Theo như phân tích ở trên, mặc dù hệ thống xếp hạng tín dụng thể nhân ở trung tâm tín dụng CIC đã được cập nhật và cải thiện nhưng cũng có nhiều hạn chế chưa được tháo gỡ. Để nâng cao chất lượng của thông tin xếp hạng thể nhân, CIC có thể bổ sung đưa ra các tiêu chí khả năng hoàn trả nợ của khách hàng trong tương lai như thu nhập bình quân, sự ổn định trong thu nhập. Ngoài ra, vì một số cá nhân có 2 giấy tờ tuỳ nhân là chứng minh thư và căn cước công dân, nên có thể xảy ra trường hợp đối tượng dùng 2 giấy tờ trên để vay vốn ở 2 tổ chức tín dụng khác nhau, dẫn đến thông tin không đầy đủ và có thể bị lợi dụng. Vì vậy, việc thu thập thông tin cá nhân từ quản lý nhà nước như Bộ công an (Cục cảnh sát đăng ký, cục quản lý xã hội,…) có thể góp phần tăng thêm nguồn dữ liệu có giá trị tại CIC. Để tăng cường trao đổi thông tin thì CIC cần chủ động đề xuất Ngân hàng nhà nước liên hệ với các bộ, ban ngành để tham mưu ban hành các công văn về việc phối hợp trao đổi thông tin.
Việc tiếp tục hoàn thiện hoạt động chấm điểm xếp hạng tín dụng thể nhân nói riêng, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tài chính tín dụng nói chung sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng, đảm bảo cho hoạt động dịch vụ thẻ tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững.
Ngoài ra, trong việc xử lý nợ xấu thẻ tín dụng ngân hàng nhà nước chưa đưa ra được những quy định cụ thể. Hiện tại mỗi ngân hàng đều có quy trình, nghiệp vụ xử lý thẻ khác nhau. Ngân hàng nhà nước có thể quy định về việc phối hợp giữa các tổ chức phát hành thẻ cho cùng một khách hàng trong trường hợp chủ thẻ đó phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu thẻ tín dụng để xử lý.