Tiền thân của Vietcombank là Sở Quản lý Ngoại hối thuộc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được thành lập theo Nghị định 443/TTg ngày 20/01/1955 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1961, Sở Quản lý Ngoại hối được đổi tên thành Cục Ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định 171/CP ngày 26/10/1961 của Hội đồng Chính phủ. Đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, nghiên cứu chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ngoại hối, vừa tiến hành các hoạt động nghiệp vụ kinh doanh của một ngân hàng thương mại đối ngoại.
Để phù hợp với tập quán quốc tế về hoạt động ngân hàng đối ngoại, ngày 30/10/1962, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 115/CP thành lập Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với nhiệm vụ: Kinh doanh ngoại hối, thanh toán quốc tế, tín dụng quốc tế, cho vay ngoại thương, tham gia quản lý ngoại hối, góp phần bảo vệ tiền tệ và tài sản Nhà nước, tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa với nước ngoài.
Trong giai đoạn 2014 - 2020, Vietcombank đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện đến 2020; phê duyệt chiến lược công nghệ thông tin đến năm 2020 với phương châm tăng tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển; xây dựng và thông qua phương án cơ cấu lại đến năm 2020... Đây là các định hướng chiến lược và tiền đề quan trọng để hệ thống Vietcombank xây dựng các kế hoạch và triển khai thực hiện nhằm phát triển bền vững trong giai đoạn mới, là nền tảng định hình cho giai đoạn phát triển, chinh phục đỉnh cao mới của Vietcombank. Ngân hàng đã có những chuyển dịch toàn diện và ấn tượng cả về hoạt động kinh doanh và quản trị điều hành. Quy mô kinh doanh tăng trưởng cao. Lợi nhuận trước thuế năm 2019 đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với 5 năm trước, về đích trước 1 năm so với đề án cơ cấu lại, là một trong 2 doanh nghiệp niêm yết nộp ngân sách lớn nhất cả nước. Hệ thống mạng lưới liên
tục mở rộng, vươn tầm quốc tế: năm 2019 Vietcombank khai trương Văn phòng đại diện tại Mỹ, đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của một ngân hàng Việt Nam tại trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Vietcombank tích cực chung tay cùng các địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội, tạo dựng một hình ảnh ngân hàng xanh luôn hướng đến cộng đồng và vì cộng đồng.
Trải qua gần 60 năm thành lập và phát triển, thương hiệu, uy tín và hình ảnh của Vietcombank không ngừng được nâng cao, được các tổ chức trong nước và quốc tế trao tặng nhiều danh hiệu, giải thưởng uy tín: 5 lần liên tục đạt thương hiệu quốc gia; là ngân hàng mạnh nhất Việt Nam; được Moody’s xếp hạng tín nhiệm thuộc nhóm cao nhất; là doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu trong Top 2.000 Công ty đại chúng lớn nhất thế giới do tạp chí Forbes xếp hạng… Với những thành công trong giai đoạn vừa qua, Vietcombank tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu có đóng góp lớn vào sự phát triển của Việt Nam.
2.1.2. Quá trình ra đời và phát triển của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Sở giao dịch
Sở giao dịch là sở giao dịch duy nhất của ngân hàng Vietcombank, là Chi nhánh cấp 1 và là đơn vị hạch toán phụ thuộc Vietcombank, được thành lập theo quyết định của Hội đồng quản trị, hoạt động theo ủy quyền của ngân hàng Vietcombank, có con dấu riêng và bảng cân đối kế toán theo quy định của Ngân hàng, Chi nhánh có tài khoản riêng mở tại Ngân hàng nhà nước và tại ngân hàng Vietcombank phù hợp với cơ chế quản lý vốn, phương thức hạch toán, thanh toán và các quy định khác có liên quan.
Sở giao dịch là đơn vị kinh doanh có qui mô lớn nhất miền Bắc, lớn thứ nhì trong hệ thống Vietcombank. Với tổng số nhân sự khoảng 600 cán bộ nhân viên, quản lý tổng tài sản qui mô lên tới 125 nghìn tỷ đồng; đóng góp qui mô lợi nhuận lớn thứ hai trong toàn bộ hệ thống Vietcombank.
Theo quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động Sở giao dịch, chi nhánh ngân hàng Vietcombank thì Sở giao dịch thực hiện các chức năng như:
+ Nhận tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn và có kỳ hạn, tiền gửi thanh toán bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
+ Phát hành các loại chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng + Tiếp nhận vốn tài trợ xuất khẩu và vốn ủy thác đầu tư của các ngân hàng nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế do ngân hàng Vietcombank phân bổ.
+ Các hình thức huy động vốn khác.
- Cho vay nội tệ và ngoại tệ đối với các thành phần kinh tế theo quy định, trong phạm vi quyền hạn.
- Thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh, tái bảo lãnh cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước theo quy định.
- Thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế nhờ thu, L/C kèm chứng từ, chiết khấu, bao thanh toán, kinh doanh ngoại tệ và dịch vụ ngân hàng đối ngoại theo quy định về quản lý ngoại hội của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng Vietcombank.
- Cất giữ, bảo quản và quản lý các giấy tờ có giá và các tài sản quý khác cho khách hàng theo quy định.
- Thực hiện cung ứng các phương thức thanh toán và thực hiện các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ, nhờ thu, dịch vụ ngân quỹ cho khách hàng.
- Thực hiện các nhiệm vụ phát sinh về tiền gửi, tiền vay theo quy chế quản lý vốn của ngân hàng.
- Thực hiện các công tác theo quy định của ngân hàng và chế độ hiện hành: Chế độ kế toán, quản lý tài chính, lập báo cáo tài chính; quản lý ngân quỹ; thống kê báo cáo số liệu, tình hình hoạt động; kiểm tra kiểm soát nội bộ; tổ chức, quản lý cán bộ.
Năm 2021 đánh dấu quá trình 30 năm hình thành và phát triển của Vietcombank Sở giao dịch với nhiều dấu ấn quan trọng: 6 năm liên tục vinh dự nhận danh hiệu Chi nhánh đặc biệt xuất sắc trong toàn hệ thống, nhiều năm liền nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Cờ thi đua Chính phủ và rất nhiều những thành tích khác, đánh dấu một chặng đường nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể cán bộ Vietcombank Sở giao dịch với mục tiêu trở thành Chi nhánh dẫn đầu về mọi mặt trong hệ thống Vietcombank.