp đảo gần như tuyệt đối của lực lượng các tác giả nam giới mà điều quan trọng hơn, số lượng ít ỏi các tác giả nữ cũng không có được tiếng nói mang bản sắc của giới mình. Có thể nói như Trần Thiện Khanh rằng: “Sự mất tiếng nói của người nữ trong văn học không phải chỉ ở chỗ: không được cất lời mà còn là không có ngôn ngữ thế giới quan riêng, cách định nghĩa, giải thích riêng, lời nói không có giá trị” [151; 172]. Bởi vậy, có thể nói, hầu hết các tác giả nữ trong văn học trung đại dân tộc như Lê Thị Ỷ Lan, Ngô Chi Lan, Đoàn Thị Điểm, Lê Ngọc Hân, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan), Nguyễn Trinh Thận, Nguyễn Tĩnh Hòa, Nguyễn Thị Nhược Bích đều nói dường như bằng ngôn ngữ của giới nam, trong khuôn khổ vận hành của diễn ngôn văn học trung đại. Đó là lý do mà Phan Khôi đã khẳng định 10 thế kỷ văn học trung đại, vị thế của các tác giả nữ là “rỗng” và “lép”.

Đến đầu thế kỷ XX, cùng với quá trình tiếp xúc mạnh mẽ, tương đối toàn diện với phương Tây, nền văn học dân tộc bước vào quá trình hiện đại hóa. Cùng với quá trình đấu tranh và giải phóng nữ giới trong cuộc sống khỏi những trói buộc hàng trăm năm của tư tưởng Khổng - Mạnh, ở địa hạt văn học, vị thế của các tác giả nữ đã có những thay đổi nhất định cả về lượng và chất. Theo Hồ Khánh Vân, “Văn chương nữ đầu thế kỷ XX thực sự khởi sắc về lượng với sự xuất hiện của những cây bút nữ lưu bước chân ra từ chốn phòng the vốn lâu nay bị niêm phong kín cẩn bởi những quan niệm, những định kiến. Cùng với sự thay đổi và phát triển ý thức về giới, họ đã có thể kề vai sát cánh cùng người nam để hít thở chung không khí của xã hội, của thời đại. Trên một lát cắt ngắn ứng với giai đoạn đầu thế kỷ XX cho đến

năm 1945, sự hiện diện của gương mặt nữ giới đông đảo hơn, xôn xao hơn cả mười thế kỷ trước cộng lại và mỗi gương mặt lại có một nét vẻ riêng, một sắc màu riêng […]. Thế nhưng, trên trục vận động của chiều dài lịch sử thi ca dân tộc, sự tồn tại ấy chưa đủ để tạo thành các vết khắc sâu về số lượng, về giá trị vào ký ức văn chương” [170;]. Dù chưa hội tụ đủ các yếu tố cần thiết cho một cuộc cách mạng triệt để trong văn học của giới nữ, nhưng rõ ràng, sự xuất hiện của Tương Phố, Thụy An, Anh Thơ, Đạm Phương, Phan Thị Nga, Nguyễn Thị Kiêm,… với phổ rộng khắp từ thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, phê bình văn học với tâm thế của loại hình tác giả khác biệt so với truyền thống là bước tiến đáng kể trong hành trình khẳng định mình của các tác giả nữ. Tiếng nói nữ giới trong văn học giai đoạn này tuy chưa trở thành tư trào đánh dấu và khẳng định nhân vị giới trong công cuộc khởi đầu của tiến trình hiện đại hóa nhưng đã có những đổi mới tự thân quan trọng so với truyền thống. Những vấn đề con người cá nhân mang bản sắc giới nữ cũng đã bắt đầu được khai thác, hướng tới khát vọng giải phóng con người khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Đó là những cơ sở quan trọng đầu tiên góp phần chuẩn bị cho sự vận động, phát triển và khẳng định vai trò của văn học nữ trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Từ 1945 đến 1975, văn học đồng hành cùng dân tộc trong cuộc trường chinh lịch sử, đấu tranh giải phóng dân tộc. Quá trình hiện đại hóa văn học được tiếp tục với sự hợp lưu của các khuynh hướng trong giai đoạn trước đó. Các nhà văn nữ đã bước tiếp con đường của các bậc tiền bối trong giai đoạn trước, vươn lên trưởng thành và có những đóng góp tích cực cho đời sống văn học dân tộc. Những cây bút trưởng thành cùng cuộc chiến như Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Minh Khuê,… đã khẳng định được tên tuổi, phong cách và có những đóng góp đáng trân trọng cho nền văn học. Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu khí quyển sử thi bao trùm đời sống văn học, dễ hiểu khi đội ngũ tác giả nữ vừa “lép vế” về số lượng so với đội ngũ tác giả nam, đồng thời cũng không thể trực diện cất tiếng nói và phát huy hết sở trường mang đặc trưng giới nữ. Dòng chảy mới khai thông của nỗ lực khẳng định nhân vị giới trong giai đoạn trước, ở một khía cạnh nào đó, đã không được thúc đẩy trong giai đoạn này. Trần Thiện Khanh có cơ sở khi cho rằng: “Nói cho đúng, ở đầu thế kỷ XX, có hai lần chuyển đổi mô hình. Lần thứ nhất, là chuyển đổi từ mô hình phụ nữ truyền thống Nho giáo sang hình ảnh phụ nữ mới, tân học. Lần thứ hai, là sự thay thế hình ảnh phụ nữ Tây

hóa bởi hình ảnh nam tính hóa giới nữ, hình thành vai “cán bộ nữ”, mẫu người nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” theo quan điểm Marxist. Quá trình chuyển đổi này khiến cho phụ nữ ngày càng được trao thêm nghĩa vụ - trách nhiệm đối với xã hội. Họ không chỉ có bổn phận gia đình mà còn có thêm bổn phận xã hội” [151; 175]. Những quan niệm và thể nghiệm nghệ thuật vốn là đặc trưng và ưu thế của giới nữ đã tạm gác lại để hòa chung vào dòng chảy văn học trực tiếp tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Như vậy, việc từng bước khẳng định đóng góp của những cây bút nữ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975 song hành cùng quá trình hiện đại hóa nền văn học, trong bối cảnh lịch sử đặc biệt. Dù chưa có những bứt phá thực sự mạnh mẽ để khẳng định vị thế nhưng đây là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển ở giai đoạn sau.

Từ sau 1975, đặc biệt là sau 1986, trong bối cảnh lịch sử, văn hóa mới như chúng tôi đã phân tích, lực lượng sáng tác của các cây bút nữ có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng với sự bổ sung, nối tiếp của các thế hệ. Ở hầu hết các lĩnh vực, từ sáng tác đến lý luận, phê bình, dịch thuật, các nhà văn nữ đều có những đóng góp quan trọng, trực tiếp tạo nên diện mạo của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Trong lĩnh vực vực lý luận, phê bình, dịch thuật, các cây bút nữ đã nhanh chóng chiếm lĩnh và khẳng định vị trí của mình với lực lượng đông đảo, như: Thiếu Mai, Ngọc Trai, Đặng Anh Đào, Trần Thị Băng Thanh, Vân Thanh, Lê Thị Đức Hạnh, Lộc Phương Thủy, Phan Diễm Phương, Mai Hương, Nguyễn Bích Thu, Tôn Phương Lan, Tôn Thảo Miên, Trần Thị Hồng Vân, Nguyễn Thị Huế, Lê Phong Tuyết, Lê Dục Tú, Trần Thị An, Đặng Thị Hảo, Nguyễn Thị Bình, Phạm Thị Tú Châu, Trần Huyền Sâm, Bùi Thị Thiên Thai, Lê Thị Hương Thủy, Cao Kim Lan, Hồ Khánh Vân, Thái Phan Vàng Anh, Trần Lê Hoa Tranh, Đoàn Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Hoàng Cẩm Giang, Nguyễn Thị Như Trang,… Trong sáng tác, ở tất cả các thể loại, các nhà văn nữ đều lưu lại những tiếng nói quan trọng, đột phá trên hành trình đổi mới. Trong thơ, các nhà thơ nữ đã thể nghiệm những cách tân quan trọng theo nhiều khuynh hướng, tạo được bản sắc riêng với các tên tuổi: Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Dư Thị Hoàn, Đinh Thị Thu Vân, Đoàn Thị Lam Luyến, Bùi Kim Anh, Thảo Phương, Thúy Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Anh Hồng, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy, Bình Nguyên Trang, Đoàn Ngọc Thu, Khương Hà, Nguyễn Thị Đạo Tỉnh, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Đào

Phong Lan, Lê Thùy Vân, Phạm Phong Lan, Đinh Thu Thủy,… Tuy nhiên, những dấu ấn đậm nét nhất của các nhà văn nữ được khẳng định ở địa hạt văn xuôi mà tiêu biểu là tiểu thuyết và truyện ngắn. Có nhiều tác giả thử sức mình ở cả hai thể loại và đều đạt được những thành tựu quan trọng, ở trong nước, tiêu biểu như Đoàn Lê, Lý Lan, Y Ban, Trần Thùy Mai, Võ Thị Hảo, Võ Thị Xuân Hà, Đỗ Bích Thúy, Nie Thanh Mai,...; ở hải ngoại, tiêu biểu như Lê Thị Huệ (Hoa Kỳ), Lê Thị Thấm Vân (Hoa Kỳ), Phạm Thị Hoài (Đức), Lê Minh Hà (Đức), Linda Lê (Pháp),... Và trong tương quan tổng thể, truyện ngắn chính là địa hạt phát huy được tối đa sở trường, sức mạnh và những đóng góp của các tác giả nữ. Đây có thể xem là sự gặp gỡ đầy cơ duyên giữa những yếu tố khách quan và sự vận động nội tại của văn học nữ Việt Nam đương đại.

Ở thể loại truyện ngắn, những cây bút đã thành danh trong giai đoạn trước đã mạnh dạn đổi mới tư duy và lối viết, trở thành những người mở đường của đổi mới, như Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Minh Khuê,… Ngay sau giải phóng, ở đêm trước của đổi mới, một số cây bút truyện ngắn nữ đã xuất hiện và ghi dấu ấn, trở thành một trong những mũi nhọn xung kích đổi mới như Phạm Thị Minh Thư, Dương Thu Hương, Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân,… Những dấu hiệu tích cực và dự báo về một giai đoạn đổi mới sôi động, quyết liệt của các nhà văn nữ đã sớm trở thành hiện thực với sự tiếp sức của các thế hệ tiếp nối. Từ sau năm 1986 đến những năm cuối thế kỷ XX, hàng loạt các cây bút truyện ngắn nữ đã ghi dấu ấn đậm nét với những tiếng nói mang âm sắc độc đáo. Các nhà văn Phạm Thị Minh Thư, Dạ Ngân, Phạm Thị Hoài, Trần Thị Trường, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Thị Ấm, Đoàn Lê, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Hải Âu, Trần Thanh Hà, Lý Lan, Võ Thị Xuân Hà, Phạm Sông Hồng, Trần Thùy Mai,… đã mang đến những đóng góp quan trọng, không hề kém cạnh so với các nhà văn nam trong hành trình đổi mới thể loại truyện ngắn. Những cây bút thuộc thế hệ 7X, 8X và 9X đã dần khẳng định được phong cách và chỗ đứng của mình như Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Di Li, Phan Hồn Nhiên, Dương Thụy, Lynh Bacardi, Nguyễn Thúy Hằng, Ngọc Cầm Dương, Nguyễn Quỳnh Trang,… Chỉ xét riêng về mặt số lượng, trong nghiên cứu trường hợp của tác giả Bùi Việt Thắng, khi khảo sát hơn 100 cây bút truyện ngắn trẻ trong 100 số báo Văn nghệ Trẻ, đã đưa ra kết luận thú vị: “Đã hình thành một tỉ lệ giữa “phái yếu” và “phái mày râu” là 2/3 – một tỷ lệ đáng gờm bởi nhìn vào đó sẽ thấy truyện ngắn trẻ hôm nay và văn chương nói

chung” mang gương mặt nữ” [148; 206]. Sự hợp thành của đông đảo, nhiều thế hệ nối tiếp đã tạo thành lực lượng hùng hậu các cây bút truyện ngắn nữ, làm nên diện mạo chưa từng có trong lịch sử, là cơ sở trực tiếp tạo nên tư trào văn học nữ trong văn học Việt Nam đương đại.

Cùng với sự lớn mạnh về lực lượng, các cây bút truyện ngắn nữ giai đoạn này đã từng bước xác lập được tư duy nghệ thuật và lối viết riêng, hoàn toàn chủ động và độc lập. Đây là một bước tiến dài, là sự khẳng định lần đầu tiên trong lịch sử văn học nữ Việt Nam nói chung, truyện ngắn nữ nói riêng. Hầu hết các cây bút truyện ngắn nữ đều thể hiện tuyên ngôn nghệ thuật của mình, cho thấy sự tiếp cận và nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn ranh giới, rào cản để khẳng định vị thế tương xứng trên văn đàn. Dù mỗi người có quan niệm riêng, nhưng điểm chung giữa họ là tinh thần khẳng định nhân vị giới, ý thức đầy đủ về sở trường và những đóng góp của giới nữ cho cách tân truyện ngắn. Phạm Thị Hoài phát ngôn khá “gay gắt”: “Đàn ông Việt Nam thường thừa nhận đàn bà Việt Nam lắm đức hạnh, ít nhất là cái đức chịu khó chịu thương. Song họ quên rằng phần lớn cái đức đàn bà ấy, nhất là cái đức chịu khó và cả chịu thương nữa, chỉ là cái khôn của cảnh khó. Nhân vật nữ của tôi bày tỏ rõ ràng được ít đức hạnh đi một chút, được chia đều đức hạnh cho đàn ông gánh bớt” [74]. Y Ban cũng khẳng định: “Nói chính xác thì tôi đang vẽ chân dung giới mình. Khi tôi đặt bút viết về thân phận một người đàn bà nào đó, tôi đã hóa thân vào họ, kể lại những câu chuyện của họ. Tôi chỉ có một gương mặt. Còn hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm của tôi thì có nhiều gương mặt khác nhau. Tất nhiên những gương mặt ấy có một phần gương mặt của tôi. Vì vậy, có thể tôi viết chưa hay, chưa tới, nhưng tôi không viết giả tạo” [10]. Trần Thùy Mai thì thâm trầm hơn nhưng cũng làm nổi bật ý thức chủ động của những cây bút truyện ngắn nữ: “Thực lòng mình nghĩ phụ nữ viết văn nên sống độc thân, vì những lúc đang viết, chăm chăm chúi chúi, cái mặt khó đăm đăm, việc dọn dẹp nấu nướng nhiều khi cũng bỏ mặc chẳng quan tâm, có người đàn ông nào thích thú sống với một người phụ nữ như vậy không?” [108]. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thừa nhận: “Khi ngồi vào bàn viết, tôi nghĩ mình viết về những con người, cho những con người, nhưng vì tôi là phụ nữ nên việc thể hiện những xúc cảm nội tại sẽ thiên giọng nữ hơn. Đã là nhà văn thì phải tranh đấu cho và vì quyền con người. Nếu những tác phẩm của tôi góp phần tranh đấu cho hạnh phúc của một hay hàng vạn chị em phụ nữ, thì cũng đơn giản vì tôi là một nhà văn. Tôi không có ý chia thế giới ra làm hai phần và xác định

mình phải viết để tranh đấu cho một phần hai thế giới là phụ nữ như mình. Chính bởi vì tôi không thích bất cứ một sự thương xót nào mà người ta có thể quan niệm về sự tự ti, sự yếu đuối, sự kêu gọi thương hại cho phụ nữ” [59]. Còn có thể kể đến rất nhiều những phát ngôn về quan niệm nghệ thuật của các cây bút nữ. Điều đó cho thấy tinh thần chủ động, sẵn sàng nhập cuộc, chấp nhận thử thách đồng thời cũng là sự tự ý thức đầy đủ về điểm mạnh, giới hạn của các tác giả truyện ngắn nữ. Đây là tiền đề quan trọng để những nỗ lực cách tân, khẳng định vị thế của đội ngũ nhà văn nữ Việt Nam đương đại đạt được thành công rực rỡ.

Nhìn lại sự phát triển về số lượng tác giả, ý thức nghề nghiệp và những suy tư nghệ thuật cũng như những thành tựu mà các nhà văn nữ đã đạt được từ sau năm 1975, có thể khẳng định, các nhà văn nữ đã thực sự chiếm lĩnh văn đàn, cất lên những tiếng nói quan trọng trong đời sống văn học đương đại. Trong suốt lịch sử phát triển của văn học nữ Việt Nam, chưa bao giờ các tác giả nữ lại khẳng định được vị thế và những đóng góp lớn như vậy. Đây là sự vận động, phát triển và thay đổi về chất mang tính đột phá. Khái quát về những chặng đường phát triển của các nhà văn nữ, Trần Thiện Khanh rất có cơ sở khi viết: “Nếu thế hệ nhà văn nữ trong ngữ cảnh văn hóa Nho giáo, xã hội phong kiến là thế hệ nhà văn tòng thuộc, bước sang thời kỳ hiện đại, trong ngữ cảnh đất nước có chiến tranh, là thế hệ bị nam tính hóa, thì từ 1986 đến nay là thế hệ cởi trói, tự cởi trói khỏi các thiết chế nam quyền”

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 52 - 61)