Nghệ thuật sử dụng và tổ chức ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 143 - 168)

6. Cấu trúc của luận án

4.4.2. Nghệ thuật sử dụng và tổ chức ngôn ngữ

4.4.2.1. Gia tăng lớp ngôn ngữ thông tục của đời sống

Ngôn ngữ nghệ thuật là “công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học”, “là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” (Từ điển thuật ngữ văn học) [60; 215]. Theo Huỳnh Như Phương, “Cấu trúc ngôn từ của tác phẩm văn học là hệ thống những phương thức tạo hình và biểu cảm của ngôn ngữ hoạt động trong văn bản và được tạo ra trong quá trình xây dựng tác phẩm. Chính nhờ những phương thức ngôn ngữ này mà hệ thống hình tượng và nội dung tư tưởng được bộc lộ” [81; 115]. Có thể nói, ngôn ngữ chính là mã nghệ thuật quan trọng hàng đầu để nhà văn xây dựng thế giới hình tượng nhằm gửi gắm quan niệm và tư tưởng của mình. Mỗi nhà văn có tài đều có phong cách ngôn ngữ riêng biệt với cá tính sáng tạo của mình. Nhìn chung các nhà văn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình đã có những nỗ lực rất đáng trân trọng trong việc tạo nên một thứ ngôn ngữ giàu bản sắc nữ giới, góp phần quan trọng trong thể hiện những nhận thức mới mẻ về vấn đề này. Trong phạm vi luận án,

chúng tôi trình bày hai xu hướng nổi bật: xu hướng gia tăng lớp ngôn ngữ thông tục của đời sống và xu hướng kết hợp linh hoạt giữa ngôn ngữ độc thoại và đối thoại.

Truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình đã thể nghiệm mạnh mẽ xu hướng đưa ngôn ngữ chân thật của đời sống vào tác phẩm. Những lớp từ vựng thông tục, khẩu ngữ, thành ngữ được sử dụng linh hoạt, không chỉ trong lời đối thoại của nhân vật mà cả ở lời kể của người kể chuyện. Khoảng cách giữa ngôn ngữ nghệ thuật được trau chuốt với ngôn ngữ đời sống ngày càng được thu hẹp. Chẳng hạn, đây là lời của nhà thơ khi say sưa nói về kế hoạch xuất bản tập thơ của mình: “Anh mà ra tập thơ này sẽ là tiếng đại bác nã vào đầu những thằng bất tài. Khốn nạn. Bỏ bao trí tuệ và sức lực ra làm mấy bài thơ, lại lo tiền in, lo phát hành. Thế sinh ra các nhà xuất bản để làm gì? Cái cơ chế thị trường khốn kiếp, nó không cho người ta được rảnh để sống với thế giới của mình” (Tình yêu ơi, ở đâu? - Nguyễn Thị Thu Huệ) [205; 78]. Người đọc bắt gặp phổ biến trong sáng tác của các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại những lớp từ thuộc phong cách ngôn ngữ sinh hoạt đời thường, những tiếng lóng, chửi thề,… như thế: “phê”, “thềm lục địa”, “sọt thủng”, “dụng cụ bảo vệ”, “tất, tất ngoại”, “áo mưa”, “bò lạc”; “vô tư hồn nhiên, gọi tắt là vô hồn”, “đào mỏ”, “cá rô đực”, “đu đủ đực”, “công dân loại hai”, “bái bai an ti”, “cá sấu”, “bóc bánh trả tiền”, “chán cơm thèm đất”, “vãi linh hồn”, “đại gia và chân dài”, “vô tư duyên dáng gọi tắt là vô duyên”, “nứng”, “mùi giàu”, “mùi già”, “nghề buôn hoa quả trên bàn thờ”, “xả pít tông”, “chim to không lo chết đói”, “đánh bắt xa bờ”, “đi tươi mát”... Không chỉ sử dụng khẩu ngữ, tiếng lóng, các nhà văn nữ đã triệt để sử dụng lớp từ ngữ địa phương để cá thể hóa trần thuật, trong đó Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thùy Mai là những trường hợp tiêu biểu và rất thành công. Chính nỗ lực sử dụng sinh ngữ gắn liền với hoàn cảnh phái sinh đã góp phần quan trọng nhằm cá tính hóa nhân vật, phong cách hóa trần thuật, đưa hơi thở của cuộc sống đương đại vào tác phẩm.

Một trong những thể nghiệm quan trọng trên phương diện ngôn ngữ trong nỗ lực khám phá, biểu hiện vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình của truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại là sự quyết liệt, gai góc, đầy cá tính khi viết về tính dục. Ở trên, chúng tôi đã chứng minh sự thể nghiệm ngôn ngữ thân thể như là mã nghệ thuật đặc thù của tự sự nữ giới. Ở các cấp độ, phương diện khác nhau, mỗi tác giả truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại đều sáng tạo nên một phổ ngôn ngữ đặc trưng để biệt đạt vấn đề này. Chẳng hạn, với Đỗ Hoàng Diệu, lớp động từ, tính từ biểu đạt dục tính

luôn ở mức độ tối đa, trực diện và đậm đặc: “bóp nát”, “bục vỡ”, “cắm phập”, “khoan sâu”, “rà rẫm xoa xuê”, “hít hà rờ ngửi”, “cắm trên cắm dưới vào lòng sông”, “gãy gập”, “cắt khúc”, “cơn xoáy liệt”, “bốc cao”, “phịch hạ”, “chèn lấp”, “tọng đầy”, “thả hút mê man”, “ngầy ngậy”, “nước tràn miệng”, “đau đớn mà thoã mãn” Đây là một đoạn văn ngẫu nhiên trong Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu: “… trên giường chồm lên, nuốt lấy, vồ vập, chà xát, bóp nắn, cự cơn khát thèm lùng sục từng bộ phận cơ thể, rờ trọn đường viền môi, nắn từng chiếc răng xinh xắn, thổi khúc dạo đầu, hai núm vú, làn da bụng con gái” [192; 20]. Không thiên về kể tả trực diện như Đỗ Hoàng Diệu nhưng Y Ban lại thể hiện bản lĩnh và cá tính khi gọi tên trực tiếp bộ phận sinh dục: “cái chim”, “bầu vú”, “sờ vào con giống”, “nắm tay vào con giống”, “sự lớn dần lên của con giống”, “hai cái tí thị co tròn lại”, “phía cửa mình nước dâng trào ra”… Nguyễn Ngọc Tư thì lại lựa chọn lớp từ khơi gợi gián tiếp: “oằn uốn”, “cấu víu”, “vật vã”, “rên xiết”, “tiếng thở mơn man”, “rờ nắn mê miết”… Mỗi nhà văn đều có những lựa chọn riêng để phô diễn cá tính nhưng điểm chung giữa họ là nỗ lực diễn tả thật ấn tượng và ám ảnh về ngôn ngữ thân thể và hoạt động tính giao, để khẳng định khao khát hạnh phúc mãnh liệt và cả những bi kịch đớn đau.

Bên cạnh sự thể nghiệm phong phú các lớp từ vựng để xây dựng thế giới nghệ thuật, truyện ngẵn nữ đương đại cũng có những đổi mới quan trọng về cấu trúc câu trần thuật. Xu hướng chung là các tác giả đều nỗ lực “lạ hóa”, phá vỡ chuẩn mực ngữ pháp của truyện ngắn truyền thống. Thay vào đó, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình hoặc lựa chọn các câu dài nhằm tạo ấn tượng về sự chảy trôi của dòng ý thức, hoặc những câu ngắn, khuyết thiếu thành phần ngữ pháp để tạo khoảng trống, khoảng trắng trong tiếp nhận thẩm mỹ. Đây là một đoạn văn như thế: “Bỗng dưng. Chiều nay. Tất cả ùa về. Đầy ắp ứ như thể có ai đó đã thu gom mọi thứ vào một cái bao tải to tướng, buộc chặt nút lại. Và nay, đem mở òa ra trước tôi. Đủ đầy. Nguyên vẹn” (Hậu thiên đường của Nguyễn Thị Thu Huệ) [207;46]. Những cách tân trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật như thế đã giúp cho các nhà văn nữ thể hiện nét tư duy mới mẻ về vấn đề tình yêu - hôn nhân - gia đình. Truyện ngắn các tác giả nữ vì vậy đã mang đến luồng sinh khí mới, đa sắc và hấp dẫn hơn.

Trọng tâm sáng tạo của các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình là khám phá và biểu hiện thế giới nội tâm phức hợp của con người, đặc biệt là những người phụ nữ. Cùng với cốt truyện tâm lý và điểm nhìn nội quan, ngôn ngữ độc thoại nội tâm trở thành một điểm nhấn quan trọng trong sáng tác của họ. Đó là hành trình khám phá/ tự khám phá bản thể đầy bí ẩn của những người phụ nữ trên hành trình kiếm tìm tình yêu và hạnh phúc, kiếm tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Độc thoại nội tâm thực sự đã giúp người đọc chạm đến những rung động tinh tế nhất trong thế giới tinh thần của những người phụ nữ, thể hiện đặc sắc nhân vị giới trong sáng tạo truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại. Đây là một khúc đoạn độc thoại nội tâm thể hiện những khao khát thầm kín, giản dị mà đầy ám ảnh như thế: “Giá như giờ đây bên ta là những người thân. Và một người đàn ông đoàng hoàng sẽ dạy ta cách nướng cá thật ngon. Ta quả thật vẫn luôn là một sinh linh yếu ớt, vẫn luôn là người cần vô chừng một bếp lửa ấm cúng...” (Dưới cơn gió thoảng của Võ Thị Xuân Hà). Độc thoại nội tâm như thế còn xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm: Biển đời người, Cánh cửa thứ chín, Nàng công chúa lạc loài... của Trần Thùy Mai; Sau chớp là giông bão, Cưới chợ, Mỗi người đàn ông chỉ có riêng một người đàn bà... của Y Ban; Cát đợi, Chị tôi, Nước mắt đàn ông... của Nguyễn Thị Thu Huệ;… Có thể nói như Hồ Thị Khánh Vân, rằng: “Để tạo dựng nên cuộc đối thoại giới, người phụ nữ dường như độc thoại, như là một hình thức đi sâu vào nội tại để bộc lộ hết bản thân mình ở mọi khiá cạnh, mọi chiều sâu, nhằm đánh động cái nhìn mang tính ý thức của giới đối kháng và của cả cộng đồng. Cũng như nghệ thuật kịch, khi nhân vật cần phơi bày những suy nghĩ, tư tưởng và tình cảm bên trong một cách đầy đủ, rõ nét, sâu sắc và ấn tượng nhất, nhà viết kịch luôn để cho nhân vật đứng lại một mình trên sân khấu biểu diễn, tự nói với chính mình, tự đi vào chính mình và đối thoại với thế giới nhân vật trong tác phẩm, đồng thời bàng thoại với khán giả” [173].

Bên cạnh những nỗ lực khám phá thế giới tinh thần phức hợp của con người thông qua độc thoại nội tâm, truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình đã có những sáng tạo đáng ghi nhận trong nghệ thuật tổ chức đối thoại. So với đối thoại trong truyện ngắn truyền thống trong giai đoạn trước, sự lệch nhịp giao tiếp là điểm sáng tạo đáng chú ý của truyện ngắn nữ. Đối thoại giờ đây không chỉ đóng vai trò bộc lộ tính cách nhân vật, thúc đẩy mạch truyện kể mà còn trực diện tham gia tạo ấn tượng hiện sinh về sự cô đơn, lạc lõng

của con người trong tình yêu, trong cuộc sống hôn nhân, gia đình. Đây là một đoạn đối thoại như thế: “Nàng tiếp: “Thằng này căm em lắm, không nói mồm đâu, vì nó yêu em thật”. “Vậy à. Cứ yêu ai thật mà không được người đó là muốn giết à. Mặt nó như thế nào?”. “Nó thấp đậm. Tóc hung hung, mắt một mí, người miền Tây. Nó gặp em cuối năm ngoái ngoài vịnh”. Một thoáng, nàng đáp: “Tên nó là Tuyên”. “Phải. Tuyên cụt. Nó mất ngón chân út”. “Cái ngón chân mất đấy là do chém nhau với thằng em vợ giành đất”. Nàng đáp, người vã mồ hôi, nghe rõ tiếng thì thụp nơi lồng ngực trái. “Nó đâu rồi?”. “Anh cũng giết rồi”. “Cũng giết?” (X-Men có mùi trường đua - Nguyễn Thị Thu Huệ) [207; 99]. Những khoảng lặng do sự không ăn nhập và khác biệt quan niệm giữa những người tham gia đối thoại đã vẽ nên những khoảng trống đầy ám ảnh, kích hoạt sự tưởng tượng trong tiếp nhận của bạn đọc.

Cùng với những sáng tạo độc đáo trong thể nghiệm ngôn ngữ đối thoại và độc thoại, các cây bút truyện ngắn nữ Việt Nam đương đại khi viết về tình yêu - hôn nhân - gia đình đã có sự kết hợp thường xuyên giữa hai hình thức ngôn ngữ này để tạo nên những cấu trúc nghệ thuật độc đáo. Ở đây, chúng tôi tập trung phân tích một trường hợp điển hình như thế trong truyện ngắn 27 bước chân là lên thiên đường

của Y Ban. Truyện ngắn là sự tương phản giữa hai cuộc hội thoại giữa em và người đàn ông trước và sau khi em trao thân cho người đàn ông ấy. Hai mươi tư giờ trước là khi em run rẩy bước vào cuộc tình đầy si mê:

“Chuông điện thoại đổ gắt gao: - Em đã sắp đi chưa?

- Chưa.

- Sao lại không đi? - Em sợ?

- Em sợ gì chứ?

- Em chỉ muốn ngồi bên anh trong một quán cà phê nhỏ.

- Ừ thì cứ đến đây đi, mình sẽ đi uống cà phê. Đi đi em. Anh đang chờ em đấy” [188; 226].

Và chỉ 24 giờ sau, sự lạnh nhạt của người đàn ông đã khiến cô gái ngã ngửa, nhận ra đó không phải là thiên đường mà chính là địa ngục:

“Em run rẩy bấm số điện thoại của anh. - Alô, tôi nghe đây.

Em nghi ngại không biết có phải giọng nói của anh không? - Cho tôi hỏi thăm, đây có phải là...

- Vâng tôi đây.

- ... là em, anh quên em rồi phải không? - Em đấy à. Anh làm sao mà quên em được.

Đúng là giọng nói của anh hay nói với em rồi. Nhưng là giọng của công việc chứ không phải là giọng của nồng nàn.

- Em khoẻ không? Anh cũng đang định gọi cho em đây. - Vâng.

Em không biết nói gì thêm nữa.

- Tý nữa anh còn có một cuộc hẹn. Chúc em trẻ, khoẻ, thành đạt và hạnh phúc.

- Và giữ vững lập trường, tư tưởng nữa phải không anh.

- Đúng thế. Vào một thời gian thích hợp nào đó chúng mình sẽ gặp nhau nữa nhé. À này em, khi tình cờ gặp nhau ở đám đông chúng mình nên tế nhị nhé.

- Vâng, em hiểu rồi.

Chân tay em run lẩy bẩy như mới ốm dậy” [188; 230].

Hai cuộc đối thoại vừa bộc lộ chân dung của hai nhân vật, vừa trực tiếp thúc đẩy mạch truyện kể. Và chính cuộc đối thoại như thế đã kích hoạt những suy tư không dứt của “em” về người đàn ông mà cô đã yêu, đã trao thân, về hạnh phúc và hi vọng. Và đây là những suy tư cuối cùng sau khi cuộc đối thoại thứ hai diễn ra: “Những ý nghĩ khốn khổ đã bủa vây em và nhấn chìm em xuống. Em là người đàn bà như thế nào đây, trong suy nghĩ của anh? Em hám danh vọng và hám tiền tài ư? Không, em đã có một cuộc sống đầy đủ về vật chất và danh vọng cần có của một người đàn bà bình thường. Em còn có cả lòng tự trọng. Bây giờ thì em biết chắc anh đã rất hiểu điều này khi chọn em phải không anh? Còn trong suy nghĩ của em, em là một người đàn bà dễ dãi hư hỏng ư? Không, em đã mê đắm anh để từ bỏ một người đàn ông đã yêu em thực lòng” [188; 230].

Có thể nói, những sáng tạo trong ngôn ngữ độc thoại và đối thoại đã giúp các cây bút truyện ngắn nữ xây dựng thành công nhân vật và thể hiện nội dung tác phẩm. Ngôn ngữ đối thoại khiến nhân vật bộc lộ tính cách, cá tính, trong khi ngôn ngữ độc thoại giúp nhân vật tự nói lên chiều sâu tâm hồn khi chìm đắm trong suy tư. Sự kết hợp linh hoạt của đối thoại và độc thoại đã mang đến hiệu quả trần thuật, đa dạng hóa điểm nhìn, khiến câu chuyện được kể hấp dẫn, khơi gợi nhiều cảm xúc, góp phần sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo về tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Tiểu kết:

Tương ứng với những nhận thức mới về vấn đề tình - yêu - hôn nhân - gia đình, với thể loại truyện ngắn, các nhà văn nữ Việt Nam đương đại đã có những nỗ lực tìm tòi các thủ pháp và hình thức thể hiện phù hợp và mang tính hữu hiệu. Những cách tân mới mẻ trên phương diện sáng tạo tình huống, tổ chức xung đột, cấu trúc truyện kể đã mở ra những khả năng to lớn, khơi sâu vào thế giới tinh thần sinh động, phức tạp của con người trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc trong tình yêu - hôn nhân - gia đình.

Những cách tân trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặc biệt là các nhân vật nữ cho thấy những thế mạnh của nhân vị giới trong câu chuyện tình yêu - hôn nhân

Một phần của tài liệu Vấn đề tình yêu – hôn nhân – gia đình trong truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam đương đại. (Trang 143 - 168)